Tổng vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh
Đại diện Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế cho biết đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên các vùng không ảnh hưởng lũ đi dọn bùn non, vệ sinh đường phố dọc các sông Đông Ba, Bạch Yến, Như Ý sau lũ.
Cô giáo Trường mầm non Kim Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) dọn dẹp vệ sinh sau khi nước rút – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh sau lũ, người dân cần lựa chọn thực phẩm, chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi. Cần rửa chân sau khi lội nước. Dọn vệ sinh xung quanh nhà, thu gom, xử lý các xác vật nuôi.
Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế cũng phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế dọn vệ sinh các tuyến đường ngập sâu. Ngoài cào bùn non, dọn rác, các chiến sĩ và công nhân hỗ trợ xịt nước, quét dọn trả lại đường phố sạch đẹp như trước.
Dọn bùn non
Ngày 22-10, Huế có mưa phùn, se se lạnh, bầu trời âm u. Các xã thấp trũng, rốn lũ hơn 2 tuần qua như Hương Toàn, Hương Phong, Hương Vinh (thị xã Hương Trà), Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền), Phong Sơn, Phong Bình, Phong Chương (huyện Phong Điền) nước đã hạ nhiều so với hôm qua.
Một số thôn của các xã vẫn còn ngập nước, người dân phải dắt xe hoặc lội bộ để đi làm. Toàn bộ học sinh các cấp học ở thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, Phong Điền vẫn chưa thể đi học.
Tranh thủ nước lũ đang rút, hôm qua người dân vùng lũ tại Thừa Thiên Huế bắt tay dọn dẹp vệ sinh đường sá, khuôn viên trường học, nhà cửa.
Tại xã Hương Phong, nơi được xem là rốn lũ nặng nhất của Thừa Thiên Huế, nằm ở hạ lưu 2 dòng sông Bồ và sông Hương, người dân bắt đầu dọn bùn, lau chùi bàn ghế, đồ đạc bị ngâm nước nhiều ngày.
Có lẽ công việc khó khăn nhất là cào lượng bùn non khá lớn dính vào đồ đạc, nằm sâu trong góc nhà. Hơn 10 thầy giáo Trường THCS Nguyễn Khoa Thuyên (xã Hương Phong) cũng bơm nước, cào lớp bùn non ở sân trường, dọn vệ sinh khuôn viên trường để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.
“Do đường về trường còn ngập, các thầy cô giáo ở xa chưa về được nên chỉ có khoảng 10 thầy giáo ở địa phương dọn dẹp trước, với phương châm nước lũ rút tới đâu dọn dẹp tới đó vừa tận dụng được nước vừa đỡ mất công sức.
Hầu hết các bàn học ở tầng 1 đều ngập lũ nên chúng tôi phải giội nước, lau chùi, đợi trời nắng sẽ mang ra phơi” – thầy Trương Hữu Nghệ, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khoa Thuyên, cho biết.
Video đang HOT
Ông Phan Hữu Vinh, phó chủ tịch UBND xã Hương Phong, cho biết công việc cấp bách nhất hiện nay của xã là cứu trợ khẩn cấp lương thực, nước uống cho bà con các thôn bị cô lập, bà con bị thiệt hại nặng trong trận lũ.
Ngoài ra, Đoàn thanh niên, lực lượng công an xã, xã đội… sẽ hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh sau lũ. “Những khu vực tập trung đông người, cấp thiết như chợ, công viên, trường học, trụ sở cơ quan sẽ được dọn dẹp vệ sinh môi trường sớm.
Do xã nằm ở hạ nguồn 2 con sông nên lượng rác trôi theo nước lũ tập kết ở xã lớn. Nhiều tuyến đường nước hạ còn bùn non, lục bình, rác rất nhiều”, ông Vinh nói.
Còn tại phường Hương Vinh (thị xã Hương Trà), dù nằm giáp ranh trung tâm TP Huế nhưng đến hôm qua nhiều tuyến đường qua phường Hương Vinh vẫn còn ngập. Từ khi nước vừa rút ra khỏi nhà, bà con đã tranh thủ dọn bùn non, lau chùi đồ đạc.
Cần tổng vệ sinh
Lũ ngâm nhiều ngày, thời tiết mưa liên tục kèm theo không khí lạnh tăng cường khiến nhiều người dân ở vùng lũ Thừa Thiên Huế lo ngại bệnh sau lũ.
Bà Võ Thị Nhàn (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) cho biết nước lũ ngập hơn 2 tuần mới rút ra khỏi sân. Con đường hẻm dẫn vào nhà bà nước vẫn ngập, mỗi lần đi chợ, đi nhận quà cứu trợ đều phải lội nước. “Nước lụt ứ lại rất bẩn.
Trời tạnh hai hôm nay rồi, giờ nước ngập toàn rác, xác động vật chết, dầu xe loang rất độc hại. Cứ ngày có việc phải lội ra đường, về nhà tôi phải dùng nước mưa giội qua nhưng vẫn ngứa”, bà Nhàn cho biết.
Cũng giống như bà Nhàn, nhiều người dân vùng rốn lũ ở Huế hơn 2 tuần qua đang đối diện với nhiều nguy cơ bệnh dịch sau lũ.
Không chỉ các bệnh da liễu, do thiếu nước sạch, mất điện, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trong lũ nên các bệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, dạ dày hay đau mắt đỏ cũng xảy ra nhiều.
Bác sĩ Trương Như Sơn, giám đốc Bệnh viện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), cho rằng sau lũ các vùng còn đọng nước chưa kịp thoát chứa rất nhiều tạp chất ô nhiễm.
Các địa phương cần nhanh chóng tổng vệ sinh môi trường, dọn rác, chôn xác động vật. Đặc biệt người dân hạn chế lội nước nếu không cần thiết, dặn dò trẻ nhỏ cẩn thận với nước, không chủ quan khi lũ đã rút.
Cần nhất phải đủ nước sạch
Các bệnh dễ mắc phải trong những ngày trong và sau lũ như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông), các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa ( tiêu chảy, tả, thương hàn), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn…
Trong các gói hàng hóa cứu trợ cho đồng bào vùng lũ lụt hiện đang chú ý nhiều đến thực phẩm ăn liền, nhưng các chuyên gia khuyến cáo quan trọng nhất là có đủ nước sạch và phải uống nước đã được lọc sạch, đun sôi để phòng bệnh.
Cách bảo vệ bàn chân trước "căn bệnh nổi tiếng" mùa lũ
Mưa lũ dài ngày kéo theo nhiều căn bệnh, đặc biệt là viêm da chân. Hội chứng bàn chân ngập nước và nấm chân là hai bệnh phổ biến xảy ra ở người dân sống trong vùng mưa lũ.
Mưa lũ dài ngày có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Ảnh minh họa.
Căn bệnh "nổi tiếng"
Mưa lớn xảy ra nhiều ngày tại miền Trung khiến nước dâng cao, kéo theo rác thải. Tình trạng này cũng bít tắc công trình vệ sinh, dẫn đến vi khuẩn ứ đọng, sinh sôi. Từ đó, tác động xấu tới sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, nước lũ cũng khiến giao thông bị gián đoạn, nguồn cung ứng lương thực và thuốc men không được lưu thông. Những yếu tố này là nguy cơ khiến dịch bệnh "nhen nhóm".
Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ bao gồm: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ...
Chia sẻ về tình trạng này, PGS.TS Trần Huỳnh tại Bệnh viện Methodist và giảng viên của Trường Đại học Y California Northstate (Mỹ), cho hay: "Lũ hoành hành kéo theo các bệnh nguy hiểm về da ở vùng bàn chân, do mọi người phải dầm nước liên tục và tiếp xúc nhiều với bùn bẩn".
Do đó, PGS Huỳnh cho biết, căn bệnh da về chân thường xảy ra vào mùa lũ là hội chứng bàn chân ngập nước và nước ăn chân.
"Chân sưng đau do ngập nước là bệnh nguy hiểm do bàn chân ngâm quá lâu trong nước. Bệnh này nổi tiếng hồi chiến tranh thế giới thứ 1, do rất nhiều binh sĩ Mỹ và Anh tử vong vì phải ngâm chân trong nước quá lâu. Từ đó, dẫn đến sưng viêm, nhiễm trùng và hoại tử", chuyên gia chia sẻ.
Theo đó, khi bàn chân ở quá lâu trong nước, đặc biệt là vào mùa lũ, các mạch máu và dây thần kinh sẽ bị tổn thương. Đặc biệt, nước lạnh khiến tổn thương đó diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, PGS Huỳnh khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất để chữa căn bệnh này là giữ bàn chân khô ráo, dù chỉ trong thời gian ngắn.
Chuyên gia này cho biết, khi mắc bệnh này, chân sẽ lạnh cóng, da nhăn nheo, bàn chân trở nên nặng nề. Người bệnh cũng có thể tê, mất cảm giác một phần hay toàn bộ vùng bàn chân. Sưng đỏ, nổi hạt nước, nổi mẩn ở da bàn chân, bong da từng lớp, ngứa ngáy cũng là các triệu chứng bệnh. Người bệnh cũng sẽ đau, sưng hoặc ngứa chân.
Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị biến chứng như viêm, sưng, nhiễm trùng bàn chân. Từ đó, dẫn đến hoại tử, thậm chí tử vong do nhiễm trùng cấp tính khi xuất hiện vết lở loét.
Một số dấu hiệu biến chứng khác bao gồm: Mất cảm giác vùng chân, đi đứng không vững; Lở loét vùng bàn chân; Phải cưa chân hoặc một vùng bàn chân.
Do đó, PGS.TS Trần Huỳnh khuyến cáo, người dân mắc hội chứng chân ngập nước cần tháo giày dép, rửa chân bằng nước sạch. Ngoài ra, cần giữ chân khô ráo, rửa sạch các vết thương và bôi thuốc chống nhiễm trùng. Người bệnh cũng cần kê chân cao, nằm xuống để giúp máu lưu thông về chân tốt hơn.
"Có thể chườm bịch nước ấm vào vùng chân lạnh trong vài phút, nhưng quan trọng nhất là giữ khô. Mang ủng/giày cao để giữ chân khô", chuyên gia nhấn mạnh.
Tấn công người có hệ miễn dịch yếu
Căn bệnh thứ hai mà người dân sống trong vùng lũ thường mắc là nước ăn chân (nấm chân). Bệnh xảy ra do vi khuẩn và nấm ăn vào chân, chủ yếu ở khe và kẽ giữa các ngón chân.
PGS Huỳnh lý giải, khi mắc bệnh, chân sẽ ngứa, tróc các lớp nhỏ như vảy cá, da xung quanh vùng vảy nổi ửng đỏ. Chân nổi các mụn nước nhỏ li ti, có thể vỡ. Các nấm nhỏ li ti mọc ở vùng ngứa. Chuyên gia lưu ý, nấm chân thường xảy ra ở người có hệ miễn dịch yếu như tiểu đường, bệnh phổi, hay một số bệnh mãn tính khác.
"Để chữa trị, cần tháo giày dép, giữ khô bàn chân. Một số người cho rằng, mang tất kín sẽ chữa trị tốt hơn. Điều này sai lầm, bởi nấm phát triển nhiều hơn trong môi trường khép kín, ẩm ướt", PGS Huỳnh cảnh báo.
Bên cạnh đó, người bệnh cần chữa trị khỏi hoàn toàn mới có thể tiếp xúc bàn chân với nước. Bởi, khi nấm chân, vùng da đã bị tổn thương. Nếu tiếp xúc với nước, khả năng tái nhiễm sẽ cao hơn. Người không điều trị hoàn toàn có nguy cơ bị biến chứng như viêm tê bàn chân, nhiễm trùng sâu hơn, hoặc lở loét không lành.
"Các kem trị nấm họ Ketoconazole/Clotrimazole hay Lamisil đều có thể chữa trị bệnh này hoàn toàn. Cần dùng kết hợp các kem kháng viêm hay thuốc ngứa trong trường hợp viêm ngứa chung với viêm nấm.
Tuyệt đối không dùng chung giày/dép với người bị nước ăn chân vì có thể bị lây nhiễm. Bệnh nhân tiểu đường hay các bệnh mãn tính khác cần được chữa trị dứt điểm để hạn chế rủi ro", chuyên gia khuyến cáo.
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp: Lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi; Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy. Diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày; Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.
Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
5 biện pháp phòng bệnh mùa mưa bão Ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh tay chân, mắc màn khi đi ngủ và cố gắng giữ cho cơ thể luôn được khô ráo là những biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa bạn cần nhớ. Uống nước đun sôi Những ngày mưa bão, vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi và lây lan trong nước để gây bệnh. Vì...