TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp hỗ trợ người nghèo, lao động khó khăn
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết vừa đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố về việc hỗ trợ lao động tự do (đợt 2) và hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp trao quà cho công nhân lao động trong khu trọ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Theo đó, các trường hợp là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Dự kiến đợt 2 này có 334.192 người được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 501 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, thành phố Thủ Đức có số lượng đông nhất với 35.627 trường hợp, ít nhất là huyện Nhà Bè 4.103 người.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ 90.585 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 170.000 lao động nghèo sống trong nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu vực lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn do dịch COVID-19. Mỗi trường hợp sẽ được hỗ trợ trực tiếp một triệu đồng, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách thành phố. Tương tự, thành phố Thủ Đức có số lượng đông nhất với 34.302 trường hợp, ít nhất là Quận 5 có 3.197 người.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố, thực tế nhiều lao động nghèo đang sinh sống ở các khu vực nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa, hộ nghèo, cận nghèo đều không có việc làm, không có tích lũy trước đó nên rất khó khăn. Đây là những trường hợp cấp thiết, không thể chậm trễ nên đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí trong dự toán để hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xác định đối tượng cụ thể để hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn vận động của các địa phương.
Để việc hỗ trợ các trường hợp trên được nhanh chóng, ông Tấn kiến nghị Thành phố sớm chấp thuận đề xuất của Sở tiếp tục hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch COVID-19 (đợt 2); giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm rà soát, xác định số lao động thuộc đối tượng thu hưởng trên địa bàn quản lý và trực tiếp đến hỗ trợ.
Ông Lê Minh Tấn cũng gợi ý, ngoài nguồn kinh phí TP Hồ Chí Minh giao, đối với các trường hợp khó khăn hoặc nhân khẩu đông hơn, chính quyền địa phương chủ động sử dụng nguồn vận động để hỗ trợ thêm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ từ nguồn Quỹ vận động COVID-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố quản lý…
Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành gói hỗ trợ hơn 880 tỷ đồng theo Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
* Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến một bộ phân không nhỏ đoàn viên công đoàn. Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đã huy động các nguồn lực, vận động quyên góp cùng nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực khác nhằm giúp công nhân lao động nghèo giảm bớt khó khăn.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Hoàng Khắc Tinh cho biết, trước mắt đơn vị đã xét và chi hỗ trợ đoàn viên, công nhân viên chức lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 2006/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho 2.481 trường hợp với tổng kinh phí lên đến 2,013 tỷ đồng. Công tác vận động quyên góp do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động trong toàn hệ thống công đoàn nhằm tạo nguồn kinh phí ủng hộ đoàn viên, công nhân viên chức lao động nghèo, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, giúp đỡ nhân dân trong các khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn tỉnh, cũng đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các cấp, ngành, các mạnh thường quân và nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh.
Kết quả, hơn một tháng qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đã nhận được số tiền, quà, vật tư và hàng hóa thiết yếu trị giá gần 1,8 tỷ đồng, thiết thực hỗ trợ đoàn viên nghèo, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các hộ nghèo trong các khu phong tỏa, cách ly…
Video đang HOT
Với khẩu hiệu “San sẻ yêu thương – vượt qua đại dịch”, “Gian hàng 0 đồng” do Liên đoàn Lao động các huyện Châu Thành, Gò Công Tây phối hợp cùng các đoàn thể tại địa phương tổ chức đã cung cấp những thực phẩm thiết yếu như gạo, nước tương, nước mắm, mì ăn liền, khoai lang, rau, củ, quả… cho công đoàn viên, người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành Trương Thanh Hòa cho biết, đơn vị đã vận động được 2.000 phần quà nhằm tổ chức các “Gian hàng 0 đồng” với mục đích trao tặng thực phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó khăn tại các xã Song Thuận, Vĩnh Kim, Điềm Hy và thị trấn Tân Hiệp; thăm, trao quà hỗ trợ người dân ở 4 khu vực phong tỏa trên địa bàn các xã Tân Lý Tây, Tam Hiệp, Hữu Đạo và Vĩnh Kim.
Liên đoàn Lao động huyện Gò Công Tây phối hợp với các đoàn thể trong huyện vận động quyên góp tiền, quà, tổng trị giá 270 triệu đồng để tổ chức “Gian hàng 0 đồng”; tổ chức thăm viếng, tặng quà 40 hộ dân nghèo trong các khu vực cách ly.
* Đến 17 giờ ngày 3/8, Đồng Tháp đã phê duyệt và chi hỗ trợ 20.612 lao động tự do với tổng số tiền trên 30,9 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận 3 doanh nghiệp, với 679 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất gần 2,9 tỷ đồng.
Đội hình “shipper áo xanh” phường 11, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) giúp nông dân trên địa bàn tiêu thụ nông sản (dưa leo). Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Các huyện, thành phố đang tiếp nhận, thẩm định 131 hồ sơ của doanh nghiệp để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ theo chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chính sách hỗ trợ ngừng việc cho người lao động. Đối với các chính sách hỗ trợ còn lại (hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ người bán vé số dạo,…. tỷ lệ đối tượng đã được hỗ trợ rất cao), các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để chi hỗ trợ cho các đối tượng còn lại theo quy định.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể đã kịp thời thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19 như đường dây nóng 1022, đường dây nóng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; đường dây nóng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh…
Các huyện Tháp Mười, Hồng Ngự, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành… trong ngày 3/8 cũng đã hỗ trợ hơn 16.300 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tổng số 13.250 phần quà, 9.780 suất ăn miễn phí và nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế khác với tổng trị giá trên 3,3 tỷ đồng.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 15/8 để phòng, chống dịch COVID-19. Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đến người nghèo, người khó khăn, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ nhân dân tự quản tiếp tục rà soát và kịp thời thông tin những trường hợp khó khăn để có hỗ trợ ngay. Tỉnh tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào ở trên địa bàn không có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và công nhân lao động
Ngày 26/1, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức chương trình Tết sum vầy kết nối yêu thương tại Khu Công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng.
Ông Hoàng Đình Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng tặng quà cho người lao động tại Khu Công nghiệp Đồ Sơn. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Bà Đinh Thị Thúy Hà, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, đây là hoạt động chăm lo thiết thực đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng. Đây là nơi làm việc của gần 160.000 lao động trong và ngoài nước, trong đó có trên 50.000 lao động là người ngoại tỉnh, trên 5.000 lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Hoàng Đình Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng là đơn vị có nhiều đoàn viên nhất của Liên đoàn Lao động thành phố. Người lao động trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng, nhất là tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Liên đoàn Lao động Hải Phòng sẽ trợ cấp, tặng quà, hỗ trợ vé xe, chuyến xe cho trên 10.000 công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn và ở tỉnh xa về quê. Ngoài ra, UBND Hải Phòng hỗ trợ 3 tỷ đồng để trao 3.000 suất quà, 1.000 suất trợ cấp và 50 chuyến xe tặng công nhân lao động tỉnh xa về quê đón Tết cùng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác.
Ông Hoàng Đình Long đề nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động để mọi người bớt đi những lo âu trong cuộc sống, tập trung sức lực, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.
Các công đoàn cơ sở trực thuộc tiếp tục phối hợp tổ chức tốt hoạt động chăm lo đời sống công nhân lao động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để phản ánh tới các cấp công đoàn phối hợp giải quyết, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động; đề nghị người lao động sau thời gian vui Xuân đón Tết bên gia đình, quay trở lại làm việc hăng say, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần để các doanh nghiệp ngày càng ổn định, phát triển.
Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng là nơi bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho 125.291 đoàn viên. Các đoàn viên này đang làm việc cho các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước nằm trong Khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng.
* Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh Đắk Lắk dành hơn 42,6 tỷ đồng để chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người lao động và các cơ quan, đơn vị.
Theo đó, tỉnh dành tặng mức quà 300.000 đồng/người cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ hưu trí, khối lực lượng vũ trang, người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người mù, trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức quà 400.000 đồng/người dành tặng người có công với cách mạng, thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng, gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình cán bộ lão thành cách mạng, gia đình cán bộ tiền khởi nghĩa, gia đình quân nhân đang công tác tại đảo Trường Sa, gia đình quân nhân đang công tác tại đội K (Campuchia) và già làng, trưởng buôn, trưởng thôn tiêu biểu nhận phần quà 500.000 đồng/suất.
Tỉnh cũng dành suất quà trị giá 1,3 triệu đồng/người để tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống, đang hưởng trợ cấp hàng tháng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hiện còn sống, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 1/4, bệnh binh 1/3, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk tặng quà cho 400 cơ quan, đơn vị với mức từ 2,5 - 6,5 triệu đồng.
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 7 đoàn do lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn đi thăm, tặng quà các cá nhân, đơn vị tiêu biểu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời gian dự kiến từ ngày 19/1 - 10/2. Các cá nhân, tập thể, đơn vị còn lại được UBND tỉnh ủy quyền cho Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã thành phố tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng cho biết, trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Đắk Lắk vẫn chú trọng thực hiện và đảm bảo các đối tượng chính sách được hưởng chế độ đúng quy định; đặc biệt là chú trọng chăm lo Tết cho các cá nhân, đơn vị. Ngoài số tiền hơn 42,6 tỷ đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh còn trích ngân sách tỉnh gần 8,5 tỷ đồng để trao quà Tết tặng đối tượng, gia đình chính sách tiêu biểu, đơn vị tiêu biểu. Ngoài ra, tỉnh còn trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để trao quà tặng mỗi đối tượng chính sách tiêu biểu 2 triệu đồng/người.
Dịp này, Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cơ quan thường trực phía Nam tặng 20 suất học bổng (1 triệu đồng/suất), 100 suất quà Tết cho trẻ em nghèo hiếu học xã Ea Trul, huyện Krông Bông; hỗ trợ tiền mặt để chăm lo Tết và tặng áo ấm, nhu yếu phẩm cho trẻ em đang được nuôi dưỡng ở chùa Bửu Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột), Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk. Tổng kinh phí thực hiện hơn 74 triệu đồng.
Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Quỹ Hiểu về trái tim Việt Nam trao 1.000 suất quà Tết (300.000 đồng/suất) tặng 1.000 trẻ em vùng lũ của huyện M'Đrắk và huyện Krông Ana; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk trao 30 suất quà (400.000 đồng/suất) tặng trẻ em ở Mái ấm 1/6 và trẻ được hỗ trợ mổ tim năm 2021 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
* Ngày 26/1, tại xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La tổ chức chợ nhân đạo "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam" Xuân Tân Sửu 2021 để hỗ trợ, động viên người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, đón Tết đầm ấm, sum vầy.
Đồng bào xã Nậm Ét đến đổi nhu yếu phẩm tại chợ nhân đạo "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam" Xuân Tân Sửu năm 2021. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Nậm Ét vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai, có tổng diện tích tự nhiên là hơn 7.000 ha, có 11 bản, 1.112 hộ với hơn 5.200 nhân khẩu, trong đó 445 hộ nghèo, chiếm 40%; 162 hộ cận nghèo, chiếm 14,6%, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
Để cung cấp nhu yếu phẩm hàng hóa đến đúng người, đúng đối tượng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát, thống kê, bình xét cá nhân, hộ gia đình cần hỗ trợ để phát phiếu đổi hàng.
Tại phiên chợ, Ban Tổ chức đã phát 200 phiếu tặng 200 hộ gia đình trên địa bàn xã Nậm Ét, mỗi phiếu có trị 300.000 đồng để đổi hàng hóa tại 6 gian hàng. Các mặt hàng tại phiên chợ gồm: Nước mắm, muối, dầu ăn, mỳ tôm, xà phòng, mì chính, bánh kẹo, quần áo, giày dép...
Em Vàng A Pha, ở bản Pom Hán, xã Nậm Ét, chia sẻ niềm vui, bày tỏ sự cảm ơn đối với các nhà hảo tâm. Đây là những món quà rất ý nghĩa, em sẽ mang về để cùng gia đình sử dụng vào dịp Tết.
Đồng bào xã Nậm Ét đến đổi nhu yếu phẩm tại chợ nhân đạo "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam" Xuân Tân Sửu năm 2021. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Ông Trà Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về tổ chức chương trình "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam" Xuân Tân Sửu 2021, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ đồng bào vùng sâu, vùng xa, người nghèo vùng biên giới với mô hình tổ chức chợ nhân đạo.
Tại xã Nậm Ét, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng một số đơn vị đồng hành đã trao 200 suất quà tặng người nghèo, nạn nhân chất dộc da cam, mỗi suất quà gồm các nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu, bánh kẹo phục vụ trong dịp Tết.
Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ kinh phí để tổ chức thêm các chợ nhân đạo; tổ chức thăm, khám, phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại vùng biên giới nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Hỗ trợ lao động gặp khó khăn tại các khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 khu vực phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổ công tác phối hợp Tổ công tác của Bộ Quốc phòng vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho lao động gặp khó khăn làm việc tại các khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong...