TP.HCM chỉ đạo kế hoạch về chương trình nhà ở ven kênh rạch
UBND TPHCM vừa chỉ đạo từng sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch, đăng ký nội dung, công trình để thực hiện chương trình nhà ở ven kênh rạch; trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm như rạch Xuyên Tâm, kênh 19/5, Tham Lương – Bến Cát…
TPHCM chỉ đạo các đơn vị cần có phương án giải phóng mặt bằng, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án nạo vét, cải tạo kênh rạch, khơi thông dòng chảy trên địa bàn.
UBND quận, huyện cần tuyên truyền, vận động các hộ dân lưu chứa và giao rác cho đơn vị thu gom đúng thời gian quy định; nhân rộng các mô hình, giải pháp hiệu quả có tính chung cho các địa phương thực hiện; có giải pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa; tăng cường phát huy, duy trì các mô hình, giải pháp đã thực hiện có hiệu quả; ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh rạch; không để tái lấn chiếm và gây ô nhiễm hành lang sông, kênh rạch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng tại địa phương.
Các hộ dân nhà mặt tiền đường, các hộ dân cho thuê mặt bằng kinh doanh ở mặt tiền đường phải có thiết bị lưu chứa rác phát sinh, không xả rác ra đường, miệng cống, hố ga thoát nước; giữ gìn vệ sinh lề đường, vỉa hè trước nhà. Các hộ dân cho thuê nhà trọ, khu lưu trú cần có cam kết giữ gìn vệ sinh, lưu chứa và giao rác cho đơn vị thu gom đúng quy định.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND quận-huyện xử lý các công trình, nhà ở xây dựng lấn chiếm cửa xả, hố ga thoát nước và hệ thống sông kênh rạch trên địa bàn TP; kịp thời xử lý các điểm ngập cục bộ và ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án chống ngập của TP.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá kết quả môi trường hàng năm đối với các sở-ngành và UBND quận-huyện.
Nam Phong
Video đang HOT
Theo Nhịp sống kinh tế
Thêm dự án chống ngập gần 9.000 tỷ đồng ở TP.HCM liên tục đội vốn, chậm tiến độ
Dự án rạch Xuyên Tâm được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2002, tuy nhiên đến nay, dự án này liên tục đội vốn lên đến gần 9.000 tỷ đồng và chưa thể triển khai.
Ngày 24/5, Đoàn giám sát HĐND TP.HCM do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Đức Hải làm trưởng đoàn có buổi giám sát và làm việc với UBND quận Bình Thạnh về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn quận.
Theo đó, tại quận Bình Thạnh hiện có 5 dự án chống ngập. Trong đó có 2 dự án đáng chú ý là nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (phê duyệt từ năm 2002); cải tạo rạch Văn Thánh có tiến độ thực hiện rất chậm.
UBND quận Bình Thạnh cho biết, nguyên nhân đến nay 2 dự án này chậm tiến độ là do chưa lựa chọn được nhà đầu tư, chưa được thông qua chủ trương đầu tư công để ghi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với dự án rạch Xuyên Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho biết, dù ranh giới thực hiện dự án đã được các sở, ngành thống nhất. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư quá lớn khiến dự án chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu đầu tư.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dự án rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 3.764 hộ.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư lên đến 9.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, UBND thành phố chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu tách dự án cũ đã được Thường trực Thành ủy thống nhất.
Được biết, trước đây dự án rạch Xuyên Tâm dự kiến có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là chi phí bồi thường, còn lại là hoạt động xây lắp. Tuy nhiên, theo tính toán lại của quận Bình Thạnh, hiện nay chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án rạch Xuyên Tâm vào khoảng 3.700 tỷ đồng.
"Quận đề xuất thành phố giao cho quận làm chủ đầu tư dự án bồi thường. Nghĩa là tách dự án bồi thường ra khỏi tổng dự án rạch Xuyên Tâm. Khi bồi thường giải tỏa xong, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư sau. Còn nếu để chung cả bồi thường và xây lắp thì tổng mức đầu tư của dự án quá lớn", lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết.
Trước kiến nghị của UBND quận Bình Thạnh, Sở KH&ĐT thành phố cho biết, đơn vị đang nghiên cứu và sẽ báo cáo lại Thường trực Thành ủy thông qua nếu chủ trương khác so với ban đầu.
Tương tự, dự án rạch Văn Thánh dù quy mô nhỏ hơn nhưng rất khó kêu gọi đầu tư do tổng mức đầu tư lớn. Thành phố từng có chủ trương chấp thuận đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhưng vừa qua hình thức BT bị tạm ngưng. Vì vậy, quận Bình Thạnh đề xuất thành phố tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn đang chậm tiến độ.
UBND quận Bình Thạnh kiến nghị thành phố cần có chủ trương, chính sách tháo gỡ để giải quyết các vướng mắc trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia các dự án di dời ven và trên kênh rạch.
Ngoài ra, đối với 2 dự án rạch Xuyên Tâm và Văn Thánh, thành phố cần xem xét ghi vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập đang chậm tiến độ.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Đức Hải, các dự án quận đang triển khai chỉ mới dừng lại ở công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện còn chậm, chưa nói rõ thời gian thực hiện công tác xây lắp.
Ông Hải yêu cầu quận Bình Thạnh nghiên cứu kết nối tổng thể thoát nước của những dự án chống ngập của thành phố, cũng như gắn với quy hoạch đường giao thông; phối hợp với các đơn vị trong công tác chống ngập trên địa bàn quận.
"Quận cần đảm bảo tiến độ bồi thường của các dự án và tạo sự đồng thuận cho người dân. Song song đó, quận Bình Thạnh phải tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về tình trạng xả rác xuống sông, kênh, rạch.
Ngoài ra, địa phương phải chủ động bố trí quỹ nhà đất tái định cư phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án", ông Hải cho biết.
NHẬT LINH
Theo VTC
Đà Nẵng sẽ có Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng dự án Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình, tại khu đất trong khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng với tổng mức đầu tư gần 472 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án được thực hiện từ năm 2018...