TP Hồ Chí Minh cập nhật danh sách người được phép ra đường để kiểm tra bằng mã quét QR
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang cập nhật danh sách người được phép ra đường lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sắp tới, người không có thông tin trên hệ thống này buộc phải quay đầu khi đến chốt kiểm soát.
Chiều 3/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại thành phố.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành công an đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các sở, ban ngành, quận, huyện và lập danh sách diện được lưu thông trên đường không cần cấp giấy để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi cập nhật xong, công an sẽ kiểm soát người đi đường thông qua công nghệ thông tin bằng mã quét QR.
“Vì vậy, đề nghị các đơn vị cung cấp danh sách đầy đủ và đúng đối tượng để công an kiểm soát chặt chẽ người ra đường. Khi người dân qua các chốt sẽ kiểm tra thông tin được ra đường hay không thông qua mã quét QR. Nếu trường hợp chưa cung cấp thông tin và không có thông tin trên hệ thống, có thể buộc phải quay đầu khi qua các chốt, trạm ra vào thành phố”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Theo ông Lê Mạnh Hà, hiện đang có tình trạng làm giả, mua bán giấy đi đường, vì vậy Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên mua giấy đi đường giả, tránh bị xử lý. Vừa qua, công an Thành phố cũng đã hướng dẫn các chốt, trạm kiểm tra và sẽ dễ dàng phát hiện giấy đi đường giả. Ngoài ra, sau khi cập nhật danh sách vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người ra đường với các giấy phép sai đối tượng cũng sẽ bị công an xử lý nghiêm.
Sắp tới, người không có thông tin được phép ra đường trên hệ thống dữ liệu dân cư sẽ buộc phải quay đầu.
“Việc giãn cách trong khu dân cư để “ai ở đâu ở yên đó” trong từng hộ dân là yếu tố quyết định thắng lợi trong giãn cách, ngành công an sẽ kiểm tra rất nghiêm công tác này. Tuy nhiên, người dân vẫn phải nêu cao tinh thần tự giác, nghiêm túc thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở yên đó” để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”, ông Lê Mạnh Hà cho biết thêm.
Hiện nay, để siết chặt việc ra đường tại các khu dân cư, Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh đã điều động hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ đến các quận, huyện để đảm nhiệm nhiệm vụ ở các chốt chặn. Các lực lượng ở phường, xã được đưa về khu dân cư để kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình tại khu dân cư.
Long An: Tăng cường trực chiến chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19
Chiều 3/9, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Long An Nguyễn Văn Được có văn bản về việc trực chiến (24/7) chỉ đạo phòng, chống COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội.
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp cung cấp số điện thoại và phân công lãnh đạo trực chỉ huy, điều hành thống nhất, xuyên suốt, đảm bảo trực chiến, giữ liên lạc và kết nối (24/7); nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh của địa phương và các nội dung chỉ đạo cốt lõi, trọng tâm của Trung ương và địa phương trong thời gian qua. Ban Chỉ đạo các cấp đảm bảo phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn với các lực lượng hỗ trợ của cơ quan, địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời, kịp thời báo cáo tình hình, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh quán triệt, lãnh đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất với tinh thần "Lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài", "người dân là chiến sĩ" trong phòng, chống dịch. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngành, mỗi cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải đổi mới tư duy và phương pháp làm việc, nâng cao tính chủ động, năng động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, khẩn trương; phải luôn nêu cao tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; làm việc với tinh thần trách nhiệm, hết sức mình, "làm hết việc chứ không làm hết giờ", luôn đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, xem đó là động lực để vượt qua các khó khăn, thách thức...
Thời gian qua, Long An đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát và có dấu hiệu chuyển biến hết sức tích cực. Tính đến 20 giờ 2/9, tỉnh Long An có 24.356 ca mắc COVID-19 (trong đó, có 7.593 cộng đồng, 1.807 ca trong khu cách ly, 14.956 ca trong khu phong tỏa). Ngành y tế đã điều trị khỏi 16.265 ca (66,7%); tử vong 284 ca (1,16%), đang điều trị 6.307 ca (25,89%). Tỉnh đã tổ chức tiêm 912.169 liều vaccine, trong đó, mũi 1 là 852,810 liều và mũi 2 là 59,359 liều.
TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cấp giấy đi đường sau ngày 6/9? Sau ngày 6/9, nếu TP Hồ Chí Minh kéo dài thời gian giãn cách, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ có phương án về giấy đi đường gọn nhất, thuận tiện nhất, không gây phiền hà cho người dân. TP Hồ Chí Minh đang thực hiện siết chặt việc kiểm tra giấy đi đường của người dân để đảm bảo công tác...