TP.HCM cần làm gì khi F0 trong cộng đồng có xu hướng tăng cao?
Các chuyên gia cho rằng TP.HCM tăng cường xét nghiệm tìm F0 là cần thiết song chiến lược này cần thực hiện có trọng tâm, không tổ chức ồ ạt như giai đoạn trước.
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng cao trong những ngày gần đây. Theo lý giải của Sở Y tế TP.HCM, điều này nằm trong chiến lược tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả trường hợp F0.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing , các chuyên gia nhận định điều này cần xem xét điều tra dịch tễ kỹ lưỡng do tăng cường xét nghiệm phát hiện ra hay là giãn cách xã hội chưa nghiêm ngặt.
Vì sao F0 trong cộng đồng ở TP.HCM tăng?
Trao đổi với phóng viên, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thừa nhận việc ca nhiễm trong cộng đồng tăng là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, việc tăng này không phải đột biến, đều nằm trong dự báo.
Theo ông Thượng, một trong số các nguyên nhân khiến F0 trong cộng đồng tăng là TP.HCM đang trong tuần lễ tăng cường xét nghiệm phát hiện sớm F0. Mục tiêu là bóc tách F0 trong cộng đồng, tăng “vùng xanh” và đi đến làm giảm “vùng đỏ”.
“Để kiểm soát tình hình, theo tôi, không còn cách nào khác chúng ta phải tiếp tục thực hiện giãn cách thật nghiêm, chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ, xét nghiệm nhanh, giảm số ca tử vong và đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16, xu hướng F0 tăng là diễn biến đáng lo ngại
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Chia sẻ với Zing , PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, bày tỏ lo ngại trước tình trạng số ca F0 được phát hiện trong cộng đồng tiếp tục tăng tại TP.HCM.
“Cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân khiến F0 có xu hướng tăng tại thành phố, là tăng cường xét nghiệm hay giãn cách xã hội chưa nghiệm. Trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16, xu hướng F0 tăng là diễn biến đáng lo ngại”, PGS Phu nói.
Đồng quan điểm với PGS Trần Đắc Phu, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh chiến lược xét nghiệm tìm F0 tại thành phố cần thực hiện thận trọng hơn, không tập trung nhân lực vào xét nghiệm mà bỏ quên mục tiêu quan trọng nhất là điều trị F0, giảm tử vong.
Nhân viên y tế chuyển một F0 có diễn biến nặng từ nhà đến cơ sở điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
“Số ca F0 trong cộng đồng ngày càng tăng chứng tỏ việc lây nhiễm đã xảy ra âm thầm, không chỉ còn ở trong khu phong tỏa. Thậm chí, số F0 ngoài cộng đồng có thể đã đạt tỷ lệ rất cao. Covid-19 đã ngấm sâu ở TP.HCM, cần xét nghiệm trọng tâm theo vùng”, bác sĩ Khanh nói.
Xét nghiệm tìm F0 một cách có hiệu quả
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, chủ trương xét nghiệm bóc tách F0 trong cộng đồng tại TP.HCM là cần thiết. Song thành phố nên thực hiện kế hoạch xét nghiệm diện rộng thật cụ thể để đảm bảo hiệu quả.
Tại vùng đỏ quan trọng nhất là giảm các số mắc có triệu chứng nặng và tử vong nên việc xét nghiệm phục vụ cho điều trị. Quan trọng nhất là điều trị, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong, bảo vệ đối tượng nguy cơ và phong tỏa chặt hơn nữa, lấy phong tỏa làm cách ly.
Còn tại “vùng xanh”, cần thực hiện xét nghiệm có chỉ định, khoanh vùng, dập dịch triệt để không để dịch xâm nhập và bùng phát.
Một ý kiến khác theo bác sĩ Trương Hữu Khanh là rà soát và xác định tất cả người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, bệnh nền, miễn dịch kém, không đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine…) và bảo vệ họ.
“Mục tiêu hiện nay là tập trung cho hệ thống điều trị. Quan trọng hơn việc xét nghiệm đại trà là tìm ra bao nhiêu đối tượng nguy cơ trong cộng đồng mà chưa bệnh thì cách ly, bảo vệ họ. Sau đó tính đến chuyện loại bỏ F0 ở ngoài cộng đồng. Vì số F0 không thể hết nhanh trong ngày một ngày hai được nhưng khi lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ thì rất nguy hiểm”, bác sĩ Khanh nói.
Covid-19 đã ngấm sâu ở TP.HCM, cần xét nghiệm trọng tâm theo vùng chứ không nên thực hiện diện rộng như trước
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Chuyên gia này cho rằng lực lượng y tế địa phương nên hướng dẫn người dân cách tự lấy mẫu xét nghiệm, không cần tổ chức các đợt xét nghiệm rộng rãi để tránh tập trung đông đúc, vô tình tạo sự lây nhiễm cho người dân trong quá trình lấy mẫu.
Nếu test nhanh dương tính thì xác định là F0, không cần thiết xét nghiệm rRT-PCR thêm. Phương pháp rRT-PCR chỉ cần thực hiện trường hợp cần thiết như đánh giá khả năng bệnh nặng – nhẹ và xuất viện.
“TP.HCM giãn cách xã hội chưa nghiêm”
PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh để hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch trong thời gian sớm nhất, TP.HCM vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm và triệt để. Nguyên tắc của giãn cách xã hội là hạn chế sự tiếp xúc giữa người lành và người mang mầm bệnh, cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Nếu Trung ương và TP.HCM không có biện pháp quyết liệt hơn nữa, thì thảm họa như các nước đã vỡ trận trên thế giới là điều khó tránh
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn
Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội tại TP.HCM trong thời gian qua thực hiện chưa nghiêm. Các hình ảnh trên truyền thông hiện nay cho thấy người dân đi lại rất nhiều.
“Biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, việc tập trung đông đúc rất nguy hiểm và nếu cứ không quyết liệt, tôi nhấn mạnh là quyết liệt trong dập dịch ở vùng đỏ, có biện pháp bảo vệ phù hợp ở vùng xanh, giảm vùng đỏ, vùng da cam, vùng vàng nhanh chóng đưa về vùng xanh. Như thế thì thành phố mới sớm kiểm soát được dịch”, PGS Phu nhấn mạnh.
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nhận định: “TP.HCM giãn cách xã hội chưa nghiêm. Mức độ lây nhiễm trong cộng đồng tại thành phố lại ngày càng nhanh”.
Đường phố TP.HCM đông đúc trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Y Kiện.
Với chủng Delta, một người có thể lây cho 7 người, chu kỳ còn có 2 ngày, trong khi dịch bắt đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc), một người chỉ lây cho hơn 2 người, chu kỳ là 5 ngày. Một người bị nhiễm lây cho cả gia đình, thậm chí một con hẻm, khu phố.
Thực tế đã có rất nhiều khu dân cư tất cả người dân đều bị dương tính từ một nguồn lây ban đầu.
“Với ca nhiễm mới trong khu cách ly phong tỏa thì ta có thể yên tâm, còn ca nhiễm mới ở ngoài cộng đồng thì cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Nếu Trung ương và TP.HCM không có biện pháp quyết liệt hơn nữa, thì thảm họa như các nước đã vỡ trận trên thế giới là điều khó tránh. Tình thế hiện tại không cho phép ta chần chừ mà phải thực sự quyết liệt”, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nói.
Một số bất cập thấy rõ theo bác sĩ Tuấn là người dân vô tư vi phạm Chỉ thị 16 nhưng biện pháp răn đe chưa nghiêm. Thậm chí, những quyết tâm dập dịch thì lại biến thành nguy cơ với người dân như hàng nghìn người ùn tắc khi tiêm vaccine, khi xét nghiệm, khi khai báo… do khâu tổ chức chưa hợp lý.
“Trong tình trạng nghiêm trọng này, tôi cho rằng chỉ có thiết quân luật toàn TP.HCM mới đủ hiệu quả ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. Đó là ‘kháng sinh’ hiệu quả nhất đối với biến chủng Delta này”, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nêu ý kiến.
Người đã tiêm vaccine có thể lây virus ra cộng đồng không?Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người dân vẫn cần kết hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 với nguyên tắc 5K để đảm bảo nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch.
6 công trình ở TP HCM được duy trì thi công
Ngoài công trình phục vụ phòng chống dịch, các dự án Metro Số 1, cầu Thủ Thiêm 2... được tiếp tục thi công khi TP HCM siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Quyết định vừa được Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình chấp thuận sau đề nghị của Sở Xây dựng nhằm duy trì các công trình xây dựng, giao thông trọng điểm, bám sát tiến độ khi thành phố kéo dài giãn cách đến giữa tháng 9. Trước đó từ hôm 22/7 khi siết chặt Chỉ thị 16, TP HCM đã dừng toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh, công trường xây dựng, giao thông chưa thực sự cấp bách.
Công trường thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, hồi giữa tháng 7. Ảnh: Gia Minh
Hiện, cùng với hai dự án Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cầu Thủ Thiêm 2, lãnh đạo thành phố cho phép 4 công trình khác được tiếp tục thi công gồm: cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở 9 lô đất Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); công trình xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10). Các đơn vị liên quan cần hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án này không bị ảnh hưởng tiến độ.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư dự án Metro số 1), trên công trường dự án đang duy trì thi công cả bốn gói thầu chính với 426 kỹ sư, công nhân được huy động. Việc thi công đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Trong đó tại gói thầu đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố (quận 1), hiện áp dụng cả hình thức "3 tại chỗ" và "một cung đường - 2 điểm đến"; gói thầu đoạn trên cao và depot áp dụng "3 tại chỗ". Hiện, toàn tuyến metro đạt hơn 87% tổng khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.
Công trình cầu Thủ Thiêm 2 nối TP Thủ Đức với quận 1, hồi giữa tháng 7. Ảnh: Hạ Giang
Tại dự án cầu Thủ Thiêm 2, nhà đầu tư cho biết trên công trường huy động khoảng 120 kỹ sư, công nhân. Họ làm việc theo ca, được bố trí ăn nghỉ, thi công tại chỗ, đảm bảo các quy định phòng dịch trong thời gian TP HCM thực hiện Chỉ thị 16. Hiện dự án này đạt hơn 70% khối lượng và dự kiến hoàn thành vào quý 2 năm sau.
Tương tự tại các công trình khác, việc duy trì thi công được yêu cầu đảm bảo nghiêm ngặt phòng chống dịch. Ngoài đảm bảo "ba tại chỗ", "một cung đường - 2 điểm đến", các chủ đầu tư cũng phối hợp ngành y tế để được xét nghiệm định kỳ và hỗ trợ phòng dịch.
Tính đến tối qua, TP HCM ghi nhận 156.186 ca nhiễm. Với việc thêm thời gian cách ly xã hội đến ngày 15/9, đô thị hơn 10 triệu dân đã trải qua hơn ba tháng rưỡi giãn cách theo nhiều cấp độ, dài nhất từ trước đến nay.
Hai mẹ con nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn lây, Sơn La giãn cách xã hội huyện Phù Yên Tỉnh Sơn La quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng toàn huyện Phù Yên, sau khi phát hiện hai mẹ con mắc COVID-19 nhưng chưa rõ nguồn lây và có lịch trình di chuyển phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh chủ trì họp trực tuyến với các địa phương về phòng dịch...