TP Hồ Chí Minh lắp đặt 100 camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát
Ngày 7/9, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang triển khai lắp đặt 100 camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, Công an Thành phố đã thí điểm lắp đặt camera đọc mã QR tại địa bàn Quận 1 và Quận 3, mang lại nhiều hiệu quả.
Người dân qua chốt đưa mã QR vào camera, máy sẽ tự động quét mã, đồng thời ghi thông tin dữ liệu được truyền đến máy tính do cán bộ trực ngồi kiểm tra. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Theo đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, việc lắp đặt các mắt camera đọc mã thay thế cho việc sử dụng điện thoại cá nhân của cán bộ, chiến sỹ tại địa bàn Quận 1 và Quận 3 được thực hiện một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển qua các chốt và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các lực lượng tham gia công tác tại các chốt kiểm soát.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu – Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công an Thành phố đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các sở, ban, ngành, quận, huyện và yêu cầu lập danh sách các đối tượng được phép lưu thông trên đường không cần cấp giấy để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ cơ sở dữ liệu này, lực lượng Công an sẽ kiểm soát người đi đường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Các đơn vị đầu mối, người dân thuộc diện được phép ra đường cung cấp danh sách để lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ. Người ra đường cũng phải đăng ký và đối chiếu giữa lượng người ra đường với F0 quản lý trong cộng đồng xem có mối liên hệ nào không. Điều này sẽ tránh được trường hợp người được ra đường nhưng lại đang là F0.
Video đang HOT
Hiện Công an Thành phố đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) triển khai và hoàn thành lắp đặt 100 mắt camera đọc mã QR code và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm soát di biến động của người dân một cách hiệu quả nhất.
Theo C06, đơn vị này hiện đã cấp cho các chốt hơn 10.600 tài khoản, tổng số lượt qua chốt hơn 2 triệu lượt. Thông qua phần mềm quản lý, Cục C06 phát hiện gần 60 trường hợp F0 và hơn 11 ngàn công dân có nguy cơ cao mắc COVID-19 qua chốt.
Trước đó, ngày 6/9, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an Thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, việc dùng camera quét mã QR tiến tới thay thế giấy đi đường, tạo hành lang an toàn, tránh nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm dịch bệnh; đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra lưu động, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác 363 bao gồm tuần tra khép kín, đảm bảo an ninh trật tự, xử phạt vi phạm và phòng, chống tội phạm kịp thời.
Vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng phải dàn trải vừa đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vừa trực chốt phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông cơ bản được đảm bảo, tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí, so với 4 ngày cùng kỳ năm 2020, giảm 66 vụ 53,6%), giảm 31 người chết (56,3%), giảm 65 người bị thương (62,5%). Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong kỳ nghỉ Lễ kéo dài 4 ngày (từ mùng 2/9 - 5/9).
Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các phương tiện giao thông vào Hà Nội, đặc biệt các xe chạy đường dài đăng ký luồng xanh tại chốt kiểm dịch Trạm soát vé BOT quốc lộ 2, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, toàn quốc xảy ra vụ 57 tai nạn giao thông, làm chết 24 người, bị thương 39 người. Toàn bộ các vụ tai nạn này đều xảy ra trên đường bộ. Các tuyến giao thông đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, không xảy ra tai nạn. Không xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không.
Để có kỳ nghỉ Lễ an toàn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1108/CĐ-TTg chỉ đạo tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành văn bản về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ 2/9 phù hợp với tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho việc vận tải lưu thông hàng hóa thông suốt, không để đứt gãy chuỗi sản xuất; đặc biệt việc cung ứng hàng hóa cho các khu vực, địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Cục Cảnh sát Giao thông đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Báo cáo của 63 địa phương và các Đội thuộc Cục Cảnh sát Giao thông cho thấy, đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 10.886 trường hợp vi phạm, so với cùng kỳ năm 2020, giảm 6.990 trường hợp (39,1%); phạt tiền hơn 7,4 tỷ đồng. Trong đó, trên tuyến đường bộ, Cảnh sát Giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 10.561 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 7,3 tỷ đồng; tạm giữ 51 xe ô tô, 1.388 xe mô tô; tước 511 giấy phép lái xe các loại, trong đó, vi phạm nồng độ cồn xử lý 244 trường hợp.
Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát Giao thông kiểm tra, phát hiện 14 trường hợp vi phạm, phạt tiền 86 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 14 trường hợp; gửi thông báo vi phạm 151 trường hợp.
Trên tuyến đường thủy, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 311 trường hợp vi phạm, phạt tiền 181,8 triệu đồng.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông các địa phương, kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh diễn ra trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phần lớn người dân chấp hành nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng, hạn chế đi lại. Do đó tình hình trật tự, an toàn giao thông an toàn thông suốt, không xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến trọng điểm, cửa ngõ những thành phố lớn. Trên cả nước không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 do địa phương tổ chức, cơ bản thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, do nhiều địa phương đang áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu người dân hạn chế ra đường hoặc chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, dẫn tới lưu lượng giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì ứng trực tại các chốt để kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch và trật tự, an toàn giao thông. Do đó, giao thông được đảm bảo thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến giao thông cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố và đặc biệt, tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Một chốt kiểm soát ra vào vùng đỏ Hà Nội. Ảnh: TN/Báo Tin tức
Tại Hà Nội, vào đầu giờ sáng 4/9, có hiện tượng ùn ứ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của Hà Nội. Nguyên nhân là do Công an thành phố Hà Nội vừa triển khai 39 chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại "vùng đỏ" (phân vùng 1), gồm hầu hết các quận nội đô. Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện được vào, ra phân vùng 1. Đến cuối giờ sáng cùng ngày, giao thông đã thông thoáng trở lại.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Ủy ban chỉ đạo Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong điều kiện dịch COVID-19. Các lực lượng nỗ lực cao nhất thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vừa phòng, chống dịch, chú trọng tới bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh tới trường tại các tỉnh không có dịch (vùng xanh).
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương hướng dẫn người dân phản ánh tình hình ùn tắc giao thông, các nguy cơ gây tai nạn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19 tới đường dây nóng trật tự, an toàn giao thông của địa phương để kịp thời xử lý; đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành tại các chốt kiểm dịch, thống nhất nội dung kiểm tra, quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm dịch nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa.
Shipper tại TP.HCM cân nhắc 'chạy đơn ngoài' Nhiều shipper tại TP.HCM đang tính toán giữa việc chỉ chạy đơn của ứng dụng và chạy cả đơn từ các tiểu thương nội quận khi việc nhận đơn ngoài mang lại thu nhập tốt hơn. "Thành phố không cho ứng dụng tăng giá, những ngày này mà chạy trong đơn trong ứng dụng thì cũng nhiều nhưng thời gian chờ hàng rất...