TP HCM làm tốt công tác cai nghiện
Mặc dù hiệu quả nhưng đề án đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội khó nhân rộng cả nước vì còn vướng quá nhiều luật
Chiều 8-5, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP HCM về việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Kéo giảm các tệ nạn
Báo cáo với đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết qua 5 tháng thực hiện (từ ngày 5-12-2014 đến 30-4-2015), tổng số người phát hiện có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy và được xét nghiệm tìm chất ma túy là 9.592. Qua xét nghiệm, có 5.845 người dương tính với ma túy, 2.652 người dương tính nhưng không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận thăm, động viên người nghiện điều trị tại một cơ sở xã hội
Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành 3.193 quyết định đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý. Cơ sở xã hội đã xác định tình trạng nghiện cho 3.055 người, trong đó nghiện heroin là 1.764 trường hợp, ma túy tổng hợp là 1.291 trường hợp; 224 trường hợp chưa xác định được tình trạng nghiện. TAND các quận, huyện đã quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 1.974 trường hợp, có 14 người khiếu nại (đã được tòa án giải quyết lần 2 và tất cả giữ nguyên quyết định của TAND quận, huyện), trong đó 1.968 người nghiện thi hành quyết định của tòa án.
Bên cạnh đó, qua gần 5 tháng ra quân đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma túy, đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội, tình hình phạm pháp hình sự tại TP HCM được kéo giảm 472 vụ, tương đương 20% so với thời điểm liền kề. Các loại án xâm phạm sở hữu tài sản, nhất là án xảy ra nơi công cộng, giảm đáng kể; tình trạng sử dụng ma túy tại nơi công cộng cũng được kéo giảm rõ rệt…. Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhiều địa phương đến khảo sát
Nhìn nhận về đề án đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội ở TP HCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đánh giá cao nỗ lực của TP.
“Tôi rất ấn tượng trước cách làm của TP khi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là vai trò chủ đạo của ban chỉ đạo đề án, từ đó tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân và xã hội. Những kết quả bước đầu đã chứng tỏ quyết tâm của TP HCM. TP cũng nhận diện rất rõ những tồn tại và khó khăn. Từ nền tảng này, các tỉnh – thành khác cũng thực hiện” – ông Phong khẳng định và mong muốn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sắp tới, TP HCM sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về đề án để giúp cho việc hoạt động chính sách được tốt hơn.
Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đây là cố gắng rất lớn của TP HCM. “TP thực hiện đề án hết sức chặt chẽ. Đến nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn chưa thực hiện được. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có 10 địa phương thành lập được cơ sở xã hội. Ngay như TP Hà Nội cũng chưa lập được phiên tòa để xét xử người nghiện trong thời gian cắt cơn, giải độc tại cơ sở xã hội. TP HCM nên phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng ra cả nước” – ông Hiền đề nghị.
Tuy nhiên, ở góc độ địa phương thực hiện đề án, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận thẳng thắn: “Từ khi thực hiện đề án, rất nhiều đoàn của trung ương, địa phương khác đến TP HCM khảo sát. TP cung cấp tất cả tài liệu cũng như cách làm nhưng nói thật là rất khó nhân rộng vì vướng quá nhiều luật như: Luật Phòng chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính…”.
Không chỉ vướng về luật định, theo ông Khiết, 19.213 người nghiện có hồ sơ quản lý tại TP nhưng qua triển khai, chỉ 30% của hơn 3.000 người nghiện đưa vào cơ sở xã hội có thông tin, tài liệu nằm trong danh sách đợt rà soát, 70% còn lại không nằm trong danh sách thống kê (53% hộ khẩu tỉnh, 17% hộ khẩu TP nhưng bỏ nhà sống lang thang). Điều này cho thấy tình trạng người nghiện sót lọt, không có hồ sơ quản lý còn nhiều khiến tình hình phức tạp. Mặt khác, việc xác minh tình trạng cư trú ổn định của người nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng 70% người nghiện ma túy từ nhiều tỉnh, thành khác đến TP HCM sống lang thang. Bản thân người nghiện cố tình khai nhiều địa chỉ, không đúng sự thật để gây trở ngại cho công tác xác minh nơi cư trú; đồng thời việc phối hợp xác minh nơi cư trú tại các tỉnh, thành khác, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cũng gặp khó khăn…
“Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma túy cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tiễn. Về phía Chính phủ, phải chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tích cực cho TP HCM trong việc xác minh nơi cư trú của người nghiện” – ông Khiết đề xuất.
Trước ý kiến của TP HCM, ông Đặng Thuần Phong nhìn nhận đúng là người đứng đầu các tỉnh, thành chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc hỗ trợ TP HCM xác định nơi cư trú của người nghiện. Bên cạnh đó, hiện các văn bản luật còn chồng chéo, chưa tương thích, chậm hướng dẫn gây khó khăn nhiều cho việc thực hiện đề án.
“Nghị quyết 77 có hiệu lực đến hết năm 2015. Từ nay đến hết năm 2015, Chính phủ phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản hướng dẫn để sau khi nghị quyết này hết giá trị thì vẫn tiếp tục thực hiện đề án” – ông Phong nói.
13 cơ sở điều trị bằng Methadone
Theo báo cáo của UBND TP HCM, tính đến ngày 30-4, TP có 13 cơ sở điều trị bằng Methadone, 5 cơ sở đang trong giai đoạn nhận hồ sơ và dự kiến khởi liều cho bệnh nhân vào tháng 5-2015, gồm: quận 1, 7, 10, 12 và Bình Tân. Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 2.140 người, có 369 trường hợp trong giai đoạn dò liều và 1.771 bệnh nhân giai đoạn duy trì.
Video đang HOT
Để bảo đảm tính bền vững của chương trình trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đang cắt giảm dần nguồn viện trợ, từ ngày 1-1-2015, các cơ sở điều trị tiến hành thu phí đối với bệnh nhân đang điều trị Methadone với mức bình quân 18.000 đồng/ngày/người (gồm phí mua thuốc và phí khám bệnh, phát thuốc). Mục tiêu đến cuối năm 2015, trên địa bàn TP HCM sẽ có 8.000 người nghiện được sử dụng Methadone.
Theo Người Lao Động
Tìm lối ra cho cai nghiện ma túy
"Người nghiện ma túy tràn lan", bạn đọc báo kêu lên như vậy. Nạn hút chích, mua bán ma túy diễn ra công khai giữa đường, giữa ban ngày, các tấm ảnh do phóng viên chụp về cũng nói lên điều đó.
Dạy nghề cho các đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Tọa đàm về cai nghiện ma túy tại báo Tuổi Trẻ sáng 31-10-2014 - Ảnh: Tiến Long
Làm sao giảm thiểu vấn nạn này? Đó là nội dung xuyên suốt cuộc tọa đàm được Tuổi Trẻ tổ chức sáng 31-10.
Cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, trong đó có biện pháp mạnh như cách ly, biện pháp nhẹ như dùng thuốc hỗ trợ, tư vấn tâm lý... đều đã được áp dụng ở TP.HCM nhưng vẫn không làm giảm được người nghiện ma túy.
Làm thế nào để tìm ra một giải pháp khả thi cho cai nghiện ma túy? Câu hỏi này được những người làm công tác phòng chống ma túy lẫn những người nghiện thảo luận sôi nổi với những đề xuất cụ thể, xuất phát từ tình hình thực tiễn.
"TP.HCM đang đề xuất một cơ chế riêng là thành lập trung tâm cai nghiện tập trung với đầy đủ nhân lực, vật lực về y tế, tâm lý để đưa người nghiện vào đó trong giai đoạn cắt cơn, tư vấn. Hiện có thể tận dụng những cơ sở hạ tầng, con người có sẵn là đội ngũ bác sĩ tại 17 trung tâm cai nghiện của TP."
Ông Lê Văn Tám (phó trưởng phòng quản lý cai nghiện phục hồi - Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội)
Người nghiện cần gia đình, xã hội giúp đỡ
- Ông Bùi Quang Thủy (Q.Phú Nhuận, nghiện ma túy 40 năm): Người nghiện nào cũng mong muốn cai nghiện thành công, nhưng rồi sau khi cắt cơn, sau khi cơ thể đã không còn đòi hỏi ma túy nữa thì trong óc não chúng tôi lại vẫn nhớ. Không vượt qua nổi chính mình thì tái nghiện.
Theo trải nghiệm của tôi, quan trọng nhất để cai nghiện là giải quyết vấn đề tâm lý. Người nghiện rất cần được sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng để tự kéo mình ra xa ma túy, tăng sức đề kháng tâm lý.
Các buổi sinh hoạt, tư vấn ở địa phương cũng rất có hiệu quả, khuyến khích người cai nghiện tiến bộ và giúp cộng đồng giảm kỳ thị.
- Anh Chu Thái Bảo (Q.Gò Vấp, nghiện ma túy tám năm): Tôi đang được cai nghiện bằng liệu pháp uống methadone, đồng thời được mẹ giúp đỡ, bạn bè khuyên nhủ, nên tôi tin rằng mình sẽ bỏ được ma túy. Lần cai nghiện này với tôi là lần thứ 10.
Tôi nghiện ma túy từ năm 15 tuổi. Ngày biết mình bị nghiện, tôi đã khóc và quyết tâm sẽ bỏ. Nhưng rồi không bỏ được, dù ở nhà, đến trung tâm cai nghiện dịch vụ hay lên trường cai nghiện tận trong rừng...
Hiện giờ, sáng tôi ra khỏi nhà, gặp người nghiện hút chích ngay cửa, trưa đi về gặp người bán ma túy giữa đường. Môi trường như vậy, nếu không được uống methadone, tôi chỉ có cách chích heroin.
Bằng kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng thuốc và các biện pháp hỗ trợ cắt cơn chỉ chiếm 30% trong cai nghiện thôi, phần còn lại là do tâm lý. Nhưng tâm lý cũng cần được giúp đỡ.
- Ông Trần Văn Thông (cán bộ phụ trách cai nghiện ma túy, Phòng LĐ-TB&XH Q.4): Nghiện ma túy vừa là bệnh, vừa là tệ nạn, hai mặt của vấn đề đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính tổng thể và song hành.
Ở Q.4, chúng tôi đang tăng cường các biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; khuyến khích người nghiện tự đăng ký để nâng cao ý thức, đề nghị cơ sở y tế xác định mức độ nghiện để tư vấn cụ thể, kỹ lưỡng.
Chúng tôi cũng duy trì các hoạt động câu lạc bộ, nhóm để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh; thường xuyên đến thăm, tư vấn, hỗ trợ lẫn nhau.
Tôi cho rằng những hoạt động nhằm vào việc xây dựng lại cách sống cho người nghiện, ngăn chặn tái nghiện còn quan trọng hơn việc cắt cơn tập trung.
Ông Lê Văn Tám - Ảnh: Tiến Long
Nên mở rộng sử dụng methadone
- Anh Chu Thái Bảo: Tôi xin hiến kế: công an phường, dân phòng chia nhau đến túc trực ở những địa điểm người bán ma túy và người nghiện hay tập trung. Đây là biện pháp cần thiết để hạn chế buôn bán, giảm kích thích người vừa cai nghiện.
Tôi mới được nghe về các hình thức sinh hoạt nhóm đồng đẳng ở cộng đồng. Nếu địa phương tôi ở có thành lập, tôi sẵn sàng tham gia.
Chúng tôi rất khao khát bỏ được ma túy để trở lại làm một con người đúng nghĩa, làm lại cuộc đời mình. Mọi người hãy giúp chúng tôi.
- Ông Bùi Quang Thủy: 40 năm nghiện hút, cai nghiện nhiều lần không hiệu quả nhưng nay được uống methadone, tôi rất tin tưởng. Tuy nhiên, methadone đang được tài trợ cho người cai nghiện nên phạm vi áp dụng còn hẹp.
Tôi đề nghị hãy mở rộng việc sử dụng methadone và các loại thuốc thay thế khác để nhiều người nghiện có thể tiếp cận và có thêm cơ hội cai nghiện.
- Ông Lê Văn Tám (phó trưởng phòng quản lý cai nghiện phục hồi - Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội): Việc cai nghiện được hay không chính do ở bản thân mình. Tự bản thân anh em không quyết tâm thì không ai giúp được.
Còn nói về phía các cơ quan chức năng, tôi xin khẳng định rằng việc hỗ trợ cai nghiện ma túy là một quá trình dài cần nhiều biện pháp phối hợp. Chủ trương mới, luật mới của chúng ta quy định lần lượt ba biện pháp cai nghiện:
1 - Cai nghiện tự nguyện tại nhà hay cơ sở y tế từ 3-6 tháng.
2 - Giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng.
3 - Đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh tập trung.
Còn rất nhiều bất cập trong việc áp dụng ba biện pháp này: các điều kiện cơ sở về nhân viên, dịch vụ y tế, tổ tư vấn, tham vấn tâm lý chưa đủ để thực hiện có hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng.
Còn nhiều bất cập khi thực hiện luật mới
- Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Q.3): Chúng ta từng coi ma túy là tệ nạn xã hội nên giao cho ngành LĐ-TB&XH quản lý, nhưng luật mới thì coi người nghiện là người bệnh cần phải được điều trị.
Như vậy, đúng luật là phải giao ngành y tế chăm sóc họ, nhưng luật vẫn quy định bên tổ chức cai nghiện, lập hồ sơ trình ra tòa để đưa đi cai nghiện (theo bước ba) vẫn là ngành LĐ-TB&XH.
Điều này cho thấy ngành LĐ-TB&XH đang vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm hồ sơ cai nghiện, vừa quản lý các trại cai nghiện.
Tôi cho rằng các nhà làm luật đã hết sức vội vàng khi xây dựng quy trình xử lý cai nghiện. Chúng ta chưa chuẩn bị được hạ tầng: ngay từ đầu để xác định người nghiện cần phải có bác sĩ chuyên môn.
Bác sĩ chuyên môn là những ai? Ai được cấp giấy chứng nhận? Rõ ràng là chưa có ai. Vấn đề người nghiện của TP đang dừng lại ở đây và đang bế tắc.
Việc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện cũng quá nhiêu khê với 29 biểu mẫu do Bộ Tư pháp triển khai. Giấy tờ nhiều quá, ai sẽ làm? Công an hay ngành LĐ-TB&XH? Hiện vẫn chưa tập huấn, chưa vận hành.
Luật xác định với những người lang thang, không nơi cư trú hợp pháp, sẽ giao cho tổ chức xã hội trong thời hạn 30 ngày trước khi trả về địa phương để thực hiện cai nghiện tại cộng đồng.
Vấn đề ở đây là tổ chức xã hội nào? Ở TP.HCM có 12.000 người nghiện không có hộ khẩu. 12.000 người này sẽ giao cho tổ chức nào, kinh phí ở đâu? Đó là chưa kể quy định đưa họ về địa phương là vi phạm Luật cư trú.
Chúng ta coi người nghiện là người bệnh để tăng nhân quyền, nhưng lại xảy ra việc phân biệt đối xử khi người nghiện có hộ khẩu hay KT3 ở TP.HCM thì được uống methadone, người khác thì không được. Như vậy là không thể xử lý được cái gốc.
Trước đây, một buổi ngành LĐ-TB&XH xét được 20 hồ sơ đưa người đi cai nghiện nhưng nếu đưa qua tòa thì ông thẩm phán nào xét được 20 hồ sơ một buổi? Có thể nói từ luật, quy định tới thực hiện còn rất "vênh".
Tại sao lại có tình trạng người nghiện ma túy tràn lan? Ví dụ ở Q.3 có khoảng 500 người sử dụng ma túy thì chưa đầy 20 công an trong đội phòng chống ma túy. Mà họ còn phải đi làm án chứ không phải chỉ lập hồ sơ cai nghiện.
Không để người nghiện trở thành nguồn gốc của tội phạm
Chiều 31-10, ông Đặng Đình Luyến - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - chủ trì cuộc họp với bộ ngành gồm: Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ LĐ-TB&XH để xem xét các kiến nghị của TP.HCM về việc thí điểm mô hình "cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý" cho người nghiện ma túy trong khi chờ phán quyết của tòa án.
Ông Huỳnh Thành Lập, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, trình bày lại các vấn đề mà TP.HCM kiến nghị.
Ông Lập nói TP.HCM có ba vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất, việc hút chích công khai sẽ chấm dứt, không để người nghiện ngang nhiên thách thức chính quyền, thách thức xã hội.
Thứ hai, không để người nghiện trở thành nguồn tội phạm, nguồn lôi kéo gia tăng người nghiện mới.
Thứ ba, đề nghị các cơ quan chức năng trung ương chỉ rõ cho TP "địa chỉ để quản lý" người nghiện trong thời gian làm thủ tục có phán quyết của tòa án.
Địa chỉ này có thể là Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh... nhằm giúp TP xúc tiến việc tiếp nhận người nghiện trong thời gian chờ thủ tục.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan trung ương đều chia sẻ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý người nghiện của TP.HCM trong bối cảnh người nghiện ma túy tăng cao, đồng thời lắng nghe tất cả giải pháp, phương án mà TP đề xuất để báo cáo, nghiên cứu và chọn ra giải pháp hợp lý nhất.
Theo Tuổi Trẻ
Yêu cầu tăng cường rà soát và quản lý người nghiện ma túy Chính phủ vừa ban Nghị quyết về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Hơn 20 năm qua, công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức...