TP HCM ‘tuyên chiến’ với cá tầm lậu
UBND TP HCM yêu cầu các sở, ngành phối hợp tăng cường kiểm tra, chống buôn lậu đối với mặt hàng thủy sản, nhất là cá tầm không rõ nguồn gốc.
Lãnh đạo TP HCM yêu cầu Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an Thành phố cùng các Sở Công Thương, Y tế, Thông tin – Truyền thông và UBND các quận, huyện phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
Riêng Chi cục Thú y, UBND TP chỉ đạo tăng cường công tác kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước hoặc sản phẩm dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
Mỗi ngày có 2-3 tấn cá tầm nhập lậu vào TP HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Anh Quân.
Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản (cơ sở thu mua, lưu giữ, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm thủy sản); việc buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nhất là mẫu vật cá tầm; đồng thời tổ chức đăng ký cho các trại nuôi loại cá này.
Tình trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc “tấn công” ồ ạt vào Việt Nam thời gian qua không những làm tê liệt mạng lưới phân phối cá tầm trong nước, đe dọa sự tồn tại của các nhà sản xuất, khiến hàng ngàn nông dân mất việc làm, mà còn là hiểm họa đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước đó vào tháng 7, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp chống nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc, nhất là các đầu nậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc; tăng cường các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu, cảng hàng không (nhất là cảng hàng không Nội Bài), cảng sông, biển để kiểm tra ngăn chặn loại cá tầm không rõ nguồn gốc…
Video đang HOT
Tại đơn kiến nghị, các đơn vị này cũng thừa nhận tình trạng “rửa cá tầm nhập lậu”. Cụ thể, một số đơn vị, cá nhân trong nước nhập lậu mặt hàng này từ Trung Quốc và dùng trại nuôi tại miền Bắc làm vỏ bọc để hợp thức hóa thành cá tầm Việt. Do đó, đơn vị này đề nghị các cơ quan chức năng cần có chỉ đạo yêu cầu đăng ký bắt buộc đối với các cơ sở nuôi cá tầm đề tiện theo dõi và truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, hàng ngày có 2-3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, mặt hàng này bán ra thị trường dưới dạng tươi sống với giá chỉ khoảng 120.000-130.000 đồng một kg, thấp hơn nhiều so với sản phẩm nội địa. Trung bình mỗi năm, lượng cá tầm nhập lậu vào nước ta khoảng 600 – 700 tấn. Tuy nhiên, Tập đoàn cá tầm Việt Nam lại cho rằng, con số này phải cao gấp 8 lần, lên đến 4.000 – 5.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 60 – 70%.
Trung Sơn
Theo VNE
Nhập lậu cá trắm vào Việt Nam: Người nuôi thủy sản thêm khó
Không chỉ dừng lại ở cá tầm, cá quả, cá trê, ốc, ếch... mà vừa có thêm cá trắm được đưa vào danh sách vật nuôi được cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng nhập lậu từ nước ngoài.
Và như vậy, người nuôi thủy sản trong nước lại thêm khó khăn vì phải cạnh tranh hàng lậu.
Cá trong nước dư thừa, vẫn nhập lậu
Ngày 28/7, khi đang tuần tra, kiểm soát tại khu vực bến xe Lương Yên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an quận Hai Bà Trưng phát hiện ô tô tải biển số 29C - 111.03 đang dừng đỗ để bốc dỡ hàng có dấu hiệu nghi vấn nên tổ chức kiểm tra. Tổ công tác phát hiện có 12 thùng xốp đựng cá trắm đông lạnh, tổng trọng lượng lô hàng khoảng 400kg. Trên bao bì đựng cá đều ghi chữ Trung Quốc.
Tuy nhiên, lái xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng trên. Ngay sau đó, lái xe, phương tiện cùng số cá trên được đưa về cơ quan công an. Tại đây, lái xe được làm rõ là Phùng Văn Thêm (trú tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).
Ông Thêm cho biết, mình được thuê vận chuyển số cá trắm đông lạnh trên từ Bến xe Lương Yên về chợ Long Biên. Ngoài ra, lái xe Thêm cũng tiết lộ, số cá trắm đông lạnh trên được vận chuyển bằng xe khách từ Hải Phòng về tập kết tại Bến xe Lương Yên.
Lô hàng cá trắm nhập lậu bị công an bắt giữ ngày 28/7
Trước thông tin các cơ quan chức năng bắt giữ một số lượng cá trắm lậu lớn, ngày 29.7, phóng viên NTNN đã tìm hiểu tại một số trang trại và những thương lái trong nước thì được biết, cá trắm và các loại thủy sản trong nước không hề thiếu nguồn cung.
Ông Bùi Văn Huê ở thôn Ba Mô, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết: "Trung bình, mỗi năm gia đình tôi xuất khoảng 15-20 tấn cá, chủ yếu là các loại cá chim, chép, mè, trôi, trắm, rô phi... nhưng cá trắm vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng 5-7 tấn. Loài cá này dễ nuôi, phàm ăn và có thể tận dụng thức ăn từ các loại cỏ, rơm, có sẵn, đem lại lợi nhuận cao hơn các loại cá khác" - ông Huê cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cát - một thương lái chuyên thu mua cá từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... mang về chợ cá đầu mối của Hà Nội bán cũng cho biết, trung bình mỗi ngày ông giao buôn cho những người bán tại chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) khoảng 2-3 tấn, chủ yếu là cá mè, chim, và khoảng 7 tạ cá trắm.
"Số lượng các loại cá nước ngọt do người dân nuôi hiện không thiếu, kể cả cá trắm, nhu cầu đặt hàng của các chủ hàng ở chợ Yên Sở bao nhiêu chúng tôi đều đáp ứng được" - ông Cát nói.
Nhập lậu do giá rẻ
Bà Nguyễn Thị Liên - thương lái có tiếng ở chợ cá Yên Sở cho hay: "Hiện nay người dân thích ăn cá tươi, sống nên khi họ thường phải đặt trước một ngày để chúng tôi còn vào các trang trại đánh, bắt và vận chuyển. Từ cá chim, cá chép, cá mè, cá chuối, cá rô phi và cá trắm... muốn số lượng bao nhiêu chúng tôi cũng có thể cung ứng đủ".
Tuy nhiên, theo bà Liên, do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm nói chung giảm, trong đó có cả cá, nên cá trắm ở trong nước hiện nay đang dư thừa, trong khi người dân thường chỉ ăn cá tươi sống. "Việc cá trắm đông lạnh nhập lậu về được tiêu thụ ở đâu, các cơ quan quản lý cần phải điều tra, làm rõ để giải thích cho người dân, tránh tâm lý hoang mang, sợ ăn cá" - bà Liên cho biết.
Theo khảo sát của NTNN, hiện giá cá trắm loại 1 (từ 2kg trở lên) dao động từ 55.000-60.000 đồng/kg, giảm khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết, sản lượng các loại cá nước ngọt như mè, trôi, trắm, chép, rô phi... ở nước ta trung bình mỗi năm khoảng trên 400.000 tấn, đủ cung ứng cho nhu cầu của thị trường.
Các loại thủy sản, nhất là những loài cá nước ngọt chủ yếu được tiêu thụ tươi sống tại các chợ, người dân cũng ít khi ăn cá đông lạnh.
Theo ông Thể, cá trắm cũng như một số loài cá nước ngọt khác ở nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập về nuôi thuần hóa từ năm 1959, đến nay loại cá này được đánh giá là cho giá trị kinh tế cao và sản lượng không lúc nào thiếu.
"Còn việc cá trắm lậu bị các cơ quan chức năng bắt giữ, theo tôi cũng giống như gà lậu, có thể giá rẻ hơn nên một số người hám lợi nhập về bán kiếm lời" - ông Thể nói. Ông Thể cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ động cơ nhập lậu cá trắm, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm xem có đảm bảo an toàn thực phẩm không.
Theo Dân Việt
Căng sức chống hàng lậu vẫn... khó đủ đường Ông Nguyễn Tiến Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cầu Treo cho biết, lực lượng hải quan đã căng sức ngày đêm chống hàng lậu nhưng cuộc chiến này vẫn vô vàn gian nan. Khó đủ đường Theo ông Nguyễn Tiến Sâm, tình trạng buôn lậu ở Khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo luôn có nguy cơ...