TP Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021
Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 10.000 ca sốt xuất huyết, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca nặng tăng 7 lần và có 7 trường hợp tử vong. Thông tin được đưa ra tại Lễ Phát động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 12 năm 2022, tổ chức ngày 30/5.
Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố đang có diễn biến phức tạp. Số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ đầu tháng 4/2022 và tăng mạnh từ đầu tháng 5/2022 đến nay. Các địa phương có số ca mắc tăng cao gồm: huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Quận 12, quận Tân Phú…
Sở Y tế dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp trong thời gian tới do Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đang “bước sâu” vào mùa mưa. Cùng với việc tập huấn chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, Sở Y tế Thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện. Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết để dịch bệnh lây lan tại địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức quán triệt tinh thần “Quyết liệt – Thực chất – Rốt ráo” trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết để giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong trên địa bàn; đồng thời đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ đặc thù trên địa bàn từ cấp xã đến huyện để có những giải pháp phù hợp; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết.
Một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống sốt xuất huyết, theo ông Dương Anh Đức là phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi ngay chính nơi mình làm việc, sinh sống. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để tồn tại vật chứa có nguy cơ đọng nước tại nơi làm việc. Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân để dịch bệnh không tiếp tục gây tổn hại về sức khỏe, đời sống của người dân.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết với 500.000 trường hợp nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 trường hợp tử vong. Hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” thể hiện mạnh mẽ sự cam kết chung của cộng đồng 11 nước thành viên với quyết tâm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Bình Dương có xu hướng tăng
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca và có thể đạt đến đỉnh vào những tháng hè nắng nóng.
Tích lũy từ đầu năm đến tháng 5 toàn tỉnh ghi nhận 2.237 ca, 5 ca tử vong, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Năm ca tử vong cụ thể là thị xã Tân Uyên 2 ca, thành phố Thuận An 1 ca, thành phố Dĩ An 2 ca. Đây cũng là những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh sốt xuất huyết là ý thức của người dân chưa cao, chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch và diệt lăng quăng, bọ gậy, nguồn truyền bệnh quan trọng ngay tại hộ gia đình. Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà dẫn đến biến chứng nhanh và tử vong.
Thời gian qua, ngành y tế các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng COVID-19 nên chưa chú trọng nhiều đến công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Công tác xác minh tại các địa phương chỉ đạt 64,1%, tỷ lệ xử lý ổ dịch cả 2 hình thức diệt lăng quăng và phun hóa chất đạt 38%; các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập báo cáo chưa đầy đủ và chưa đúng thời gian quy định, số ca báo cáo đúng thời gian đạt 40,1%. Qua hệ thống giám sát y tế, thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng cao, có nguy cơ bùng phát dịch theo chu kỳ.
Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bước vào những tháng cao điểm dịch bệnh mùa hè, cộng với diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn sẽ làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Ngành Y tế tỉnh dự báo thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Vì thế, để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; báo cáo về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; tham mưu cho UBND huyện, thị, thành phố huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài. Song song đó, các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đã có 14.700 ca mắc sốt xuất huyết, 6 trường hợp tử vong, Bộ Y tế dự báo dịch có thể gia tăng Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, hơn 14.700 ca sốt xuất huyết được ghi nhận trên cả nước, trong đó 6 ca tử vong. Dự báo số ca sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới do vào mùa dịch, các tỉnh thành xây dựng phương án phòng chống... Trong văn bản gửi Chủ tịch UBND...