Top 10 phim bom tấn đắt đỏ nhất thế giới
Nhiều tác phẩm có kinh phí sản xuất khổng lồ kéo theo những kỷ lục đáng nhớ tại phòng vé, nhưng cũng có những tác phẩm không có được may mắn như vậy.
Pirates of the Caribbean: At World’s End (2007) – 341,8 triệu USD: Tập phim thứ ba trong loạt Cướp biển vùng Caribê hiện là bộ phim có kinh phí thực hiện đắt đỏ nhất trong lịch sử điện ảnh, kể cả khi có những điều chỉnh con số vì lạm phát. Tuy nhiên, hãng Disney cũng chẳng quá lo lắng bởi doanh thu toàn cầu của bộ phim lên tới hơn 960 triệu USD, cao nhất trong năm 2007 sau khi kết thúc trình chiếu.
Cleopatra (1963) – 339,5 triệu USD: Tại thời điểm được thực hiện, kinh phí sản xuất Cleopatra được ước tính rơi vào khoảng 44 triệu USD, tương đương gần 340 triệu USD trong năm 2014 nếu điều chỉnh về lạm phát. Bộ phim gặp rất nhiều trục trặc trong quá trình sản xuất khiến cho chi phí thực hiện trở nên vượt trội. Điển hình là lần thay đổi địa điểm quay, khiến đoàn làm phim phải dựng toàn bộ trường quay tới hai lần. Cleopatra không nhận được phản hồi tích cực từ giới phê bình, nhưng vẫn là tác phẩm ăn khách nhất trong năm 1963 với doanh thu toàn cầu là 57,7 triệu USD (tương đương 537 triệu USD tại năm 2014). Tuy nhiên, nếu tính thêm chi phí quảng bá, con số đó là chưa đủ và bộ phim suýt nữa khiến hãng 20th Century Fox bị phá sản. Hai năm sau đó, cú hit mang tên The Sound of Music đã kịp thời giải cứu hãng phim khỏi tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Titanic (1997) – 294,3 triệu USD: Câu chuyện tình giữa đôi tình nhân Jack và Rose trên con thuyền Titanic định mệnh đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả kể từ lần đầu tiên ra mắt 17 năm trước. Bộ phim của đạo diễn James Cameron có kinh phí thực hiện kỷ lục, nhưng cũng đạt doanh thu kỷ lục lên tới gần 2,2 tỷ USD. Không chỉ có vậy, bộ phim ăn khách thứ hai trong lịch sử điện ảnh cũng nhận được 14 đề cử giải thưởng Oscar năm 1998 và giành chiến thắng tại 11 hạng mục, trong đó có giải Phim truyện xuất sắc nhất.
Spider-Man 3 (2007) – 293,9 triệu USD: Tập phim Người nhện thứ ba của đạo diễn Sam Raimi cũng là một tác phẩm “đắt xắt ra miếng”. Có kinh phí sản xuất lên tới gần 294 triệu USD, bộ phim đạt mức doanh thu 891 triệu USD sau khi ra mắt trong mùa hè năm 2007. Cho tới nay, Spider-Man 3 vẫn là tác phẩm ăn khách thứ hai trong lịch sử hãng Sony (chỉ sau Skyfall) và là phim ăn khách thứ ba trong số các tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh Marvel (sau The Avengers và Iron Man 3). Tuy vậy, bộ phim lại vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ giới phê bình. Những bất đồng giữa đạo diễn Sam Raimi với hãng Sony cũng khiến cả hai không tiếp tục thực hiện Spider-Man 4 như dự kiến từ trước đó.
Tangled (2009) – 281,7 triệu USD: Thật bất ngờ khi trong top 5 các bộ phim đắt đỏ nhất mọi thời đại có sự xuất hiện của một tác phẩm hoạt hình. Tangled ngốn chi phí của hãng Disney trong khâu kết hợp những hình vẽ tay truyền thống như trong quá khứ với các hình ảnh CGI được tạo ra bằng máy tính được cho là hết sức phức tạp. May mắn thay, cả giới phê bình lẫn khán giả đều nhiệt liệt hưởng ứng Tangled và bộ phim cán mốc doanh thu 591 triệu USD trên toàn cầu sau khi kết thúc trình chiếu.
Harry Potter and the Half-Blood Prince (2009) – 275,3 triệu USD: Tập thứ 6 trong loạt phim về cậu bé phù thủy Harry Potter được cho là có kinh phí cao ngang với Harry Potter and the Deathly Hallows. Tuy nhiên, tập cuối sau đó lại được chia ra thành hai phần phim. Chỉ trong 5 ngày đầu tiên ra mắt, Harry Potter and the Half-Blood Prince thu được 394 triệu USD trên toàn cầu, một con số kỷ lục. Có doanh thu tổng cộng lên tới 934 triệu USD, bộ phim là tác phẩm ăn khách thứ hai trong năm 2009, chỉ đứng sau Avatar. Giới phê bình cũng đánh giá khá cao Half-Blood Prince và cho rằng đây là một bước ngoặt quan trọng của toàn bộ loạt phim.
Video đang HOT
Waterworld (1995) – 271,3 triệu USD: Tại thời điểm ra mắt, Waterworld phá vỡ nhiều kỷ lục về chi phí sản xuất trước đó, nhưng bộ phim lại nhận được nhiều đánh giá tiêu cực từ giới phê bình và phần đông người hâm mộ. Waterworldkhông thể thu hồi vốn sản xuất trong thời gian chiếu rạp và phải nhờ tới doanh thu của các định dạng như DVD hay VHS mới có thể phần nào gỡ gạc được con số khổng lồ nói trên. Giống như Cleopatra, Waterworld gặp không ít vấn đề trong quá trình sản xuất và khiến cho chi phí thực hiện vượt hơn… 75 triệu USD so với dự kiến ban đầu.
Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest (2006) – 263,7 triệu USD: Tập phim thứ hai trong loạt Cướp biển vùng Caribê cũng nằm trong top ten các tác phẩm đắt đỏ nhất mọi thời đại. Được kỳ vọng sau phần đầu tiên hết sức thành công, Dead Man’s Chest được giới phê bình ca ngợi về mặt kỹ xảo hình ảnh, nhưng lại bị chỉ trích về phần cốt truyện và thời lượng quá dài. Bất chấp điều đó, bộ phim hiện vẫn là tập phim Cướp biển Caribê ăn khách nhất từ trước tới nay và đem về doanh thu kỷ lục cho hãng Disney: 1,066 tỷ USD. Phải mãi 6 năm sau, kỷ lục này của Disney mới bị phá vỡ bởi tác phẩm bom tấn siêu anh hùng The Avengers.
Avatar (2009) – 261 triệu USD: Dự án phim được đạo diễn kỳ tài James Cameron ấp ủ suốt từ năm 1994 hiện là tác phẩm ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh. Kinh phí thực hiện được công bố của Avatar là 237 triệu USD, tương đương 261 triệu USD trong năm 2014. Một số nguồn tin nội bộ cho rằng kinh phí thực sự của Avatar nằm trong khoảng từ 280-310 triệu USD, cộng thêm 150 triệu USD cho các chi phí quảng bá. Hiện James Cameron đang lên kế hoạch tiếp tục thực hiện Avatar 2, Avatar 3, Avatar 4 với giấc mơ phá vỡ kỷ lục doanh thu 2,78 tỷ USD mà Avatar lập được hồi đầu năm 2010.
John Carter (2012) – 257,2 triệu USD: Có kinh phí thực hiện vô cùng hoành tráng, nhưng John Carter lại là một tác phẩm đáng quên của hãng Disney sau khi bộ phim thất bại thảm hại tại các phòng vé Bắc Mỹ và bị giới phê bình trù dập tơi tả. Theo một số tính toán, nếu cộng thêm cả chi phí quảng bá thì John Carter có thể đã khiến hãng Disney lỗ tới gần 200 triệu USD. Thất bại này góp phần không nhỏ khiến cho Rich Ross, giám đốc của Walt Disney Studios tại thời điểm John Carter ra mắt, buộc phải từ chức.
Theo zing
Bom tấn hành động 'The Raid 2' đẫm máu ngoài sức tưởng tượng
Nối tiếp câu chuyện còn đang dang dở trong tập trước, "The Raid 2: Berandal" của điện ảnh Indonesia là một tác phẩm u ám, tàn bạo đến cùng cực
Ra mắt lần đầu tiên tại LHP Quốc tế Toronto tháng 9/2011, bộ phim The Raidcủa điện ảnh Indonesia gây sốc cho cả thế giới bởi nội dung kịch tính đi kèm những trường đoạn hành động bạo lực sáng tạo chưa từng thấy. Bộ phim thành công đến mức Hollywood cấp tốc mua quyền remake tác phẩm này. Một cốt truyện mở ở cuối The Raid khiến khán giả chờ đợi và kỳ vọng vào The Raid 2trong suốt gần ba năm qua. Đến đầu năm nay, người hâm mộ có dịp được thỏa mãn khi tập phim tiếp theo với tựa đề The Raid 2: Berandal chính thức ra mắt.
The Raid chinh phục khán giả toàn cầu khi ra mắt khán giả hồi năm 2011, giới thiệu một diện mạo đầy bất ngờ của điện ảnh Indonesia.
Các sự kiện của The Raid 2: Berandal bắt đầu chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi phần một kết thúc. Khi cuộc đột kích đẫm máu vào hang ổ tội phạm đáng sợ kết thúc, đội đặc nhiệm 20 người của chàng sĩ quan trẻ Rama (Iko Uwais) chỉ còn lại 3 người sống sót. Rama đem bằng chứng tố cáo những cảnh sát biến chất đến cho Bunawar, một vị thanh tra được tin tưởng là người trong sạch. Bunawar cho Rama biết rằng vụ đột kích vừa qua sẽ khiến cho anh và gia đình rơi vào vòng nguy hiểm, và những bằng chứng Rama thu thập được chưa đủ để kết tội những kẻ biến chất.
Do đó, Bunawar đề nghị Rama tham gia vào lực lượng cảnh sát chống tham nhũng của ông, thâm nhập vào một trong hai băng đảng đang thống trị thế giới ngầm tại Jakarta để tìm kiếm bằng chứng vạch mặt những kẻ tha hóa bắt tay với giới tội phạm. Tạm biệt vợ con, xóa bỏ danh tính, chấp nhận trở thành tội phạm, Rama không hề biết rằng mình sắp sửa bị kẹt giữa một cuộc chiến đẫm máu giữa các băng đảng tàn ác.
The Raid 2: Berandal mở đầu với một sự kiện gây sốc với những khán giả từng theo dõi phần I.
Đối với The Raid 2: Berandal thì tất cả các sự kiện diễn ra trong The Raid mới chỉ là khởi điểm cho một chuỗi những thảm kịch sắp sửa diễn ra. Ngay từ cảnh đầu tiên, đạo diễn Gareth Evans liên kết trực tiếp với phần trước bằng một sự kiện gây sốc với không ít khán giả, cũng như bước đầu mở ra thế giới ngầm đáng sợ đang thao túng Jakarta. Bối cảnh của Berandal không còn bó hẹp trong phạm vi một tòa nhà mà trở nên rộng lớn hơn khi trải dài khắp Jarkata. Tính chất cuộc đối đầu thiện ác cũng thay đổi: không còn là một biệt đội cảnh sát đối đầu với một băng đảng nữa mà thay vào đó, Rama phải đơn độc đối đầu với toàn bộ giới tội phạm và nhóm cảnh sát thối nát.
Con đường đưa Rama từ một sĩ quan đặc nhiệm đến một cảnh sát ngầm dưới lốt tội phạm được xây dựng từng bước khá cụ thể. Từ việc lên kế hoạch tạo nhân dạng mới, tiếp cận Uco - con trai ông trùm Bangun đang thụ án trong tù, cho đến việc kiên nhẫn chờ đợi, gây ấn tượng và hành động để dành được niềm tin của Uco lẫn Bangun... Các sự kiện diễn ra vừa đủ và nhanh gọn, nhưng vẫn đảm bảo tính hợp lí. Song song với việc mô tả quá trình thâm nhập vào giới tội phạm của Rama, các nhân vật mới lần lượt được giới thiệu đến khán giả: từ hai tổ chức lớn của ông trùm Bangun và Goto, cho đến thế lực mới nổi bí hiểm của ông trùm Bejo, và gã ủy viên biến chất Reza, người từng được nhắc thoáng qua trong tập trước.
The Raid 2: Berandal có rất nhiều nhân vật và dễ khiến cho khán giả lúng túng tại thời điểm đầu phim.
Sự xuất hiện liên tục của các nhân vật mới ban đầu có thể khiến khán giả lúng túng trong việc nhận dạng và ghi nhớ. Tuy nhiên, khi các sự kiện dần được bóc tách, từng nhân vật quan trọng dần được phát triển cặn kẽ hơn. Nếu khán giả để ý thì càng về cuối, ý đồ phát triển nhân vật của đạo diễn Gareth Evans từ ban đầu lại càng rõ ràng: vai trò càng lớn thì càng được đầu tư giới thiệu nhiều hơn từ đầu, cách mỗi nhân vật xuất hiện và được đề cập đến đều có nguyên do của họ. Điều này khiến cho những nút thắt ở cuối phim trở nên thú vị.
Càng cố gắng thâm nhập vào tổ chức của ông trùm Bangun, Rama càng bị dính sâu vào một cuộc chiến đẫm máu giữa các băng đảng mà anh không hề ngờ tới. Các âm mưu tạo ra xung đột nêu ra trong phim đều rất đơn giản, quen thuộc và khá khuôn mẫu, nhưng vẫn đủ hợp lý để từng bước tạo nên một cuộc chiến giữa ba thế lực ngầm. Thêm vào đó, từng sự kiện phục vụ cho âm mưu đều được mô tả chi tiết và đầy bạo lực, khiến cho diễn biến của bộ phim dễ nắm bắt nhưng cũng không kém phần căng thẳng và u ám. The Raid 2: Berandal đã tạo ra một thế giới ngầm với những tên sát thủ máu lạnh, những vụ thanh toán đẫm máu rất chân thực và tàn bạo, có thể gây sốc với không ít khán giả.
Nhân vật chính Rama phải từ bỏ danh phận cảnh sát để trà trộn vào thế giới ngầm của các băng đảng tội phạm tại Jakarta.
Ở giữa thế giới mà tính mạng có thể bị tước đoạt một cách dễ dàng bất cứ lúc nào, không một ai để tin tưởng, không một ai hỗ trợ, thậm chí còn không được sống với đúng bản thân mình, Rama hoàn toàn đơn độc. Tất cả khiến cho anh bị đẩy khỏi mục đích ban đầu của mình, để cuối cùng chỉ còn một mục đích duy nhất: được tồn tại và thoát khỏi thế giới ngầm. Nhân vật Rama chắc chắn sẽ nhận được ý kiến tiêu cực cho rằng anh chẳng khác gì mô-típ người hùng đơn độc của Hollywood, một mình giải quyết mọi chuyện theo hướng nhàm chán và rập khuôn. Điều này không hẳn là sai, nhưng đó lại là một cái kết hợp lý khi điều này được xây dựng qua các sự kiện xuyên suốt bộ phim.
Phim tràn ngập những cảnh quay bạo lực được dàn dựng công phu, sáng tạo.
Với một nội dung dàn trải và phức tạp hơn hẳn phần I, The Raid 2: Berandalcần thời lượng lên tới 150 phút để truyền tải đầy đủ. Nhưng tiết tấu phim được xây dựng khá tốt và liền mạch, các chi tiết diễn ra tự nhiên và liên kết với nhau một cách hợp lý khiến cho người xem không cảm thấy bị dài dòng. Thêm đó, các trường đoạn hành động xen kẽ trong phim chắc chắn không khiến cho khán giả cảm thấy nhàm chán.
Đạo diễn Gareth Evans không hề phụ lòng người hâm mộ khi tiếp tục đem đến những pha hành động mới lạ, đầy ấn tượng và cực kỳ phấn khích. Nam diễn viên Iko Uwais trong vai chính Rama tiếp tục là người hùng tả xung hữu đột, thể hiện đa số các trường đoạn hành động không hề thua kém so với phần trước. Yayan Ruhian, diễn viên thủ vai phản diện Mad Dog trong phần trước cũng trở lại trong một vai diễn hoàn toàn mới, tiếp tục được thể hiện kỹ năng võ thuật điêu luyện của bản thân dù có đất diễn hết sức hạn chế.
Hai nhân vật phản diện mới là Hammer Girl và Baseball Bat Man gây nhiều ấn tượng đến cho khán giả.
Tuy nhiên, bộ đôi sát thủ có bí danh Hammer Girl và Baseball Bat Man (dựa trên vũ khí mà họ sử dụng là búa và gậy bóng chày) mới là hai nhân vật đem tới nhiều sự thú vị nhất. Trường đoạn giới thiệu khả năng võ thuật của hai nhân vật này là một trong những phân cảnh ấn tượng nhất của phim: độc đáo, chân thực, đầy bạo lực. Một nhân vật phản diện khác, kẻ có bí danh đơn giản là Sát thủ, cũng hết sức đáng nhớ qua trường đoạn giao đấu cuối cùng dài hơi và đẫm máu.
Nhìn chung, các cảnh hành động trong The Raid 2: Berandal được trải đều trong suốt bộ phim, dù không khẩn trương và dày đặc như phần trước nhưng sự kịch tính vẫn không hề suy giảm, thậm chí xét về mặt bạo lực còn có phần hơn một bậc. Thêm vào đó, bối cảnh được mở rộng cũng cho phép đạo diễn đưa thêm vào một trường đoạn truy đuổi bằng xe hơi hấp dẫn, tạo thêm điểm mới cho bộ phim.
Trailer bộ phim 'The Raid 2: Berandal'
Để tạo nên những cảnh hành động ấn tượng như vậy phải kể đến công sức của bộ phận quay phim. Nếu như ở phần một, khán giả trầm trồ với khả năng dàn dựng và thực hiện những cảnh hành động dài hơi diễn ra trong các hành lang dài hẹp, thì trong phần hai, người xem sẽ phấn khích với những cú máy dài, đi theo các trường đoạn hành động diễn ra liên tục, đặc biệt là trong các cảnh có nhiều đối tượng giao chiến cùng một lúc. Góc máy đa dạng cùng những cú đảo góc bất ngờ chạy theo hướng đối tượng di chuyển giúp gây ấn tượng rất tốt về cảm giác của đối tượng đó đến khán giả.
The Raid 2: Berandal thực sự khiến người hâm mộ dòng phim hành động võ thuật thỏa mãn qua nhiều trường đoạn hành động sáng tạo.
Nội dung hấp dẫn, tiết tấu kịch tính, hành động ấn tượng, The Raid 2: Berandal quả thật không phụ sự trông đợi suốt hai năm qua của người hâm mộ. Dù có yêu thích bộ phim hay không thì người ta vẫn không thể phủ nhận nỗ lực của đạo diễn Gareth Evans trong việc đem lại những điểm mới cho đứa con tinh thần của anh. Với một cái kết còn bỏ ngỏ, người hâm mộ tiếp tục chờ đợi những sáng tạo mới, phá vỡ những giới hạn mà chính bản thân từng đặt ra của vị đạo diễn trong The Raid 3, bộ phim được cho là sẽ khép lại loạt phim này.
Zing.vn đánh giá: 4/5 sao
The Raid 2: Berandal (tựa Việt: Đột kích 2) đã chính thức được khởi chiếu từ ngày 13/6.
Theo zing
Poster "Transformers: Age of Extinction" bị tố nhái "Iron Man 3" Poster vừa phát hành của "Transformers: Age of Extinction" (Transformers: Kỷ Nguyên Hủy Diệt) bị người xem chỉ đích danh là copy của "Iron Man 3". Tấm poster quốc tế dành cho thị trường Hoa ngữ của siêu phẩm Transformers: Age of Extinction(Transformers: Kỷ Nguyên Hủy Diệt) vừa phát hành đã bị fan ruột của Iron Man 3 "bắt bài". Nhiều người cho...