Top 10 chiêu trò cực độc mà nhà phát triển sử dụng để “gài hàng” game thủ (P.2)
Những logic của nhà làm game thì không phải ai cũng có thể bắt bài…
Một trong những điều tuyệt vời của game là nó cho phép người chơi có thể tự do khám phá theo cách mà mình muốn. Mặt khác, nhà phát triển cũng hoàn toàn có thể “suy nghĩ out trình” để tạo ra một số tính năng, thủ thuật nhằm che mắt game thủ. Mục đích của việc này là để đem lại trải nghiệm mượt mà, thú vị nhất cho chúng ta, hay chỉ đơn giản là để che lấp những khuyết điểm xấu xí trong game. Sau đây là top 10 chiêu trò cực độc mà nhà phát triển sử dụng để gài hàng game thủ.
Phát minh ra độ phân giải động để đạt chất lượng đồ họa “ True HD” – WipEout HD
Trên PC thì tính năng này xuất hiện lâu rồi, nhưng trên console thì độ phân giải động (dynamic resolution) chỉ mới cập bến trong những năm gần đây thôi. Với tính năng này, game sẽ chỉnh độ phân giải theo thời gian thực để đảm bảo FPS được mượt mà và game thủ khó thể nào nhận biết được. Lần đầu tiên tính năng này xuất hiện là trong trò Wipeout HD (2008).
Tựa game đua phi thuyền này hứa hẹn sẽ xuất hình ở độ phân giải 1080p – một điều khá hiếm vào thời PS3, vì đa số game thường là 720p hoặc 1080i. Mặc dù Wipeout HD được khen ngợi hết lời nhờ có đồ họa cực kỳ bắt mắt, Studio Liverpool thực chất đã gài hàng game thủ và cả nhà phê bình bằng cách dùng tính năng “dynamic resolution scaling” để WipEout HD chạy ổn định mức 60 FPS ngay cả khi trên màn hình đang có những pha tranh đua khốc liệt.
“ Rested XP” khuyến khích game thủ chia nhỏ thời gian chơi – World Of Warcraft
Hệ thống “Rested XP” của World Of Warcraft sẽ giúp người chơi có thêm “XP Boost” (tăng điểm kinh nghiệm) khi không ở trong game. Điều này khuyến khích game thủ chia nhỏ thời gian chơi, chỉ vào một lúc xong thoát ra làm cái khác, lát sau mới quay lại để được nhân đôi điểm XP. Tuy nhiên “Rested XP” được tạo ra ban đầu là do hệ thống XP thử nghiệm của Blizzard bị hàng loạt fan chê bai.
Lúc đầu, game này được thiết kế để game thủ dần dần nhận ít điểm kinh nghiệm lại, từ 200% xuống còn 100% trong 1 lần đăng nhập vào game chơi, nhằm khuyến khích game thủ chơi ít lại. Nếu chơi đủ lâu thì điểm XP coi như chạm đáy luôn, và bạn phải thoát ra, chờ một lát sau mới vào chơi tiếp được. Thế nhưng game thủ lại phản bác điều này, cho nên nhà thiết kế Rob Pardo đã nảy ra ý tưởng biến mọi thứ trong game cần gấp đôi lượng XP để đạt được, còn “Rested XP” thì sẽ tăng gấp đôi lượng XP mà game thủ nhận được. Sau một hồi thì nó sẽ trở về mức bình thường.
Về cơ bản thì ý tưởng này cũng giống như cái ban đầu, khuyến khích game thủ chơi ít lại và thay đổi số điểm kinh nghiệm mà người chơi nhận được sau mỗi lần thoát ra rồi vào lại World of Warcraft. Tuy nhiên, cái khác ở đây là Pardo đã tiếp cận nó theo hướng logic hơn, giúp game thủ dễ dàng chấp nhận nó. Nói chung đây là một chiêu gài hàng game thủ theo kiểu tâm lý, khá khó để thực hiện nhưng nếu thành công thì cực kỳ hữu dụng.
Buff sát thương trong lần chơi online đầu tiên để dụ chơi tiếp – Gears Of War
Gài hàng game thủ trong chế độ offline, nơi mà mọi thứ đều do nhà phát triển kiểm soát là một chuyện, nhưng chế độ online thì lại là chuyện khác. Nhà thiết kế chính của series, Lee Perry cho biết rằng khoảng 90% người chơi Gears Of War sẽ không chơi trận online thứ 2 nếu như họ thua trận đầu. Thế nên để dụ họ chơi tiếp thì game phải có cách khiến họ dễ thắng hơn.
Thế nên trong game đầu tiên mà người chơi bước vào chiến trường online thì họ sẽ được buff sát thương, giảm dần sau vài kill đầu tiên. Bằng cách này thì game sẽ giúp người chơi mới có cơ hội thắng lớn hơn vào trận đầu tiên của mình, từ đó khiến họ muốn chơi tiếp. Thế nên nếu bạn có chơi Gears Of War mà cảm thấy mình chơi dở dần sau trận đầu tiên thì cũng đừng buồn nhé, vì bạn… dở từ đầu rồi.
Tạo ra cầu thang vô tận bằng cách dịch chuyển người chơi – Super Mario 64
Bất kỳ fan ruột nào của Super Mario 64 cũng sẽ nhớ đến cái cầu thang vô tận khét tiếng trong Princess Peachs Castle. Nếu không có đủ 70 Power Stars thì bạn chạy sáng đêm cũng không hết được cái cầu thang đó. Tuy nhiên điểm đặc biệt ở đây là nó thực ra không hề vô tận. Game thủ mà có thấy vậy thì chẳng qua là bị gài hàng mà thôi.
Thay vì làm một cái cầu thang đi hoài không hết thì đội ngũ làm game của Nintendo đã nghĩ ra một cách tài tình là dịch chuyển người về điểm cũ khi họ đi hết một đoạn cầu thang. Sẽ chỉ có vài bậc thang thôi nhưng bạn sẽ phải đi hết lần này đến lần khác trong một vòng lặp vĩnh cửu. Và họ làm điều đó rất liền lạc khiến cho người chơi không nhận ra được nên đã tạo ra cảm giác cái cầu thang này là vô tận.
Nghiêng cả thế giới game để làm góc nhìn topdown trở nên “hợp lý” – The Legend Of Zelda: A Link Between Worlds
A Link Between Worlds hồi năm 2013 là tựa game kế thừa tinh thần của trò chơi kinh điển The Legend of Zelda: A Link to the Past được phát hành trên máy SNES năm 1991. Bản này thì do được nâng cấp lên đồ họa 3D nên nhìn đẹp hơn game cũ ngày xưa rất nhiều. Nhưng mà ngặt nỗi là đồ họa 3D khiến cho góc nhìn top-down (từ trên xuống) trở nên không được hợp lý lắm. Ví dụ như bạn sẽ nhìn thẳng lên đầu nhân vật và NPC, không thấy mặt mũi họ đâu. Mọi chuyện nghe có vẻ bắt đầu phức tạp nhưng đội làm game của Nintendo lại giải quyết nó khá dễ dàng.
Họ làm nghiêng cả thế giới trong game một góc khoảng 45 độ luôn. Lúc này thì hình ảnh trong game với góc nhìn top-down lại trở nên hợp lý hơn rất nhiều. Và nó hợp lý đến nỗi gần như chẳng có ai nhìn ra được vụ này cả. Chỉ khi bạn nhìn nghiêng thế giới trong game thì mới thấy rõ mà thôi.
Top 10 dòng game huyền thoại dù ra mắt nhiều phần vẫn chiếm được cảm tình của fan (P.2)
Những tựa game đã đi cùng anh em theo năm tháng...
Với những dòng game được hàng triệu gamer trên khắp thế giới yêu mến, thì mỗi khi ra phần mới là anh em lại được gặp gỡ loạt nhân vật thú vị, bối cảnh mới lạ, cốt truyện lôi cuốn và cả sự đổi mới trong gameplay... Những điều này đã đem đến luồng gió mới cho những tượng đài nhiều năm tuổi.
Chính nhờ vậy mà những dòng game tên tuổi, có nhiều hậu bản (sequel) có một lượng fan vô cùng hùng hậu. Dù ít dù nhiều chắc hẳn bạn đã đều nghe danh đến những cái tên này từ lâu. Sau đây, mời các bạn cùng điểm qua top 10 dòng game huyền thoại dù ra mắt nhiều phần vẫn chiếm được cảm tình của các anh em trên khắp thế giới.
The Legend Of Zelda
The Legend Of Zelda là dòng game hành động, phiêu lưu kết hợp yếu tố fantasy, được tạo ra bởi Shigeru Miyamoto và Takashi Tezuka. Phần lớn dòng game này được phát triển và phát hành bởi Nintendo. Phiên bản Zelda đầu tiên - Legend of Zelda - ra mắt vào năm 1986, và kể từ đó nó đã có tới 10 phần, 17 bản spin-off trải dài trên các thế hệ console của Nintendo.
Ngoài ra, Zelda còn có phiên bản hoạt hình và manga nữa các bạn ạ. Những phần Zelda đều có nhiều điểm tương đồng với nhau, đều có Link và công chúa Zelda cùng nhau giải cứu vùng đất Hyrule đầy phép thuật khỏi bàn tay của quỷ vương Ganon.
Tính cách và lý lịch của mỗi nhân vật sẽ được thay đổi trong mỗi game, nhưng chúng đều có những điểm chung như Link thuận tay trái và hay mặc đồ màu xanh, còn Zelda thì thường là thành viên trong một dòng dõi quý tộc. Cuộc chiến với Ganon cũng là phần cốt lõi trong nhiều game, nhưng song song đó còn có thêm những bối cảnh và con trùm khác, gameplay cũng được cải thiện nhằm mang đến cho người chơi cảm giác mới lạ, hấp dẫn dù vẫn là những gương mặt quen thuộc ấy.
Đây là một trong những series game trứ danh và thành công nhất của Nintendo, ra mắt nhiều phần và hầu như cái nào cũng được đánh giá cao, có khi còn được xem là game hay nhất mọi thời đại nữa.
Donkey Kong
Đây là dòng game được tạo ra bởi Shigeru Miyamoto vào năm 1981. Nhân vật chính là con khỉ đột Donkey Kong cùng với băng nhóm của mình đi đánh lộn với bọn cá sấu Kremlings chuyên đi ăn trộm vựa chuối.
Series này có 2 thể loại chính, song song đó là những phần spin-off và nhiều thể loại game khác nhau. Một số thể loại vui nhộn có thể kể đến là âm nhạc (Donkey Konga), đua xe (Diddy Kong Racing), và giáo dục (Donkey Kong Jr. Math). Tính đến tháng 6/2020, dòng game Donkey Kong đã bán được hơn 82,88 triệu bản trên toàn thế giới.
Đối với thể loại đầu tiên, phần lớn có gameplay theo dạng đi cảnh hoặc hành động - giải đố, với Donkey Kong là nhân vật phản diện trong bối cảnh công trình xây dựng. Phần đầu tiên là Donkey Kong (1981) có cả Donkey Kong và Mario xuất hiện trong đó. Đến năm 1994 thì series này được hồi sinh thành Donkey Kong Country với nhân vật chính Donkey Kong cùng băng nhóm khỉ đột trong khu rừng, chiến đấu với nhiều con vật khác nhau mà thường sẽ là lũ cá sấu Kremlings, đứng đầu là King K. Rool. Đây đều là những game đi cảnh dạng side-scrolling.
Resident Evil
Phần game đầu tiên của series game kinh dị đình đám này bắt đầu từ năm 1996, và phần mới nhất ra mắt vào cuối năm 2021. Nếu tính theo dòng thời gian chính thì series Resident Evil có tổng cộng 10 game, còn ngoài dòng thời gian chính ra thì chúng ta sẽ có 3 phần game remake, 14 phần game ngoại truyện, 20 tựa game thuộc thể loại mobile và 15 tựa game thuộc thể loại Pachico (một loại trò chơi bắt nguồn từ Nhật Bản có hình thức arcade và tương đối giống với đánh bạc).
Resident Evil còn có cả phim live-action, tiểu thuyết, chương trình truyền hình, phim hoạt hình và thậm chí là kịch sân khấu. Nhiêu đó cũng đủ để các bạn phải công nhận về số lượng phần game đồ sộ mà series này sở hữu nhiều như thế nào.
Castlevania
Castlevania là một dòng game hành động - nhập vai cổ điển lấy chủ đề ma cà rồng, được phát triển bởi Konami. Tựa game đầu tiên được ra mắt vào năm 1986 và phần mới nhất nhất là vào năm 2019. Chỉ tính riêng phần chính đã nhiều đến 25 tựa game, phần phụ thì có 13 tựa game. Đến năm 2010, dòng game được reboot với lối đồ họa 3D với Castlevania: Lords of Shadow, do MercurySteam và Kojima Productions phát triển. Những tựa game nổi tiếng nhất bao gồm Symphony of the Night, Castlevania 3: Draculas Curse và Super Castlevania 4.
Dòng game đặc trưng với lối chơi phi tuyến tính và bản đồ thế giới mở mà người chơi có thể di chuyển tự do chứ không cần mở khóa từng phần, tương tự như Super Metroid. Chính phong cách chung này của Castlevania và Super Metroid đã tạo ra thể loại Metroidvania về sau.
Street Fighter
Street Fighter là dòng game đối kháng của Nhật Bản, được phát triển và phát hành bởi Capcom. Phần đầu tiên của dòng game này ra mắt vào năm 1987, sau đó có thêm 5 phần chính, nhiều phần spin-off và crossover khác nhau, thêm vào đó là các phiên bản phim bộ, phim truyền hình, manga. Bên cạnh dàn nhân vật đình đám thì Street Fighter còn hợp tác với những tựa game đối kháng khác, tạo thành những tựa game mang màu sắc rất độc đáo, phá cách như SNK vs. Capcom, Marvel vs. Capcom, Street Fighter x Tekken, Street Fighter EX. Những tựa game này vừa thu hút fan của Street Fighter, vừa lôi cuốn thêm fan của dòng game đối kháng khác để tỉ thí võ công xem bên nào mạnh hơn.
Street Fighter II(1991) là phần bán chạy nhất, đồng thời cũng là tựa game đã thiết lập nên nhiều nền móng cho thể loại game đối kháng 1vs1 sau này. Dù không quá đình đám nhưng Street Fighter vẫn là một trong những dòng game bán chạy nhất mọi thời đại. Đây còn là series trứ danh của Capcom với doanh số tổng cộng 46 triệu bản trên toàn cầu (tính đến tháng 3/2021), và là dòng game đối kháng có doanh thu cao nhất lịch sử với số tiền lên đến 12,2 tỷ USD.
Thể loại Open World đầy tự do sẽ mở ra một thời đại mới cho MMORPG Các nhà phát triển game nhập vai không thể thờ ơ với thể loại open world lâu hơn được nữa, và những tựa game mobile MMORPG thế giới mở đầy tự do đầu tiên đã ra đời. MMORPG truyền thống không còn hợp thời Trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, game open world - thế giới mở - là một trong...