Torres và những cầu thủ chịu ‘lời nguyền số 9′ ở Chelsea
Fernando Torres và Hernan Crespo là 2 trong những cầu thủ không thi đấu thành công khi khoác áo số 9 tại sân Stamford Bridge.
Tony Cascarino là cầu thủ đầu tiên của Chelsea mặc áo số 9 trong kỷ nguyên Premier League. Trong mùa giải 1992/93, Cascarino chỉ ra sân 9 trận, ghi 2 bàn. Đến mùa giải 1993/94, ông ra sân 22 trận trên mọi đấu trường cho Chelsea, ghi 4 bàn. Cascarino bị bật bãi khỏi sân Stamford Bridge sau 2 mùa giải và gia nhập Marseille để làm lại sự nghiệp.
Tháng 8/2003, Hernan Crespo gia nhập Chelsea từ Inter Milan với giá 16,8 triệu bảng. Tiền đạo người Argentina khoác áo số 21. Đến mùa giải 2004/05, Crespo chuyển tới AC Milan theo dạng cho mượn. Anh trở lại Stamford Bridge vào hè 2005 và khoác áo số 9 của Chelsea. Crespo ra sân 30 trận, ghi 10 bàn. Đóng góp của chân sút đình đám một thời không đúng như kỳ vọng của ban lãnh đạo Chelsea và anh tiếp tục bị đẩy tới Inter theo dạng cho mượn.
Steve Sidwell trải qua mùa giải 2006/07 khá ấn tượng cùng Reading, sau đó gia nhập Chelsea theo dạng chuyển nhượng tự do. Trong mùa giải 2007/08, Sidwell chủ yếu dự bị, và khi có cơ hội ra sân, anh cũng gây thất vọng. Sidwell chỉ gắn bó một năm cùng sân Stamford Bridge, sau đó chuyển tới Aston Villa.
Ở kỳ chuyển nhượng đông 2011, Fernando Torres bất ngờ gia nhập Chelsea từ Liverpool. Đây là bản hợp đồng khiến CĐV Chelsea nức lòng, khi Torres thời bấy giờ là tiền đạo xuất sắc bậc nhất Premier League. Thế nhưng trong nửa sau của mùa giải 2010/11, Torres chỉ ghi một bàn cho Chelsea. Sau 5 mùa giải, Torres ra sân 172 trận và ghi 45 bàn. Đây là thành tích không tương xứng với khoản tiền 50 triệu bảng Chelsea đã chi ra.
Vào hè 2015, Chelsea chiêu mộ Radamel Falcao theo dạng cho mượn. Falcao từng khoác áo MU trong mùa giải 2014/15, nhưng gây thất vọng nặng nề với chỉ 4 bàn sau 26 trận ra sân tại Premier League. Falcao nhận lại áo số 9 từ Torres, song tiếp tục gây thất vọng với 12 trận ra sân và ghi một bàn. Sau mùa giải 2015/16, Falcao phải trở về Pháp khoác áo AS Monaco.
Video đang HOT
Sau khi tuột mất Romelu Lukaku vào tay MU, Chelsea chữa cháy bằng việc chi 60 triệu bảng để chiêu mộ Alvaro Morata ở kỳ chuyển nhượng hè 2017. Morata trải qua mùa giải đầu tiên khá thành công với 15 bàn sau 43 trận ra sân cho Chelsea. Đến mùa giải 2018/19, Morata càng chơi càng thất vọng và bị đẩy sang Atletico Madrid theo dạng cho mượn.
Gonzalo Higuain là cái tên được HLV Maurizio Sarri kỳ vọng thay thế vai trò của Morata. Higuain từng có thời gian làm việc cùng HLV Sarri, do đó CĐV Chelsea kỳ vọng chân sút người Argentina sẽ hóa giải lời nguyền số 9. Dẫu vậy, Higuain chỉ ghi 5 bàn trong giai đoạn 2 mùa giải 2018/19 và nhanh chóng bị trả về Juventus.
Viết Tuệ
Fernando Torres - tình yêu, thù hận và 2 gam màu đối lập
Bằng một cú đảo chân, Torres loại bỏ thủ môn De Gea nhưng lại sút ra ngoài khi khung thành đã mở toang. Từ đó, anh bị coi là "chân gỗ" dù từng là tiền đạo hàng đầu châu Âu.
Năm 2015, Fernando Torres có mặt tại Anfield để tham gia một trận đấu từ thiện của Steven Gerrard và Jamie Carragher. Trên các khán đài, những cổ động viên Liverpool hát vang: "Chiếc băng tay đã chứng minh anh nên mang áo đỏ, Torres, Torres. You'll never walk alone hiện rõ. Chúng ta mang anh về từ Tây Ban Nha đầy nắng. Anh nhận bóng và lại ghi bàn, Fernando Torres, số 9 của Liverpool". Đó là bài hát mà những Liverpudlians viết riêng cho Torres.
"Có lẽ đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong năm qua đối với tôi. Trong trận đấu cuối cùng khoác áo Chelsea trên sân Anfield, tôi đã bị la ó. Thật đáng buồn. Được trở lại và nghe bài hát của mình từ khán giả, tôi cảm thấy an lành.
Tôi biết mình đã làm họ tổn thương và ở góc cạnh nào đó, trái tim tôi cũng tan nát. Khi có kỷ niệm ở Anfield như vậy, tôi cảm thấy mình thật quá, quá may mắn", Torres chia sẻ sau trận đấu từ thiện. Với các cổ động viên Liverpool, Torres luôn là một tình yêu lớn.
Torres và Suarez khởi động trước trận đấu từ thiện trên sân Anfield vào năm 2015. Ảnh: Getty.
Tình yêu và thù hận
Mùa hè năm 2007, Torres gia nhập Liverpool từ Atletico Madrid với giá 38 triệu euro. Anh nhanh chóng trở thành thần tượng tại Anfield với khả năng săn bàn đáng nể.
Bạn muốn thấy tốc độ, Torres là chiếc Ferrari chính hiệu. Bạn đòi hỏi sức mạnh và độ càn lướt tuyệt vời? Anh như cỗ xe tăng ủi phăng mọi trở ngại trên đường dẫn đến khung thành đối phương. Còn khả năng dứt điểm? Anh ấy là cỗ máy được lập trình hoàn hảo để làm công việc này. Dù là chân trái, chân phải hay đánh đầu, anh luôn biết cách để khiến các thủ môn đối phương phải khốn đốn.
Nếu không tin, bạn có thể hỏi Nemaja Vidic, người được các cổ động viên Man United đặt biệt danh là "Hòn đá tảng". Tuy nhiên, mỗi khi đối đầu với Torres trong các trận derby nước Anh, Vidic luôn tỏ ra lóng ngóng như cầu thủ tuổi teen lần đầu lên đội một.
Trong trận chung kết EURO 2008, một hậu vệ giàu kinh nghiệm khác là Philipp Lahm cũng ôm hận vì Torres. Sau đường chọc khe của Xavi Hernandez, một mình Torres băng lên và nhận sự truy cản của 3 cầu thủ phòng ngự tuyển Đức. Lúc này, Lahm cho rằng anh có ưu thế và quyết định che chắn để thủ môn Jens Lehmann lao ra ôm gọn.
Những khoảnh khắc khó phai của Torres trong lòng tâm trí người hâm mộ. Ảnh: Getty.
Bằng một sức rướn đáng kinh ngạc, Torres lao lên, tung cú chích mũi giày tinh tế. Bóng vượt qua tầm kiểm soát của Lehmann rồi nằm gọn trong lưới. Tây Ban Nha giành chức vô địch EURO, mở ra thời kỳ vàng son cho bóng đá xứ bò tót.
Torres ở Liverpool và trong màu áo Tây Ban Nha lúc ấy đều xuất sắc. Thế nhưng, chỉ có đội tuyển quốc gia mới đem lại cho anh những danh hiệu. Anh để lại sân Anfield ký ức về tiền đạo đẳng cấp với gương mặt đẹp trai và mái tóc dài lãng tử.
Tuy nhiên, khoảng thời gian khoác áo Liverpool chỉ để lại cho Torres sự nuối tiếc khi "Lữ đoàn đỏ" vuột mất chức vô địch Premier League 2008/09, mùa giải mà anh cùng Gerrard trở thành song sát đáng sợ bậc nhất châu Âu. Sau này, Torres phải thừa nhận: "Tôi và Gerrard sinh ra để dành cho nhau".
"Ở Liverpool, tôi gần như có tất cả, nhưng lại chẳng giành được danh hiệu nào. Tôi muốn nâng cao chiếc cúp Champions League. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi có cảm giác Liverpool sẽ không làm được điều đó", Torres kể với tờ So Foot (Pháp).
Ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2011, Chelsea bỏ ra hơn 58 triệu euro để đưa Torres về với đội chủ sân Stamford Brigde. Gerrard đau buồn, còn cổ động viên Liverpool thể hiện sự giận dữ bằng cách đốt chiếc áo số 9. Torres thắp ngọn lửa hy vọng giành danh hiệu bằng việc sang Chelsea và điều đó khiến ngọn lửa hận thù trong lòng Liverpudlians bùng cháy.
Cổ động viên Liverpool đốt áo Torres sau khi anh chuyển đến Chelsea. Ảnh: Pinterest.
Màu xanh ảm đạm
Tháng 9/2011, Chelsea có chuyến làm khách trên sân Old Trafford của Man United. Đầu hiệp một, anh có pha phá bẫy việt vị thông minh sau đường chọc khe của Ramires để băng xuống đối mặt với thủ thành De Gea. Bằng động tác đảo chân, Torres loại bỏ người đồng hương, nhưng lại sút ra ngoài khi khung thành đã mở ra trước mặt.
Kể từ đó, cái tên "Torres" được dùng để ám chỉ những tiền đạo chân gỗ. Sau 4 tháng và 13 trận, anh mới có bàn thắng đầu tiên cho Chelsea. Từng có lúc cơn khát bàn thắng của anh kéo dài tận 11 giờ đồng hồ trên sân. Và với ngần ấy thống kê, người ta có thể hiểu vì sao Torres bị lấy ra làm hình ảnh so sánh mỗi khi có một gã nào đó bỏ lỡ cơ hội ngon ăn. Điều này khiến những người yêu mến anh cảm thấy đau đớn.
Cổ động viên Man United hả hê sau pha bỏ lỡ khó tin của Torres. Ảnh: Getty.
Nếu ở Liverpool, đôi chân của Torres luôn nhảy một điệu Flamenco nồng nàn, bay bổng thì tại Chelsea, chính đôi chân ấy lại lạc nhịp một cách lạ thường. Chính Torres cũng chẳng hiểu nổi vì sao đôi chân anh lại trở nên như vậy nữa. Một đôi chân khiến bao hàng phòng ngự phải run rẩy, luôn mang đến niềm tin chiến thắng cho các Liverpudlians lại biến thành một khúc gỗ vô hại không hơn không kém.
Dẫu rằng tại Chelsea, anh có những danh hiệu như Europa League, Champions League đầy danh giá - phần thưởng cho tài năng của anh, nhưng những gì anh thể hiện tại đây chỉ mang đến cho người hâm mộ sự tiếc nuối khôn nguôi.
Thời gian là thứ những người hâm mộ "El Nino" bấu víu vào đó để tin sẽ lại là Torres với những pha bứt tốc ngoạn mục, những cú ra chân nhanh mà khi những thủ môn chưa kịp phản xạ thì bóng đã nằm gọn trong lưới.
Torres giành chức vô địch Champions League ở mùa giải 2011/12 cùng Chelsea, sau khi đánh bại Bayern Munich trong trận chung kết. Ảnh: Metro.
Tuy nhiên, có lẽ định mệnh đã sắp đặt: Đỉnh cao của anh gắn chặt với màu áo đỏ. Còn màu xanh xa lạ kia mãi là một màu xanh ảm đạm và u sầu. Có chăng, cũng chỉ là những vệt hy vọng, le lói và nhợt nhạt, về sự hồi sinh chưa bao giờ trọn vẹn.
Sau đó, Torres phiêu bạt đến hàng loạt đội bóng khác như AC Milan hay Atletico Madrid và giờ là Sagan Tosu, nhưng cũng giống khoảng thời gian khoác áo Chelsea, anh không bao giờ lấy lại phong độ đỉnh cao.
Ngày 21/6/2019, Torres tuyên bố giải tại Nhật Bản, khép lại một sự nghiệp như bản khải hoàn ca cùng nhưng cũng đọng lại những nốt trầm.
Chúc mừng sinh nhật tuổi 36, El Nino!
Chỉ một con đường sống dành cho Tottenham Cựu thuyền trưởng Harry Redknapp mới đây đã đề ra một giải pháp có thể cứu Tottenham vượt qua khủng hoảng. Cách đây không lâu trên talkSPORT 2, cựu tiền đạo của Chelsea - Tony Cascarino từng tuyên bố: "Tôi cho rằng lứa HLV trẻ đang tiến lên quá nhanh và điều đó đã khiến Mourinho đang bị bỏ lại phía sau. Mourinho...