Top 10 phim Việt có doanh thu cao nhất trong lịch sử
1. Cô Ba Sài Gòn (60 tỷ)
Với con số 60 tỷ đồng, doanh thu của Cô Ba Sài Gòn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngô Thanh Vân khi đầu tư cho bộ phim này. Theo nhà sản xuất phim, so với Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì số lượng vé bán ra của Cô Ba Sài Gòn năm nay gần như gấp đôi. Tuy nhiên, doanh thu của bộ phim chỉ xấp xỉ trên 60 tỷ đồng, trong khi Tấm Cám mang về gần 70 tỷ.
Ngay khi vừa ra rạp được ít ngày, Cô Ba Sài Gòn đã bị tung lên mạng trái phép. Đây được coi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến doanh thu bộ phim.
2. Tấm Cám: Chuyện chưa kể (67 tỷ đồng)
Khi vừa ra mắt, Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã gây ra tranh cãi về vấn đề “chia chác” doanh thu với các rạp chiếu tại Việt Nam. Kết quả, một hệ thống chiếu rạp lớn của Việt Nam từ chối phát hành Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Tuy vậy, doanh thu bộ phim vẫn lên con số 67 tỷ đồng sau một tháng công chiếu.
Bộ phim là tâm huyết của Ngô Thanh Vân trong việc phát triển phim Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám, bộ phim do Ngô Thanh Vân đạo diễn đã có thêm nhiều chi tiết kỳ ảo và cảnh hành động đẹp mắt.
3. Chàng trai năm ấy (70 tỷ)
Nhân vật chính trong phim là ca sĩ Đình Phong (do Sơn Tùng MTP thủ vai) – hình tượng được xây dựng dựa trên nguyên mẫu – ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Đình Phong là một ca sĩ triển vọng với tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt dành cho ca hát. Bên cạnh Đình Phong là người bạn thân Ngô Kiến Hà (Ngô Kiến Huy, bà chị Phạm Quỳnh Băng (Phạm Quỳnh Anh), cô bạn gái Sky (Hari Won) và chàng quản lý Lâm (Hứa Vĩ Văn).
Cuộc sống hồn nhiên, vui vẻ của Đình Phong bỗng chốc thay đổi bởi bệnh tật. Nhưng nhờ tình yêu của mọi người và lòng đam mê âm nhạc, khát khao với cuộc sống, Đình Phong đã không chịu khuất phục số mệnh.
4. Cô gái đến từ hôm qua (70 tỷ)
Bộ phim về tuổi học trò của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng là một tác phẩm điện ảnh Việt được trông đợi trong năm 2017. Với sự tham gia của Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Will (365) và chuyện phim dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Cô gái đến từ hôm qua đã được khán giả “ngóng” từ khi mới công bố dự án.
Sau 3 tuần ra rạp, bộ phim đạt doanh thu 65 tỷ đồng, doanh thu cuối cùng của phim đạt 70 tỷ. Tuy không thể làm nên điều bất ngờ như tác phẩm Em là bà nội của anh mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã làm được trước đó, đây vẫn là một sản phẩm chỉn chu của điện ảnh Việt.
5. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (77 tỷ)
Khi ra mắt, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trở thành một hiện tượng phòng chiếu, khán giả đổ xô đi xem. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những cảnh phim đẹp đến nao lòng được quay tại Phú Yên.
Không chỉ gây nên cơn sốt tại Việt Nam, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn được mua bản quyền và chiếu tại nước ngoài. Phim vinh dự được công chiếu tại LHP Cannes 2015.
6. Tèo em (80 tỷ)
Bộ đôi Johnny Trí Nguyễn cùng Thái Hòa đã “quậy” tung phòng chiếu với bộ phim này. Mang tính chất hài hước – tâm lý, Tèo Em kể về hai anh em Tí – Tèo với những tình huống dở khóc dở cười. Nội dung phim đơn giản nhưng sự tung hứng của Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn đã tạo ra tiếng cười bùng nổ trong bộ phim đậm tính giải trí.
Sự thành công của Tèo Em, cùng hai phần Để Mai tính, Quả tim máu đã đưa Thái Hòa lên ngôi vị “ông hoàng phòng vé”.
7. Quả tim máu (85 tỷ)
Đây là bộ phim kinh dị hiếm hoi có doanh thu phòng vé khủng. Dựa trên vở kịch cùng tên, Quả tim máu được đạo diễn Victor Vũ xử lý lại đầy kịch tính, bất ngờ, hấp dẫn. Phim bắt đầu khi nhân vật chính Linh (Nhã Phương) tỉnh dậy từ sau ca phẫu thuật thay tim. Quả tim cũ đã đưa cô tìm đến những bí mật khủng khiếp trong quá khứ .
Với sự tham gia của Thái Hòa, Nhã Phương, Quý Bình, kim Xuân… Quả tim máu cũng trở thành phim khiến khán giả đổ xô ra rạp.
8. Để Mai tính 2 (101 tỷ)
Đây là phần 2 của bộ phim cùng tên đã được ra mắt năm 2010, đều do Charlie Nguyễn đạo diễn. Diễn xuất đáng yêu của Thái Hòa trong vai người đàn ông đồng tính Phạm Hương Hội đã khiến khán giả bùng nổ trong những tiếng cười thích thú. Không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, Để Mai tính 2 chỉ là bộ phim giải trí đơn thuần nhưng về mặt cảm xúc, nó đã hoàn thành trọn vẹn vai trò đem lại những phút giây thư giãn cho khán giả.
9. Em là bà nội của anh (102 tỷ)
Bộ phim này được xem như một phép màu với đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh và nữ diễn viên Miu Lê. Bởi tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã xô đổ kỷ lục của hàng loạt phim Việt Nam khác đã nắm giữ từ rất lâu, trước khi bị Em chưa 18 soán ngôi.
Được chuyển thể từ tác phẩm đình đám Miss Granny của Hàn Quốc, phim xoay quanh nhân vật bà Đại (NSƯT Minh Đức) – một bà già khó tính, hay bắt bẻ người khác. Một lần, bà tò mò đến một tiệm ảnh kỳ quái và bỗng nhiên hóa thân thành cô gái trẻ trung tuổi đôi mươi và lấy cái tên Thanh Nga (Miu Lê). Trong thân xác cô gái trẻ, bà Đại được trải nghiệm cuộc sống thêm một lần nữa và cũng thấu hiểu được những suy nghĩ, tình cảm của người thân trong gia đình.
10. Em chưa 18 (169 tỷ)
Không hề có những cái tên nổi tiếng nhưng Em chưa 18 đã tạo ra một hiệu ứng truyền miệng vô cùng tốt với khán giả. Chỉ sau 9 ngày công chiếu, Em chưa 18 xác lập kỷ lục phòng vé với doanh thu là 115 tỷ, soán ngôi Em là bà nội của anh để trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Những lời khen dành cho bộ phim lan rộng khiến số tiền thu được từ bộ phim cũng không ngừng tăng lên.
Phim được đạo diễn Lê Thanh Sơn xử lý hiện đại, mang đậm phong cách Mỹ. Câu chuyện tình yêu trong phim cũng đơn giản nhưng vô cùng đáng yêu. Cô bé “chưa 18″ Linh Đan (Kaity Nguyễn) đã tìm cách gài bẫy anh chàng play boy Hoàng (Kiều Minh Tuấn) để bắt anh giả làm bạn trai của mình, nhằm “dằn mặt” cậu bạn trai cũ Tony (Will). Để rồi sau những lần tiếp xúc, cả hai đã có những rung động về nhau, bỏ mặc khoảng cách tuổi tác.
Theo VNE
"Người phụ nữ bí ẩn" làm lu mờ Vân Ngô, Lan Ngọc trong "Cô Ba Sài Gòn"
Và cũng chính người này đã góp phần lớn che đi những hạt sạn của "Cô Ba Sài Gòn".
Nhiều tháng qua, khán giả Việt khá tò mò về bộ phim tiếp theo được nhào nặn bởi ekip của "đả nữ" Ngô Thanh Vân - Cô Ba Sài Gòn. Quy tụ dàn diễn viên hùng hậu gồm những sao nữ và những nghệ sĩ kỳ cựu của showbiz Việt là điểm cộng nhưng cũng trở thành con dao hai lưỡi với chính bộ phim.
Ý tưởng hay nhưng kịch bản lại yếu
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim thứ ba được sản xuất bởi ekip Ngô Thanh Vân, dù không do cô làm đạo diễn như hai phim trước là Ngày nảy ngày nay và Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Tuy nhiên, phim vẫn giữ được và tô đậm thêm phong cách của Ngô Thanh Vân trên thị trường điện ảnh, đó là cô luôn làm những điều mới mẻ và có định hướng rất văn mình.
Nếu như trước đó Tấm Cám: Chuyện chưa kể được coi như một phim cổ tích đúng nghĩa, đầy màu sắc Hollywood thì Cô Ba Sài Gòn lần này lại là một tác phẩm xuyên không mang hơi thở hiện đại.
Không thể phủ nhận rằng ý tưởng của phim khá mới mẻ và đủ hấp dẫn để có thể kéo khán giả ra rạp. Nhưng ý tưởng là một chuyện và kịch bản phim được phát triển ra sao từ ý tưởng đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Khi quá tập trung vào những tiểu tiết để miêu tả xã hội Sài Gòn thập niên 60, các tác giả của bộ phim đã không ít lần áp đặt tình tiết, bắt nhân vật phải làm thế này phải làm thế kia để thể hiện được tính "thời đại", thay vào đó lại không hề cho nhân vật một môi trường để thở, một đời sống thực sự.
Những kịch tính của phim đều không đủ thuyết phục khiến đôi chỗ phim bị nhợt nhạt
Cấu trúc của kịch bản Cô Ba Sài Gòn khá chỉn chu, tuy nhiên những điểm mấu chốt cần có của một câu chuyện lại không đủ mạnh. Đơn cử như việc mâu thuẫn giữa Như Ý và Thanh Loan - con nuôi của gia đình, vốn không được xây dựng rõ ràng ngay từ đầu, nên không ít khán giả sẽ thấy khó hiểu và cảm thấy Như Ý thật khó ưa khi bất ngờ nổi cáu với Thanh Loan khi cô này thậm chí chẳng nói gì động chạm đến Như Ý. Hay như trong tình tiết Như Ý mặc thử chiếc áo dài được chính tay mẹ cô may và có đính viên ngọc gia bảo đã dẫn đến mọi biến cố của câu chuyện.
Khán giả có quyền đặt câu hỏi rằng tại sao Như Ý lại biết chiếc áo dài đó dành cho mình, tại sao cô lại mặc thử nó trong khi cô vốn được xây dựng là nhân vật "ghét cay ghét đắng" chiếc áo dài? Rõ ràng trước những câu hỏi dạng thế này, tình tiết này đã trở nên yếu đuối, và lộ rõ rằng đó chỉ là một cái cớ để đưa nhân vật đi tới phần tiếp theo của phim.
Việc kết cấu của một câu chuyện có đủ các yếu tố nhưng không vững chãi đã khiến cho người xem cảm thấy mình đang đi chu du qua mấy chục năm nhưng không nhiều dấu ấn được đọng lại.
Những tình tiết được làm quá nhẹ khiến người xem ái ngại bởi nhân vật sẽ có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào nếu không có một cái cớ đích đáng. Vậy nếu nhân vật không sống thật sự và không quan tâm tới câu chuyện mình đang kể, liệu khán giả có quan tâm?
Hồng Vân một tay lấn át cả Ngô Thanh Vân lẫn Lan Ngọc
Hồng Vân là nhân vật được cả ekip "ém" rất kỹ trước khi phim phát hành, chính điều này đã đem đến bất ngờ cho người xem, và hoàn toàn không ngoa khi nói rằng, diễn xuất của NSND Hồng Vân đã làm lu mờ những người đứng cạnh, thậm chí giúp làm mờ đi những lỗi không đáng có của câu chuyện. Và người viết cũng dám khẳng định rằng, chỉ duy nhất diễn xuất của Hồng Vân là toát được lên chất "đời" của nhân vật.
Hồng Vân là ngôi sao sáng của cả bộ phim
Lan Ngọc từng vụt sáng sau vai Nương trong Cánh đồng bất tận. Nhưng nếu đặt cô bé Nương đứng cạnh Như Ý của ngày hôm nay, ai cũng sẽ thấy được sự khác biệt quá lớn. Nếu như Nương rất chân phương, diễn xuất đầy cảm xúc thì Như Ý - dù diễn có nghề nhưng lại bị kỹ thuật lấn át quá nhiều. Lan Ngọc dùng ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ biểu cảm trên gương mặt để tạo thành một cái vỏ bọc mang tên "Cô Ba Như Ý" nhưng không làm cho khán giả thấy được rằng Như Ý đang sống trên phim một cách thực sự.
Về phần Ngô Thanh Vân, "đả nữ" rõ ràng đã quá cố gắng để vào vai một người mẹ "bình thường", nhưng từ kiểu thoại cho tới dáng điệu đi đứng của cô đều bị lộ rằng cô đang diễn. Lý giải cho điều này, có thể vin vào việc Ngô Thanh Vân đã đóng quá nhiều phim có yếu tố hành động, hay chí ít những vai diễn trước của cô đều phải dùng cách diễn "gồng", nên khi bước vào một lớp áo đời thường, cô dường như vùng vẫy trong đó mà vẫn không vừa.
Trong khi Ngô Thanh Vân và Lan Ngọc lại quá "căng cứng"
Các nhân vật khác trong phim cũng dùng cách diễn gồng quá nhiều. Nếu như S.T 365 có nhiều đoạn thoại như phim "ngôn tình" thì Diễm My 9X lại làm cho sự sắc sảo, lạnh lùng của mình trở nên thái quá. Duy chỉ có Hồng Vân là trôi vào phim như một làn nước. Xem cô diễn, khán giả tin tưởng được rằng đâu đó ở giữa Sài Gòn, thực sự có một An Khánh rượu chè bê tha đang tồn tại.
Vẫn giữ sở trường của một nghệ sĩ sân khấu với những mảng miếng hài nhẹ nhàng của mình, nhưng NSND Hồng Vân lại không hề diễn quá lố như nhiều phim Việt thường mắc phải khi đưa diễn viên sân khấu lên màn ảnh.
Phân đoạn đinh của phim, khi Như Ý và An Khánh tranh cãi nảy lửa, đổ lỗi cho nhau, nghệ sĩ Hồng Vân đã thực sự tỏa sáng. Hay như ở cảnh phim An Khánh tới tìm bà Thanh Loan xin học may áo dài, nhỉ một dáng đứng khép nép của Hồng Vân ở ngưỡng cửa, không ít người sẽ phải rơi nước mắt.
Câu chuyện về người yêu thời trang hay Phim thời trang?
Có một điều chắc chắn rằng bất cứ ngành nghề nào khi được khắc họa trên phim ảnh, nếu tác giả kịch bản có kiến thứ về nghề đó và làm cho nhân vật cũng chuyên nghiệp trong nghề đó thì sẽ chiếm được cảm tình của khán giả. Nhưng một bộ phim làm về Như Ý, về Helen là những người yêu thời trang, làm thời trang thì cũng không nhất thiết phải quá phô diễn về kiến thức thời trang như Cô Ba Sài Gòn đã làm.
Trailer phim Cô Ba Sài Gòn
Chưa kể tới việc những câu thoại dài dằng dặc nói về kiến thức thời trang được diễn viên nói quá nhanh, kèm trong đó là rất nhiều từ chuyên môn cũng như từ tiếng Anh, tiếng Pháp càng khiến cho khán giả không thể nắm bắt được.
Tất nhiên, nếu nhân vật tỏ ra trơn chu trong công việc mình làm thì sẽ khiến người xem tin được hơn, nhưng với điện ảnh, các nhân vật hoàn toàn có thể nói bớt lại và làm nhiều hơn.
Phim của Ngô Thanh Vân vẫn thường gây ấn tượng về khoản chỉn chu trong trang phục. Khâu PR của Cô Ba Sài Gòn cũng đã nhắm vào điểm này để tận dụng triệt để. Khán giả phấn khích vì một thời huy hoàng của thời trang được đem lên phim, tuy nhiên việc cắt dựng quá nhiều những cảnh Như Ý mặc váy áo đủ kiểu đủ màu đã làm nhiều người có cảm giác rằng mình đang đi dạo ở một hãng thời trang chứ không phải xem phim.
Cô Ba Sài Gòn nếu như được đầu tư hơn về kịch bản thì sẽ là một phim tròn trịa
Cô Ba Sài Gòn đã rất thông minh khi biết lựa chọn yếu tố đặc biệt của phim cho chiến dịch quảng bá, nhưng thiết nghĩ rằng giá như phim chú trọng nhiều hơn vào nội dung kịch bản thì phim đã có thể hoàn hảo hơn. Dù vậy, đây vẫn là một câu chuyện chất chứa nhiều cảm xúc, cũng như bám khá chắc vào tuyên ngôn "tôn vinh áo dài" của Ngô Thanh Vân.
Cô Ba Sài Gòn có thể được chấp nhận là phim Việt nổi bật khi thời điểm cuối năm, phòng vé đang bị vây kín bởi những bộ phim nước ngoài. Đây cũng là một sự cố gắng đáng ghi nhận của ekip Ngô Thanh Vân trong việc làm những bộ phim mang hơi thở hiện đại, mới mẻ.
Phim hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Danviet
Cô Ba Sài Gòn có thể đã đạt doanh thu 70 tỉ đồng, nhưng nhà sản xuất vẫn im hơi! Chưa chính thức công bố số liệu cụ thể, nhưng với hơn 1.500.000 vé đã bán ra, có thể Cô Ba Sài Gòn đã gần đuổi kịp doanh thu của Tấm Cám: Chuyện chưa kể sau 3 tuần khởi chiếu. Trong tháng 11 vừa qua, phim Việt chỉ có duy nhất Cô Ba Sài Gòn ra rạp và nổi lên như một hiện...