TP Hà Nội: Buýt nhanh BRT làm giảm ùn tắc giao thông
Theo UBND TP Hà Nội, sau 5 năm vận hành, tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Cử tri Hà Nội cho rằng, tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa được xây dựng nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau 5 năm vận hành, tuyến xe này không được như kỳ vọng. Cử tri đề nghị thành phố đánh giá lại hiệu quả dự án để có giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến của cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết, sau 5 năm đi vào hoạt động (từ 1/2017-6/2022), buýt nhanh BRT mang lại kết quả tích cực, được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt.
“Chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao so với toàn mạng lưới xe buýt”, UBND TP Hà Nội cho hay.
TP Hà Nội đánh giá tuyến buýt nhanh góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Đình Hiếu
Theo UBND TP Hà Nội, xe buýt BRT đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm chi phí đi lại cho hành khách. Bên cạnh đó, tuyến xe này còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nó đi qua.
Video đang HOT
TP Hà Nội chỉ ra những tồn tại hiện nay của tuyến xe buýt nhanh là còn tình trạng lấn làn, một số đoạn chạy chung với các phương tiện nên ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển, một số nhà chờ chưa được tiếp cận bằng cầu đi bộ, chưa có hệ thống vé điện tử.
UBND TP Hà Nội cho biết, bình quân năm 2017, buýt nhanh BRT đạt hơn 40 khách/lượt; năm 2018 là 42 khách/lượt; năm 2019 gần 43 khách/lượt. Vào giờ cao điểm, xe chở 70 khách/lượt, có chuyến lên đến 100 khách.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2022, có những thời điểm xe buýt phải dừng hoạt động, giảm công suất nên sản lượng và doanh thu tuyến BRT sụt giảm. Bình quân năm 2020 hơn 45 khách/lượt, đến 2021 chỉ còn 23 khách/lượt. Đến nửa đầu năm 2022, lượng khách trung bình mỗi lượt bằng năm 2021 (hơn 45 khách/lượt).
Theo UBND TP Hà Nội, doanh thu của tuyến buýt nhanh được đánh giá tốt so với các tuyến xe buýt thường, nhưng tỷ lệ trợ giá có xu hướng ngày càng tăng.
Cụ thể, năm 2017 doanh thu tuyến BRT đạt 25 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên 27,5 tỷ đồng, năm 2019 gần 25 tỷ đồng. Do ảnh hưởng Covid-19, doanh thu năm 2020 chỉ đạt 15,2 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 7,9 tỷ đồng.
Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa (dài 14,7km) được phê duyệt từ năm 2007, với tổng mức đầu tư là 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng).
Đầu năm 2017, buýt nhanh bắt đầu hoạt động, với lộ trình Yên Nghĩa – Ba La – Lê Trọng Tấn – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ – Giảng Võ – bến xe Kim Mã.
Sở GTVT Hà Nội: 'Nhân dân đánh giá cao chất lượng phục vụ buýt BRT'
Theo Sở GTVT Hà Nội, sau 5 năm vận hành, xe buýt BRT đem lại hiệu quả tích cực, nhân dân đánh giá cao chất lượng phục vụ.
Chiều 30/7, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022. Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến xe buýt nhanh BRT là tuyến đầu tiên của TP Hà Nội triển khai thí điểm. Tuyến này chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2017, chiều dài hơn 14km.
Đây là tuyến có làn đường riêng, với tần suất khai thác từ 3,5-15 phút/lượt trong ngày thường và từ 7-15 phút/lượt vào Chủ nhật, hoạt động từ 5h sáng đến 22h đêm.
"Sau 5 năm vận hành, loại hình BRT đã đem lại hiệu quả tích cực, chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng vận tải hành khách ngày càng tăng, doanh thu ở mức cao so với toàn mạng lưới buýt hiện nay, nhân dân đánh giá cao trong chất lượng phục vụ", ông Bảo nói.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, lộ trình tuyến BRT đi qua hầu hết các tuyến đường là trục chính có mật độ tham gia giao thông cao như đường Lê Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương, đường Tố Hữu. Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, đôi khi xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông trên tuyến.
"Sở GTVT đang nghiên cứu phương án để đảm bảo phát huy hết làn đường ưu tiên hiện có của buýt nhanh BRT, đồng thời phù hợp với công tác tổ chức giao thông trên tuyến", ông Bảo nói và khẳng định, phương án cụ thể sẽ được lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học và quan trọng nhất là được sự đồng tình cao của nhân dân trước khi thực hiện.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất TP Hà Nội cho phép thêm một số phương tiện lưu thông chung làn dành riêng cho xe buýt BRT 01 giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.
Các phương tiện được đề xuất gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.
Về nguyên nhân điều chỉnh, theo Sở GTVT Hà Nội: Tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông. Vì vậy, Sở GTVT đã đề xuất cho phép thêm một số phương tiện lưu thông chung làn dành riêng cho xe buýt BRT.
Đường Nguyễn Xiển bị thu hẹp, giao thông ùn tắc nghiêm trọng Đường Nguyễn Xiển đi qua hai quận Thanh Xuân và Hoàng Mai (Hà Nội). Đây là tuyến đường huyết mạch nên lượng phương tiện giao thông qua đây rất lớn. Gần đây, tuyến đường này bị rào chắn để thi công dự án Nhà máy nước thải Yên Xá, gây ra tình trạng ùn tắc thường xuyên. Ghi nhận của phóng viên báo...