Top 10 đột phá y học thế giới năm 2012
Tạp chí Time của Mỹ vừa công bố “10 đột phá y học năm 2012″. Đây chính là những tiền đề cho những hướng phát triển mới của y học trong tương lai.
1. Phát hiện tầm quan trọng của những đoạn gien “không được mã hóa”
Sau khi bị cho là vô dụng về mặt di truyền, các vùng không mã hóa của gen vốn chiếm tới 98% gen thực chất lại mang 1 mục đích rất quan trọng. Nó cho thấy những vị trí vốn không quan trọng trong ADN trước đây thực chất lại là “đạo diễn” hay chỉ huy sự chuyển hóa các chức năng của gen cũng như sản xuất ra các protein tương ứng. Và nếu không có chúng thì gen sẽ giống như 1 đống từ ngữ xếp lộn xộn vô nghĩa.
Các nhà khoa học hiện đang khai thác kho thông tin sinh học mới này và đang theo đuổi những cách kiểm soát mới mà có thể sẽ giống như việc “bật – tắt” một gien nào đó để điều trị 1 số bệnh.
2. Chữa bệnh – Khả năng chưa biết của vi sinh vật
Thành phần nào đông đảo nhất trong cơ thể người? Tế bào ư? Không. Gen? Chưa chuẩn lắm. Đó chính là vi sinh vật. Những vi sinh vật này, bao gồm cả vi khuẩn, sống trong, trên và xung quanh chúng ta với tỉ lệ so với tế bào là 10:1. Và các nhà nghiên cứu vừa hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án Bộ gen vi khuẩn ở người, một bộ gen toàn diện nhất về những vi sinh vật và những hoạt động của chúng.
Hầu hết trong số chúng là bạn của con người, chúng làm việc rất chăm chỉ để đảm bảo rằng thức ăn được tiêu hóa, hệ miễn dịch ngày càng mạnh mẽ. Nhưng rồi các nhà khoa học phát hiện ra rằng các vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng trong 1 số bệnh mãn tính, bệnh viêm nhiễm và béo phì. Bỏ qua những nhóm vi sinh vật không mời mà đến, một số vi sinh vật có thể giúp chúng ta điều trị những vấn đề sức khỏe dai dẳng, khó chịu nhất.
3. Vắc-xin phòng HIV được thử nghiệm mở rộng
Là 1 vũ khí mạnh chống lại HIV nhưng Truvada, 1 loại thuốc kết hợp từ 2 thuốc kháng vi rút, hiện là loại thuốc đầu tiên giúp loài người ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút HIV vào cơ thể.
Sau khi thử nghiệm đột phá cho thấy rằng các cá nhân không bị nhiễm bệnh khi sử dụng thuốc Truvada, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ đã cho thử nghiệm mở rộng trên đối tượng nam giới khỏe mạnh nhưng có nguy cơ cao như người đồng tính. Kết quả cho thấy nguy cơ nhiễm HIV ở nhóm nam giới đồng tính giảm từ 42-75%.
4. Công nghệ tế bào gốc phát huy tác dụng lớn
Không giống như gan, thận, khí quản là bộ phận không thể ghép từ người này sang người kia. Nhưng nhờ sự phát triển của lĩnh vực tế bào gốc, người bệnh có thể tự “nuôi dưỡng” 1 khí quản mới.
Các nhà nghiên cứu tại Học viện Karolinska (tThụy Điển) đã tiêm tế bào gốc lấy từ tủy xương của chính bệnh nhân vào 1 bộ khung khí quản hiến tặng nhưng đã được loại bỏ tất cả các tế bào. Bộ khung này sẽà được ghép vào cơ thể người bệnh và cơ thể sẽ tự nuôi dưỡng nó đến khi hoàn chỉnh.
Đây là bước tiến hoàn toàn mới so với việc sử dụng tế bào gốc tạo khí quản năm 2008, khi đó chỉ có thể nuôi dưỡng khí quản mới ở bên ngoài cơ thể người bệnh.
Kỹ thuật này mở ra hướng phát triển y học tái sinh, ở đó bất kỳ bộ phận nào cần thay thế, sửa chữa đều có được tạo ra bởi chính cơ thể người bệnh.
5. Chữa bệnh tự kỷ bằng cách thay đổi hoạt động của não bộ
Video đang HOT
Một thông tin mới đầy hứa hẹn cho các bậc cha mẹ có con tự kỷ đó là sự khẳng định của các nhà nghiên cứu về việc áp dụng liệu pháp hành vi sớm sẽ giúp các phần não chịu trách nhiệm chi phối hành vi đặc trưng của trẻ tự kỷ trở về bình thường.
Những đứa trẻ có chẩn đoán tự kỷ đã tham gia vào Mô hình can thiệp sớmDenver, bao gồm các hoạt động ngôn ngữ và giao tiếp xã hội sớm cho trẻ mới biết đi. Kết quả cho thấy có sự thay đổi đáng kể của não bộ trong cách xử lý hình ảnh mặt người.
Ví như nếu trước khi tham gia mô hình này, não bộ hoạt động nhiều hơn khi trẻ nhìn thấy những vật vô tri như đồ chơi so với khi nhìn gương mặt thì sau 2 năm điều trị theo mô hình này, não bộ có phản ứng ngược lại, gần giống với trẻ bình thường.
Điều này đã mang lại hy vọng khả năng ngăn chặn một số những thay đổi của não bộ liên quan với bệnh tự kỷ, thậm chí còn chuyển hóa nó theo hướng tốt lên.
Tuy nhiên, chìa khóa thành công của chương trình này là nhân viên tư vấn phải được đào tạo chuyên sâu và số giờ trẻ tham gia phải đảm bảo.
6. Phát hiện các nhóm gen giúp điều trị ung thư vú trở nên đơn giản
Ung thư vú là một bệnh phức tạp, có sự liên quan chặt chẽ với di truyền và lối sống. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới nhất về ADN trong các khối u vú, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng thực chất của bệnh này đơn giản hơn họ nghĩ rất nhiều.
Dự án Cancer Genome Atlas của chính phủ Mỹ đang xây dựng, tập hợp toàn bộ gen của các dạng ung thư và đã tìm thấy hơn 30.000 gen đột biến ở 510 mẫu u vú và được chia thành 4 phân nhóm chính. Một nhóm cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ với ung thư buồng trứng, mở ra khả năng điều trị ung thư vú mới. Một nhóm khác thì giúp giải thích tại sao có những bệnh nhân ung thư vú đáp ứng điều trị tốt hơn người khác. Những kiến thức này sẽ giúp bác sĩ có thêm nhiều chẩn đoán và điều trị phù hợp, giúp tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.
7. Rút ngắn thời gian phân tích gen
50 giờ là thời gian đủ để giúp giải mã toàn bộ gen của 1 trẻ sơ sinh, giúp kéo dài khoảng cách giữa sự sống và cái chết cho 1 đứa trẻ bị bệnh nặng.
Bằng cách so sánh với 3.500 gen di truyền liên quan với các khuyết tật bẩm sinh ở trẻ và cho kết quả, các bác sĩ sẽ nhanh chóng ra quyết định điều trị phù hợp, tốt nhất cho cuộc sống của đứa trẻ.
8. Giải mã gen ung thư ở bệnh nhi
Tỉ lệ sống sótở bệnh nhi ung thư đang được cải thiện ấn tượng trong những năm gần đây nhờ việc phát hiện sớm và các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Vì vậy, các bác sĩ hy vọng rằng Dự án Gien ung thư nhi kéo dài 3 năm với số tiền lên tới 65 tỉ đô la Mỹ sẽ giúp tạo thêm ra nhiều phương pháp hiệu quả giúp cho bệnh nhi ung thư.
Việc hiểu rõ những gen gây ung thư có thể sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất hoặc tạo ra các loại thuốc mới có thể cản trở sự phát triển của các tế bào bất thường, giúp tỉ lệ sống sót của trẻ lên cao hơn nữa.
9. Tạo ra cá thể hoàn chỉnh từ tế bào gốc
Các tế bào gốc thể giúp điều trị bệnh tiểu đường, giúp bệnh nhân bị liệt đi lại được, sửa chữa mô tim bị hư hại nhưng tạo ra trứng và tinh trùng thì dường như là không thể.
Vậy nhưng thách thức cực lớn này đã được vượt qua. Các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng 2 loại tế bào gốc của chuột, 1 là từ da và 1 là từ phôi vài ngày tuổi, tạo thành trứng và tinh trùng rồi cho thụ tinh và con chuột đầu tiên được sinh ra. Thành công này đã mở ra phương pháp điều trị vô sinh mới.
10. Vi rút “tiêu diệt” mụn trứng cá
Đôi khi cách tốt nhất là “lấy độc trị độc” và điều này rất đúng với phương pháp trị mụn mới: đó là sẽ đưa 1 loại vi rút có khả năng chống lại các vi khuẩn gây viêm da. Những vi rút này được đưa vào qua các lỗ chân lông và vi rút này sẽ xâm nhập vào các vi khuẩn cư trú sâu trong lỗ chân lông và tiêu diệt các vi khuẩn này.
Vi rút này sẽ được đưa vào kem bôi, giúp các thiếu niên thoát khỏi nỗi ảm ảnh làn da đầy mụn bọc, mụn mủ.
Theo TNO
10 đột phá của khoa học thế giới năm 2012
Dẫn đầu trong số 10 đột phá của khoa học thế giới năm nay chính là việc khám phá ra "hạt của Chúa". Ngoài ra còn có nhiều phát kiến quan trọng khác hứa hẹn mở ra nhiều bước tiến lớn trong tương lai.
1. Hạt hạ nguyên tử Higgs bozon - "Hạt của Chúa"
Khám phá ra "hạt của Chúa" là sự kiện trọng đại của khoa học thế giới
Ngày 4/7, các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), tại Geneva thông báo họ đã tìm thấy một hạt có tên Higgs bozon. Đây là một loại hạt có kích thước nhỏ hơn nguyên tử (hạ nguyên tử). Khám phá có tính bước ngoặt bởi nó là bằng chứng cho thấy có sự tồn tại của một trường vô hình khiến các vật chất có khối lượng.
Lý thuyết này từng được đưa ra hơn 40 năm trước, giải thích cách các phần tử tương tác với nhau thông qua các lực điện từ, các lực hạt nhân yếu và lực hạt nhân mạnh để tạo thành vật chất trong vũ trụ.
2. Dùng ý nghĩ điều khiến cánh tay robot
Ngày 17/12, các nhà khoa học tại đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ công bố đã chế tạo thành công cánh tay robot điều khiển bằng trí não hiện đại nhất từ trước đến nay. Thông qua một cảm biến được cấy vào vỏ não bệnh nhân, các nhà khoa học đã biến tín hiệu của não thành tín hiệu điều khiển máy tính truyền tới cánh tay robot có tên Hector.
Scheuermann điều khiển robot đưa thanh socola vào miệng
Chỉ sau 2 tuần được cấy ghép và trong ngày luyện tập thứ hai, bệnh nhân tham gia thử nghiệm Jan Scheuermann, một người liệt tứ chi, có thể di chuyển cánh tay robot dễ dàng bằng ý nghĩ. Và sau 13 tuần luyện tập Scheuermann có thể điều khiển robot lấy các đồ vật với nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau rất thuần thục.
3. Công cụ giúp can thiệp vào gen
Trong năm qua, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được một loại protein có thể sử dụng để thay đổi các gen của một tế bào đang đang di chuyển. Được biết đến với cái tên TALENs, protein này cho phép các nhà nghiên cứu có thể thay đổi hoặc vô hiệu hóa những gen nhất định ở vật nuôi và các loài động vật khác, thậm chí là các tế bào từ người bệnh.
Các TALEN này có thể được hiệu chỉnh để tìm kiếm và điều chỉnh bất kỳ chuỗi ADN nào. Protein này cũng có thể được dùng để cắt bỏ những gen xấu và thay thế nó, hoặc dùng trong nghiên cứu để tìm hiểu các ADN hoạt động ra sao trên các cá thể khỏe mạnh hoặc nhiễm bệnh.
4. Dự án ENCODE
Những kết quả của dự án sinh học khổng lồ có tên ENCODE đã được công bố hồi tháng 9 sau 10 năm nỗ lực nghiên cứu của 400 nhà khoa học. Các dữ liệu từ dự án vẫn đang được phân tích nhưng nó sẽ giúp con người hiểu rõ hơn về bộ di truyền của mình, không chỉ dựa trên các chuỗi ký tự trên mã ADN mà còn cả cách các ADN tương tác với các protein và các sợi ADN và ARN khác.
5. Tìm ra hạt Majorana fermion huyền thoại
Theo lý thuyết, mỗi hạt đều có một phản hạt, là một hạt có cùng khối lượng nhưng trái dấu điện tích hoặc lực từ. Dù vậy một nhóm các nhà vật lý Hà Lan mới đây đã đưa ra bằng chứng đầu tiên cho thấy Majorana Fermion, một hạt duy nhất là phản hạt của chính mình thực sự có tồn tại.
Các nhà khoa học cho rằng "những mẩu lượng tử" được tạo thành từ những hạt bí ẩn này có thể giúp tạo ra đột phá trong việc tăng khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu ở máy tính.
6. Giải mã bộ gen của người cổ xưa Denisovian
Trong quá trình giải mã bộ gen của người Nêanđectan, các nhà nghiên cứu cũng đã giải mã bộ gen của một nhóm người cổ, có tên Denisovian, sống cách đây 41.000 năm tại Siberia. Họ đã tách ADN từ một mảnh xương ngón tay từng thuộc về một phụ nữ có mắt nâu, tóc nâu và da nâu sống tại Siberia khoảng từ 74.000 năm - 82.000 năm trước.
Bằng việc so sánh các bộ gen di truyền của những người cổ đại với con người ngày nay cũng như những họ hàng thời tiền sử của con người, các nhà nghiên cứu đã biết rõ hơn về đời sống, hành vi và sự tiến hóa của các loài cổ đại. Các ADN còn cho thấy, con người có thể đã có giao phối với cả hai chủng người xưa này bởi đến nay ADN của chúng vẫn còn được tìm thấy trong bộ gen của một số người hiện đại.
7. Quan sát sự biến đổi của hạt neutrino
Một số các phản ứng hạt nhân, bao gồm các phản ứng bên trong mặt trời, thường tạo ra các neutrino, có kích thước nhỏ hơn nguyên tử. Các neutrino và phản neutrino tương ứng thường xuất hiện ở 3 dạng là: electron, muon và tau.
Các đo đạc từ phòng thí nghiệm Daya Bay Neutrino Experiment tại Trung Quốc cho thấy cách các electron phản neutrino biến đổi thành các dạng khác khi chúng di chuyển ở tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Kết quả này giúp lí giải vì sao vũ trụ gồm nhiều vật chất hơn phản vật chất.
8. Khám phá về sự lây truyền bệnh buồn ngủ châu Phi
Mọi tế bào trên cơ thể con người đều có lớp màng protein bao phủ bên ngoài vỏ. Những màng này gửi đi những tín hiệu và chuyển thông tin giữa bên trong và bên ngoài tế bào. Các protein này giữ vài trò quan trọng trong hầu hết mọi hoạt động của tế và và có vài trò thiết yếu trong việc lây truyền bệnh cũng như các loại thuốc chữa bệnh. Do đó việc tìm hiểu cấu trúc của các màng protein đó có ý nghĩa quan trọng với việc bào chế thuốc.
Mỗi năm có khoảng 30.000 người chết vì bệnh buồn ngủ châu Phi, một chứng bệnh gây ra do sự lây truyền của các sinh vật ký sinh. Bằng việc sử dụng một tia X laze sáng gấp 1 tỷ lần tia X thông thường, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cấu trúc chi tiết về lớp màng protein có vai trò quan trọng trọng sự truyền nhiễm sinh vật ký sinh gây ra bệnh này.
9. Lần đầu tạo ra trứng từ tế bào gốc của chuột
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã cho thấy các tế bào gốc phôi thai lấy từ chuột có thể được dùng để tạo thành các tế bào trứng sống, mà khi thụ tinh sẽ phát triển thành trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Trong thí nghiệm, những con chuột con đã được sinh ra từ những trứng do các nhà khoa học tạo ra. Mặc dù chưa được thí nghiệm trên người nhưng một ngày nào đó khám phá này được tin rằng sẽ giúp điều trị bệnh vô sinh.
10. Tàu thăm dò sao Hỏa "Tò mò" hạ cánh an toàn
Một hệ thống hạ cánh đặc biệt dạng "cần cẩu trên không" đã giúp tàu thăm dò sao Hỏa có tên Tò mò hạ cánh xuống "hành tinh đỏ" hôm 5/8. Sự phức tạp trong việc điều khiển thiết bị tiếp đất từng được các kỹ sư của NASA mệnh danh là "7 phút khủng bố" bởi đó cũng là thời gian để đưa Tò mò từ bầu khí quyển sao Hỏa xuống tới mặt đất của hành tinh này.
Nhóm điều khiển đã từng mất hòan toàn tín hiệu với thiết bị nặng 1 tấn này trong suốt khoảng thời gian trên. Dù vậy Tò mò đã tiếp đất thành công với 100% thiết bị hoạt động tốt và đang "sống khỏe" sau 5 tháng đáp xuống đây, gửi về nhiều hình ảnh và dữ liệu quý giá trong một nhiệm vụ kéo dài 2 năm.
Theo Dantri
Kể chuyện năm 2012 qua ảnh! Hình ảnh sắc nét ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất, những câu chuyện khó quên nhất trong năm 2012. Trẻ em thích thú đi lại trên chiếc thang cuốn ngoài trời ở một khu vực thuộc diện nghèo nhất của thành phố Medellin, Colombia. Chính quyền thành phố đã xây dựng 6 làn thang máy như thế này tại khu vực...