Toni Braxton: Cuộc đời ‘bạc’ của giọng ca vàng
Người ta ví cuộc đời Toni Braxton như 1 trái banh, điển hình cho số phận chìm nổi của sao Hollywood: bay lên cao, rơi xuống đất, bật lên rồi… lại chạm đất.
Bệnh tật, 2 lần phá sản đến mức phải bán hình nude cho Playboy, ly dị rồi một mình nuôi 2 con nhỏ, bao biến cố đã giáng xuống cuộc đời cô ca sĩ da màu như thử sức bền của trái tim đã từng thổn thức Unbreak My Heart.
Khi Toni cất tiếng hát: “Don’t leave me in all this pain, don’t leave me out in the rain – (Đừng rời xa em với nỗi đau còn vương, đừng rời xa em trong cơn mưa buồn tênh…), người ta chợt thấy thổn thức, xót xa và cảm nhận dường như có sự liên đới giữa số mệnh thăng trầm của cô với bản nhạc đỉnh cao ấy.
Giảng viên sư phạm đi hát
Cô gái đẹp da màu Toni Braxton chào đời ngày 7.10.1967 tại Severn Maryland, vùng đất gắn với dòng đạo Apostolic, nơi cha cô là một vị linh mục quyền năng và cực đoan. Ở đó, phụ nữ không được phép mặc quần dài, đi giày cao gót và trang điểm. Hơn nữa, là con gái lớn nhất trong một gia đình có 5 chị em nên mỗi Chủ nhật, Toni buộc phải dẫn các em vào hát trong dàn thánh ca nhà thờ. Không chỉ có vậy, cha còn cấm Toni xem các show truyền hình như Soul Train và nhạc Pop. Tất cả chỉ có thể là thánh ca mà thôi. Nhưng điều ấy dường như càng khiến Toni Braxton nổi loạn: “Tôi thường lén ca hát ầm ĩ khi cha mẹ tôi đi mua sắm vào những chiều thứ Bảy. Mẹ tôi vốn là ca sĩ Opera không chuyên mà”.
Tuổi thơ bó buộc kéo dài, thậm chí đến thời đại học, Toni cũng không được phép tự chọn trường, cha bắt cô theo học sư phạm ở Bowie State University và làm giảng viên tại chính ngôi trường này.
Khốn nỗi, dường như luôn tồn tại một Toni Braxton khác với niềm đam mê được hát cứ sôi sục trong lòng và cô buộc phải chiều theo ý “nó”. Thế là vào năm 1990, Toni bắt đầu thử giọng tại hãng thu thanh Aristan và ký hợp đồng tung ra đĩa đơn The Good Life. Từ đó, sự chú ý của L.A Reid và Babyface giúp mở ra “cánh cửa dát vàng” cho sự nghiệp mới của Toni. Năm 1992, đĩa đơn Give U My Heart thành công rực rỡ và đưa Toni trở thành một trong những ca sĩ hàng đầu của thập niên 90.
Khó có ai được vinh dự lớn lao như Toni, chỉ với album đầu tiên ấy mà cô đã giành liền 3 giải Grammy, 3 giải thưởng âm nhạc Mỹ và 2 giải Soul Train, chương trình mà ngày nhỏ cô từng bị cấm xem. Với album đầu tiên, Toni Braxton kiếm được giải 2 bài hát vàng chiếm vị trí số 1 và trở thành bài hát được yêu thích nhất trong vài tuần.
Năm 1996, bài hát “nâng bổng” Toni lên đỉnh cao sự nghiệp chính là Unbreak My Heart. Ca khúc này như nỗi day dứt về một tình yêu mãnh liệt mà mãi về sau, nhiều thế hệ vẫn yêu mến và cover lại bằng tất cả niềm yêu thích, trân trọng. Tại lễ trao giải thưởng âm nhạc Billboard năm 1997, Toni nhận giải nữ nghệ sĩ hát nhạc Rhythm & Blue hay nhất trong năm. Sau đó vào tháng 1 năm 2001, cô nhận thêm 2 giải thưởng âm nhạc Mỹ và trở thành một trong số nữ nghệ sĩ hát nhạc R&B được yêu thích nhất.
Bên cạnh âm nhạc, gương mặt khả ái và thân hình gợi cảm của Toni cũng là một lợi thế khiến các nhà làm phim chú ý đến, song cô lại hứng thú với việc làm đạo diễn hơn là một diễn viên. Tạp chí People đã có lần đưa vẻ đẹp gợi cảm của cô vào danh sách những phụ nữ đẹp nhất hành tinh năm 1998. Từ đó, người ta vẫn luôn nghĩ về Toni với giọng ca mượt mà, alto trầm ấm, giọng ca ấy được ví như bàn tay của vua Midas, chạm vào vật gì, vật ấy đều biến thành vàng.
Giọng ca vàng nhưng cuộc đời lại “bạc”
Trở thành diva tên tuổi trong giới âm nhạc Mỹ, song cuộc đời Toni vẫn không được suôn sẻ như những đồng nghiệp khác. Những năm ấy, Toni luôn gặp trắc trở bởi những rắc rối về tài chính, những vụ kiện tụng về quyền bình đẳng trong thù lao vốn bị ảnh hưởng bởi nạn kỳ thị chủng tộc. Hầu hết cát-sê của cô đều bị ăn chặn vì cô đơn thương độc mã chống chọi với rất nhiều thế lực đứng đằng sau. Xuất hiện trên sân khấu long lanh là thế nhưng sự thật bên ngoài cuộc đời cô lại trần trụi và thô ráp.
Kết hôn năm 2001 với ca sĩ da màu Keri Lewis và có 2 con chung là Denim và Diezel, Toni đã có những năm tháng sống trong xa hoa, sung túc với gia đình. Thế nhưng, năm 2008, theo hồ sơ của tòa án Mỹ đánh giá, tài sản của Toni Braxton trị giá chỉ còn khoảng 10 triệu USD (hơn 220 tỉ đồng) trong khi cô đang mắc nợ hơn 50 triệu USD (hơn 100.000 tỉ đồng) và phải tuyên bố phá sản. Lý do chính là do cô đánh bạc và chi trả quá tay cho việc mua sắm các loại thiết bị nội thất bằng pha lê. Hơn nữa, những năm đó, mặc dù thu về 170 triệu USD (gần 3.500 tỉ đồng) từ việc ra các đĩa đơn đình đám như Breathe Again và Another Sad Love Song nhưng Braxton cho biết cô chỉ nhận được có 1.972 USD (gần 44 triệu đồng) từ hợp đồng thu âm đầu tiên. “Trong ngành công nghiệp âm nhạc, nghệ sĩ phải tự chi trả đủ thứ chi phí như trang phục, thuê studio, làm MV, quá trình di chuyển quay MV… Tôi phá sản vì người ta liên tục đưa tới các hợp đồng thu âm cho tôi và càng lúc tôi càng ngập sâu vào nợ nần” – Toni chua chát thừa nhận.
Nhẽ ra, trong cơn lao đao, cô cần Lewis hơn bao giờ hết nhưng người chồng đã quay lưng với cô. Họ ly hôn sau 8 năm chung sống. Đó là cú sốc đầu tiên trong đời. Từ đây, nhiều biến cố lớn cứ đeo đuổi cô như một nghiệp chướng. Toni có tiền sử bệnh tim bẩm sinh và lao đao với căn bệnh này trong nhiều năm. “Có thể tôi sẽ phải điều trị bằng thuốc cả cuộc đời, nhưng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng”- Toni tâm sự khi trở thành người phát ngôn của Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA).
Video đang HOT
Ngoài bệnh tim, cô còn bị lupus ban đỏ và bạch hầu họng kéo dài. Khủng hoảng sau ly hôn, bệnh tật, Toni vẫn phải tự tay chăm sóc Diezel, đứa con 8 tuổi bị tự kỷ nặng. Quá nhiều biến cố khiến sự nghiệp ca hát của Toni vì thế mà đình trệ, các show diễn thưa dần. Thứ cô còn có thể bấu víu là hào quang của quá khứ. May mắn sau lần phá sản đầu tiên, Toni nhận được một hợp đồng ghi âm mới đem về cho cô hàng triệu USD. Nhờ đó, cô thoát khỏi cảnh phá sản, trở lại đỉnh cao huy hoàng với bản hit He Wasn’t Man Enough trong album The Heat. Nhưng thành công đó cũng thật ngắn ngủi. Để cạnh tranh với những ngôi sao trẻ mới nổi như Beyonce và Rihanna, ba album sau đó đều bán được rất ít, chỉ vài chục ngàn bản chỉ vì nó thật xa lạ với các fan.
Năm 2010, trang tin TMZ đã đưa tin, Toni đã chuyển số tiền 53.490 USD (hơn1.2 tỉ đồng) cho chồng cũ, Lewis, nhằm quỵt nợ các ngân hàng trước khi đệ đơn lên tòa án tuyên bố phá sản lần 2. Nhưng việc làm của cô bị bại lộ, các chủ nợ lại lùng vây ráo riết khiến cô lâm vào cảnh khốn cùng lần nữa. Thời điểm ấy, báo chí ví cô như 1 trái banh, một ví dụ điển hình về số phận chìm nổi của sao Hollywood: bay lên cao, rơi xuống đất, bật trở lại và… lại chạm đất.
Chụp ảnh nude để kiếm sống
Đệ đơn lên tòa xin phá sản lần hai quả thực là một quyết định khó khăn. Toni cảm thấy như đã phản bội niềm tin của các fan nhưng cô không còn cách nào khác. Tòa án Mỹ cân nhắc những cống hiến của cô nên đã hủy bỏ tất cả những nợ nần trước đây của Toni đồng thời cho phép cô giữ lại một chiếc Porsche, một chiếc piano và 6 kỷ niệm chương giải Grammy. Kể từ đó ngôi sao một thời bắt đầu thắt chặt chi tiêu và sống cuộc đời vô cùng tằn tiện vì con.
15 năm cuộc đời lên bổng xuống trầm, từ một người sống trong nhung lụa, Toni bây giờ vừa mang trong mình căn bệnh tim, bạch hầu họng và lupus vừa phải cật lực tìm đủ cách để kiếm tiền trả nợ. Dù bác sĩ khuyến cáo cô không được hát nữa nhưng cô vẫn cố gắng lưu diễn ở các nước châu Âu. Cô ký hợp đồng tham gia vào chương trình truyền hình thực tế Braxton family values (Những giá trị gia đình của nhà Braxton) cùng với bốn chị em gái của mình trên kênh WE-TV.
Cô tranh thủ giành một vai trong phim Twist of faith để duy trì thu nhập. Cũng để chứng tỏ mình không chùn bước, cô lên kế hoạch tung ra album thứ 6 mang tên Pulse, phát hành vào cuối tháng 5.2010. Không những thế, năm 2011, Toni còn cân nhắc đến việc sẽ hợp tác với tạp chí Playboy chụp những tấm hình mát mẻ. “Tôi rất muốn chụp chung với Hugh Hefner. Anh là người đàn ông quyến rũ nhất trên 30 tuổi mà tôi từng biết”, Toni tuyên bố trên Twitter.
Chia sẻ về chuyện chụp ảnh nude, Toni ngậm ngùi: “Việc này không có gì xấu. Phụ nữ là tạo vật đẹp của cuộc sống và tôi cố gắng suy nghĩ theo cách đó. Tiền bạc cũng là động lực thúc đẩy quan trọng. Nhưng rồi tôi nghĩ về các con mình. Tôi có hai con trai. Bạn bè của chúng sẽ nói gì? “Này, tớ nhìn thấy ngực của mẹ Denim với Diezel”. Hẳn những chuyện như thế chẳng hay ho chút nào”.
Nhưng trên tất cả, dù “trái banh” ấy có bầm giập với những cuộc tâng bổng lên cao và hạ xuống bùn đất thì nghị lực phi thường của một nghệ sĩ, bà mẹ yêu con vẫn luôn chảy trong huyết quản của diva một thời. Vậy thì sao ta không thử hào phóng chúc Toni thêm một lần may mắn?
Theo Tiin
10 bài hát cổ động bóng đá bất hủ
Trong lịch sử World Cup và EURO, có nhiều khúc ca vang lên vào những ngày "ăn bóng đá, ngủ bóng đá"đã làm say lòng người và ghi sâu trong ký ức của người hâm mộ.
1. A special kind of hero - Stephanie Lawrence
A special kind of hero là bài hát chủ đề cho giải vô địch thế giới lần thứ 13, tổ chức ở Mexico năm 1986, thể hiện bởi nữ diễn viên nhạc kịch sân khấu Stephanie Lawrence. Bài ca mang điệu da diết, như những lời thủ thỉ tâm tình về một nhân vật anh hùng đặc biệt, người hùng của bóng đá.
Ngày nay, nguồn duy nhất có thể tìm thấy bản thu gốc của A special kind of hero là trong bộ phim Hero: The official FIFA film of the 1986 World Cup. Đó là một bộ phim tài liệu dài 86 phút ghi lại những khoảnh khắc của World Cup 86 trong đó nổi bật nhất là hình ảnh cậu bé vàng Diego Maradona, người đã đưa Argentina lên ngôi vô địch.
2. Un"estate italiana - Gianna Nannini và Edoardo Bennato
Un"estate italiana là bài hát chính thức của World Cup 1990 tổ chức tại Italia. Bài hát còn có tên tiếng Anh khác là To be number one. Khi ra đời, Un"estate italiana đã ghi dấu ấn ở nhiều bảng xếp hạng âm nhạc châu Âu.
Với người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam, Mùa hè nước Ý là một giai điệu quá mức quen thuộc, dù rằng thời đó không mấy người hiểu ý nghĩa của lời bài hát bằng tiếng Italia. Phần lời thực ra rất đơn giản, ám chỉ khát khao chiến thắng mãnh liệt: "Chiến thắng lần nữa và lần nữa. Vươn tới tầm cao hơn giữa bầu trời nước Ý". Âm điệu hào hùng này đã đi cùng bao nhiêu thế hệ mỗi khi mùa World Cup lại về.
3. La copa de la vida - The cup of life - Ricky Martin
Ricky Martin là một ca sĩ người Puerto Rico khá vô danh trước khi đột ngột nổi lên với The cup of life trong cuộc đua trở thành ca khúc chính thức cho World Cup 1998. Sau khi trên khắp các nẻo đường thế giới đều bị đốt nóng với lời hát "go go go, ale ale ale", Ricky Martin cũng vụt sáng thành ngôi sao hát nhạc La tinh nổi tiếng.
Mặc dù không được biểu diễn trong lễ khai mạc, nhưng The cup of life còn được biết đến nhiều hơn bài hát chính La cour des grands của hai ca sĩ người Pháp Yousso N"Dour and Axel Red. Không phải La cour des grands không hay, nhưng quả thật bài hát của anh chàng đồng tính đẹp trai Ricky Martin quá phù hợp với không khí cổ động sôi nổi ở trên cầu trường.
4. The times of our lives - Il Divo và Toni Braxton
Bài hát chính thức tại World Cup 2006 giống như một minh chứng cho sự hòa quyện và thăng hoa đến bất ngờ giữa âm nhạc và trái túc cầu. The times of our lives không chỉ là một bài hát đầy ý nghĩa dành cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh mà còn là một tuyệt phẩm thành công trên thị trường âm nhạc.
Màn song ca đỉnh cao giữa ban nhạc pop opera nam Il Divo và nữ hoàng nhạc R&B Toni Braxton trong trận khai mạc Đức - Croatia cũng là một duyên nợ. Khán giả Việt Nam chắc không thể nào quên Braxton với bản tình ca bất hủ Unbreak my heart những năm 90. Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới 2004, Il Divo đã có màn ra mắt hoành tráng với bản cover Regresa A Mí, phiên bản tiếng Tây Ban Nha của Unbreak my heart.
Đến năm 2006, khi cả hai cùng hòa giọng đã khiến trái tim bao người xem bóng đá phải nức nở với The times of our lives. Đôi lúc, cổ vũ bóng đá không cần phải sôi động, nhưng chất hào hùng và ngọn lửa chiến đấu vẫn hừng hực trong đó.
5. Waka Waka (This time for Africa) - Shakira
Bốn năm sau những giai điệu sâu lắng của The times of our lives, bài hát chính thức của World Cup lại trở lại với tính chất sôi động thường thấy trên sân cỏ.
MV Waka Waka kết hợp khéo léo giữa những khoảnh khắc vui buồn đáng nhớ trong lịch sử bóng đá thế giới, với những điệu nhảy phóng khoáng kiểu thổ dân châu Phi và điệu lắc hông đặc trưng của Shakira. Lời bài hát cũng như một món quà nhắn nhủ rằng đã tới "khoảnh khắc của châu Phi", là lúc châu Phi tỏa sáng khi FIFA lần đầu mang giải bóng đá lớn nhất hành tinh đến lục địa đen.
6. Waving flag - K"naan
Waving flag có số phận tương đối giống vị tiền bối The cup of life. Mặc dù được đánh giá rất cao và là một trong những bài hát chính thức của World Cup 2010, nhưng K'naan đành ngậm ngùi nhường cho Shakira biểu diễn trong lễ khai mạc và bế mạc. Bù lại, ai đã nghe Waving flag đều không thể quên được bài hát cổ động mang đậm phong vị châu Phi này.
Xem MV Waving flag, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra K'naan đội nón lá và chơi đùa cùng trẻ em Việt Nam. Năm 2010, K'naan cũng đã từng biểu diễn ở Việt Nam trong chương trình ca nhạc Hòa nhịp bạn trẻ, song ca bài này cùng ca sĩ Phương Vy.
7. Campione - E-Type
Campione trong tiếng Italia có nghĩa là "nhà vô địch", được thể hiện bởi ca sĩ người Thụy Điển E-Type. Bài hát này xứng đáng là ca khúc chính thức cho giải đấu Euro 2000 tổ chức tại Hà Lan và Bỉ. Giai điệu dồn dập, hào hùng của Campione đã làm hài lòng tất cả những fan hâm mộ bóng đá.
8. Forca - Nelly Furtado
Nelly Furtado là một nữ ca sĩ nổi tiếng gốc Bồ Đào Nha từng đoạt giải Grammy. Cô là một sự lựa chọn hoàn hảo cho bài hát chính thức giải đấu Euro năm 2004 được tổ chức trên chính quê hương cô. Forca trong tiếng Bồ có nghĩa là "sức mạnh", là một bài hát nhạc pop pha với âm hưởng nhạc dân gian rộn rã.
Khi viết lời, Nelly nói cô muốn "đưa vào một chút nữ tính về cảm giác ta cảm nhận thấy khi xem đội bóng ưa thích": "Đó là giây phút bạn nhớ rằng mình đang sống. Là không khí, là lửa...Là sức mạnh bạn biết mình cũng có. Là nỗi sợ hãi bên trong mà bạn có thể vượt qua".
9. Can you hear me - Enrique Iglesias
Enrique Iglesias được UEFA mô tả là lựa chọn hoàn hảo cho bài hát chính thức Euro 2008: ngôi sao quốc tế, đam mê bóng đá và gốc châu Âu. Thực tế, Enrique là người gốc Tây Ban Nha và thật trùng hợp khi các chú bò tót cũng đã đăng quang ngôi vô địch năm đó.
Lúc đầu Can you hear me không nhận được nhiều tán thưởng. Mọi người cho rằng nó không phù hợp với không khí một giải đấu lớn và chẳng mấy liên quan tới bóng đá. Tuy nhiên, giai điệu của bài hát càng nghe càng ngấm. Can you hear me cũng chen chân được vào bảng xếp hạng top 10 của nhiều nước châu Âu.
10. Endless summer - Oceana
Do Euro 2012 tổ chức ở hai nước Ba Lan và Ukraine, nên có khá nhiều ca khúc được đưa vào "vòng sơ tuyển" cho bài hát chính thức. Tuy nhiên, Endless summer đã chứng tỏ mình là một lựa chọn xứng đáng. Bài hát đơn giản nhưng giai điệu nhộn nhịp, tươi vui của nó đủ sức hâm nóng bất kỳ một đấu trường nào. Vốn dĩ so với World Cup, giải vô địch bóng đá châu Âu thường không có nhiều bài hát có đủ "sức nặng" bằng. Oceana đã giúp đưa Endless summer sánh ngang với những ca khúc bóng đá bất hủ trong lịch sử.
XUÂN YẾN
Theo Infonet
Những giọng ca vàng Kpop Daesung, Jae Joong, Yoseob, Park Bom... là những ca sĩ đã tạo được dấu ấn trong nhóm nhạc đông thành viên bởi chất giọng ca vút. Daesung (Big Bang) Anh chàng mắt hý của Big Bang được xem là "gà cưng" của YG Entertainment bởi giọng ca cực khỏe và rất có nội lực. Ngoại hình không bằng Top, vũ đạo không bằng...