TP.HCM: Đường phố đông đúc, người dân tụ tập giữa những ngày cách ly toàn xã hội
Phớt lờ lệnh cách ly toàn xã hội, nhiều người tại TP.HCM vẫn đi xe ra đường, tập trung nhiều ở địa điểm công cộng.
Theo ghi nhận của PV VTC News chiều 7/4 tại TP.HCM, các tuyến đường trung tâm thành phố vẫn tấp nập người qua lại. Người dân đổ về các địa điểm công cộng vẫn rất đông, dù trước đó (ngày 31/3) Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày (từ 1 đến 15/4) do Covid-19.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ ( Quận 1), số lượng người có mặt khá đông. Mọi người ngồi san sát cạnh nhau ở các ghế công cộng, như thể không có dịch bệnh và chỉ thị cách ly nào diễn ra.
Những người tập trung tại phố Nguyễn Huệ chủ yếu là các cụ già đi thể dục và các bạn trẻ đến nói chuyện.
Xe máy dựng dọc phố đi bộ của những người “bất chấp” lệnh cách ly toàn xã hội.
Trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Quận 2, gần chân cầu Thủ Thiêm), nhiều bạn trẻ tập trung thả diều, bỏ qua những mối nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Tập trung hóng mát, chụp ảnh trên cầu Thủ Thiêm (quận 2).
Video đang HOT
Tại các tuyến đường trung tâm thành phố, lượng người lưu thông vẫn tấp nập.
Một số quán nước bán vẫn “hút khách” giữa mùa dịch Covid-19.
Tình trạng kẹt xe xảy ra giữa thời điểm cách ly toàn xã hội.
Đường phố đông đúc.
Tại cầu Ông Lãnh (Quận 1), mật độ xe lưu thông đông đúc, còi xe inh ỏi.
Quang cảnh đuờng Nguyễn Thái Học (Quận 1).
Theo quan sát chung, lượng người tham gia giao thông không khác những ngày thường.
Đường Mai Chí Thọ (Quận 2) cũng tấp nập như các khu vực trung tâm thành phố.
Chỉ thị 16 yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết; đồng thời thực hiện nghiêm giãn cách tối thiểu 2 m; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Thế nhưng, đến ngày thứ 7 thực hiện Chỉ thị, dường như nhiều người dân đang phớt lờ.
THY HUỆ
Covid-19: Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cân nhắc việc thu phí cách ly
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh VGP).
Chiều nay (7/4), Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 6/4/2020.
Thông báo nêu rõ: Trong những ngày qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần và hiệu quả phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là của lực lượng y tế, quân đội, công an, thông tin và truyền thông; biểu dương các ngành, các cấp, các địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai có kết quả tích cực việc thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020; biểu dương những tấm lòng nhân ái, tấm gương người tốt việc tốt, những hành động chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, quan tâm và hỗ trợ thiết thực cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch...
Tuyệt đối không được chủ quan
Dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải tập trung cao độ nhằm khóa chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch triệt để ở trong nước, tích cực chữa trị cho người bị nhiễm, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Trong giai đoạn từ nay đến ngày 15/4, các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là ngành y tế cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, giữ thế chủ động trong phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau đây:
Bám sát diễn biến tình hình dịch, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ 2 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; nhất là phải truy vết, phát hiện sớm các ca nhiễm, nguồn lây bệnh có thể có từ các ổ dịch Bạch Mai (Thành phố Hà Nội), quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh); tăng cường năng lực và đẩy nhanh việc xét nghiệm, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dự đoán tình hình dịch, tiếp tục hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch bệnh về mọi mặt (nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men...), tích cực hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực, điều phối nguồn lực cho các các cơ sở y tế tại các địa phương, nhất là các vấn đề chuyên môn sâu về điều trị bệnh; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề cần thiết. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ mới về vắc xin, thuốc, phương pháp điều trị mới điều trị Covid-19.
Thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, không để dịch bùng phát ở nước ta. Hết sức chú ý đề phòng, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các nơi thường có tập trung đông người như cơ sở tôn giáo, thờ tự, siêu thị, nơi công cộng... Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Chính quyền địa phương và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về việc để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi mình quản lý.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh phương án về bệnh viện dã chiến và chương trình sản xuất máy thở phòng, chống dịch; Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất máy thở.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thông cơ sở, kể cả mạng xã hội trong việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này, tập trung thông tin, hướng dẫn người dân tích cực thực hiện cách ly toàn xã hội, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình; đồng thời tiếp tục phản ánh công khai, đầy đủ bức tranh toàn cảnh về phòng, chống dịch ở nước ta, nhất là tập trung đưa tin, cổ vũ những hành động, những tấm gương chia sẻ, hỗ trợ vượt khó; lưu ý bảo đảm an toàn cho lực lượng phóng viên tham gia tác nghiệp phòng, chống dịch, không để bị lây nhiễm bệnh.
Rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao có biện pháp thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân trong thời kỳ dịch Covid-19. Trước mắt, tích cực động viên, khuyến cáo người Việt Nam hiện đang ở nước ngoài tiếp tục ở lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và pháp luật nước sở tại.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước; đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể, chặt chẽ. Tất cả cá nhân về nước đều phải được cách ly, giám sát y tế phù hợp.
Đề nghị cán bộ, nhân viên ngoại giao của các nước tại Việt Nam đã về nước tạm thời chưa quay lại Việt Nam trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hiện nay cho đến khi có thông báo mới; chủ trì đề xuất, thực hiện việc viện trợ, hỗ trợ và tăng cường hợp tác quốc tế với các nước về phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát người nước ngoài quá hạn tạm trú tại Việt Nam, tạo điều kiện xuất cảnh về nước đối với những trường hợp có nhu cầu; kiên quyết trục xuất các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tổ chức việc đưa người nước ngoài rời Việt Nam; giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ liên quan nghiên cứu, có ý kiến về vấn đề hợp tác về chuyên môn y tế với các nước như Lào, Trung Quốc, Cu Ba, Nga, Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ và xử lý kịp thời các công việc được giao theo quy định, nhất là việc thông quan hàng hóa.
Các địa phương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.
Cùng với quyết liệt phòng, chống dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chuẩn bị các phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; trước mắt giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, kịp thời chăm lo bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh.
Yêu cầu các ngành, các cấp, các doanh nghiệp tập trung khai thác tối đa các cơ hội trong bối cảnh phòng, chống dịch, tích cực thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lưu ý các ngành công nghiệp, dịch vụ mới gắn với thương mại điện tử, phát triển kinh tế số.
Uống đủ nước, cảm ơn cuộc đời và hàng loạt thói quen giúp dân công sở trở thành "phiên bản" tốt hơn trong mùa dịch Thời điểm nghỉ ở nhà mùa dịch là lúc thích hợp để mỗi dân công sở rèn luyện những thói quen tích cực. Dịch bệnh khiến cuộc sống của tất cả chúng ta thay đổi một cách hoàn toàn. Từ hình thức làm việc trực tiếp, đa phần dân công sở chuyển sang làm việc tại nhà, họp hành cũng được tiến hành...