TP Hồ Chí Minh thí điểm cấm xe cá nhân
Ngày 27-5, UBND TPHCM ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thành phố về giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 – 2015 với nhiều biện pháp mạnh nhằm hạn chế xe cá nhân, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).
Ưu tiên giao thông công cộng
Năm 2010, VTHKCC bằng xe buýt mới đáp ứng khoảng 7,3% nhu cầu đi lại của người dân TPHCM. Theo kế hoạch vừa ban hành, TPHCM sẽ thực hiện các biện pháp mạnh nhằm nâng tỷ lệ này lên mức 15% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020 với sự tham gia của một số loại hình VTHKCC khác có công suất vận chuyển lớn hơn như: xe buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm (metro), xe điện…
Theo đó, TPHCM sẽ nghiên cứu thực hiện một số tuyến đường có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, tổ chức các tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT), ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển VTHKCC.
Video đang HOT
Ùn tắc giao thông tại TPHCM
Trước mắt, TPHCM đẩy nhanh tiến độ di dời các bến xe khách liên tỉnh Miền Đông, Miền Tây… ra ngoại ô, triển khai xây dựng các đầu mối trung chuyển xe buýt tại bến xe Chợ Lớn, công viên Đầm Sen, bến xe Văn Thánh, Công viên 23 tháng 9, bến xe Củ Chi, bến xe An Sương; bãi hậu cần tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức); mở rộng bến xe Quận 8 nhằm thực hiện mục tiêu điều chỉnh luồng tuyến xe buýt theo quy hoạch.
Ngoài ra, TPHCM mở rộng các hẻm nối thông giữa các tuyến đường để tạo điều kiện cho các tuyến vận tải hành khách công cộng đến từng khu dân cư.
Bên cạnh việc triển khai đề án đổi mới hơn 1.600 xe buýt cũ, TPHCM đang đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển xe buýt phục vụ người khuyết tật, xe buýt sử dụng điện, khí gas thay thế xăng dầu.
Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, đang thí điểm sử dụng thẻ thông minh (Smart Card) trên tuyến xe buýt số 1 và tuyến buýt số 27. Sắp tới, TPHCM sẽ cho nhân rộng nhằm tách dần việc bán vé trực tiếp ra khỏi nhân viên trên xe buýt, xử lý nghiêm lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt vi phạm qui định của ngành.
Để giảm kinh phí trợ giá, ngoài việc đấu giá cho thuê quảng cáo bên ngoài thân xe buýt, TPHCM sẽ tổ chức khai thác dịch vụ tại các đầu mối trung chuyển xe buýt.
Ùn tắc giao thông trên cầu Bình Triệu TPHCM
Một trong những biện pháp rắn nhất là sắp tới, TPHCM sẽ tổ chức các khu vực (hoặc đường phố) giao thông phi cơ giới. Theo đó, Sở GTVT được giao xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm việc cấm mô tô, xe gắn máy và ô tô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định.
Song song với biện pháp cấm xe, TPHCM triển khai đề án thu phí đỗ xe theo hướng mức phí tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm thành phố. Mức phí đỗ xe khu vực trung tâm thành phố “đủ tác động” để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Xe ô tô sử dụng đường trong khu vực trung tâm thành phố phải nộp phí qua hệ thống thu phí điện tử.
Sở GTVT cho biết, sắp tới, TPHCM thí điểm việc điều chỉnh tăng mức thu các loại phí liên quan đến đăng ký mới và lệ phí lưu hành của phương tiện giao thông cá nhân, tập trung nghiên cứu, triển khai sớm biện pháp kinh tế, hành chính với lộ trình phù hợp nhằm hạn chế nhu cầu xe máy lưu thông, thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng phù hợp.
Một trong những biện pháp mới là quản lý các phương tiện đăng ký mới thông qua Giấy chứng nhận quyền mua xe (COE). Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng đề án và đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm.
Theo kế hoạch giảm ùn tắc giao thông, TPHCM sẽ kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư từ vốn ngân sách nhằm mở rộng các nút giao thông quan trọng như: ngã tư Hàng Xanh; Bùng binh Cây Gõ; các vòng xoay Dân chủ, Phú Lâm, An Lạc, Lăng Cha Cả; nút giao Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng; các ngã tư An Sương, Bình Phước, Bốn Xã; các nút giao trên đường Nguyễn Văn Linh; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng đường Vành đai số 2, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, Liên tỉnh lộ 25B, cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Long, cầu Rạch Tra, cầu Bình Khánh…
Theo Tiền Phong