TP Hồ Chí Minh: Ngoài Covid-19, người dân phải chủ động phòng tránh các loại bệnh vào mùa nắng nóng
Thời điểm hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh đang bước vào thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ban ngày có lúc lên đến 35-36 độ C tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn (còn gọi là vi rút)… dễ bùng phát và tấn công những người có sức đề kém nhất là trẻ em và người cao tuổi.
Những bệnh thường xuất hiện vào mùa nắng nóng
Chị Nguyễn Thị Hà (quận Tân Phú) có con nhập viện tại BV Nhi Đồng 1 vì viêm họng và viêm amidan cho biết, thời tiết oi bức, gia đình bật quạt 24/24 giờ cùng với việc thường xuyên uống nước đá nên ảnh hưởng đến họng. Còn anh Nguyễn Thành Trung (quận 5) cho hay, cha anh năm nay 80 tuổi phải nhập viện ĐH Y Dược hơn 3 ngày nay do sức đề kháng yếu, bệnh tim mạch tái phát…
Hiện ông đang dần hồi phục và chuẩn bị xuất viện. Đang nằm điều trị tại khoa nhiễm BV quận 2, anh Nguyễn Văn Cương (31 tuổi) chia sẻ, cách đây 10 ngày anh bị sốt cao phải nhập viện ban đầu anh Cương được chẩn đoán bị sốt siêu vi nhưng điều trị đến ngày thứ 5 thì người phát ban đỏ khắp cơ thể và anh được cho mắc bệnh sởi.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện mỗi ngày Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận 4.000-5.000 bệnh nhi. Trong đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay, chân, miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, sởi viêm não.
Mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận hàng ngàn bênh nhân liên quan đến thời tiết nắng nóng. Ảnh: Huy Chương
Còn Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500-6.000 bệnh nhi đến khám, trong số này có khoảng 7% phải nhập viện nội trú. Số lượng bệnh nhi khám, chữa bệnh về đường hô hấp cao nhất.
Theo Ths.BS Đinh Thạc – BV Nhi đồng 2, thời tiết nắng, nóng, nhiều người có xu hướng ở trong phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh… Điều này làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp dẫn đến dễ bị viêm đường hồ hấp.
Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián dễ gây ngộ độc thực phẩm. Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu, mọi người nên mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành; đặc biệt, phải lưu ý các bệnh lý về đường hô hấp.
Chủ động phòng ngừa các bệnh vào mùa nắng nóng
Trao đổi với PV, BS CKII Võ Thanh Hùng – Trưởng khoa Nhiễm BV quận 2 cho biết, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút sinh sôi, gây ra các bệnh như sốt siêu vi, viêm đường hô hấp, viêm da, tiêu chảy… Vì vậy mỗi người dân, mỗi gia đình cần có những biện pháp phòng bệnh kịp thời.
BS CKII Võ Thanh Hùng – Trưởng khoa Nhiễm BV quận 2 đang thăm khám cho một một bệnh nhân nam mắc bệnh Sởi. Ảnh: Huy Chương
Để chủ động tránh các bệnh thường gặp mùa nắng nóng, Bộ Y tế đã đưa ra các khuyến cáo cho người dân thực hiện tốt các biện pháp phồng chống các loại bệnh như vệ sính môi trường sống sạch sẽ, không hoạt động ngoài trời lâu trong thời tiết quá nóng, uống đủ nước (uống nhiều lần, không uống một lúc); mặc áo quần thông thoáng, sáng màu.
Đối với trẻ em, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốc nhiệt cần đưa ra khỏi môi trường có nhiệt độ cao, đến nơi có bóng râm, cởi bỏ quần áo, đắp khăn mát và cho trẻ uống nước; hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh, không thở…
Nếu cơ thể xuất hiện tình trạng tăng thân nhiệt bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Võ Thanh Hùng khuyến cáo, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ một số bệnh như thủy đậu, phế cầu, rota vi rút…
Dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt trẻ dễ bị bệnh lý về hô hấp như viêm phổi… Vì thế, mọi người cần chú ý ăn uống bảo đảm vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là với trẻ nhỏ; không nên đi ngoài trời nắng gay gắt rồi vào phòng lạnh ngay vì thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây bệnh. Có thể tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, bảo quản thức ăn đúng cách.
Theo kinhtedothi
Vượt qua nỗi sợ Covid - 19, người Sài Gòn nô nức đi hiến máu
Trước nguy cơ nguồn máu dự trữ cạn kiệt, đe dọa an toàn trong cấp cứu, điều trị bệnh, người dân Sài Gòn đã chung sức tình nguyện hiến máu, chỉ trong thời gian ngắn, nguồn máu dự trữ đang tăng cao.
Người Sài Gòn hiến máu tình nguyện trong mùa dịch Covid-19
Những tuần đầu của năm 2020, TPHCM đối mặt với nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn máu dự trữ. Trong khi nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện tăng đột biến so với các năm trước, cần từ 800 - 1.000 túi máu mỗi ngày thì nguồn máu thu gom mỗi ngày chỉ được 200 đến 300 túi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (corona) các đơn vị đã đăng ký hiến từ trước lo ngại nhiễm bệnh nên bất ngờ hủy lịch hiến.
Đông đảo người dân và nhân viên y tế đã hưởng ứng cuộc vận động hiến máu tình nguyện
Cuối tháng 1/2019 Ngân hàng máu chỉ còn khoảng 4.900 túi máu, lượng máu. Nếu không có giải pháp kịp thời bổ sung nguồn máu dự trữ, thành phố sẽ đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn máu. Đây là tình thế nguy hiểm, không chỉ nhóm bệnh nhân mắc các bệnh lý cần bổ sung liên tục nguồn máu để duy trì sự sống mà cả những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân phẫu thuật sẽ không có máu, nguy cơ tử vong cao.
Trước những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Hiến máu Nhân đạo và Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã phát đi nhiều thông điệp, kêu gọi sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng. Theo thông cáo được BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền Máu huyết học phát đi (ngày 4/2): "Nhằm đảm bảo nguồn máu cung cấp cho cấp cứu và điều trị, bệnh viện rất mong nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng trong công tác hiến máu tình nguyện, chủ động phòng chống dịch đúng cách và tích cực tham gia hiến máu cứu sống người bệnh, tránh để tình hình phòng chống dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác hiến máu tình nguyện".
Nghĩa cử cao đẹp của người Sài Gòn đã mang đến nguồn máu vô cùng quý giá giữa mùa dịch Covid-19
Để chủ động phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus do dịch bệnh covid-19 gây ra trong quá trình hiến máu, các đơn vị tiếp nhận đã tăng cường biện pháp phát khẩu trang y tế, tăng cường nước rửa tay, chủ động chọn những vị trí tiếp nhận máu ở những nơi thông thoáng, sắp xếp điểm tiếp nhận với lượng người tham gia vừa đủ để tránh tập trung đông người.
Đáp lại lời kêu gọi vì mục đích nhân đạo, hơn 2 tuần qua các tổ chức, cá nhân từ công an, bộ đội đến nhân viên y tế, người dân trên địa bàn TPHCM đã tích cực hưởng ứng, vận động nhau cùng đi hiếm máu tình nguyện. Các cơ sở y tế, các điểm tiếp nhận máu thuộc Trung tâm Hiến máu Nhân đạo thành phố, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã tiếp nhận số người đến đăng ký hiến máu tăng đột biến.
Giọt máu hồng cho đi để giữ lại những sinh mạng đang lâm nguy
Vừa hiến máu xong tại điểm tiếp nhận máu hiến nhân đạo Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM anh Nguyễn Quốc Thành (ngụ tại quận Tân Bình) chia sẻ: "Tôi thường xuyên theo dõi thông tin về dịch covid-19 nên biết được tình trạng thiếu máu dự trữ đang diễn ra nghiêm trọng. Tôi hiểu rằng, việc thiếu nguồn máu sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt những vấn đề y tế khác, người bệnh có thể chưa bị nhiễm và chết vì dịch covid-19 thì đã chết vì thiếu máu bổ sung khi cần thiết. Ngay sau khi nhận được thông tin kêu gọi hiến máu nhân đạo, tôi đã vận động anh em, bạn bè đi hiến. Chúng tôi đi hiến máu chỉ với suy nghĩ đơn giản, giọt máu mình cho đi chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng có thể cứu được sinh mạng của người khác".
Cả người dân cùng cán bộ y tế đang nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện
Cùng quan điểm mình vì mọi người, chị Phan Thị Thanh Nguyệt (32 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) tham gia hiến máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học cho biết: "Nghe tin nguồn máu dự trữ của TPHCM hiện đang rất thiếu, lại đang trong giai đoạn có dịch Covid-19, nên tôi cùng nhóm đồng nghiệp cùng công ty rủ nhau đi hiến. Đây là lần đầu tiên tôi đi hiến máu, ban đầu khá hồi hộp nhưng sau khi hiến thì cảm giác lo lắng tan biến bởi sức khỏe vẫn bình thường, thêm vào đó là niềm vui khi được chia sẻ những giọt máu của mình với cộng đồng. Dù dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng lúc tới hiến máu, chúng tôi rất an tâm khi được nhân viên y tế cung cấp khẩu trang, nước rửa tay và hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh an toàn".
Nguồn máu dự trữ đã tăng nhanh khi cả cộng đồng chung sức vì sự sống
Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học ngày 7/2, tại đây đã tiếp nhận được 739 túi máu hiến tại chỗ lẫn lưu động. Tại Trung tâm Hiến máu Nhân đạo thành phố cao điểm vào ngày 9/2, tiếp nhận tới 1.041 túi máu. Tính đến ngày 11/2, nguồn máu dự trữ trong Ngân hàng máu đã tăng lên 7.737 túi máu.
Hành động vì sự sống của đồng loại trong cơn hiểm nguy là tinh thần nhân văn cao quý
Hiện các hoạt động hiến máu tình nguyện của cộng đồng vẫn tiếp tục được nhân rộng và ngày càng lan tỏa. Ngày 16/2, trong Ngày hội Hiến máu tình nguyện 2020 do Thành đoàn TPHCM tổ chức diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên đã thu hút khoảng 500 người đăng ký hiến. Lượng máu thu về ước đạt gần 1.700 đơn vị. Bằng nghĩa cử cao đẹp của người dân Sài Gòn, chỉ trong thời gian rất ngắn, nguy cơ thiếu hụt nguồn máu dự trữ đã bước đầu được giải quyết. Các chương trình vận động hiến máu đang tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa ngày càng thu hút được sự tham gia của cộng đồng giúp các cơ sở điều trị vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch covid-19 đang hoành hành.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Bệnh nhân thứ 3 nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã có kết quả âm tính, chuẩn bị xuất viện Sau thời gian điều trị, bệnh nhân T.K.H. (Việt kiều Mỹ - là bệnh nhân cao tuổi nhất nhiễm COVID-19 tại Việt Nam và là ca thứ 3 tại TP Hồ Chí Minh) đã có kết quả âm tính với virus Corona chủng mới và sức khỏe ổn định, đủ tiêu chuẩn xuất viện. Chiều 17/2, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám...