TP HCM muốn vay Đan Mạch 15 triệu USD để chống ngập
Tiền này nhằm xây dựng chương trình quản lý và hệ thống cảnh báo lũ sớm cho TP HCM.
Sở Kế hoạch – đầu tư TP HCM vừa kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho Trung tâm chống ngập thực hiện dự án Quản lý tích hợp ngập lụt đô thị thành phố bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Đan Mạch.
Số tiền này được dùng để hiện đại hóa, mở rộng hệ thống quan trắc khí tượng, mưa, thủy văn và các trạm rada dự báo mưa; xây hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quan trắc và dự báo giữa Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và Trung tâm chống ngập.
Nguồn tiền còn để xây dựng bản đồ nguy cơ rủi ro ngập lụt, quy trình vận hành các công trình chống ngập cũng như hệ thống cảnh báo rủi ro đến người dân… Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến 2022.
Trong 10 năm qua TP HCM đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng để giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn. Ảnh: An Nhơn.
Ngập nước do mưa lớn và triều cường đang là vấn đề bức xúc của người dân TP HCM. Thời gian qua, chính quyền đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng các dự án chống ngập. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, thiếu vốn… khiến hiệu quả chưa cao.
Video đang HOT
Mới đây nhất, trận mưa lớn hơn 206 mm sáng 13/10 diễn ra trên diện rộng ở trung tâm (quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh và một phần quận Gò vấp, Tân Bình); phía Tây thành phố (các quận Bình Tân, Tân Phú và một phần huyện Bình Chánh); phía Bắc (quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và một phần quận Tân Bình) đã gây ngập 12 tuyến đường, tụ nước trên 15 tuyến khác.
TP HCM đã nghiên cứu nhiều giải pháp từ xây hồ điều tiết, hoặc sử dụng máy bơm công suất lớn chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh…
Tại hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ đầu tháng 10, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đang cùng các cơ quan Trung ương bàn thảo, mời chuyên gia từ Hà Lan tư vấn xây đê, hồ chứa nước mưa ở khu vực Cần Giờ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu, dự trù kinh phí khoảng 6 tỷ USD, cho tuyến đê hơn 20 km, kéo dài từ Gò Công (Tiền Giang) đến gần Bà Rịa – Vũng Tàu.
Với giải pháp này, khi mưa, nước từ thành phố sẽ chảy xuống hồ chứa khổng lồ ở Cần Giờ, chấm dứt ngập trong nội thành. Ngoài ra, khi thủy triều lên thì hệ thống đê sẽ ngăn nước đổ vào hệ thống sông, không còn gây ngập khu vực dân cư.
Trung Sơn
Theo VNE
TP HCM muốn doanh nghiệp góp tiền thuê máy bơm 'khủng' chống ngập
Các doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi từ công trình chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh được vận động góp tiền thuê máy bơm.
UBND TP HCM vừa giao Sở Tài chính cùng quận Bình Thạnh vận động chủ đầu tư các dự án bất động sản tại đường Nguyễn Hữu Cảnh - được hưởng lợi trực tiếp từ công trình chống ngập bằng hệ thống bơm công suất cao - đóng góp chi phí cùng thành phố triển khai dự án.
Hiện có rất nhiều dự án chung cư cao cấp với hàng chục nghìn căn hộ đã và đang hoàn thành trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Trong đó, khu vực trước tòa nhà The Manor và Sài Gòn Pearl thường xuyên bị ngập nặng khiến người dân rất bức xúc.
Thành phố cũng yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư) cung cấp thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán công trình, chi phí vận hành máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh... cho Sở Giao thông Vận tải thẩm định làm cơ sở xác định giá thuê.
Trung tâm chống ngập thành phố sẽ phối hợp chủ đầu tư xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả, nghiệm thu, vận hành và ký hợp đồng nguyên tắc trước ngày 6/10.
Một đơn vị độc lập sẽ được chọn để thẩm định giá thuê máy bơm. Sau đó Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND thành phố về giá thuê dịch vụ, thời gian thuê, thời điểm bắt đầu trả phí, cách thức thanh toán... trong hợp đồng chính thức.
Giá thuê máy bơm khủng được đề nghị mức 12 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Hữu Nguyên.
Trước đó, Công ty Quang Trung đề xuất tự bỏ tiền làm hệ thống máy bơm công suất lớn chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh với tổng mức đầu tư khoảng 88 tỷ đồng.
Tại buổi kiểm tra công trình máy bơm chống ngập hôm 22/9, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết chủ đầu tư đã đề nghị mức cho thuê là 12 tỷ đồng một năm.
Lãnh đạo thành phố cho rằng đây là con số không lớn so với kinh phí và công sức của chủ đầu tư đã bỏ ra. Giá cụ thể sẽ được tính toán với phương châm lấy hiệu quả làm đầu. Còn vấn đề thanh toán tất nhiên phải hợp lý để ủng hộ cho chủ đầu tư, trên cơ sở quy định của nhà nước.
Vận hành máy bơm khủng cách đây một tuần với mực nước ngập sâu 40 cm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, máy bơm công suất đã hút hết nước và đưa ra sông Sài Gòn sau 15 phút. Đây là kết quả được lãnh đạo TP HCM đánh giá rất khả quan và kỳ vọng vào giải pháp chống ngập mới này.
TP HCM đang thực hiện hai quy hoạch để giải quyết bài toán thoát nước. Tính từ năm 2001 đến nay tổng kinh phí đầu tư cho hai quy hoạch này vào khoảng 29.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, dù thành phố đã xóa được nhiều điểm ngập ở nội thành, song tình trạng này đang có xu hướng xuất hiện ở ngoại thành như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân... Điều này chứng tỏ thành phố đang "đuổi ngập từ chỗ này sang chỗ khác chứ chưa phải xử lý ngập.
Hữu Nguyên
Theo VNe
Hồ điều tiết, siêu máy bơm chống ngập ở TP HCM dần hoàn thành Đối phó với mưa ngập, TP HCM đang thi công hồ điều tiết ngầm và lắp siêu máy bơm, dự kiến hai công trình này hoàn thành trong tháng 8. Hồ điều tiết thông minh chống ngập nước được thi công trên đường Võ Văn Ngân, đoạn trước cổng nhà Văn hóa thiếu nhi (quận Thủ Đức, TP HCM), với sự đầu tư...