TP.HCM: Hàng chục năm xây dựng giao thông thông minh, vẫn ì ạch
Từ nhiều năm qua, TP.HCM đã hướng đến xây dựng hệ thống giao thông thông minh (GTTM) để quản lý giao thông, cải thiện tình hình đi lại cho người dân. Tuy nhiên đến nay hệ thống GTTM thành phố vẫn ì ạch.
Thí điểm rời rạc
Ngay từ những năm 2000, TP.HCM đã thực hiện nhiều dự án làm tiền đề để xây dựng hệ thống GTTM. Điển hình, năm 2002, thành phố đã đưa vào khai thác dự án xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông (THGT). Tiếp đến năm 2005, thành phố đưa vào khai thác tiểu dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị TP.HCM sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2011, hệ thống giám sát, điều khiền giao thông tuyến đường Võ Văn Kiệt – hầm vượt sông Sài Gòn – đường Mai Chí Thọ được đưa vào khai thác, giúp cơ quan chức năng nhận diện xe vi phạm, phát hiện phương tiện vượt quá tốc độ khi lưu thông.
Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đầu tư mạnh cho hệ thống camera giao thông, bảng điện tử giao thông trên các tuyến đường. Ngoài ra, một số dự án cũng được thí điểm như: ứng dụng đo đếm lượng xe 2 bánh, sử dụng phần mềm mô phỏng phục vụ công tác giao thông đô thị, phát triển giải pháp bản đồ số, xây dựng dữ liệu tập trung, cân tự động.
Hệ thống giám sát giao thông tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, các dự án còn riêng lẻ, chưa có nghiên cứu tổng thể về hiện trạng, định hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, phát triển GTTM. Trong cuộc họp mới đây, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT TP.HCM cho hay, các dự án chủ yếu hoạt động độc lập, phục vụ từng ngành, chưa thống nhất với nhau. Thành phố chưa có trung tâm điều hành giao thông tập trung để kết nối hệ thống điều khiển giao thông toàn thành phố.
Đáng lưu ý, gần 900 chốt đèn THGT thành phố hoạt động bằng thủ công, chỉ khoảng 3% chốt đèn THGT được kết nối về trung tâm. Mạng lưới camera giao thông phân bố chưa toàn diện; các giải pháp phát hiện sự cố tự động, nhận dạng phương tiện vi phạm chưa phổ biến. Việc phát triển các ứng dụng cung cấp thông tin giao thông trên nền tảng internet và thiết bị di động chỉ dừng ở mức thí điểm…
Ưu tiên áp dụng tại “điểm đen”
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay năm 2016, thành phố phê duyệt dự án nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông khu vực trung tâm. Thành phố đang xúc tiến thành lập Trung tâm điều khiển GTTM kết nối các thiết bị ngoại vi; quản lý hệ thống điều khiển giao thông thành phố cũng như cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ công tác xử lý vi phạm, giám sát đảm bảo an ninh trật tự đô thị… Từ nay đến năm 2020, một số dự án giao thông thông minh dự kiến được triển khai, trong đó tập trung vào các tuyến đường, khu vực trọng điểm có giao thông phức tạp.
Video đang HOT
Về điều này, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế cho hay, nghiên cứu dự án thí điểm hệ thống GTTM giải quyết kẹt xe khu vực cảng Cát Lái vừa được hoàn tất. Theo nghiên cứu, tại đây sẽ có 35 camera liên kết với camera giao thông giúp thu thập hình ảnh xe cộ trên đường để thống kê dữ liệu. Dựa vào hình ảnh thực tế có tính chính xác 90%, các chuyên viên Trung tâm đánh giá tình trạng giao thông để điều phối thời lượng đèn tín hiệu, điều tiết dòng xe, giảm ùn tắc.
Ông nói muốn giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực này cần phân luồng giao thông, điều động phương tiện ra vào cảng hợp lý. Do đó có thể sử dụng công nghệ GTTM tích hợp hệ thống camera để điều tiết lưu lượng dòng xe.
Một số dự án GTTM được nghiên cứu thực hiện tại các “điểm đen” giao thông.
Trong khi đó, chuyên gia Lê Dương Lâm cho rằng nghiên cứu thực hiện dự án GTTM khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thông qua phần mềm ứng dụng, hệ thống GTTM sẽ tính toán được không gian chiếm dụng trên các tuyến ra vào sân bay theo thời gian của các loại phương tiện trong khu vực sân bay, biết trước tình hình giao thông khu vực để ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, hệ thống có thể điều chỉnh lộ trình phương tiện, dịch chuyển không gian chiếm dụng từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Đặc biệt hệ thống này sẽ giúp xử lý gián tiếp ùn tắc giao thông ngoài vành đai sân bay 1,5km.
Theo ông Lâm, thành phố nên ưu tiên các giải pháp phần mềm tích hợp công nghệ vừa tiết kiệm chi phí, vừa có tính bền vững, hiệu quả lại cao. “Ứng dụng công nghệ là xu hướng không thể cưỡng trong giai đoạn hiện nay. Ứng dụng công nghệ trong ngành giao thông không những có thể xử lý các điểm nóng giao thông như sân bay, bến cảng mà còn xử lý được toàn bộ giao thông thành phố, làm tiền đề ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau…”.
Đến nay thành phố có 890 chốt đèn THGT; hệ thống camera giám sát giao thông được kết nối điều khiển tại trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn có 551 chiếc; đồng thời có 61 bảng thông tin giao thông hiện đại…
Theo Danviet
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân "đặt hàng" giải pháp giảm ùn tắc cảng Cát Lái
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng sẽ đến lúc mỗi ngày có 20.000 xe ra vào cảng Cát Lái (quận 2). Do đó, trông chờ vào giải pháp công trình để giảm kẹt xe thì sẽ không kịp nên phải có giải pháp điều tiết giao thông thông minh.
Chiều 11/7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đi thị sát tình trạng giao thông khu vực cảng Cát Lái và làm việc với một số đơn vị để tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông khu vực này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với lãnh đạo cảng Cát Lái về tình trạng kết giao thông giữa cảng với khu vực lân cận
Tại cảng Cát Lái, Bí thư TPHCM đi kiểm tra khu vực vòng xoay Mỹ Thủy. Sau đó, ông thăm và làm việc với lãnh đạo cảng Cát Lái về hệ thống giao thông kết nối với khu vực lân cận.
Sau chuyến thị sát, ông Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe phần trình bày của PGS - TS Hồ Thanh Phong (Hiệu trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG TPHCM) và các cộng sự về các giải pháp công nghệ nhằm khắc phục kẹt xe cho khu vực cảng Cát Lái.
PGS - TS Hồ Thanh Phong và cộng sự trình bày giải pháp giao thông thông minh
Theo khảo sát của TS Hồ Thanh Phong, trung bình mỗi ngày có 14.000 container ra vào khu vực cảng Cát Lái, cao điểm lên tới 20.000. Do các tuyến đường xung quanh không đáp ứng đủ yêu cầu nên dẫn tới ùn tắc giao thông thường xuyên.
Theo đó, khu vực cảng Cát Lái kẹt xe ở một số khung giờ như từ 6-10h, 13-15h, 16-18h và 2-4h sáng... Do lượng xe quá nhiều nên các giải pháp hiện tại như phân luồng, điều tiết giao thông... chỉ có tác dụng giảm thiểu tình trạng xấu nhất.
Do đó, TS Hồ Thanh Phong đề xuất ứng dụng giải pháp công nghệ giao thông thông minh cho khu vực này. Cụ thể, giải pháp này dựa vào quan sát thu thập số liệu trên camera, tự động chuyển dữ liệu vào mô hình mô phỏng, thống kê kết quả và đưa ra giải pháp điều khiển tối ưu...
Theo ông Phong, mô hình này đã được áp dụng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và có những kết quả rất khả quan. Dự kiến, ngày 15/7 tới sẽ có kết quả nghiệm thu. TS Phong cũng đề nghị cần có cái nhìn rộng hơn về hệ thống logictis và Trường Đại học quốc tế sẽ nghiên cứu để tìm lời giải.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt hàng ứng dụng giải pháp thông minh giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực cảng Cát Lái
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tình hình giao thông khu vực cảng Cát Lái sẽ đến lúc đông đúc hơn, có thể đạt đến 20.000 xe/ngày. Vì vậy, nếu không có giải pháp điều tiết thông minh mà chỉ trông chờ vào giải pháp công trình thì sẽ không giải quyết kịp.
Bí thư Thành ủy cho rằng việc nâng cao năng lực cho cảng Cát Lái để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, cần sớm ứng dụng giải pháp điều tiết thông minh để giải quyết tình trạng kẹt xe.
Theo ông, việc giám sát và điều tiết thông minh có cơ hội thu thập dữ liệu, phát hiện hành vi của người tham gia giao thông và từ đó đưa ra giải pháp điều tiết tốt hơn. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ xây dựng quy hoạch và giải pháp công trình hợp lý.
Ông Nhân cho rằng nếu ứng dụng giải pháp thông minh sớm thì sẽ tạo tiền đề điều chỉnh quy hoạch giao thông sau năm 2020. Trước mắt, sau khi nghiệm thu mô hình thông minh khu vực đường hầm Thủ Thiêm thì sẽ sớm ký kết dự án thứ 2 để điều tiết cho khu vực cảng Cát Lái.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chỉ giải pháp công trình thì không thể kịp giải quyết ùn tắc giao thông
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải TP đẩy nhanh các giải pháp công trình, đặc biệt là tuyến Vành đai 2 để giảm ùn tắc giao thông cho khu vực cảng Cát Lái.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cần nghiên cứu hình thành một trung tâm điều tiết trung tâm thông minh cho Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để điều tiết giao thông, giảm kẹt xe.
Quốc Anh
Theo Dantri
Thủ tướng yêu cầu xóa ùn tắc xung quanh cảng lớn nhất Việt Nam Đánh giá tình trạng ùn tắc tại khu vực cảng Cát Lái (TP HCM) là nghiêm trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan phải có giải pháp khắc phục. Làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chiều 19/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND TP...