TP Hồ Chí Minh: 100% công nhân doanh nghiệp lớn trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết
Sau Tết Nguyên đán, các nhà máy sản xuất sử dụng nhiều lao động tại TP Hồ Chí Minh đã đón 100% công nhân trở lại làm việc.
Công ty Vissan có số lao động trở lại làm việc cao.
Anh Nguyễn Phương Đông, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, hiện người lao động đã trở lại làm việc đạt tỷ lệ 100%. Đa số người lao động khi trở lại với công việc đều được lãnh đạo công ty lì xì đầu năm và chúc Tết. “Trong dịp Tết, để giữ chân người lao động, đơn vị đã thưởng Tết lương tháng thứ 13. Ngoài ra, trong năm qua dù khó khăn, nhưng lãnh đạo công ty cũng luôn chăm lo phúc lợi và lương thưởng để người lao động yên tâm làm việc”, anh Nguyễn Phương Đông cho biết.
Tại một số nhà máy sợi, dệt thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam, tỷ lệ đi làm trở lại sau Tết cũng đã đạt 100%. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch công đoàn dệt may Việt Nam cho biết, các nhà máy ở phía Nam trực thuộc tập đoàn sử dụng khoảng 60.000 lao động, đơn hàng nhiều nên một số công ty khai trương từ 4/2 (mùng 4 Tết). Số lượng lao động quay lại làm việc tăng lên từng ngày, đến nay đa phần đạt trên 90%, có nơi đã đạt 100%.
Tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân), nơi có đông công nhân nhất TP Hồ Chí Minh với trên 52.000 người, đã có 82% công nhân quay lại làm việc. Ngoài ra, do một số bộ phận được nghỉ thêm 2 ngày nên phải đến ngày 9/2, các chuyền sản xuất ở công ty mới được lắp đầy ít nhất 90% nhân sự.
Theo đại diện Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức), 80-95% công nhân của 80 nhà máy của toàn khu (sử dụng hơn 45.000 lao động) quay lại làm việc sau Tết. Ngày 7/2, nhiều nhà máy có tỷ lệ lao động trở lại cao như Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (hơn 6.000 lao động) đạt trên 95%, nhà máy Nidec Sankyo (4.000 công nhân) là 94%. Các nhà máy Intel, Jabil… cũng ghi nhận trên 90% lao động trở lại.
Tương tự, tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) của TP Hồ Chí Minh, tính đến nay đã có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động với 273.000 lao động, tỷ lệ lao động quay trở lại sản xuất là trên 82%. Theo thống kê của Phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP Hồ Chí Minh, một số khu công nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trên 90% là Đông Nam, Tây Bắc Củ Chi, Tân Phú Trung.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày có tỉ lệ lao động trở lại đạt 100% nhờ có chính sách đãi ngộ tốt.
Video đang HOT
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN, KCX TP Hồ Chí Minh cho biết, có được kết quả trên là do phần lớn các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách lương, thưởng tết để giữ chân công nhân. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thu hút các đơn hàng dịch chuyển từ những quốc gia trong khu vực trong năm 2022.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, nắm trước tâm lý công nhân trở lại làm việc sau tết sẽ khó khăn, nên doanh nghiệp đã tăng chính sách đãi ngộ. Theo đó, dù mới khai Xuân hoạt động trở lại nhưng từ cuối tuần qua, doanh nghiệp đã đón 1.300 công nhân trở lại nhà máy. Trước Tết Nguyên đán, công ty đã nhận đơn hàng trị giá 7 triệu USD xuất sang EU và Mỹ nên đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để vừa hết kỳ nghỉ tết là công nhân có thể vào guồng sản xuất trở lại. Ngoài ra, để thu hút người lao động, công ty cũng cam kết thưởng thêm từ 1-2 triệu đồng/người nếu họ quay trở lại làm việc.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ công nhân quay trở lại đạt khá cao còn do dịch bệnh COVID-19, nên nhiều công nhân không về quê. Song song đó, các nhà máy tổ chức sản xuất xuyên Tết, nên nhiều lao động đăng ký ở lại làm việc đã bắt nhịp nhanh. Một số công ty cho nghỉ từ trước Tết thêm 2-3 ngày nên người lao động có đủ thời gian ở với gia đình, sau Tết quay lại đúng ngày, không cần nghỉ thêm.
Khi đón công nhân trở lại, các doanh nghiệp đã triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe như tiếp nhận khai báo y tế, đo thân nhiệt, yêu cầu mang khẩu trang… Một số nhà máy tổ chức quay số may mắn tặng xe máy, lì xì đầu năm góp phần tạo động lực để người lao động quay lại sản xuất đúng ngày sau Tết.
Các doanh nghiệp, đơn vị phun xịt khử khuẩn phòng dịch trước, trong và sau Tết để đảm bảo an toàn cho người lao động khi đi làm.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đang hối hả hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu đầu năm 2022. Tại Công ty cổ phần may mặc Dony (huyện Bình Chánh), công nhân bắt đầu trở lại làm việc từ ngày 7/2. Ngoài ra, công ty cũng đã chuẩn bị sản xuất cho 2 container xuất hàng đi Nhật và Đài Loan (Trung Quốc) trong những ngày đầu năm năm 2022.
Tương tự, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods cho biết, ngay trong những ngày cuối năm 2021, công ty đã xuất khẩu 20 tấn gạo thơm Sóc Trăng sang Canada, đơn hàng này sẽ mở ra triển vọng xuất các lô hàng tiếp theo trong năm 2022 và 2023. Nhất là trong năm 2022, đây là năm có rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo xu hướng xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài, giúp tăng hiệu quả của kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện TP Hồ Chí Minh có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy; trong đó có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao sử dụng hơn 320.000 lao động. Thời gian nghỉ Tết năm nay của người lao động là 8,5 ngày. Một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng đã bố trí nghỉ thêm phép năm để công nhân đủ thời gian về thăm gia đình và quay trở lại thành phố đi làm ngay từ ngày đầu năm mới.
Doanh nghiệp hứng khởi ra quân sản xuất đầu năm
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp đã băt tay vào sản xuất ngay từ đầu năm với khí thế đầy hứng khởi, khẩn trương.
Nhiều doanh nghiệp đến nay đã có đơn hàng đến hết quý III/2022.
Ngày 7/2, Tổng Công ty cổ phần May 10 ra quân sản xuất với trên 90% người lao động quay trở lại làm việc.
Từ sáng sớm 7/2, các công nhân của Tổng Công ty cổ phần May 10 đã có mặt đầy đủ, bắt nhịp ngay vào công việc để kịp tiến độ cho những đơn đặt hàng lớn trong năm 2022.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho biết, sau kỳ nghỉ Tết dài, ngày 7/2, doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất. "Ngay từ đầu năm, số lao động quay trở lại làm việc sau Tết của doanh nghiệp đã đạt trên 90%, thậm chí có nhà máy đạt 100%. Khác với mọi năm, thường sau Tết thì ngành dệt may sẽ ít việc, nhưng năm 2022, lượng đặt hàng của May 10 đã tăng 15% so với cùng kỳ của quý I và sau Tết của 2021. Do đó, ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm 2022, người lao động đã bắt tay vào công việc một cách rất hứng khởi", ông Thân Đức Việt cho hay.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho biết thêm, đến nay, May 10 đã có đơn hàng ký kết đến hết quý 2/2022. Thậm chí, các mặt hàng chủ lực như veston và sơ mi sau 15 tháng trống đơn thì nay đã có đơn đặt hàng đến hết quý III/2022. Đây là tín hiệu đáng mừng sau chuỗi ngày dài chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021.
Mọi lao động khi quay trở lại sản xuất đều đã qua test COVID-19 để đảm bảo phòng dịch cho cả dây chuyền.
Nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) thậm chí đã ra quân sản xuất ngay từ mùng 4 - 5 Tết. Sáng 4/2, hai nhà máy Sợi tại KCN Đồng Văn (Hà Nam) của Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) đã hoạt động trở lại. Điều đáng mừng là 100% cán bộ nhân viên và người lao động trong hệ thống của Hanosimex cũng đã quay trở lại làm việc tại các chi nhánh Hà Nam và Nghệ An. Hay với Công ty TNHH Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP Tiên Hưng... người lao động đã hăng hái quay trở lại sản xuất sau Tết.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, năm 2021, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn đạt 1.446 tỷ đồng, trong đó có khoảng 70% đến từ các chi nhánh, đơn vị có vốn chi phối (tất các các đơn vị đều có sản xuất nguyên liệu Sợi - Dệt nhuộm). Định hướng của Vinatex trong năm 2022, tầm nhìn 2025 là cùng các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi -dệt - nhuộm - may, hướng tới trở thành "một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang". Mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 của Vinatex là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Vinatex triển khai đồng bộ các giải pháp về tạo liên kết chuỗi sản xuất dệt may thông qua việc quy hoạch quy mô sản xuất công nghiệp của tập đoàn trong giai đoạn tới. Đặc biệt, tập trung thực hiện chuyển đổi số - coi đây là chìa khóa để đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu chiến lược giai đoạn 2022 - 2025.
Công nhân phấn khởi bắt tay vào sản xuất tại Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc phòng).
Nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, các doanh nghiệp đặt yếu tố phòng dịch lên hàng đầu. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc phòng) cho biết, ngay từ mùng 5 Tết, doanh nghiệp đã ra quân sản xuất với toàn bộ 100% cán bộ công nhân viên và người lao động quay trở lại làm việc.
"Chúng tôi luôn đặt yếu tố phòng dịch lên hàng đầu, ban lãnh đạo của công ty thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến về dịch bệnh và thực hiện nghiêm túc các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện quy định 5K và phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực Nhà máy cả trước, trong và sau kỳ nghỉ tết. Cùng với đó, công ty thực hiện test COVID-19 luân phiên từng bộ phận sản xuất để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch", ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên 76 cho biết thêm, đến nay, doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng đến quý III/2022, với số lượng đơn hàng lớn như vậy, nên ban lãnh đạo công ty cũng như người lao động đã bắt tay ngay vào sản xuất với khí thế rất phấn khởi.
Trong sản xuất, yếu tố phòng dịch được nhiều doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Còn ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen cho hay, doanh nghiệp ra quân sản xuất từ 6/2 với 100% quân số, công ty tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.
"Chúng tôi tiến hành test COVID-19 cho toàn bộ cán bộ công nhân viên trước khi quay trở lại làm việc để đảm bảo an toàn phòng dịch. Người lao động rất phấn khởi, sản xuất luôn 3 ca, ngay từ đầu năm chúng tôi đã xuất khẩu 5 container đi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc... Mục tiêu năm 2022 của Hương Sen là tăng trưởng 120-130% so với năm 2021", ông Đỗ Văn Vẻ cho hay.
Trẻ em gục trong lòng bố mẹ vì kẹt xe kéo dài nhiều giờ ở phà Cát Lái Chiều ngày 6/2 (mùng 6 Tết), lượng lớn người dân quay lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết khiến khu vực phà Cát Lái, phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai xảy ra tình trạng ùn tắc trong nhiều giờ. Khoảng 16h, cửa ngõ phía Đông TPHCM, tại phà Cát Lái phía đầu bờ huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), dòng người và xe...