TP Hồ Chí Minh: Gia tăng bệnh nhi mắc tay chân miệng, nhiều ca bệnh nặng
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong tháng 3/2021, bệnh tay chân miệng trên địa bàn có xu hướng gia tăng.
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng các bác sỹ cảnh báo đã có nhiều trường hợp mắc nặng, phụ huynh cần cảnh giác đề phòng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em gia tăng nhanh
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Khoa Nội Nhi C – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày có từ 20-30 trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng. Bác sỹ Lư Lan Vi – Trưởng khoa Nội Nhi C – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, đối với các bệnh nhi mắc tay chân miệng từ độ 2A trở lên mới có chỉ định nhập viện, còn ở độ 1 thì được điều trị ngoại trú. Từ đầu tháng 3 đến nay, số lượng bệnh nhi nhập viện và điều trị ngoại trú đều gia tăng.
Đang chăm sóc con trai 3 tuổi mắc tay chân miệng, chị Nguyễn Thị Kiều Dư (ngụ Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, con của chị đi học mẫu giáo về và thấy có dấu hiệu sốt, bỏ ăn, sau đó xuất hiện các nốt hồng ban. “Ban đầu tôi tưởng cháu bị dị ứng nhưng khi đi khám bác sỹ cho biết cháu bị tay chân miệng và chỉ định nhập viện luôn. Đến nay cháu đã nhập viện được 3 ngày và có bớt sốt nhưng vẫn còn nổi ban nhiều lắm”, chị Dư cho hay.
Cũng ghi nhận có sự gia tăng bệnh nhi mắc tay chân miệng từ đầu tháng 3, Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho khoảng 40 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có khoảng 1/3 là mắc bệnh nặng. Phần lớn các ca bệnh được chuyển đến từ các tỉnh lân cận. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện cũng tăng cao so với tháng 2. Bác sỹ Dư Tuấn Quy, Quyền Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh cho biết, từ đầu tháng 3, số lượng trẻ nhập viện do tay chân miệng bắt đầu tăng, hiện trung bình mỗi ngày Khoa điều trị cho khoảng 25 trẻ, tăng gấp 4 lần so với tháng trước.
Video đang HOT
Theo bác sỹ Quy, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hàng năm có 2 thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát, đó là từ tháng 3-5 và tháng 9-12. Đây là thời điểm trẻ đi học nên nguy cơ lây lan nhiều hơn dẫn đến số lượng trẻ mắc bệnh cũng tăng cao.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, tính đến ngày 15/3, toàn Thành phố ghi nhận có 2.564 ca tay chân miệng nhập viện, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng trong tuần từ ngày 8-11/3 có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca). Tất cả các quận huyện đều có ca mắc tay chân miệng tăng cao ở mức báo động.
Nhiều ca bệnh nặng
Trẻ bị tay chân miệng lòng bàn tay, chân thường bị nổi các bọng nước. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Ngày 5/3, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bé gái T.H.D. (15 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) trong tình trạng suy hô hấp do tay chân miệng. Theo lời kể của người nhà, khi bé sốt cao 3 ngày không hạ, nôn, giật mình chới với, nổi nhiều mụn nước ở lòng bàn tay thì đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Tại đây, bệnh nhi dần rơi vào tình trạng lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi hồng ban và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4. Sau đó bệnh nhi diễn tiến nặng, suy hô hấp tuần hoàn, được các bác sỹ tại đây xử trí đặt nội khí quản thở máy, chống sốc, dùng thuốc vận mạch… và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi được tiếp tục thở máy, dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục. Rất may mắn, sau 2 ngày lọc máu, tình hình được cải thiện dần, trẻ hết sốt, nhịp tim trở về bình thường và được cai máy thở sau đó.
Cũng theo bác sỹ Tiến, từ đầu tháng 3 đến nay, số bệnh nhi mắc tay chân miệng bắt đầu tăng về số lượng lẫn bệnh nhân nặng. Đến nay Khoa Nhiễm của Bệnh viện đã tiếp nhận 14 trường hợp, trong đó có 3 bệnh nhi phải thở máy và điều trị tích cực.
Dù mới bước vào đầu mùa dịch nhưng số ca bệnh nặng đang có xu hướng tăng cao tại tất cả các bệnh viện nhi. Theo Tiến sỹ, bác sỹ Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc – trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm này có nhiều trường hợp trẻ mắc độ 3, độ 4, phải hồi sức tích cực. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, đa số ca bệnh nặng dương tính với chủng virus EV71- chủng virus có đặc tính lây lan rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nặng cho thần kinh.
“Sự gia tăng về số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt là số lượng các trường hợp tay chân miệng mức độ nặng rất đáng lo ngại và cần được cảnh báo trong giai đoạn học sinh đã trở lại trường như hiện nay”, bác sỹ Dư Tuấn Quy, Quyền Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo.
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng báo động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện thực hiện theo các hướng dẫn về điều tra xử lý, giám sát bệnh; tăng cường phối hợp với ngành giáo dục để giám sát phát hiện sớm các ca bệnh trong trường học; đặc biệt lưu ý các ca bệnh điều trị tại nhà. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các Trung tâm Y tế quận, huyện bắt buộc phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vaccien dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Một vấn đề hết sức quan trọng mà phụ huynh cần lưu ý đó là theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Song song đó, HCDC yêu cầu các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học, theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh để cách ly kịp thời. Phụ huynh khi có con mắc bệnh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học để trường học có biện pháp xử lý, phòng ngừa bệnh lây lan trong môi trường học đường.
Cần nhận thức đúng việc xử lý chấn thương hàm mặt cho bệnh nhi
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng trẻ em bị chấn thương hàm, mặt do tai nạn vận động, tai nạn giao thông đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đúng, chưa đủ về dạng tai nạn này, người thân và nhân viên y tế cơ sở đôi khi để xảy ra những vấn đề đáng tiếc.
Chấn thương hàm mặt ở trẻ em thường gây nhiều tổn thương đa dạng. Chấn thương có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn giao thông, té ngã, thể thao, chó cắn, bạo hành... Mức độ chấn thương rất đa dạng, từ xây xát, rách da đến gãy răng và nặng hơn nữa là gãy xương hàm mặt. Nếu không được điều trị sớm, đúng mức, sẽ ảnh hưởng nhiều đến giải phẫu, chức năng, thẩm mỹ, tâm lý cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.
Một trong những sai lầm khi xử lý các ca chấn thương hàm mặt là không thu nhặt răng của nạn nhân bị rụng ra sau va chạm và không chú ý tới tổn thương hàm mặt khi sơ cứu. Theo bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà (Khoa Răng Hàm Mặt), những điều này thể hiện rất rõ trong 20 ca bệnh gần đây mà Bệnh viện Nhi đồng 1 mới tiếp nhận vào Khoa Răng Hàm Mặt. Trong số này, có 2 trường hợp chấn thương răng vĩnh viễn, 5 trường hợp gãy xương hàm mặt phức tạp.
"Trong 2 trường hợp chấn thương răng vĩnh viễn, chỉ có 1 trường hợp người nhà thu nhặt lại răng tại hiện trường, mang đến viện. Các bác sĩ đã cấy thành công những răng này vào hàm của bé. Trường hợp còn lại, do không có răng thật, bệnh nhi sẽ phải cấy răng giả sau này. Đây là điều đáng tiếc, vì răng chỉ cần được rửa sạch, ngâm trong sữa tươi không đường hoặc nước muối... là được", bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà cho biết.
Về 5 trường hợp gãy xương hàm mặt được cấp cứu vừa qua, một điều rất dễ nhận thấy là các cơ sở y tế tuyến dưới, khi tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông vùng đầu mặt, chỉ chú ý chẩn đoán tổn thương vùng đầu, bỏ qua tổn thương vùng hàm mặt, dẫn đến những bước sơ cứu ban đầu chưa đúng, chưa đủ. Theo bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà, cấp cứu ban đầu cần chụp phim xem xét tổn thương cả vùng sọ não và hàm mặt trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
"Mức độ chấn thương vùng hàm mặt không được xử lý kịp thời, có thể dẫn đến việc trẻ bị biến dạng hoàn toàn về mặt. Ngoài ra, trong 5 ca cấp cứu kể trên, có đến 4 ca do tai nạn giao thông, trẻ không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và xe đạp điện, dẫn đến tổn thương hàm mặt nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh cần chú trọng việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ, tránh hậu quả đáng tiếc khi xảy ra va chạm giao thông", bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà thông tin.
Cứu sống bé 5 tuổi bị đột quỵ não ở TPHCM Bệnh viện Nhi đồng 1 ở TP.HCM vừa cứu sống một bệnh nhi 5 tuổi bị đột quỵ não. Đây là căn bệnh ít khi xảy ra đối với trẻ em. Trước khi nhập viện 6 tháng, bệnh nhi N.T.T.N. (5 tuổi, quê Đắk Nông) thường có biểu hiện đột ngột bị yếu chân tay bên trái. Biểu hiện này lặp đi lặp...