“Total War sẽ không bao giờ lên console”
Lời khẳng định của Creative Assembly về số phận tương lai của dòng game kỳ cựu Total War chính là tiếng nói động viên các fan của hệ PC.
Shogun 2: Total War tiếp tục đánh dầu một nấc thang mới trong trang sử dòng game nổi tiếng Total War. Trong thời cuộc hiện tại, khi mà xu thế đưa game lên hệ console đang ngày càng trở nên thịnh hành thì việc Total War có giữ vững được truyền thống của mình hay không là một vấn đề tế nhị. Thế nhưng tuyên bố mới đây của Creative Assembly về vấn đề này đã cho thấy quyết tâm của hãng trong việc duy trì cái hồn của “chiến tranh tổng lực”.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ đưa dòng Total War lên hệ console. Phương châm của chúng tôi là phải chọn đúng thời điểm, chọn đúng hệ máy, chọn đúng cách điều khiển và ứng dụng mới có thể mang đến toàn cảnh Total War, không phải là một sản phẩm thứ cấp. Nếu nó không được như mong đợi thì rõ ràng, không đáng làm nữa”.
Nhân tiện nói về chất lượng của Shogun 2: Total War, các fan vẫn chưa hết phàn nàn về ca thán về chất lượng của trí thông minh nhân tạo mà họ đã được chứng kiến qua các đoạn video Battle Report trước đó. Cảm nhận chung là Shogun 2: Total War vẫn mắc phải lỗi lầm chết người của những người anh đi trước đó là máy quá kém trong việc điều phối quân đội. Chưa hết, các fan còn đang dự đoán rằng game sẽ có bao nhiêu lỗi phát sinh (bug) chứ đừng nói gì đến chuyện không có lỗi.
Mạnh tay hơn trong vấn đề này, Mike Simpson, giám đốc sáng tạo của Creative Assembly lạnh lùng cho biết: “Chừng nào trí thông minh nhân tạo còn chưa hoàn thiện thì game sẽ không thể ra mắt”.
Video đang HOT
Craig Laycock, trưởng quản lý cộng đồng Total War phát biểu thêm: “Nếu bất kỳ một người nào trong đội ngũ phát triển phát hiện ra điều gì đó ngớ ngẩn trong game, tất cả mọi người sẽ dừng công việc lại, bu quanh máy PC và kiểm tra nó, suy nghĩ xem sửa nó như thế nào”.
Shogun 2: Total War dự tính sẽ ra mắt vào khoảng cuối tháng 2/2011 hoặc đầu tháng 3/2011. Bên cạnh “trí thông minh nhân tạo hoàn hảo”, tựa game cũng sẽ đón chào sự trở lại của việc chia cấp tôn giáo trong lịch sử và các trận đánh diễn ra vào ban đêm.
Theo gamek
Shogun 2: Chiến lược kiểu "bao kéo búa"?
Quy tắc bao - kéo - búa hay còn gọi là luật xung khắc hoặc có thể gọi một cách giản dị hơn đó là "oẳn tù tì" là một trong những yếu tố được các nhà làm game chiến thuật thời gian thực ưa thích. Creative Assembly là một ví dụ, Shogun 2 không chỉ sử dụng hệ thống này một cách nhuần nhuyễn trong việc xây dựng quân đội đối phó với kẻ địch mà còn áp dụng nó thành thục trong quản lý chính trị, đối nội và đối ngoại.
Game thủ đã từng nghe tới việc Shogun 2 sẽ sử dụng các loại "điệp viên" thời cổ riêng có tính đối kháng lẫn nhau, bao gồm 4 loại: Ninja, Geisha, Metsuke và Monk. Mới đây, Creative Assembly đã giới thiệu sơ qua về cách thức hoạt động của các loại điệp viên này.
Ninja và Geisha - Nghệ thuật ám toán
Đôi lúc trên con đường chinh phục Nhật Bản của mình, bạn gặp phải những chướng ngại vật "khó nhằn": Những viên tướng bản lĩnh và đầy quyền uy. Nhìn qua lăng kính của game, đó là những đại tướng quân với chỉ số và tầm ảnh hưởng rất cao, có thể tăng sức mạnh cho quân lính dưới trướng, khiến cho toàn dân quy phục hoặc những vị quan văn có tài kinh bang tế thế, giúp cho lãnh địa của họ giàu mạnh.
Nếu những người tài như vậy ở phe địch, chắc chắn bạn sẽ gặp khó khăn. Một trong những cách loại bỏ "chướng ngại vật" đó là sử dụng các sát thủ mà ở đây, là Ninja hoặc Geisha.
Shogun đã từng nổi tiếng với những đoạn phim ngắn in-game thuật lại cảnh ám sát của các Ninja và Geisha thì nay, Shogun 2 vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống đó. Đoạn video ở trên thuật lại cảnh một tay Ninja hạng "a-ma-tơ" tiếp cận kẻ thù và tiêu diệt hắn. Theo Kieran Bridgen, trưởng đại diện Creative Assembly thì nếu mục tiêu trên rơi vào tay một gã ninja giỏi, đoạn phim sẽ không chiếu cảnh hắn lơ ngơ bước qua đám lính nữa mà sẽ tiếp cận một cách chuyên nghiệp hơn.
Trong Shogun 2, Geisha sẽ vẫn nguy hiểm, tuy nhiên chắc chắn Creative Assembly sẽ giảm thiểu sức mạnh của "bông hồng sát thủ" này để tạo nên tính cân bằng cho game.
Metsuke và Monk - Thuyết khách đả binh đao
Nếu như Tô Tần, Trương Nghi chỉ bằng ba tấc lưỡi của mình khiến cho Xuân Thu Chiến Quốc một thời lừng lẫy thì Shogun 2 cũng sẽ thử thách tài năng của các thuyết khách như vậy. Vai trò của Metsuke khá giống với các Diplomat trong Medieval 2: Total War với nhiệm vụ dùng miệng lưỡi của mình, "thu phục" các tướng địch về dưới trướng quân ta. Những Metsuke giỏi không chỉ "thu phục" được một vị tướng mà còn có thể mang về một phần binh lực, dựa vào lòng trung thành của quân đội đối với vị tướng đó.
Vậy làm như thế nào để chống lại các Metsuke? Quy tắc bao - kéo - búa tiếp tục được sử dụng: Monk sẽ là nhân vật đứng ra khuyên nhủ, răn đe các Metsuke bỏ con đường "tà đạo" mà về với phe "chính đạo" hay nói cách khác, là "thu phục" luôn các Metsuke.
Đối nội - vấn đề nhức nhối
"Chim khôn chọn cành mà đậu - Tôi hiền chọn chủ mà thờ". Nếu bạn không phải là một vị quân vương trong Shogun 2, chắc chắn các vị tướng, các "điệp viên" siêu hạng sẽ rũ bỏ mà ra đi theo một vị lãnh chúa mới. Hoặc có thể, vì lóa mắt bởi phần thưởng, tiền bạc của kẻ địch, các vị tướng phe ta cũng sẵn sàng từ bỏ quân ngũ. Đó là những vấn đề nhức nhối trong việc đối nội của Shogun 2. Việc trọng dụng vị tướng này, ban thưởng cho vị tướng kia hoặc thậm chí là gả con gái cho một vị tướng khác để thu lấy lòng trung thành là việc nên làm.
Không chỉ sử dụng những biện pháp mềm mỏng, Shogun 2 không thiếu những lựa chọn cứng rắn cho người chơi. Bạn có thể bắt buộc một viên tướng có ý định chống đối phải thực hiện nghi thức Seppuku (mổ bụng tự sát) để gia đình (con cái, họ hàng) có thể giữ được danh dự của một Samurai. Tuy nhiên cách làm này được đánh giá là khá mạo hiểm vì viên tướng đó có thể bất tuân mệnh lệnh và bỏ trốn.
Chính trị nước Nhật thời xưa rối ren ra sao thì Shogun 2 sẽ cố gắng mô tả lại một cách chân thực như vậy. Vào tháng 3 năm sau, chúng ta sẽ chính thức được thưởng thức điều này với Shogun 2: Total War.
Theo gamek
Napoleon: Total War - Sự trở lại của hoàng đế Total War, tượng đài dòng game chiến thuật đã trở lại với bản game mới xoay quanh Hoàng đế Napoleon Bonarparte. Sau khi Alexangder Đại đế, Julius Ceasar lần lượt trở thành chủ đề trong các phiên bản Total War, người hâm mộ đã suy đoán sớm muộn gì Creative Assembly cũng xây dựng hình ảnh Hoàng đế, thiên tài quân sự Napoleon...