Top 10 chứng khoán tăng/giảm mạnh nhất tuần 13-17/4: Có mã tăng gần 140%
Cổ phiếu WTC của Vận tải thủy – Vinacomin ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 137,5% trong tuần giao dịch 13-17/4.
Nhiều cổ phiếu có thanh khoản kém tăng giá mạnh với hơn 45%.
Tuần giao dịch 13-17/4, nhà đầu tư có tâm lý khá tích cực, dòng tiền đẩy mạnh vào thị trường đã giúp cho các chỉ số tiếp tục đà tăng điểm dù đôi lúc xuất hiện những nhịp rung lắc, điều chỉnh. Bên cạnh đó, trong phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến sự bứt phá của nhiều cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ. Có thể kể đến các cổ phiếu nhóm bất động sản, thực phẩm… như DXG, LHG, LCG, MML, DBC, PSL, AFX… đều tăng trần.
Theo đó, VN-Index đóng cửa tuần ở mức 789,60 điểm, tăng 31,66 điểm so với phiên cuối tuần trước, tương đương với mức tăng 4,18%. HNX-Index tăng 3,08% so với tuần trước, lên 110,46 điểm.
Đứng đầu trong danh sách tăng giá mạnh nhất HoSE là HOT của Du lịch-Dịch vụ Hội An (HoSE: HOT) với gần 40%. HOT đã có trọn vẹn 5 phiên tăng trần của tuần này từ 27.700 đồng/cp lên 38.700 đồng/cp với mức thanh khoản trung bình chỉ đạt 100 cổ phiếu/phiên. Tiếp theo sau là cổ phiếu DTA của Đệ Tam (HoSE: DTA) với mức tăng 39%. Đệ Tam cũng có 5 phiên tăng trần trong tuần này. Tính rộng ra thì DTA đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp. Cổ phiếu DTA tăng mạnh sau khi công ty công bố niêm yết bổ sung gần 860.000 cổ phiếu, nâng số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết lên hơn 18 triệu cổ phiếu.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
34,3% là mức tăng thuộc về DBC của Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC). Dabaco có 10 phiên tăng giá liên tiếp từ 18.600 đồng/cp lên 28.000 đồng/cp. Trước đó, công ty công bố doanh thu quý I đạt 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng. So sánh với kết quả quý I/2019 là 1.769 tỷ doanh thu và 20 tỷ đồng lợi nhuận, Dabaco ghi nhận lợi nhuận gấp 17 lần so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch năm.
Trên HNX, MPT của Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT) tăng mạnh nhất với 55,6%. Trong tuần này, MPT ghi nhận 5 phiên tăng trần liên tiếp. Trước đó 1 tuần, công ty công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019 với doanh thu đạt 163,5 tỷ đồng, tăng 41,3% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm đến 90,6%, đạt gần 2,5 tỷ đồng. Đứng ngay sau là cổ phiếu VC1 của Xây dựng số 1 (HNX: VC1) với gần 41%. 2 cổ phiếu khác cũng có mức tăng khá ấn tượng là SAF của Lương thực Thực phẩm Safocoa (HNX: SAF) và HBS của Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) với giá trị lần lượt là 37% và 26,3%. Các cổ phiếu này thường xuyên trong tình trạng kém thanh khoản với trung bình mỗi phiên khớp lệnh khoảng 500 cổ phiếu.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Tại UPCoM, cổ phiếu WTC của Vận tải thủy – Vinacomin (UPCoM: WTC) ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 137,5% nhưng thường không xuất hiện giao dịch. Mức tăng của WTC có thể mạnh như trên là nhờ vào việc biên độ của phiên 13/4 lên đến 40% do trước đó cổ phiếu này không xuất hiện giao dịch trong 25 phiên liên tiếp. Theo sau là cổ phiếu CCA của Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (UPCoM: CCA) với gần 90% và PWS của Cấp thoát nước Phú Yên (UPCoM: PWS) tăng 74,5%. Đa số các cổ phiếu tăng mạnh trên sàn UPCoM thường xuyên trong tình trạng thanh khoản kém.
Video đang HOT
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Ở chiều ngược lại, ABS của Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (HoSE: ABS) giảm mạnh nhất HoSE với 30,1%. Cổ phiếu ABS đã có trọn vẹn 5 phiên giảm sàn trong tuần này. Tính rộng ra thì ABS đã có 6 phiên giảm sàn liên tiếp. Điều đáng chú ý là trước đó, ABS đã có chuỗi 14 phiên tăng trần liên tiếp từ 14.800 đồng/cp lên 35.200 đồng/cp sau khi chính thức niêm yết trên HoSE ngày 18/3. Đứng thứ 2 trong danh sách là cổ phiếu TCO của Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (HoSE: TCO) với mức giảm 23,7%. Cổ phiếu này thường không có giao dịch và trung bình mỗi phiên khớp lệnh khoảng 10 cổ phiếu.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Đối với HNX, TTL của Tổng Công ty Thăng Long (HNX: TTL) là cổ phiếu giảm mạnh nhất với 32,5%. TTL có 4/5 phiên giảm sàn trong tuần này và đóng cửa tuần ở mức 7.900 đồng/cp. 2 cổ phiếu khác là KMT của Kim khí miền Trung (HNX: KMT) và L18 của Đầu tư và Xây dựng số 18 (HNX: L18) với mức giảm lần lượt là 18,5% và 18,1%. Các cổ phiếu trên đều trong tình trạng kém thanh khoản với khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên khoảng 100 cổ phiếu.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Trên UPCoM, 39,4% là mức giảm mạnh nhất thuộc về cổ phiếu PCN của Hóa phẩm dầu khí DMC – miền Bắc (UPCoM: PCN). Trong tuần, công ty công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2020 với kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 23,5 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với thực hiện năm 2019 và đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế bằng 0 so với mức âm 7,7 tỷ đồng của năm trước. Các cổ phiếu khác như PCF của Cà Phê Petec (UPCoM: PCF) hay L44 của Lilama 45.4 (UPCoM: L44) có mức giảm khá mạnh với 38,3% và 37,5%. Đa số các cổ phiếu giảm mạnh trên UPCoM đều thường xuyên trong trạng thái đóng băng thanh khoản.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.
Hải Triệu
Yuanta: Thanh khoản TTCK tăng mạnh sau giai đoạn nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn
Năm 2020, 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ buộc phải cổ phần hóa bao gồm MobiFone, Agribank, Vinacomin, Vinafood I, GEN1, GEN2,...
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo đánh giá hiệu quả doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 sẽ diễn ra sôi nổi trong khi hoạt động thoái vốn có thể sẽ không sôi động bằng do tình hình thị trường chứng khoán đang còn gặp nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài.
Chỉ 64,2% doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã thực hiện nêm yết trên sàn
Theo dữ liệu thống kê từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam, từ năm 2005 đến nay có 896 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (chiếm khoảng 60% - 70% tổng số doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước). Trong đó, 480 doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thu về hơn 185.000 tỷ đồng, 416 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với giá trị hơn 181.000 tỷ đồng.
Theo quy định các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa 90 ngày phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UpCOM. Tuy nhiên, tính tới hiện tại mới chỉ 64,2% doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã thực hiện nêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Tỷ lệ thoái vốn thành công 100% so với kế hoạch đạt 53,3% với giá thoái vốn trung bình 44.763 đồng/cổ phiếu (dữ liệu loại trừ 1 trường hợp đột biến của Công ty Cổ phần In báo Lào Cai thoái vốn ngày 17/12/2019 với giá trung bình 16,5 triệu đồng/cổ phiếu).
Trên thực tế, tiến trình cổ phần và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 diễn ra khá chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 37 doanh nghiệp trên tổng số 127 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, đạt 29% so với kế hoạch.
Trong khi đó, mới có 44 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn thu về 4.566 tỷ đồng trong khi theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái vốn nhà nước tại 406 doanh nghiệp trị giá khoảng 60.000 tỷ đồng.
Quy mô giảm nhưng hiệu quả hoạt động được cải thiện sau cổ phần hóa, thoái vốn
Kết quả cho thấy sau khi thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Mặc dù sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có phần chậm lại, nhưng doanh nghiệp cải thiện về chất lượng tài chính khi mức sinh lời được cải thiện đáng kể, nhất là sau 2 năm kể từ khi thoái vốn nhà nước.
Theo thống kê của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ROE trung bình 3 năm sau thoái vốn 15,4% trong khi trước khi thoái vốn là 12,4%. Tương tự ROA trung bình trước thoái vốn 1,5% trong khi sau thoái vốn ở mức 1,6%.
Trong khi đó, trước khi thoái vốn, tăng trưởng tổng tài sản có xu hướng tăng sau đó chững lại, tới năm thứ 2 mới dần cải thiện. Khả năng doanh nghiệp sau thoái vốn mất khoảng 2 năm để tái cơ cấu lại tài sản doanh nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cũng thể hiện rõ hiệu quả thoái vốn doanh nghiệp sau 2 năm.
Chờ đợi "bom tấn" Agribank và MobiFone
Thực tế cho thấy, không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn là động lực tăng trưởng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Theo số liệu Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổng hợp, thanh khoản TTCK sẽ được cải thiện rõ rệt sau khoảng 2-3 năm số lượng doanh nghiệp được nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa tăng mạnh.
Cụ thể, sau 2 giai đoạn 2007-2008 và 2015-2016 đẩy mạnh hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa, thanh khoản TTCK trung bình năm 2009 đạt 1.623 tỷ đồng/phiên (tăng 226% so với 2008), năm 2018 đạt 5.259 tỷ đồng/phiên (tăng 28% so với 2017).
Quy định các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa bắt buộc phải niêm yết lên sàn sẽ là động lực khiến số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn tăng lên. Ngoài ra, việc nhà nước thoái vốn đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, việc tư nhân vận hành và quyết định đưa lên sàn sẽ dễ dàng hơn khi còn thuộc sở hữu nhà nước.
Vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh sẽ giải được bài toán từ hai chiều về cả tăng quy mô cho thị trường lẫn tạo điều kiện để nguồn vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam trong bối cảnh các cổ phiếu hiện tại trên sàn gần như đã kín room.
Theo kế hoạch trong năm 2020, có 93 doanh nghiệp nhà nước buộc phải cổ phần hóa bao gồm MobiFone, Agribank, Vinacomin, Vinafood I, GEN1, GEN2,... Trong đó, hai thương vụ lớn được chờ đợi trong đợt cổ phần hóa sắp tới là Mobifone và Agribank.
Theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, MobiFone có thể sẽ tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2020 hoặc đầu năm 2021. Hiện không chỉ nhà đầu tư trong nước mà các tập đoàn viễn thông nước ngoài như Singtel (Singapore), Telenor (Na Uy), Comvik (Thụy Điển) và Telstra (Australia),... cũng rất quan tâm tới thương vụ này.
Trong khi đó, Agribank sẽ khó hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2020 và có thể phải chờ sang năm 2021. Việc cổ phần hóa là một trong những giải pháp giúp Agribank không bị rớt lại trong cuộc chạy đua tăng vốn so với các ngân hàng khác.
THANH HÀ
Theo bizlive.vn
Nhiều mã chứng khoán được cấp mới tuần qua Ngày 14-2, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tuần qua, VSD đã cấp mới nhiều mã chứng khoán, mã chứng quyền và chuyển quyền sở hữu cổ phiếu cho các công ty cổ phần và nhà đầu tư. Công ty cổ phần Kinh doanh Than Cẩm Phả - Vinacomin được cấp mã chứng khoán TCP. Cấp mã TCP...