Toy Story tròn 25 tuổi: Từ tác phẩm bị dọa xếp xó đến màn “dằn mặt” Disney, thay đổi cả ngành công nghiệp hoạt hình
Bộ phim hoạt hình Toy Story gắn liền với tuổi thơ nhiều khán giả đã bước sang tuổi 25, thế nhưng ít ai biết về hành trình huy hoàng của nó trong công cuộc thay đổi lại cả một thị trường.
25 năm trước, một bộ phim đã ra mắt khán giả thế giới và tạo ra một cơn chấn động về cả nội dung lẫn phương thức thể hiện, mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng phim hoạt hình – đó chính là Toy Story ( Câu Chuyện Đồ Chơi ). Sau bao tháng năm, Toy Story vẫn kiên trì giữ vững vị thế của mình trong danh sách các bộ phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại, đã được coi là kinh điển và bứt phá, trở thành tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ khán giả.
Thế giới hoạt hình vào năm 1995 rất khác bây giờ. Disney khi ấy vẫn còn đang sướng rơn với Vua Sư Tử hốt bạc mạnh mẽ, và phong trào hoạt hình 2D vẽ tay vẫn còn đang được yêu thích. Chính vì vậy Toy Story – một hoạt hình dựng bằng máy tính – dường như là “kẻ ngoài lề” đối với Nhà Chuột lúc bấy giờ. Phim không được dựa trên một câu chuyện cổ tích lâu đời, cũng không có ca hát nhảy múa, và đặc biệt nhất là không sử dụng đến vẽ tay. Thay vào đó, Toy Story chính là tác phẩm lớn đầu tiên được dựng hoàn toàn bởi máy tính. Chuyện gì đã tạo điều kiện cho bước ngoặt mang tính đổi đời của Pixar này?
Bắt nguồn từ “con ghẻ” bị dọa xếp xó, Toy Story trở thành hiện thực chính là nhờ Steve Jobs
Ý định ban đầu của John Lasseter – một trong những “trụ cột” đời đầu của Pixar, chính là sản xuất Toy Story dưới dạng phim dài nửa tiếng chiếu trên TV. Thế nhưng, Disney khi ấy lại mong muốn “chơi lớn” hơn. Chàng cao bồi Woody vốn sẽ là kẻ xấu bắt nạt các đồ chơi khác cũng bị thay đổi với định hướng biến Toy Story thành bộ phim hài hước, có cặp “chiến hữu” cùng nhau đấu tranh chống lại cái ác. Những tên tuổi đầu ngành của Disney lúc bấy giờ cùng với cả đạo diễn Joss Whedon cũng được mời vào để sản xuất nội dung cho Toy Story .
Bản thử nghiệm đời đầu của Toy Story
Thế nhưng quá trình chốt hạ được nội dung cuối của Toy Story cũng không hề yên ả. Một số lãnh đạo của Disney lại sở hữu tầm nhìn khác, với mong muốn khiến bộ phim “góc cạnh hơn” để hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ nhỏ – thế nhưng đội ngũ sản xuất phim lại một mực giữ vững lập trường của mình. Buổi chiếu thử của phim cho lãnh đạo đã khiến Nhà Chuột sôi máu đến mức yêu cầu hủy luôn dự án này.
Đạo diễn John Lasseter sau đó đã phải tốn 2 tuần để viết lại kịch bản, trong khi đó chủ của Pixar là Steve Jobs – vốn đã đầu tư quá nhiều tiền vào Toy Story – tiếp tục rót tiền để sản xuất bộ phim cho đến khi Disney lại nhập cuộc.
Steve Jobs chính là trụ cột lớn nhất để hỗ trợ Toy Story thành hiện thực
Sau quá trình cải tổ lại toàn bộ nội dung, mọi thứ diễn ra yên ổn hơn với Toy Story . Steve Jobs cũng rất khắt khe trong việc muốn bộ phim được sản xuất với kinh phí gọn nhẹ cùng nhân sự bằng 1/8 đội ngũ làm Vua Sư Tử . Lý do cho điều này là vì chính ông cũng không tự tin vào sản phẩm, và đang có ý định bán công ty đi. Thế nhưng khi nhìn vào sự tiến triển của Toy Story trong quá trình sản xuất, Steve Jobs dường như có thêm niềm tin.
Khi Toy Story đã được hoàn thành và sẵn sàng xuất xưởng, Disney đã tin tưởng vào tác phẩm đến mức biến bộ phim thành “trụ cột” của mùa lễ hội năm 1995. Vấn đề duy nhất khi ấy là liệu khán giả đã sẵn sàng cho một câu chuyện quá khác biệt như vậy hay chưa.
Cú ghi điểm đi vào lịch sử của Toy Story, mở ra chương mới cho ngành công nghiệp hoạt hình
Và thật đáng ngạc nhiên: thiên hạ đã mê mệt với Toy Story . Phản hồi của giới chuyên môn khi ấy về bộ phim đã vượt xa mọi kỳ vọng của nhà sản xuất, bế về hơn 350 triệu đô ở phòng vé – nhiều hơn tất cả tính toán của Steve Jobs. Ông lớn của Apple lúc ấy cũng nhanh chóng sử dụng thắng lợi của Toy Story để đưa Pixar lên sàn chứng khoán. IPO (Việc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) của xưởng phim cũng là phi vụ lớn nhất năm ấy, giá cổ phiếu nhảy vọt từ 22 đô đến 45 đô trong nửa tiếng đầu tiên. Và rồi tất cả trở thành lịch sử.
Disney dần nhận ra một sự thật đắng lòng với chính họ: Pixar thực ra có tầm quan trọng hơn họ nghĩ rất nhiều. Những bộ phim hoạt hình 2D sau đó như Hoàng Đế Lạc Đà ( The Emperor’s New Groove ) hay Atlantis: Đế Chế Thất Lạc ( Atlantis: The Lost Empire ) đều có sự thể hiện kém. Cùng lúc ấy, các tác phẩm mà Pixar sản xuất ra là Công Ty Quái Vật ( Monsters, Inc. ) và Ratatouille lại thành công rực rỡ.
Những thành công tiếp theo của Pixar đã khẳng định tầm quan trọng của phim hoạt hình dựng bằng máy tính
Những điều này dần khiến ngành công nghiệp hoạt hình chuyển hướng. Hãng DreamWorks là cái tên tiếp theo nhập cuộc sau Toy Story với bộ phim Antz năm 1998. Đến 2003, Disney chính thức cơ cấu lại định hướng của mình và biến phim hoạt hình máy tính trở thành mục tiêu duy nhất của họ.
Vào năm 2006, giá trị của Pixar khiến Disney không thể an lòng. Gã khổng lồ này quyết định mua đứt lại phần cổ phiếu của ông chủ Steve Jobs với giá 7,4 tỉ đô, trở thành ông chủ của xưởng phim hoạt hình lớn nhất thế giới.
Kết
Ít ai biết, đạo diễn John Lasseter đã bị sa thải khỏi Disney chỉ vì một mực đòi theo đuổi hoạt hình máy tính. Ông gia nhập Pixar và khiến đế chế Disney phải nể phục với sự thành công của Toy Story , từ đó mở ra ngã rẽ mới đầy huy hoàng cho ngành công nghiệp hoạt hình. Những bộ phim tiếp theo đó của Pixar liên tiếp phá vỡ các kỷ lục mới, với Toy Story 3 là phim hoạt hình đầu tiên chạm mức doanh thu hơn 1 tỉ đô. Tất cả bắt đầu nhờ một chàng cao bồi, một chàng cảnh sát vũ trụ và hàng loạt những món đồ chơi đáng yêu, ngọt ngào trong chuyến hành trình huy hoàng của tình bạn 25 năm trước.
Đạo diễn John Lasseter chụp ảnh cùng 2 nhân vật được yêu thích của Toy Story năm 1996
Lọ Lem, Mộc Lan và loạt phim hoạt hình kinh điển chứa đầy trò đùa "đen tối", hóa ra tâm hồn chúng ta bị "đục khoét" từ lâu?
Tưởng như rất ngây thơ và trong sáng nhưng ẩn trong những thước phim hoạt hình trẻ con vẫn có không ít chi tiết tế nhị của người lớn!
Vốn được sản xuất để nhắm tới đối tượng chính là trẻ em, các bộ phim hoạt hình kinh điển luôn được biết đến với nội dung tươi sáng, vui vẻ và truyền tải thông điệp tích cực trong cuộc sống. Thế nhưng, đôi khi các nhà làm phim vẫn chịu đi xa hơn thế. Trong rất nhiều những bom tấn hoạt hình, vẫn có đâu đó nhiều chi tiết được "cài cắm" với chủ đích để người lớn thấy buồn cười. Phần lớn những chi tiết này đều có liên quan tới chuyện tình dục hoặc các chủ đề mà trẻ em vẫn chưa đủ vốn sống để hiểu.
Để biết tuổi thơ của bạn đã bị "dối lừa" như thế này, hãy đọc ngay danh sách dưới đây (nhưng với điều kiện bạn phải trên 16 tuổi)!
Trailer Shrek
Shrek và Lừa Donkey nghĩ Farquaad có cái gì đó... hơi ngắn?
Mang tiếng là phim con nít, nguyên loạt phim của thương hiệu Shrek (tựa Việt: Gã Chằn Tinh Tốt Bụng) đều khiến người lớn phải cười nắc nẻ với những chi tiết "đen tối" được cài cắm rất duyên dáng và có chủ ý. Tiêu biểu là chi tiết dưới đây, khi Shrek và Lừa Donkey đến vương quốc của Lãnh chúa Farquaad khùng điên.
"Cái khác ngắn" là gì thì phim không nói. Các em nhỏ khi xem có thể hiểu đơn giản là chiều cao của Farquaad quá thấp so với mức trung bình, và đó chính là thứ mà Shrek đang đề cập. Tuy nhiên, nếu các em xem lại cảnh này khi đã lớn thì khả năng cao sẽ đỏ hết cả mặt mất!
"Hakuna Matata" không phải ý nghĩa của Vua Sư Tử đâu, khỏi nhầm lẫn!
Một trong những chi tiết dễ nhớ nhất của bộ phim The Lion King đình đám chắc hẳn chính là châm ngôn sống "Hakuna Matata", hay dịch ra tiếng Việt là "Không phải lo lắng".
Sau nhiều tình tiết đáng buồn của phim như cái chết của ông bố Mufasa hay Simba phải chạy trốn, thông điệp này cùng với đoạn nhạc vui nhộn chính là thứ khán giả cần để vui vẻ trở lại, với sự thể hiện của một con lợn lòi và một con chồn đất. Ca khúc này cũng góp phần không nhỏ để động viên Simba vui sống, vượt qua sự ra đi bi thảm của người thân. Tuy nhiên vì quá dễ nhớ và vui tươi, nhiều người đã lầm tưởng rằng "Hakuna Matata" chính là thông điệp phim muốn gửi gắm. Lầm to rồi!
Thông điệp thực sự của phim chính là không thể chạy trốn khỏi quá khứ mà phải mạnh mẽ đối đầu, không nhân nhượng với kẻ xấu
Càng về cuối phim, Simba càng nhận ra chân lý rằng anh không thể chối bỏ mọi trách nhiệm, bỏ mặc người khác để mãi mãi tự do vui sống được. Thay vào đó, cậu phải trực tiếp đối đầu với những khó khăn trong quá khứ để hoàn thành bổn phận, số phận của mình. Đây mới thực sự là điều The Lion King muốn gửi gắm mà nhiều người vô tình bỏ qua.
Chuyện về cái mồm của Mrs. Potato Head trong Câu Chuyện Đồ Chơi
Trong một diễn biến phức tạp ở giữa bộ phim Toy Story 3, cái miệng của nhân vật Mrs. Potato Head bị con gấu gian ác Lotso giật mất vì bà này nói quá nhiều. Đúng lúc đó, ông chồng Mr. Potato Head đã bực tức lao tới vào gào mồm lên: "Chỉ tôi mới có quyền dùng miệng của vợ tôi thôi."
Mặc dù đây là một câu thoại nghe không có gì đặc biệt nhưng người lớn lại có thể hiểu rất nhanh ý nghĩa sâu xa liên quan tới tình dục ẩn sau đó (mặc dù cũng không hiểu hai củ khoai tây sẽ... "tò tí te" như thế nào). Dẫu sao, vẫn rất vui khi biết rằng cặp đôi này có một cuộc hôn nhân nồng thắm, đê mê "chữ ê kéo dài".
Vẫn là Toy Story nhưng lần này là Buzz Lightyear
Ở phần phim Toy Story 2, khi cả nhóm tụ họp lại với nhau và Buzz Lightyear được nhìn Jessie hành động, anh chàng đã có ngay một "phản ứng không chủ đích" với cơ thể, chính là hai cái cánh ở sau lưng "dựng cả lên".
Chúng ta đều biết phái nam khi hứng thú với một ai đó về-mặt-tính-dục thì sẽ có một phản ứng không thể ngăn cản nổi trong cơ thể. Chẳng rõ đây có phải là ý đồ của nhà sản xuất hay không, nhưng xét việc về sau Buzz Lightyear cũng mê Jessie như điếu đổ thì chi tiết này cũng hợp lý thôi.
Inside Out cũng xoáy ngay một chủ đề LGBT nặng đô
Bộ phim hoạt hình Inside Out (tựa Việt: Những Mảnh Ghép Cảm Xúc) nổi tiếng của Pixar khiến khán giả thích thú với những nhân vật đại diện cho cảm xúc của cô bé Riley: Buồn Bã, Vui Vẻ, Giận Dữ, Sợ Hãi, Chảnh Chọe. Mặc dù sống trong đầu trẻ con nhưng các nhân vật này thi thoảng vẫn có một cuộc trò chuyện rất người lớn.
Ở đầu phim, gia đình của Riley chuyển đến thành phố San Francisco sinh sống. Cô bé cảm thấy chưa quen với khu đô thị lớn này, chính vì vậy một âm thanh lớn xung quanh cũng khiến Sợ Hãi rúm ró: "Cái gì vậy? Có phải là một con gấu không? Chính là một con gấu rồi!". Chảnh Chọe sau đó trấn an lại rằng: "Không có gấu ở San Francisco đâu". Thế nhưng sau đó, Giận Dữ đã chêm ngay vào: "Tôi thấy một người đàn ông rất lông lá, trông cứ như gấu ấy."
Trong tiếng Anh, "gấu" được gọi là "bear", và đây cũng là một từ để chỉ những người đàn ông đồng tính "lông lá" trong cộng động LGBT, hay được dùng trong ngữ cảnh tình dục. Không rõ đây có phải chủ đích của các biên kịch hay không, nhưng xét theo thực tế rằng San Francisco là một thành phố rất đông người đồng tính sinh sống, chi tiết chơi chữ này hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu (vẫn là đối với người lớn thôi).
Chú rồng Mushu trong Mulan chửi một anh trai nào đó "như cọng bún"
Nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất trong bộ phim hoạt hình Mulan chính là chú rồng Mushu hài hước, nhanh tay nhanh mồm giúp nữ chính thoát rất nhiều tai nạn không đáng có.
Trong một lần cô thiếu nữ Mộc Lan bị một anh lính cùng đội chê là "nhát như gà", Mushu đã bực quá mà hóa liều, gào mồm lên chửi lại, nói anh ta là "cái đồ cọng bún bị liệt". Câu nói này nghe qua thì tưởng chỉ là nói về hình thể èo uột, nhưng nghĩ sâu thêm một chút là khán giả sẽ thấy ngay "cả một bầu trời đen tối".
Vừa nói "Không muốn thấy đàn ông ở truồng" nữa xong thì...
Lũ chuột trong nhà Lọ Lem cũng không phải dạng vừa đâu!
Một chi tiết cuối cùng gây ám ảnh kinh hoàng với nhiều người lớn chính là khi những con chuột trong nhà Cinderella đang xâu một tràng hạt bằng đuôi. Chi tiết này trẻ con xem thì cười phá lên vì sáng tạo, nhưng người lớn nhìn thấy thì chỉ có muốn xỉu lên xỉu xuống vì trông nhạy cảm và cứ sai sai thế nào!
Trót yêu siêu anh hùng, lỡ dại mê dị nhân, đây là những tựa phim mà các tín đồ phim hoạt hình không thể bỏ lỡ Siêu anh hùng hay dị nhân từ lâu đã không còn là chủ đề mới lạ trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên đó vẫn là một trong những chủ đề được các nhà làm phim ưu ái và khán giả yêu thích. 1. The Incredibles/ Gia Đình Siêu Nhân Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2004, bộ phim hoạt hình của nhà...