Tốt nghiệp loại Giỏi mà thất nghiệp: Thực sự là có vấn đề
“Các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, bằng Giỏi mà không kiếm được việc làm, theo tôi thực sự là có vấn đề. Liệu có phải các bạn đang làm những thợ học chăng?” – chia sẻ của chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung.
Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển giáo dục (IRED) chia sẻ cùng PV Dân trí những quan điểm, suy nghĩ của ông về sự học ngày nay thông qua hình ảnh “tấm bằng”.
Giáo dục của chúng ta cần phân biệt người học giỏi và người giỏi
Phóng viên: Thưa ông, ông nghĩ thế nào trước thực tế có những sinh viên (SV) tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi, thủ khoa nhưng vẫn trầy trật đi xin việc làm?
Ông Giản Tư Trung: Các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, bằng Giỏi mà không kiếm được việc làm, theo tôi thực sự là có vấn đề. Liệu có phải các bạn đang làm những thợ học chăng?
Với nền giáo dục bình thường, giáo dục khai minh thì người học giỏi sẽ là người giỏi. Thế nhưng khi giáo dục còn tồn tại sự hư học bên cạnh thực học thì cần phân biệt người học giỏi, thi giỏi và người giỏi. Người giỏi chưa chắc đã học giỏi và người học giỏi chưa chắc đã là người giỏi.
Từ giỏi là một tính từ khá vô nghĩa và nó cần đi cùng một khả năng cụ thể mới định hình được một cách rõ ràng “giỏi cái gì”.
Ông Giản Tư Trung.
Phóng viên: Những SV tốt nghiệp bằng loại Giỏi chưa hẳn đã là người giỏi. Vậy giá trị bằng ĐH được phân loại Giỏi – Khá – Trung bình liệu còn giá trị hay không, thưa ông?
Ông Giản Tư Trung: Tấm bằng có giá trị hay không nằm ở phía sau tấm bằng, bạn gặt hái được về văn hóa và chuyên môn – nghĩa là năng lực làm người và năng lực làm nghề. Bằng cấp là vật cực kỳ thiêng liêng khi nó chứa đựng sự khổ luyện của người học. Chạm được đến giáo dục khai sáng thì người ta sẽ chẳng còn lăn tăn tôi đạt bằng gì, điểm gì nữa.
Sự học bây giờ có thể thực học nhưng cũng có thể hư học. Nhiều người đang học vì điểm mà quên mất sự học cao quý đến mức nào. Khi hư học nhưng nhờ những lý do nào đó, người ta vẫn có bằng tốt, bằng hay mà chẳng có chuyên môn, nền tảng văn hóa. Bản thân tấm bằng không có lỗi mà nằm ở người trao bằng và nhận bằng. Trao không đúng và nhận không đúng là sự dối trá và bi kịch.
Phóng viên: Khi SV ra trường, cầm tấm bằng đi xin việc sẽ có bằng Giỏi, bằng Khá, bằng Trung bình. Làm sao có sự phân biệt nào của thực học hay hư học ở đây, thưa ông?
Ông Giản Tư Trung: Nhiều nơi tuyển dụng giờ không quan tâm đến anh có bằng hay không chứ chưa nói là bằng loại gì. Tuy nhiên, khi hồ sơ xin việc nhiều thì bằng Giỏi có ưu thế nhất định để được chọn phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sáng suốt, khôn ngoan người ta minh định được đâu là thực tài, ai là người phù hợp chứ không qua mặt được họ đâu.
Video đang HOT
Khi đã vào làm việc nào ai quan tâm anh bằng loại gì nữa người ta sẽ chỉ cần biết anh giải quyết được vấn đề gì cho công ty. Thực học và hư học sẽ được bộc lộ trong va chạm thực tế như vậy.
Tấm bằng từ sự hư học khoan đã nói làm hại người khác mà hại người có bằng đầu tiên. Vì tấm bằng có thể làm cho ảo tưởng, không nhận ra được chính mình, không biết mình là ai. Mà cuộc đời không có gì bi kịch hơn việc một người mà không nhận ra mình là ai.
Hư học có từ rất sớm
Phóng viên: Ông nói về sự hư học trong giáo dục, trong tấm bằng ĐH. Nhưng có lẽ sự hư học ở ta đâu chỉ tồn tại ở bậc ĐH?
Ông Giản Tư Trung: Đúng vậy. Sự hư học của chúng ta bắt đầu từ rất sớm. Tôi xin đưa ra một ví dụ về sự hư học tồn tại không ít trong thực tế. Môn họa cô cho trò bài tập vẽ một bức tranh. Đứa trẻ không vẽ được sẽ nhờ bố mẹ vẽ, nếu bố mẹ vẽ không được họ có thể thuê thợ. Cậu học trò dễ dàng đạt được điểm 10 nhờ bức tranh của người khác vẽ.
Đằng sau điểm 10 là bầu trời sung sướng. Nhưng sau sự sung sướng đó có thể giết chết một con người.
Môn họa là để nâng cao năng lực mỹ cảm, khả năng cảm nhận cái đẹp và phát triển trí tưởng tưởng. Nhưng phần quan trọng trong năng lực của đứa trẻ bị tước đi và chúng ta lại nhét vào đầu đứa trẻ thứ mà cuộc đời nó không cần là sự giải dối. Điều nguy hiểm hơn là người ta vẫn tưởng và tin rằng mình đang làm điều tốt cho đứa trẻ.
Xuất phát từ sự thực học, tấm bằng sẽ vô cùng quý giá. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày hội nghề nghiệp.
Phóng viên: Vậy có cách nào để chúng ta tránh được sự hư học?
Ông Giản Tư Trung: Sự hư học hiện nay có lỗi từ nhiều chủ thể. Giáo dục được cấu thành bởi 5 chủ thể gồm nhà nước, nhà trường, nhà giáo, nhà mình (gia đình) và người học. Vai trò của nhà nước là quan trọng nhất nhưng như vậy không có nghĩa là các “nhà” khác không có trách nhiệm ở đây.
Ở độ tuổi các bạn SV, đã vào ĐH thì người học cần minh định được mục đích học tập của mình. Không thể chỉ đỗ lỗi cho hoàn cảnh mà phải tự làm chủ cuộc đời mình. Nếu bạn muốn học tử tế thì không ai có thể cấm bạn, đúng không?
Phóng viên: Nhiều người tìm mọi cách để vào bằng được ĐH nhưng cũng nhiều bạn trẻ do không vào được ĐH hoặc chủ động không chọn lối đi này để vào đời. Ông có lời khuyên gì cho họ?
Khát vọng vào ĐH không xấu. Ước mơ được học cao, học xa là điều đáng khen ngợi, khuyến khích lắm chứ. Nhưng mọi người cần tự trả lời câu hỏi cho mình: “Vào ĐH để làm gì?”. Vào để lấy tấm bằng “lòe” thiên hạ hay để nâng tầm con người mình. Chúng ta nên nhìn vào bản chất và mục đích chứ không thể nhìn vào hình thức để đánh giá tốt hay xấu.
Nếu không vào được ĐH cũng đừng quá đau khổ vì sự học lớn hơn ĐH rất nhiều, không ai phải dừng con đường học của mình hết bản thân bạn muốn học. ĐH chỉ 4 – 5 năm thôi, còn sự học là cả đời.
Còn nhiều bạn bỏ hoặc không chọn học ĐH, theo tôi không có đúng hay sai ở đây mà là lựa chọn. Lựa chọn đó có thể tốt với người này, chưa tốt với người kia. Bạn cần biết lẽ sống của cuộc đời mình là gì và tùy thuộc và khả năng, điều kiện, hoàn cảnh có phù hợp hay không.
Nhưng có một điểm chung cho tất cả mọi người: Ai muốn thành công đều phải học.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoài Nam (thực hiện)
Theo Dantri
Chọn người hay tuyển tấm bằng?
Một sinh viên có nhiều trải nghiệm thực tế nhưng chỉ đạt bằng trung bình và một sinh viên tốt nghiệp tấm bằng loại Giỏi thì các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng ai?
Câu hỏi được một sinh viên (SV) đặt ra với các chuyên gia, những người làm chủ doanh nghiệp tại hội thảo "Kinh nghiệm trở thành tài năng trong tổ chức" nằm trong sự kiện Nghề nghiệp và Giáo dục chuyên nghiệp 2013. Hội thảo diễn ra ngày 24/8 tại TPHCM, thu hút hàng ngàn người tham gia là SV, nhân viên văn phòng, trưởng nhóm và cả cấp quản lý.
Bằng trung bình cạnh tranh với bằng giỏi
Nữ SV này chia sẻ, nhiều bạn trẻ đi làm thêm, có những trải nghiệm từ khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Thế nhưng họ cũng rất băn khoăn khi ra trường đi xin việc với tấm bằng Trung bình đặt bên cạnh những SV tốt nghiệp loại Giỏi.
Ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc ICP cho hay kết quả của cuộc tuyển dụng sẽ không phụ thuộc vào tấm bằng giỏi hay trung bình mà kết quả sẽ được chọn ra sau buổi trò chuyện, phỏng vấn với các ứng viên để có kết quả tổng hợp tìm ra người phù hợp với vị trí và công việc mà doanh nghiệp đang tìm kiếm.
Hàng ngàn sinh viên, nhân viên văn phòng tham Hội thảo "Kinh nghiệm trở thành tài năng trong tổ chức".
Về việc học, ông Công cho rằng phải xem xét trên mọi góc độ: học ở trường, học ở anh em bạn bè, học lẫn nhau, học từ thực tế... để nhìn thấy tinh thần ham học hỏi của ứng viên đó đến đâu chứ không chỉ dựa vào kết quả của bằng cấp.
Đồng tình với ý kiến này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bày tỏ, buổi phỏng vấn trong tuyển dụng rất quan trọng, là cơ hội để quản lý nhìn ra người có khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc, tổ chức.
Đặc biệt với tình hình ở Việt Nam, theo bà Ninh càng không nên dựa vào bằng cấp để tuyển dụng, bằng cấp chỉ mang giá trị tham khảo. Nhà tuyển dụng có tầm nhìn sẽ phát hiện được tiềm năng của mỗi người để đầu tư cho tương lai.
Tuy nhiên, một vấn đề chuyên gia này đặt ra là thước đo trong tuyển dụng cũng chưa hẳn đã chính xác. Bà Ninh kể trường hợp cách đây khá lâu, một nữ sinh tốt nghiệp hàng đầu ở Học viện Ngoại giao nhưng thi tuyển 2 lần vào Bộ Ngoại giao làm việc đều... trượt do không qua được một môn thi.
Bà Ninh đánh giá ứng viên này có tiềm năng sẽ một nhà ngoại giao giỏi và trao đổi với Bộ trưởng. Đáng tiếc cho ngành là cô gái này đã ra ngoài kiếm việc và công ty nước ngoài "hốt" ngay bởi người ta không nhìn nhầm người.
Không thể coi nhẹ chuyên môn
Việc nhiều SV khi ra trường đặt ra vấn đề, một là bằng Giỏi, hai là kinh nghiệm theo nhiều chuyên gia như vậy là chưa thật sự phù hợp với mức độ cạnh tranh việc làm gắt gao như hiện nay. Sinh viên ra trường chẳng thể "trao hết cơ hội" vào tấm bằng Giỏi mà bỏ qua việc cọ xát thực tế, trau dồi kinh nghiệm. Còn SV có kết quả học hành yếu kém với lý lẽ vì tập trung cho việc đi làm thêm, tích lũy kinh nghiệm cũng cần xem xét lại. Nhiều nhà tuyển dụng nhấn mạnh kiến thức chuyên môn vẫn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với người lao động.
Chuyên môn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với người lao động. Trong ảnh: Sinh viên ĐH Ngân hàng TPHCM trong hoạt động ngoại khóa về quản lý tài chính.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng Giám đốc GIBC cho rằng, việc học là vô hạn, chẳng bao giờ thừa. Người học phải có ý thức trau dồi đào sâu kiến thức chuyên môn đi kèm với việc trau dồi các kỹ năng ở mọi lúc mọi nơi cả ở nhà trường, cả ngoài thực tế.
"Kiến thức, kỹ năng và thái độ là những năng lực của người lao động mà nhà tuyển dụng đòi hỏi. Và những điều này bạn không chỉ học ở trường mà phải học hỏi cả bên ngoài, học từ những người xung quanh thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng gắt gao như hiện nay", ông Trai nhấn mạnh.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ, xu hướng các nhà tuyển dụng lúc này người ta không quan tâm đến bằng chứ khoan đã bàn đến bằng loại gì mà cái người ta cần là trình độ và thái độ. Điều họ xem xét ở ứng viên là "anh giỏi cái gì?". Khi mình thể hiện được mình trong công việc rồi thì tấm bằng không còn là vấn đề.
Tuy vậy, ông Trung cho rằng giữa quá nhiều hồ sơ xin việc thì tấm bằng loại giỏi cũng là một yếu tố được ưu tiên để xét tuyển. Tấm bằng sẽ cực kỳ có giá trị nếu chúng ta thực học và ngược lại sẽ chẳng là gì, thậm chí là nguy hại khi người học chỉ học vì điểm, vì tấm bằng đẹp.
Các nhà tuyển dụng sáng suốt không khó để nhìn ra bạn thực học hay bạn hư học. Ông Trung nhấn mạnh, SV cần chuẩn bị cho mình hai túi quan trọng hàng đầu là túi văn hóa và túi chuyên môn. Điều này không chỉ giúp bạn trong cơ hội tìm kiếm việc làm mà cao hơn nữa bạn nâng tầm mình lên để các nhà tuyển dụng cần và tìm đến mình.
Hoài Nam
Theo Dantri
Tuyệt đối không dạy chữ ở trường mầm non Nhiều trường mầm non lạm dụng việc tập tô nét chữ để đưa vở ô li vào dạy chữ cho trẻ làm cho trẻ căng thẳng, mệt mỏi và đặc biệt ảnh hưởng đến việc phát triển các yếu tố khác. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục mầm non năm...