TP HCM – Sài Gòn: Có thực sự là derby?
Lần gần nhất bóng đá TP HCM vô địch quốc gia là mùa 2001-2002, với Cảng Sài Gòn. Trong lịch sử chưa có sự chờ đợi tái hồi vinh quang nào lâu đến thế dù họ đang có hai đội ở V-League.
TP HCM (áo đỏ) và Sài Gòn FC chạm trán nhau ở V-League hồi tháng 6/2020. Ảnh: Đức Đồng.
*TP HCM – Sài Gòn FC: 19h15 thứ Sáu 19/3.
Nói về quãng thời gian chờ đợi, chức vô địch của Quảng Nam năm 2017 có lẽ là lâu nhất, nếu tính thời điểm Quảng Nam – Đà Nẵng vô địch giải các đội mạnh toàn quốc 1992. Nhưng ít ra, trước đó vào năm 2009, đại diện của làng cầu Quảng – Đà là SHB Đà Nẵng đã đăng quang. Tức là chỉ phải chờ… 17 năm. Trong khi đó, sau chức vô địch năm 1998 của Thể Công thì 12 năm sau, Hà Nội T&T đem về danh hiệu đầu tiên cho làng cầu Hà Nội. Còn nếu xem Viettel của năm 2020 là “hậu duệ” Thể Công, thì quãng thời gian chờ đợi là 22 năm. Tuy nhiên, trường hợp này không thể xem là đại diện cho một làng cầu, vốn mang một yếu tố rất cốt lõi của bóng đá chuyên nghiệp, đó là tính địa phương.
Thời gian chờ đợi có khi chỉ mang tính tương đối, nếu như làng cầu hầu chẳng còn giữ được gì của ngày xưa. Ví dụ như Đồng Tháp, nhà vô địch của năm 1996 nhưng hiện đá tận hạng Nhì, biết chờ đến bao giờ? Hoặc như Nam Định, giờ mà hồi nhớ về chức vô địch của Công nghiệp Hà Nam Ninh năm 1985 có lẽ cũng tăng thêm phần cám cảnh. Cũng có thể đưa vào danh sách này một vài địa phương rất yêu bóng đá nhưng đá mãi không vô địch như Hải Phòng, Huế, Thanh Hóa …
Video đang HOT
Nhưng với TP HCM thì khác. Trước khi bầu Hiển xuất hiện, đây đã là trung tâm của bóng đá Việt Nam trên nhiều phương diện. Kể từ sau chức vô địch cuối cùng của Cảng Sài Gòn đến nay, làng cầu này cũng tìm đủ mọi cách để trở lại với thời hoàng kim. Nhưng càng cố, càng thất bại, và nỗi cay đắng lại càng nhân lên gấp nhiều lần. Đến mức phải xem đó là bi kịch. Giống như người ta phải cố gắng leo trở lại một ngọn núi cao để tìm một món đồ quý giá bị thất lạc, nhưng lại chẳng biết có còn trên đó hay không?
Ví dụ như hoàn cảnh trận đấu giữa TP HCM và Sài Gòn FC hôm nay. Hơn 20 năm trước, cặp đấu giữa Cảng Sài Gòn và Công an TP HCM có thể nói là mang đầy đủ ý nghĩa nhất của một trận derby, gần như là sâu sắc và duy nhất trong làng bóng Việt Nam. Không chỉ đấu với nhau để tìm ra đội bóng số một của thành phố, mà có khi, còn là đội bóng mạnh nhất Việt Nam. Không chỉ hấp dẫn bởi những vấn đề bên ngoài sân liên quan đến “lò” đào tạo (Trường năng khiếu nghiệp vụ thành phố), xung đột giữa hai phân khúc CĐV khác nhau, mà trận “derby” này còn hấp dẫn bởi sự khác nhau rất xa về trường phái bóng đá và tư duy chơi bóng. Tóm lại, đó là một trận đấu mà như người ta hay nói “Thua ai cũng được, nhất định không được thua nó”.
Trận TP HCM – Sài Gòn FC hiện nay không nên, hoặc chưa thể gọi là “derby Sài Gòn”. Dù cả hai đều là đại diện cho bóng đá TP HCM, nhưng có một điều thú vị là hai trung tâm đào tạo có qui mô rất lớn của họ thì một nằm ở Vũng Tàu (CLB TP HCM) và một nằm ở Hưng Yên (Trung tâm PVF vừa chuyển giao). Từ cầu thủ cho đến thành phần ban huấn luyện, thậm chí các lãnh đạo phụ trách CLB, đa số đều không phải là người địa phương. Cả hai đội bóng cũng chỉ mới có “tuổi đời” chưa đến 10 năm, vẫn đang trong nỗ lực kêu gọi người hâm mộ thành phố đến sân Thống Nhất. Trong năm mùa giải gần nhất, sân bóng một thời lừng lẫy này luôn “đội sổ” về lượng khán giả.
Hồi mùa trước, khi ông Vũ Tiến Thành làm Chủ tịch kiêm HLV Sài Gòn FC, không ít người đã được gieo hy vọng rằng chí ít sẽ có “chất Sài Gòn” trở lại. Ông Thành là người thành phố, thăng – trầm hơn 40 năm cùng bóng đá thành phố, là nhân chứng của một thời Năng kiếu – Cảng – Công an TP HCM. Sự thành công của Sài Gòn FC mùa trước có lẽ đến từ những nhiệt tâm cháy bỏng của ông Vũ Tiến Thành sau bao nhiêu năm chính ông tìm đủ mọi cách để đưa không khí bóng đá Sài Gòn trở lại.
Khi ông Thành đột ngột bị tước bỏ các chức vụ tại Sài Gòn FC, đội bóng này vụt biến thành một CLB J-League thu nhỏ. Cho dù chiến lược của những ông chủ đội bóng rất hoành tráng, nhưng sự thật là cái “chất Sài Gòn” chưa kịp định hình lại trở nên mông lung.
Trước Sài Gòn FC, câu chuyện về “quốc tế hóa” bóng đá nơi này từng xảy ra . Đội Navibank Sài Gòn với chiến lược “Bayern Munich hóa”, rồi Liên đoàn Bóng đá TP HCM có “Lyon hóa”, và CLB TP HCM hiện nay cũng đang “Juventus hóa”… Nhưng sự thật, ở TP HCM rộng lớn, đông dân hiện nay, chưa có một trung tâm đào tạo bóng đá hoàn chỉnh cả đầu vào lẫn đầu ra như của trường Năng khiếu nghiệp vụ thời bóng đá bao cấp. Đứng đầu làng cầu suốt 10 năm qua là ông Trần Anh Tú cũng đang là ông chủ của công ty VPF, người tiền nhiệm là ông Lê Hùng Dũng từng là Chủ tịch VFF. Họ đều xuất phát tại đây, lên đến đỉnh cao quyền lực của bóng đá Việt Nam, nhưng chẳng ai biết họ đã làm gì cho làng cầu Sài Gòn, chí ít cũng phải đạt được dấu ấn về chuyên môn như ông Vũ Tiến Thành.
Năm 2010, khi Hà Nội lần đầu tiên đem về chức vô địch sau 12 năm chờ đợi, rồi mở ra một giai đoạn huy hoàng cho bóng đá thủ đô, thì đó là mùa giải đầu tiên mà làng cầu TP HCM không có đại diện thi đấu ở V-League. Vậy mà cho đến lúc này, những người hâm mộ bóng đá ở Sài Gòn cũng chỉ mới thấy các kế hoạch, chiến lược hoành tráng được loan báo trên truyền thông, trong khi bầu không khí cuồng nhiệt của một trận derby Sài thành ngày nào, vẫn nằm im lìm bên dưới những khán đài được tô vẽ sặc sỡ ở sân Thống Nhất.
Nhận định TPHCM vs Sài Gòn: Lee Nguyễn hay cỡ nào
CLB Sài Gòn tự tin khoá chặt Lee Nguyễn và đánh bại CLB TPHCM trong trận derby Sài thành tại vòng 4 LS V-League 2021.
Trước mùa 2021, CLB TPHCM chi rất đậm, với bản hợp đồng "bom tấn" Lee Nguyễn và các chân sút ngoại. Tuy nhiên, việc chỉ giành 3 điểm, rơi tõm xuống vị trí 11 sau 3 vòng đấu của CLB TPHCM chắc chắn không làm các CĐV hài lòng.
Trận thua 0-2 trên sân Cẩm Phả vòng trước, TPHCM đổ lỗi cho các quyết định thiếu chính xác của trọng tài. Nhưng công bằng mà nói, họ đã chơi không tốt trước một Than Quảng Ninh có tinh thần rất cao cùng cách chơi hợp lý.
Lee Nguyễn luôn được chăm sóc kỹ
Đá derby với CLB Sài Gòn, Lee Nguyễn vẫn là tâm điểm. Tiền vệ 34 tuổi bị đau nhẹ sau chuyến làm khách tại đất mỏ, nhưng khả năng Lee Nguyễn vẫn đá chính.
"Chúng tôi không để cậu ấy chơi tự do", HLV Shimoda của Sài Gòn FC nhấn mạnh. Theo chiến lược gia người Nhật Bản, ông nghiên cứu rất kỹ về Lee Nguyễn và có sẵn phương án "bắt chết" ngôi sao bên phía CLB TPHCM.
Thuyền trưởng CLB Sài Gòn cũng nhấn mạnh muốn xây dựng lối chơi đẹp mắt, hoa mỹ ở Sài Gòn FC. Đá đẹp, nhưng mục tiêu của Sài Gòn FC luôn là giành chiến thắng trước bất cứ đối thủ nào.
Trận derby hứa hẹn hấp dẫn
"Tôi mong cầu thủ thi đấu toàn tâm toàn sức, chiến đấu để giành chiến thắng. Vì đây là trận derby nên tôi không muốn thua", HLV Shimoda tuyên bố.
VPL đổi ngôi vô địch, bóng đá miền Nam đã chơi tốt sân chơi 7 người Đại diện miền Nam là CLB Song Hùng, đội xếp thứ nhì khu vực TP.HCM đã bất ngờ giành chiến thắng cả 2 trận đều bằng đá luân lưu ở vòng chung kết giải bóng đá 7 người vô địch toàn quốc Hyundai Cup 2020 by TC MOTOR (VPL-S2) để lên ngôi vô địch Bóng đá 7 người đã tạo nê nhiều trận...