TP HCM kỳ vọng khống chế dịch sau 15 ngày giãn cách
Sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP HCM đánh giá “cơ bản kiểm soát được các ổ dịch” và kỳ vọng sẽ đẩy lùi Covid-19 sau 15 ngày dùng các biện pháp mạnh.
Quyết định giãn cách xã toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) được chính quyền TP HCM đưa ra cách đây hơn một tuần. Thời điểm đó, thành phố ghi nhận 126 ca nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp – gấp 4 lần số ca nhiễm của đợt dịch hồi tháng 1/2021 với ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất.
TP HCM bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5. Đồ hoạ: Khánh Hoàng.
Sau 7 ngày giãn cách xã hội, TP HCM đã tích cực truy vết, lập nhiều chốt kiểm soát, xét nghiệm diện rộng toàn thành phố… Giám đốc Sở Y tế TP HCM đánh giá đến thời điểm này cơ bản các ổ dịch đã được khoanh vùng, khống chế. Cụ thể, vào cuối tháng 5, TP HCM ghi nhận 70 ca nhiễm mỗi ngày, nhưng sau đó số người nhiễm giảm dần còn 20-25 trong cộng đồng mỗi ngày.
“Những ngày tới thành phố sẽ thêm 40-45 ca nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên, đa số các ca mới là F1 trong khu cách ly được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 hoặc trong khu phong toả nên không còn khả năng lây lan cộng đồng”, ông Bỉnh nói và cho biết điều này nằm trong dự đoán ban chỉ đạo phòng dịch thành phố.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói rằng quyết định giãn cách toàn thành phố là biện pháp kịp thời, góp phần ngăn chặn dịch lây lan. Đến nay số ca nhiễm đã giảm dần chứng tỏ công tác phòng chống đã thành công bước đầu.
“Nếu không thực hiện giãn cách khả năng thành phố sẽ mất kiểm soát, giờ này không biết chuyện gì đang xảy ra”, ông Nên nói và cho rằng việc thực hiện giãn cách có nơi, có lúc còn lúng túng do địa phương chưa lường hết khó khăn khi cách ly một quận, một phường, ảnh hưởng sinh hoạt người dân. Tuy nhiên nhìn tổng thể việc giãn cách được làm nghiêm túc, hiệu quả. Người dân, tổ chức tôn giáo và cộng đồng doanh nghiệp đều ủng hộ, chia sẻ với chính quyền.
Đánh giá về tình hình sắp tới, Giám đốc Sở Y tế thành phố dự báo 2-3 tuần nữa dịch mới đạt đỉnh vì tất cả nguồn bệnh trên cả nước hiện đã đi ra các tỉnh thành. Quyết định giãn cách xã hội tại TP HCM góp phần giảm đáng kể số ca bệnh, nhưng nếu dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp thì nguy cơ ca nhiễm ở tỉnh thành khác xâm nhập thành phố vẫn mức cao.
Người đứng đầu Sở Y tế thành phố dẫn chứng, việc kiểm soát dịch ở phạm vi rộng vẫn để “lọt” ca bệnh. Cụ thể, ngày 6/6 Bình Dương báo cáo một người kinh doanh bất động sản từ Hà Nội vào tỉnh này hôm 29/5, đã lây bệnh cho các nhân viên bất động sản tại địa phương và người nhà. Nguy hiểm hơn, hai nhân viên của công ty ra Hà Tĩnh tiếp xúc, lây nhiễm cho 5 người. Chuỗi lây lan này đến nay đã phát hiện 10 người dương tính nCoV.
Chốt lập trên đường Nguyễn Kiệm kiểm soát người ra vào quận Gò Vấp, ngày 3/6. Ảnh: Quỳnh Trần.
Video đang HOT
“Hiện vẫn còn những ca F1 chưa hoặc chậm khai báo nên việc truy vết còn tiếp diễn như ổ dịch tòa nhà Samco (quận 1). Thành phố cần quyết liệt trong những ngày tới để khống chế dịch hoàn toàn”, ông Bỉnh nói và cho biết sau 15 ngày giãn cách xã hội TP HCM sẽ đánh giá tổng thể, có biện pháp chống dịch phù hợp, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người dân.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nói rằng thành phố đã cân nhắc, chấp nhận hy sinh rất nhiều khi quyết định giãn cách để bảo vệ sức khoẻ người dân. Vì vậy, trong những ngày giãn cách còn lại toàn bộ sở ngành, quận huyện phải nỗ lực hết sức để đẩy lùi Covid-19.
“Không nên thấy số ca nhiễm chững lại mà giảm các biện pháp chống dịch. Chúng ta phải tận dụng 15 ngày giãn cách chặn đứng Covid-19″, ông Phong nói và yêu cầu ngành y tế phải bảo đảm không tồn mẫu xét nghiệm, nhất là với các trường hợp F1, F2; đồng thời sớm hoàn thành lấy mẫu toàn bộ 325.000 công nhân và 3.000 chuyên gia tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong ngày 7/6, Việt Nam ghi nhận thêm 211 ca trong nước, trong đó 200 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Hôm qua cũng đánh dấu hai tuần liên tiếp số ca nhiễm được công bố tính theo ngày hơn 200.
Số ca Covid-19 cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 5.833 ca, tại 39 tỉnh thành. Bắc Giang vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 3.211 ca, tiếp theo là Bắc Ninh 1122, Hà Nội 438 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 94 ca, 52 ca ở Bệnh viện K), TP HCM 422 ca.
Có 15 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, đã 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh sau 2-3 tuần nữa
Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định dù số ca nhiễm trong cộng đồng đã giảm, tuy nhiên, với việc dịch đã âm thầm lây lan, thành phố sẽ đạt đỉnh dịch sau 2-3 tuần tới.
Sáng 7/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Buổi họp được tổ chức sau khi TPHCM hoàn thành một tuần giãn cách theo Chỉ thị 15 trên toàn địa bàn và Chỉ thị 16 tại một số khu vực.
"Khi quyết định giãn cách xã hội, chính quyền thành phố đã cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều khi chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Vấn đề đặt ra là với việc giãn cách, thành phố đã đạt hiệu quả ra sao trong phòng, chống dịch Covid-19", Chủ tịch UBND TPHCM mở đầu buổi họp.
Cần giải cứu doanh nghiệp, người lao động khó khăn
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các thành viên dự họp báo cáo đánh giá tình hình từ khi áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 đối với một số khu vực. Thành phố cần tìm ra những vấn đề tồn đọng và những giải pháp phù hợp trong tuần giãn cách còn lại.
"Chúng ta cần làm rõ việc giãn cách mang lại hiệu quả gì cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến nay, chúng ta đã trải qua một tuần giãn cách xã hội, chỉ còn một tuần nữa áp dụng biện pháp này", Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu giải cứu, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh: Quang Huy).
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cần họp với tổ hỗ trợ các doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp phù hợp cho đơn vị, người lao động khó khăn, chính sách an sinh xã hội trong đợt bùng phát dịch lần này.
"Khi giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và lãnh đạo thành phố đã đặt vấn đề cần chủ động hỗ trợ, giải cứu những trường hợp gặp khó khăn do dịch bệnh. UBND TP đã thành lập tổ hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp, triển khai chính sách an sinh xã hội vào cuối tuần vừa rồi", Chủ tịch UBND TPHCM cho hay.
Sau phần thảo luận và đánh giá, UBND TPHCM sẽ họp nội bộ để bàn giải pháp mua vắc xin Covid-19. Sau khi thảo luận với các quận, huyện, UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 sẽ xin ý kiến Thành ủy về vấn đề trên.
Các chuỗi lây nhiễm từng bước được khống chế
Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, từ ngày 26/5 đến nay, 362 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 liên quan chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được công bố. Chuỗi lây nhiễm lây lan nhanh ra thành nhiều chuỗi nhỏ khác.
"Chùm ca bệnh liên quan đến điểm truyền giáo bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều yếu tố đặc thù. Những yếu tố đó gồm chủng SARS-CoV-2 của Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh, nhiều ca bệnh tập trung trong môi trường kín, nhiều thành viên điểm truyền giáo khó tiếp xúc, khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu", Giám đốc Sở Y tế nhận định.
Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã giảm dần.
Khi mới phát hiện chuỗi lây nhiễm, có thời điểm TPHCM ghi nhận 70 ca/ngày liên quan đến ổ dịch tại điểm truyền giáo. Tuy nhiên, sau 6 ngày giãn cách xã hội, số ca nhiễm mỗi ngày từ 20-25 trường hợp trong cộng đồng, những bệnh nhân còn lại được phát hiện tại khu vực đã cách ly, phong tỏa.
"Điều này cho thấy dịch bệnh tại TPHCM đã từng bước được khống chế. Dù còn những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc nhưng có nguy cơ tiếp xúc, lây lan thấp do TP đang giãn cách xã hội", ông Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá.
Lãnh đạo ngành y TPHCM đặt giả thiết số ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn gốc trong cộng đồng có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan từ trước, cộng với sự tiếp xúc, đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ.
"Chúng ta còn 9 ngày giãn cách xã hội, đây là thời gian để truy vết tất cả các nhánh của dịch Covid-19 trên địa bàn. Sau đó, chúng ta sẽ có bức tranh tổng thể và đưa ra các biện pháp giảm giãn cách phù hợp với tình huống", Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ.
2-3 tuần nữa dịch Covid-19 mới đạt đỉnh
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh so sánh, phân tích trong đợt bùng phát dịch đầu năm 2021, số ca mắc đạt đỉnh sau 21 ngày và giảm dần 2 tuần sau đó. Đối với đợt bùng phát dịch lần thứ 4, số lượng ca mắc mới chưa có dấu hiệu giảm đi sau 41 ngày.
"Qua đánh giá tổng quan, chúng tôi tiên lượng dịch sẽ đạt đỉnh sau 2-3 tuần nữa và sau đó mới giảm. Với mức độ giao thương lớn, tình hình dịch bệnh tại TPHCM và cả nước sẽ có điểm tương đồng. Chỉ cần dịch ở Hà Nội ra sao thì TPHCM vài ngày sau sẽ như vậy và ngược lại", ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.
Quận Gò Vấp là địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (Ảnh: Hải Long).
Từ những đánh giá trên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng dịch Covid-19 đang từng bước giảm, tuy nhiên vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng. Bối cảnh đó đòi hỏi thành phố cần tiếp tục những giải pháp quyết liệt thời gian tới.
Theo công bố của Bộ Y tế, tính từ ngày bắt đầu thực hiện giãn cách (31/5) đến nay, TPHCM có 219 ca mắc Covid-19 mới. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến điểm truyền giáo Phục Hưng vẫn là điều đáng lo ngại đối với ngành y thành phố. Trong tuần qua, 206 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại TPHCM có liên quan đến chuỗi này.
Sáng 7/6, TPHCM tiếp tục ghi nhận 12 bệnh nhân mắc Covid-19. Tất cả trường hợp mới đều liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM có 388 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, địa bàn thành phố xuất hiện 3 chuỗi lây nhiễm gồm nhóm truyền giáo Phục Hưng, công ty kiểm toán và quán bánh canh cùng ở quận 3.
Covid-19 bùng phát ở TP.HCM: Đến Sài Gòn nhặt ve chai, ăn rau luộc hay xôi cầm chừng Vì dịch Covid-19 bùng phát, người thu mua ve chai ở Sài Gòn phải thắt lưng buộc bụng từng khoản, số ve chai kiếm được ít ỏi nhưng gánh nặng trên lưng thì vẫn vậy, mỗi bữa cơm giờ chỉ có rau luộc hoặc gói xôi để cầm chừng. Bà Lê Thị Hòa (55 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) ngồi nghỉ trưa trên vỉa...