TP Hồ Chí Minh với dấu ấn tiên phong phát triển kinh tế – Bài cuối: Vượt qua các trở lực
TP Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới để đưa kinh tế thành phố phát triển bền vững và tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Mặc dù TP Hồ Chí Minh luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, song từ thực tiễn phát triển của thành phố trong những năm qua cho thấy, đã xuất hiện nhiều trở lực khiến tốc độ tăng kinh tế chậm lại, thậm chí nhiều lĩnh vực giảm sút so với trước đây. Trước thực trạng đó, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới để đưa kinh tế thành phố phát triển bền vững và tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Không ít trở lực
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nguồn vốn, giao dịch, hàng hóa, tài chính… sẽ được vận dụng tối ưu nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Tốc độ tăng trưởng của Tp. Hồ Chí Minh so với cả nước đang giảm. Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố bằng khoảng 1,6 lần cả nước, nhưng 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có chiều hướng chậm lại, với cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh nhận định là trong 20 năm qua tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm.
Cụ thể, từ tỷ lệ ngân sách Tp. Hồ Chí Minh được giữ lại là 33% (năm 2000) đã giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020). Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng để lại từ 100% còn 78%. “Việc làm giảm nguồn lực từ ngân sách là một lý do khách quan hạn chế sự vượt trội của Tp. Hồ Chí Minh”, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Ngoài nguyên nhân trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần rà soát lại những yếu tố chưa đột phá, chưa được phát huy hết trong thời gian qua, như ứng dụng khoa học công nghệ. Về liên kết vùng để thúc đẩy phát triển, gần đây Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến, như hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh miền Tây, 5 tỉnh Đông Nam bộ; ký kết với tỉnh Tây Ninh đầu tư tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài… Tuy nhiên, nhìn lại 5 năm qua chưa có đột phá.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế hiện nay trong phát triển kinh tế thành phố. Đó là, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn; liên kết doanh nghiệp, khoa học, đào tạo và nhà nước hiệu quả chưa cao, nên đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm; chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng giao thông nên chưa tạo được sự dẫn dắt phát triển các ngành kinh tế và tạo đột phá về thu hút đầu tư. Sự tụt hậu về hạ tầng là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế.
Đi vào cụ thể, hiện công nghiệp, dịch vụ đóng góp hơn 99% trong cơ cấu kinh tế, nhưng quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ hiện chỉ chiếm gần 5% quỹ đất toàn thành phố, tức khoảng 10.000 ha. Điều này, theo Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân là bất hợp lý.
Cuối năm 2017, Đảng bộ thành phố ra Nghị quyết năm 2018 phải có một khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Nếu Thành phố dành quỹ đất tốt hơn cho công nghiệp, dịch vụ thì có thể đón thêm các nhà đầu tư lớn.
Cùng với đó, hạ tầng thành phố những năm qua dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như tốc độ phát triển chung. Theo kết quả giám sát của HĐND Tp. Hồ Chí Minh về tiến độ và hiệu quả đầu tư các công trình giao thông trọng điểm mới đây, trong tổng số 172 dự án giai đoạn 2016 – 2020, thành phố mới hoàn thành 37 dự án (tỷ lệ 21,51%); chưa thực hiện 70 dự án (chiếm 40,7%); đang dừng thi công 65 dự án.
Riêng giai đoạn 2018 – 2020, hoàn thành 14/85 dự án theo kế hoạch. Điều này xuất phát từ nguồn lực hạn chế, như giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn ngân sách thành phố đã bố trí cho 120 dự án với số vốn là 12.4822 tỷ đồng (đạt 27%); nguồn vốn ngoài ngân sách được kỳ vọng rất lớn nhưng thực tế phần vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 13/40 dự án triển khai, ước đạt được khoảng 16.996 tỷ đồng (chỉ đạt 13% so với nhu cầu).
Video đang HOT
Từ thực tế này, tại buổi làm việc, góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý về mô hình phát triển của thành phố thời gian tới, nếu thành phố đi theo mô hình cũ, cả thể chế, mô hình phát triển thì khó có thể phát triển. Không đổi mới cách làm, không tăng năng suất lao động cần thiết, thì một số thành phố khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương có thể vượt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân của Tp. Hồ Chí Minh.
Chủ động đổi mới, sáng tạo, tiên phong
Trước những trở lực đã được nhận diện, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động, kiên trì nghiên cứu, đề xuất với Trung ương để xem xét, quyết định, cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh, phát huy nội lực để đưa kinh tế thành phố phát triển.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ, ban ngành Trung ương, Tp. Hồ Chí Minh đã đưa 4 chuyên đề để tạo động lực phát triển cho thành phố gồm: hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, kiến nghị thành lập thành phố Thủ Đức – đây là hạt nhân phát triển kinh tế của thành phố; thực hiện chính quyền đô thị; đề xuất chủ trương phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Với vai trò là trung tâm, đầu tầu kinh tế của cả nước, có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thành phố cân nhắc mục tiêu phấn đấu sớm trở thành thành phố công nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính có tầm khu vực và toàn cầu. Thành phố đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, cần nâng tỷ lệ ngân sách cho nghiên cứu và phát triển lên 5-7% tổng chi ngân sách hoặc 2% GRDP của thành phố trong 5 năm tới.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là trung tâm của vùng, Tp. Hồ Chí Minh cũng nên dành ít nhất 5% nguồn lực, ngân sách, vốn tín dụng, đất đai để cùng các địa phương cùng vùng kinh tế trọng điểm giải bài toán phát triển vùng. Tp. Hồ Chí Minh cần nhấn mạnh đến rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố gắn với vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập trong quy hoạch hiện nay.
Trong các buổi làm việc với lãnh đạo thành phố gần đây, Thủ tướng cũng đề nghị Tp. Hồ Chí Minh phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm, bởi theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của thành phố. Ngoài ra, thành phố xác định hướng đi chính là công nghiệp công nghệ cao; đón bắt, tận dụng tốt cơ hội chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn, chuỗi giá trị toàn cầu đến khu vực Đông Nam Á; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ sắp tới, Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng và thực hiện 4 chương trình phát triển thành phố; trong đó có 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm với 47 chương trình, đề án cụ thể. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, kinh tế số để xứng tầm thành phố thông minh, đi đầu về ứng dụng công nghệ 4.0.
Với những chủ trương, định hướng rõ ràng, Tp. Hồ Chí Minh xác định sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Trong đó, Đảng bộ và nhân dân thành phố sẽ nỗ lực để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Đây là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, Tp. Hồ Chí Minh cũng xác định việc tăng cường liên kết vùng, đảm bảo Tp. Hồ Chí Minh vừa đóng vai trò trung tâm, vừa phát triển bền vững, hài hòa, tạo động lực cho chính bản thân thành phố cũng như khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ.
Song song đó, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu là mục tiêu của sự phát triển, đồng thời phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số với hệ thống thông tin di động 5G…
Với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo vốn có của mình, Tp. Hồ Chí Minh đang từng bước tháo gỡ, vượt qua các trở lực để tiến lên một cách vững chắc, khẳng định vị thế đầu tàu của khu vực cũng như cả nước trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
TP Hồ Chí Minh với dấu ấn tiên phong phát triển kinh tế - Bài 3: 'Địa chỉ đỏ' về không gian sáng tạo đổi mới
Với mục tiêu hướng đến phát triển thành phố thành đô thị thông minh cũng như tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhất cả nước.
Các chủ trương, chính sách đã giúp TP Hồ Chí Minh khẳng định vị thế và là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Cộng đồng khởi nghiệp
Khách tham quan nơi trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 (WHISE 2019). Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Trong thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm thúc đẩy việc xây dựng nền tảng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là địa phương luôn tiên phong với việc ban hành nhiều chính sách đột phá và các hoạt động đa dạng trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Một trong những "đột phá" trong triển khai chính sách được thành phố xây dựng là hình thành không gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub - Sihub) với diện tích 2.000 m2. Không gian này đủ điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, đánh dấu sự tham gia của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Sihub, đây là sáng kiến triển khai mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực, kết nối cộng đồng, nhờ đó hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ. Các sự kiện được tổ chức tại Sihub rất đa dạng, có sự liên kết, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế và các sự kiện này được diễn ra thường xuyên và liên tục.
Sự hỗ trợ một phần của thành phố thông qua Sihub đã giúp thu hút đông đảo các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tham gia, đặc biệt, phần lớn các sự kiện tại Sihub đều do cộng đồng thực hiện. Thông qua đó, thành phố kịp thời nắm bắt được những nhu cầu của cộng đồng, kịp thời xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển.
Hiện Sihub đã kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Mô hình đặt tại Sihub với 3 trụ cột là Studio Lab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online...); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm).
Từ các hoạt động đó, thành phố đã thiết lập nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức khoa học công nghệ... Qua đó đã giúp các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện qua việc số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm tỷ lệ 36,4%.
Dẫn đầu về khởi nghiệp
Năm 2016, nắm bắt xu thế hoạt động khởi nghiệp, UBND Tp. Hồ Chí Minh có Quyết định số 4181/QĐ-UBND về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 5342/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, từ chủ trương trên, Sở đã triển khai Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố (Speedup), đến nay đã tuyển chọn hỗ trợ cho 40 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 25,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ các quỹ đầu tư là 10,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã hỗ trợ kinh phí tổ chức trên 60 sự kiện thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp với tổng kinh phí thực hiện khoảng 62 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 30%.
Các chuyên gia khởi nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ, đưa startup Việt ra thế giới tại một hội thảo được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Tiến Lực/TTXVN
Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần với định giá tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với định giá trước khi nhận được hỗ trợ. Nổi bật là Dự án Teamup được một quỹ đầu tư mua lại với định giá là 15 tỷ đồng; dự án SchoolBus đã gọi vốn thành công cho giai đoạn tiếp theo là 1,8 tỷ đồng; dự án 689 Cloud đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư thiên thần cho giai đoạn tiếp theo với số vốn 100.000 USD...
Vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup Việt giai đoạn 2015 - 2018 tăng từ 140 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng hàng đầu, quy mô thì từ vị trí thứ 6 (năm 2015) đã vươn lên vị trí thứ 3 (năm 2019) trong khu vực.
Sự "bùng nổ" về phong trào khởi nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh giúp số lượng startup của Việt Nam tăng từ 400 startup năm 2012 lên gần 1.800 startup vào năm 2015, đạt 3.000 startup năm 2017 và năm 2019 ước đạt 3.800 startup; trong đó, gần 50% là số lượng startup tại Tp. Hồ Chí Minh.
Không chỉ mô hình Sihub, thành phố đã đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Trong số này, nổi bật là Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, mỗi năm tiếp cận với hơn 90 dự án khởi nghiệp và đưa vào ươm tạo mới khoảng 10 dự án; đã hỗ trợ cho hơn 29/63 dự án thương mại hóa sản phẩm thành công. Tổng doanh thu của các dự án đang ươm tạo năm 2017 đạt trên 5 tỷ đồng và năm 2018 đạt trên 9 tỷ đồng.
Từ vị thế dẫn đầu trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái tại các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng. Thành phố đã hỗ trợ huấn luyện, tư vấn cho các tỉnh như: Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Phú Yên, Bình Định, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... hình thành các không gian, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ hình thành mạng lưới kết nối với gần 30 tỉnh thành trên cả nước trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái.
Hiện trên 97% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn lực còn yếu, việc đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất hạn chế.
Bên cạnh đó, các trường đại học đầu tư phần lớn nguồn lực cho hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm cũng hạn chế; hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa gắn với thị trường. Thực tế này đòi hỏi thành phố phải đẩy mạnh hơn hoạt động đổi mới sáng tạo, hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Khắc Thanh cho biết, hiện Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đang hoàn thiện Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng của thành phố phát triển ngang tầm khu vực. Đây là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP hàng năm từ 40% trở lên.
Theo đó, thành phố sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm như phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm và thị trường; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công...
Đây là hệ thống các nhiệm vụ hỗ trợ sự gắn kết bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp, trường - viện, nhà nước, tổ chức hỗ trợ, tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Những nỗ lực và chủ trương, chính sách này nhằm tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
TP Hồ Chí Minh với dấu ấn tiên phong phát triển kinh tế - Bài 2: Nhiều mô hình phát triển mới Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, TP Hồ Chí Minh không chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có để phát triển mà còn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, triển khai các mô hình phát triển mới theo xu hướng chung của thế giới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ...