Top 8 loài động vật sở hữu ngoại hình đáng yêu trên thế giới
Với ngoại hình độc đáo, đáng yêu, sóc bay Ezo Momonga, chồn tuyết, gấu trúc đỏ hay Quokka… được mệnh danh là những động vật dễ thương bậc nhất hành tinh. Vẻ ngoài của chúng sẽ làm ’say lòng’ bất kỳ ai.
Sóc bay Ezo Momonga được mệnh danh là một trong những loài động vật đáng yêu nhất thế giới. Loài này được tìm thấy ở đảo Hokkaido, Nhật Bản và ở châu Âu, từ biển Baltic đến bờ biển Thái Bình Dương. Món ăn yêu thích của loài sóc này là các loại hạt và lá non
Với bộ lông bồng bềnh, mềm mại, đôi mắt đen to tròn cùng bàn chân nhỏ xíu dễ thương, sóc bay Ezo Momonga dễ dàng chiếm được thiện cảm của con người. Ở Hokkaido, Nhật Bản, chúng được coi là linh vật của địa phương, được vẽ hình trên vé tàu di chuyển trong khu vực
Được gọi là sóc bay nhưng thực chất Ezo Momonga không hề bay. Chúng sử dụng một màng lông ở chân trước và chân sau để lướt đi. Để chạy trốn kẻ thù hay đơn giản là muốn truyền từ cây này sang cây khác mà không tốn công sức, sóc bay sẽ xòe tứ chi, mở màng và lướt đi
Chồn tuyết Iizuna thường sống ở những vùng khí hậu lạnh giá như phía Bắc của Hokkaido, Nhật Bản, phía Bắc Siberia hay bán đảo Scandinavia. Chúng có chiều dài từ 13-29cm và nặng khoảng 0,3kg
Được ví với nàng Bạch Tuyết xinh xắn trong truyện cổ tích, chồn tuyết đã “đốn tim” nhiều người bằng thân hình mảnh mai, thon dài, đuôi ngắn cùng bộ lông trắng muốt và khuôn mặt đáng yêu
Trong quan niệm của người Macedonia cổ đại, chồn tuyết là biểu tượng của sự may mắn. Sự tín ngưỡng này bắt nguồn từ thần thoại con chồn bụng trắng chính là con vật đã giết chết tử xà và cứu nàng công chúa khỏi tay con quái vật
Là loài đặc hữu của dãy núi Himalaya và ở miền Nam Trung Quốc, gấu trúc đỏ có chiều dài từ 40-60cm và trọng lượng khoảng 3-6kg. Món ăn khoái khẩu của loài động vật đáng yêu này chính là lá tre
Sở hữu bộ lông bồng bềnh, pha trộn giữa màu nâu, đen và trắng cùng khuôn mặt vô cùng dễ thương, gấu trúc đỏ đã được mệnh danh là loài vật đáng yêu bậc nhất hành tinh
Để phân biệt lãnh thổ, gấu trúc đỏ thường tiết ra một mùi đặc trưng từ hậu môn. Do hai chân trước ngắn hơn hai chân sau, cách di chuyển của gấu trúc đỏ trở nên khá ngộ nghĩnh. Đặc biệt, loài vật này còn có thể đứng bằng hai chân sau. Đây là cách giúp chúng tự vệ và đe dọa kẻ thù
Gấu Koala, hay còn gọi là gấu túi, thường sinh sống ở Australia. Chúng có chiều dài cơ thể trung bình từ 60-85cm và nặng khoảng 4-15kg
Điều thú vị là Koala mới sinh không có lông, chưa mở mắt, chưa có tai và chỉ nhỏ xíu bằng hạt đậu. Khi trưởng thành, Koala trở nên đáng yêu với khuôn mặt ngộ nghĩnh và bộ lông dày có màu xám bạc hoặc socola
Một con gấu Koala trưởng thành sẽ phải ăn khoảng 2.000 chiếc lá bạch đàn một ngày để có thể có đủ dinh dưỡng để tồn tại. Nguồn dinh dưỡng ít ỏi cùng với bản chất khó tiêu khiến loài sinh vật này di chuyển chậm chạp và chúng ngủ tới 22 tiếng mỗi ngày để bảo toàn năng lượng
Với chiều cao khoảng 85 – 160mm, nặng 600gr, khỉ lùn Tarsier được mệnh danh là loài khỉ nhỏ nhất trên trái đất. Loài động vật đặc biệt này từng bị cho là đã tuyệt chủng vào năm 1921. Tuy nhiên, 86 năm sau đó, khỉ lùn Tarsier đã “tái xuất giang hồ”. Chúng được tìm thấy tại Indonesia và một số quốc gia Đông Nam Á
Những chú khỉ Tarsier gây ấn tượng với đôi mắt to chiếm gần hết khuôn mặt cùng với một đôi tai to không kém. Đôi tai này hỗ trợ đắc lực cho chúng khi nghe ngóng động tĩnh của con mồi như côn trùng, rắn hay thằn lằn
Thay vì có móng tay, móng chân như các loài linh trưởng khác, khỉ lùn lại sở hữu những vuốt sắc nhọn. Bên cạnh đó, với cấu tạo xương mu bàn chân đặc biệt, đôi chân của khỉ Tarsier trở nên nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Khoảng cách một cú nhảy của chúng có thể dài gấp 40 lần chiều dài cơ thể
Với ngoại hình và dáng đi vô cùng dễ thương, chim cánh cụt được xem là một trong những loài sinh vật đáng yêu nhất thế giới
Chim cánh cụt sinh sống chủ yếu tại khu vực Nam bán cầu và phát triển với số lượng lên tới hàng chục loài khác nhau. Chúng sống thành bầy đàn và sở hữu lớp mỡ dày và bộ lông rậm rạp để chịu rét
Mặc dù không có tác dụng bay nhưng cánh của chim cánh cụt đã tiến hóa thành các chân chèo giúp chúng thích nghi với cuộc sống dưới nước. Đặc biệt, ở môi trường nước, loài chim đáng yêu này trở nên vô cùng nhanh nhẹn, hoạt bát
Với cân nặng chỉ từ 0,68-1,59kg, Fennec là loài cáo nhỏ nhất trên thế giới. Tuy vậy, với lợi thế chiều cao khoảng 20,3cm và chiếc đuôi dài, cáo Fennec cực kỳ nhanh nhẹn và có khả năng bật cao đáng kinh ngạc. Chúng sống nhiều ở vùng sa mạc quanh Bắc Phi
Cáo Fennec chiếm được cảm tình nhờ khuôn mặt vô cùng đáng yêu. Đặc biệt, đôi tai dài và to là một lợi thế, có tác dụng tản nhiệt và giúp chúng nghe ngóng chính xác vị trí của con mồi ẩn sâu dưới lớp cát sa mạc
Cáo Fennec rất chung thủy, chúng sống theo chế độ một vợ một chồng. Với ngoại hình nhỏ nhắn đáng yêu, loài cáo này thường được thuần hóa trở thành thú nuôi
Cùng họ với Kangaroo, tuy nhiên Quokka lại sở hữu kích thước khiêm tốn hơn với phần thân dài 40-90cm và nặng khoảng 2,5-5kg. Khuôn mặt lúc nào trông cũng như đang cười giúp chúng được mệnh danh là “loài vật hạnh phúc nhất thế giới”
Vào năm 1658, một nhà thám hiểm người Hà Lan – Samuel Volckertzoon đã phát hiện ra Quokka trên đảo ở phía Tây Úc. Hiện tại, loài vật siêu đáng yêu này sinh sống trên một số hòn đảo nhỏ của nước Úc như đảo Rottnest và Bald
Không chỉ sở hữu ngoại hình đáng yêu, Quokka còn vô cùng cởi mở và thân thiện. Loài vật này thường bị thu hút bởi máy ảnh và sẵn sàng tự tiếp cận với khách du lịch để cùng họ chụp ảnh. Hàng năm, hàng trăm nghìn người đã đến đảo Rottnest để du lịch và Quokka là một phần lý do thu hút du khách
Kiều Phương (Tổng hợp)
1001 thắc mắc: Loài vật nào cũng có dấu vân tay như con người?
Trên thế giới tồn tại loài động vật có dấu vân tay giống con người đến mức kính hiển vi điện tử quét cũng khó có thể phân biệt được.
Mỗi người trong chúng ta đều có dấu vân tay riêng, không ai giống ai - đó là điều không phải bàn cãi. Những tưởng cái đặc điểm này chỉ tồn tại duy nhất ở con người, ấy vậy mà tin được không, trên thế giới có 1 loài động vật có dấu vân tay giống chúng ta đấy.
Mà đặc biệt hơn, khi phân tích dưới kính hiển vi, những vân tay của loài sinh vật này chẳng khác ta là bao. Chúng là ai vậy? Đó là Gấu Koala.
Gấu Koala, hay gấu túi (tên khoa học: Phascolarctos cinereus) là một loài thú có túi ăn thực vật sống tại Úc và là loài vật duy nhất hiện còn sống trong họ Phascolarctidae. Gấu Koala được tìm thấy ở vùng dọc theo bờ biển phía đông và nam đảo chính, chính xác là ở Queensland, New South Wales, Victoria và Nam Úc.
Gấu Koala (gấu túi) có thói quen leo trèo và ăn lá cây, được cho là một trong những biểu tượng của đất nước này. Với bộ lông xám mượt mà, thân hình béo tròn cùng đôi tai lớn, Koala được coi là một trong những loài thú dễ thương nhất trên thế giới.
Là loài gấu đặc biệt chỉ sống tại châu Úc, gấu Koala rất hiền lành, chỉ ăn lá cây, hoa quả. Với vẻ ngoài đáng yêu, hiền lành, thế nên chúng cũng được chọn là 1 trong những biểu tượng của nước này, bên cạnh chim kiwi và chuột túi kangaroo.
Tuy nhiên, điều đặc biệt đâu chỉ có thế, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, gấu Koala sở hữu dấu vân tay gần giống với con người nhất. Dấu vân tay này giống đến mức kính hiển vi điện tử quét SEM cũng khó có thể phân biệt được.
Nghiên cứu về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, đặc điểm trên đầu ngón tay của gấu Koala phát triển chủ yếu trong giai đoạn tiến hóa gần đây, bởi họ hàng gần của loài này như chuột túi và chuột kangaroo không có dấu vân tay.
Dấu vân tay của gấu Koala trưởng thành (trái) và người trưởng thành (phải). Và hình ảnh qua máy quét dấu vân tay của gấu Koala (dưới bên trái) và dấu vân tay người (dưới bên phải).
Vì sao gấu Koala có dấu vân tay?
Trong nhiều thập kỉ qua, các nhà giải phẫu học đã tranh cãi quyết liệt về mục đích của việc ngón tay có dấu vân tay.
koala không phải loài duy nhất có dấu vân tay. Những động vật liên quan chặt chẽ với con người như tinh tinh và khỉ đột cũng có. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là dấu vân tay của koala dường như phát triển độc lập với các loài cùng tổ tiên. Suốt lịch sử tiến hóa, những đặc điểm trên ngón tay của koala phát triển rất nhiều, trong khi những loài thú có túi khác như kangaroo (chuột túi) và wombat (gấu túi mũi trần) không có vân tay.
Trong nhiều thế kỷ, mục đích của dấu vân tay là chủ đề được tranh luận gay gắt. Theo các nhà giải phẫu học tại Đại học Adelaide (Australia), nhóm phát hiện ra dấu vân tay koala vào năm 1996, đặc điểm này ở cơ thể con người có thể được giải thích thông qua koala.
"Koala tìm thức ăn bằng cách leo lên những nhánh cây nhỏ, vươn ra, túm lấy nắm lá rồi đưa chúng vào miệng. Do đó, cách giải thích rõ nhất của nguồn gốc dấu vân tay là sự thích ứng cơ sinh học để nắm bắt, tạo tác động cơ học đa chiều trên da", nhóm chuyên gia cho biết.
Nhóm các chuyên gia tin rằng, vân tay được hình thành do cách chúng ta cầm nắm. Và ở gấu túi cũng vậy.
Chia sẻ trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Adelaide nhận định, Koala kiếm ăn bằng cách dùng tay để leo lên rồi trèo dọc nhánh nhỏ các cành bạch đàn, với tay ra vặt lá và đưa vào miệng ăn.
Vì thế, cách giải thích có phần hợp lý nhất về việc vì sao gấu Koala có dấu vân tay - đó là sự thích ứng về mặt cơ sinh học giúp cầm nắm đồ vật. Hoạt động này đã sản sinh ra tác động cơ học đa chiều trên da, khiến cấu trúc da hình thành 1 cách có trật tự.
80% cá thể gấu Loala đã biến mất
Hiện nay, tốc độ suy giảm cá thể của gấu Koala là một vấn đề đáng lo ngại. Được biết, trong khoảng 20 năm gần đây, có ít nhất 80% cá thể gấu Koala đã biến mất do biến đổi khí hậu. Tổ chức Koala ở Australia (AKF) đã cảnh báo rằng hiện chỉ còn 80.000 cá thể gấu túi, không đủ gấu cái trưởng thành để sinh sản lứa tiếp theo, và loài động vậy này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Thậm chí, sau thảm họa cháy rừng ở Úc đang xảy ra trong thời gian gần đây, số lượng Koala càng suy giảm khủng khiếp do bị thiêu cháy, sốc nhiệt hoặc mất môi trường sống. Những con gấu túi Koala run rẩy ôm gốc cây chờ đám cháy qua đi, hay ào ra đường xin nước từ con người là những hình ảnh khiến người ta không khỏi xót xa trước hậu quả mà vụ cháy rừng ở Úc đang gây ra...
Video về gấu Koala có vân tay như con người:
ĐỖ HỢP (T/H)
Nghênh ngang giữa bầy sư tử, nhím trả giá quá đắt Một đàn sư tử non vừa có cuộc đụng độ với nhím tại sa mạc Kalahari, Nam Phi. Sở hữu những chiếc lông nhọn đáng sợ, nhím không phải con mồi dễ xơi với bất cứ loài động vật nào. Cũng chính vì thế, nhiều khi chạm trán những loài ăn thịt to lớn như sư tử hay báo đốm, nhím vẫn ung...