TP.HCM: Giải quyết trong 15 ngày để chấn chỉnh việc ‘ngâm’ hồ sơ
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội chiều 4.4, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm có đề xuất về việc các cấp cơ sở quận, huyện, sở ngành xin ý kiến cấp cao hơn.
Nếu trong vòng 15 ngày các thủ tục hỏi, xin ý kiến mà không được trả lời thì coi như cơ quan được hỏi đã đồng ý.
Sáng 5.4, trao đổi thêm với Dân Việt, ông Trương Văn Lắm cho biết việc đề xuất này Sở Nội vụ đang nghiên cứu chứ chưa ban hành văn bản cụ thể. Mục tiêu của việc này, theo ông Lắm là để chấn chỉnh việc ngâm hồ sơ, thủ tục của các cơ quan, ban ngành khi tiếp nhận ý kiến, thủ tục hồ sơ mà chậm hoặc không trả lời.
TP.HCM đang quyết liệt chấn chỉnh và cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: TL
Tuy nhiên, ông Lắm cũng cho rằng dù thế nào thì đề xuất cũng hướng tới việc giảm thời gian trả lời, xét duyệt các thủ tục, hồ sơ đồng thời chấn chỉnh tình trạng ngâm hồ sơ tại nhiều cơ quan, ban ngành của TP. “Việc thủ tục, hồ sơ bị ngâm nhiều hay ít thì khó mà biết được vì anh em quận huyện, sở, ngành rất ngại nói. Nhưng vấn nạn này là có, và UBND TP.HCM đang quyết liệt chấn chỉnh”, ông Lắm nói.
Tại cuộc họp ngày 4.4, ông Lắm cho biết: “Tình trạng chậm trả lời, không trả lời là điều khó nói của anh em các quận huyện, sở, ngành vì ngại đụng chạm. Lãnh đạo UBND TP biết việc này và chỉ đạo phải chấn chỉnh, đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất trong vòng 15 ngày nếu không trả lời thì coi như cơ quan được hỏi đã đồng ý. Tuy vậy, các nội dung hỏi phải cụ thể, không hỏi chung chung để cơ quan được hỏi có thể giải quyết ngay”.
Video đang HOT
Về các hồ sơ có tính liên thông, ông Lắm cũng cho biết cần quy định thời gian cụ thể với các cơ quan sở, ngành liên quan. Ví dụ, một hồ sơ liên thông quy định trả lời trong 30 ngày thì cơ quan thụ lý hồ sơ phải thực hiện bao nhiêu ngày, quận, huyện, sở, ngành bao nhiêu ngày và ngay cả Văn phòng UBND TP cũng phải cụ thể xem xét bao nhiêu ngày.
Trước đó, tại buổi làm việc với Sở Nội vụ TP.HCM để phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019 vào chiều 14.2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ một câu chuyện thực tế về việc hồ sơ doanh nghiệp bị “ngâm” khiến ông không dám ký.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Tôi từng xấu hổ không dám ký hồ sơ một doanh nghiệp vì bị các sở, ngành bên dưới ngâm 1,5 năm”. Ảnh: H.V
Một doanh nghiệp gửi hồ sơ xin tham gia chương trình kích cầu doanh nghiệp. Trong khi quy định về chuẩn doanh nghiệp được tham gia chương trình này đều có, các sở ngành có thể trả lời ngay cho doanh nghiệp, vậy mà phải mất 1,5 năm, hồ sơ chuyển lòng vòng qua các phòng ban, cuối cùng mới trình lên Chủ tịch UBND TP và tham mưu trả lời không được.
“Tham gia chương trình đã có tiêu chuẩn, nếu không bảo đảm thì trả lời ngay là không nhưng ở đây lại xem qua xem lại mất một năm rưỡi. Tôi không dám ký vì tôi xấu hổ quá! Tôi kể chuyện đó để rút kinh nghiệm, suy nghĩ về trách nhiệm của các sở ngành”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Do đó, ông Phong yêu cầu Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu cho UBND TP quy định cụ thể thời gian giải quyết hồ sơ đề xuất của các doanh nghiệp, người dân. Nếu sau thời gian đó, sở ngành không trả lời coi như đồng ý. Sau này xảy ra vấn đề gì sai sót, sở ngành đó phải chịu trách nhiệm. Làm như vậy để việc giải quyết thủ tục hành chính giữa các sở, ngành được đồng bộ, thống nhất.
“Chúng ta đang kêu gọi đầu tư để phát triển TP. Chúng ta đang thực hiện mục tiêu năm 2019 là năm cải cách hành chính. Vì thế, không thể để tình trạng ngâm hồ sơ, chậm trả lời hoặc không trả lời làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như sự phát triển của TP. Việc này cần chấn chỉnh và làm quyết liệt”, ông Nguyễn Thành Phong hứa tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp FDI mới đây.
Theo Danviet
Chủ tịch TP.HCM: Vẫn chưa phê duyệt ranh giới khu 4,3ha ở Thủ Thiêm
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, thành phố đang chờ ý kiến các bộ ngành, Bộ Xây dựng tham mưu hướng dẫn để tiến tới phê duyệt ranh giới khu vực 4,3ha trong dự án Thủ Thiêm, khi đó mới triển khai các bước tiếp theo.
Chiều 4.4, UBND TP.HCM đã tiến hành sơ kết tình hình kinh tế xã hội quý I.2019.
Phát biểu tại buổi sơ kết, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin về ranh giới khu 4,3ha trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thông tin về ranh khu vực 4,3ha tại Thủ Thiêm. Ảnh: H.V
Theo ông Phong, để tiến tới phê duyệt ranh giới khu 4,3ha, thành phố đã và đang chờ ý kiến từ các bộ ngành liên quan. "Trong đó, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng tham mưu hướng dẫn cho thành phố trong việc xác định ranh khu 4,3ha. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến và các Sở ngành nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng và đang hoàn thiện để thành phố tiến tới phê duyệt khu 4,3ha", ông Phong cho hay.
Cũng theo ông Phong, sau khi phê duyệt ranh giới khu 4,3ha, thành phố sẽ tiến hành các bước tiếp theo. Ngoài ra, các bước triển khai giải quyết các chính sách tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ (Kết luận 1483), thành phố cũng đã và đang hoàn thiện và triển khai trong thời gian sớm nhất.
Ông Lê Văn Lung - một cư dân Thủ Thiêm đang chỉ rõ khu vực 4,3ha trên bản đồ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: H.V
Được biết, Kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 4.9.2018 xác định khu vực 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, TP.HCM nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kể từ đó, TP.HCM loay hoay chưa xác định được ranh cụ thể của khu vực 4,3ha để tiến hành giải quyết các chính sách cho người dân thuộc khu vực này. Ngoài ra, người dân thuộc diện giải toả trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn đang khiếu nại "không chỉ khu 4,3ha mà diện tích thuộc 5 phường, 3 khu phố khác cũng thuộc ngoài ranh quy hoạch". Chính vì những tồn đọng này mà đến nay, việc giải quyết các chính sách tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa xong.
Trước đó, trong một buổi họp báo tháng 2.2019, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, các bước giải quyết chính sách tại Thủ Thiêm sẽ cơ bản giải quyết trong năm 2019.
Theo Danviet
TP.HCM sắp bầu tân Chủ tịch HĐND thành phố Theo một số nguồn tin, ngày 8.4, tại kỳ họp bất thường thứ 13, HĐND TP.HCM sẽ bầu chức danh Chủ tịch HĐND thay bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nghỉ hưu. Ngày 1.4, Thường trực HĐND TP.HCM gửi giấy triệu tập tới các đại biểu HĐND TP.HCM để tổ chức kỳ họp thứ 13, kỳ họp bất thường HĐND TP khoá IX,...