TP.HCM: Các bệnh viện siết chặt các biện pháp ngăn ngừa Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, để không bệnh viện nào trở thành ổ dịch, ngành y tế TP.HCM đang tăng cường siết chặt các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 từ “đầu vào”.
Kiểm tra thân nhiệt người đến bệnh viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – NGUYÊN MI
Sàng lọc, khai báo y tế, lối đi riêng
Tiến sĩ – bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), cho biết: Bệnh viện vẫn duy trì việc kiểm soát phòng dịch Covid-19 đối với người ra vào bệnh viện như từ đầu mùa dịch cho đến nay là khai báo y tế, đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.
Đặc biệt, những ngày qua, bệnh viện siết chặt hơn một số quy định trong việc sàng lọc, khai báo y tế để phát hiện, khám cách ly với những người đến hoặc có đi qua địa phương có dịch.
“Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 hiện nay, mục tiêu của ngành y tế TP.HCM là không để một bệnh viện nào bị trở thành ổ dịch”
Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Trong đó, có 3 nhóm được sàng lọc để được cách ly, đi đường riêng và khám khu vực riêng, bao gồm: những người đến, có qua Đà Nẵng về; những người có triệu chứng sốt, ho, suy hô hấp và người từ nước ngoài về. Những người có yếu tố nguy cơ này sẽ được hướng dẫn đi lối riêng, khám cách ly và có thể chỉ định xét nghiệm Covid-19.
Đồng thời, Bệnh viện Ung bướu cũng thông báo trước cổng và trên website bệnh viện về quy trình tiếp nhận, khám đối với bệnh nhân từ Đà Nẵng vào; khuyên bệnh nhân nên khám, theo dõi tại bệnh viện có khoa ung bướu tại địa phương.
Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 3.8: Thêm một ca mắc mới ở Quảng Ngãi
Ghi nhận tại Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM), ngay cổng bệnh viện cũng đã được trang bị máy đo thân nhiệt từ xa. Mọi người đến bệnh viện đều phải khai báo y tế và đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn và đo thân nhiệt.
Bệnh viện Quận 2 đã chia ra hai cửa ra vào, một cổng đi vào dành riêng cho nhân viên y tế; một cổng đi vào dành riêng cho bệnh nhân đến khám, điều trị. Những bệnh nhân đi đến từ khu vực đã ghi nhận ca bệnh hoặc có các triệu chứng nghi ngờ sẽ được đi lối riêng vào phòng sàng lọc khám cách ly.
Hiện nay, tại tất cả các bệnh viện ở TP.HCM, tất cả bác sĩ khám sàng lọc đều phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19.
Khám cách ly
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết: Để phòng dịch Covid-19, bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp sàng lọc, giám sát y tế. Tất cả người đến bệnh viện đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, rửa tay.
Khai báo y tế tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố – BVCC
Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã lắp đặt các máy đo thân nhiệt từ xa, máy rửa tay tự động cảm ứng để hạn chế tiếp xúc.
Mặt khác, bệnh viện cũng phân luồng lối đi và thực hiện giãn cách an toàn.
“Những trường hợp khai báo y tế ngay cổng bệnh viện mà có yếu tố dịch tễ nguy cơ Covid-19 hoặc có triệu chứng sốt, ho, suy hô hấp nhanh,… đều được đi lối riêng, khám cách ly tại phòng khám riêng ở Khoa Nhiễm và được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19″, bác sĩ Nam nói.
Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Khoa Nhiễm được nằm tách biệt ở một tòa riêng, khu vực riêng biệt, cách xa tòa nhà chính với các khoa phòng khác của bệnh viện.
TP.HCM có thể xét nghiệm được bao nhiêu mẫu Covid-19 mỗi ngày?
Tương tự, Bệnh viện Ung bướu cũng đã sắp xếp phòng cách ly cho những bệnh nhân tới khám, phải nằm viện mà có yếu tố nguy cơ bệnh Covid-19.
“Qua khai báo y tế, sàng lọc, nếu bệnh nhân từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhân viên bệnh viện sẽ báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để đưa bệnh nhân đi cách ly, xét nghiệm Covid-19. Với bệnh nhân từ Đà Nẵng về (không ở ngay những địa điểm có ca bệnh) mà có triệu chứng ho, sốt, khó thở, suy hô hấp thì bác sĩ Bệnh viện Ung bướu sẽ hội chẩn ngay với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để chuyển bệnh nhân sang đây. Với những bệnh nhân từ Đà Nẵng mà không có triệu chứng kể trên thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, đồng thời thông báo cho HCDC biết thông tin để cách ly tại nhà và được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng cần phải nhập viện, bệnh nhân sẽ được đưa đến điều trị tại phòng cách ly của bệnh viện”, bác sĩ Tuấn giải thích.
Thực hiện giãn cách tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố – BVCC
Không thăm bệnh, hạn chế người nuôi bệnh
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã ra thông báo mỗi người bệnh chỉ đăng ký một người nuôi bệnh trong thời gian điều trị. Người nuôi bệnh phải đeo thẻ nuôi bệnh trong suốt quá trình chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Đồng thời, người nuôi bệnh phải tuân thủ thực hiện: đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; mang vòng đeo tay (người nuôi bệnh) và không đi lại giữa các phòng bệnh, khu vực khác khi không cần thiết.
Đối với các khoa: Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Đơn vị Hồi sức Ngoại Thần kinh, Phẫu thuật tim mạch và phòng bệnh nặng của các khoa Hô hấp, Tim mạch can thiệp, Nội Thần kinh thì người nuôi bệnh chỉ đến nghe bác sĩ giải thích tình trạng bệnh của bệnh nhân trong từng khung giờ quy định cụ thể.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Quận 2,… và nhiều bệnh viện khác tại TP.HCM cũng đã không cho thăm bệnh và chỉ duy trì 1 người nuôi bệnh đối với 1 một bệnh nhân. Thân nhân nuôi bệnh cũng được giám sát, theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay.
Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 hiện nay, mục tiêu của ngành y tế TP.HCM là không để một bệnh viện nào bị trở thành ổ dịch.
Bản tin Covid-19 ngày 2.8: Một ngày 34 ca mới, nỗi lo từ những ca bệnh không triệu chứng
Là nguồn lây COVID-19, vì sao dơi không nhiễm bệnh?
Dơi thường được coi là nguồn lây nhiễm của nhiều loại bệnh truyền nhiễm chết người, như Ebola, bệnh dại và gần đây nhất là chủng virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19. Nhưng chúng lại có khả năng miễn dịch kỳ diệu với các mầm bệnh.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Rochester (New York, Mỹ), bí mật của loài dơi có thể xuất phát từ khả năng kiểm soát tình trạng viêm sưng, vốn là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tật và lão hóa.
Nhóm nghiên cứu, bao gồm 3 nhà khoa học Vera Gorbunova, Andrei Seluanov và Brian Kenedy đã phác thảo các cơ chế miễn dịch dựa trên khả năng độc đáo của loài dơi và cách các cơ chế này có thể giúp tìm ra phương pháp điều trị cho các căn bệnh truyền nhiễm mới.
Cả 3 đã có ý tưởng nghiên cứu về khả năng miễn dịch cũng như tuổi thọ của loài dơi khi phải cách ly tại Singapore hồi tháng 3 năm nay do dịch COVID-19.
"Với COVID-19, tình trạng viêm trở nên tồi tệ và phản ứng viêm mới là nguyên nhân gây tử vong ở người, chứ không phải virus" - giáo sư Gorbunova chỉ ra. "Hệ thống miễn dịch của con người hoạt động như sau: một khi chúng ta bị nhiễm bệnh, cơ thể chúng ta sẽ bị sốt và viêm nhằm mục đích tiêu diệt virus và chống nhiễm trùng, nhưng chính cơ chế này cũng có thể là con dao hai lưỡi".
Không giống con người, dơi đã phát triển các cơ chế cụ thể làm giảm sự nhân lên của virus và cũng như làm giảm phản ứng miễn dịch đối với virus. Kết quả là hệ thống miễn dịch của chúng kiểm soát virus và đồng thời không tạo ra phản ứng viêm mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, có một số yếu tố có thể góp phần khiến dơi tiến hóa để chống lại virus và sống thọ. Yếu tố hàng đầu bắt nguồn từ khả năng bay của chúng.
Dơi là loài động vật có vú duy nhất có khả năng bay, đòi hỏi chúng phải thích nghi với sự gia tăng nhanh chóng của nhiệt độ cơ thể trong quá trình trao đổi chất và tổn thương phân tử. Chính điều này cũng có thể hỗ trợ loài dơi kháng bệnh.
Một yếu tố khác có thể là môi trường sống của chúng. Nhiều loài dơi sống trong hang động và hốc cây, nơi đầy rẫy các loại vi khuẩn và mầm bệnh.
"Dơi liên tục tiếp xúc với virus", ông Seluanov nói. "Chúng luôn bay ra ngoài và mang về các mầm bệnh khác nhau rồi lây lan cho cả đàn".
Do liên tục tiếp xúc với virus, hệ thống miễn dịch của dơi luôn trong tư thế "chạy đua vũ trang" với mầm bệnh: khi virus xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phát triển cơ chế chống lại virus.
"Việc phải liên tục đối phó với tất cả các loại virus từ bên ngoài có thể hình thành khả năng miễn dịch và tăng tuổi thọ của dơi", bà Gorbunova chỉ ra.
Liệu con người có thể phát triển hệ miễn dịch tương tự như loài dơi hay không? Câu trả lời hiện tại là không, bởi quá trình tiến hóa phải diễn ra trong vòng hàng nghìn năm, thay vì vài tháng.
Chỉ trong vài thế kỷ gần đây, phần lớn dân số loài người mới bắt đầu sống gần nhau trong các đô thị. Mặc dù con người có thể đang phát triển các thói quen xã hội song song với loài dơi, nhưng chúng ta vẫn chưa phát triển các cơ chế tinh vi của loài dơi để chống lại virus một khi dịch bệnh bùng phát.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng sự lão hóa dường như đóng một vai trò bất lợi trong phản ứng của con người đối với COVID-19.
"COVID-19 có cơ chế phát triển khác nhau ở mỗi lứa tuổi", giáo sư Gorbunova nói. "Tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sống chết."
Nhóm chuyên gia dự đoán rằng việc nghiên cứu hệ thống miễn dịch của loài dơi sẽ cung cấp các mục tiêu mới cho nhân loại để chống lại bệnh tật và lão hóa. "Con người có hai chiến lược khả thi nếu chúng ta muốn ngăn ngừa triệu chứng viêm nhiễm, sống lâu hơn và tránh những ảnh hưởng chết người của các loại dịch bệnh như COVID-19," Gorbunova nói. "Một là sẽ không tiếp xúc với bất kỳ loại virus nào, nhưng điều đó không thực tế. Thứ hai là điều chỉnh hệ thống miễn dịch giống như loài dơi."
Những cảnh lơ là trong việc phòng chống dịch Covid-19 tại các trung tâm thương mại Nhiều ngày trở lại đây, các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, trung tâm điện máy... trên địa bàn TP Hà Nội đang lơ là trong việc phòng chống dịch như không kiểm tra thân nhiệt khách hàng, tại các điểm đầu cổng đều có những chai nước sát khuẩn nhưng không có người hướng dẫn nên rất hiếm khi thấy khách...