Tổng Thư ký Quốc hội: “Tôi phản đối đề xuất thu phí chia tay”
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm không đồng tình với đề xuất thu “ phí chia tay” với công dân khi xuất cảnh.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm không đồng tình với đề xuất thu “phí chia tay” với công dân khi xuất cảnh
Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 14/6, một lần nữa báo chí nêu lại đề xuất thu “phí chia tay” đối với công dân Việt Nam khi xuất cảnh, đồng thời đề nghị Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết quan điểm cá nhân.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hiện mới ở vòng cho ý kiến lần đầu. Do đó, những phát biểu đề xuất của ĐBQH trong kỳ họp này sẽ được cơ quan soạn thảo trao đổi tiếp thu kỳ họp sau.
“Cá nhân tôi thì tôi không đồng tình, không nên áp đặt phí gì cho người dân. ĐB phát biểu đề xuất là việc của ĐB, Chính phủ tiếp thu hay không là của Chính phủ, còn cá nhân tôi thì tôi không đồng tình. Nếu biểu quyết thì tôi không đồng tình”, ông Phúc nói.
Trước đó, thảo luận dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 12/6, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) đề xuất quy định thu “phí chia tay” khi công dân Việt Nam ra nước ngoài với số tiền 3- 5 USD.
Video đang HOT
Ông Hưng cho rằng, nhiều nước đã có quy định này. Hơn nữa, khoản phí chia tay không nhiều, chỉ bằng bữa ăn sáng nên nếu làm được việc này, sẽ có thêm nguồn lực để quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời giúp đỡ công dân Việt Nam khi ra nước ngoài.
Hoàng Ngân
Theo Baogiaothong
"Phí chia tay" 3-5 USD khi xuất cảnh là "khoản rất không nhiều"
Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng, "phí chia tay" khi xuất cảnh từ 3-5 USD được ông đề xuất là "không nhiều, rất không nhiều", chỉ bằng một bữa ăn sáng, nhưng đóng góp để chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam được tốt hơn ...
ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng
Sáng ngày 13/6, trao đổi bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hưng giải thích rõ hơn về đề xuất thu "phí chia tay" khi công dân Việt Nam ra nước ngoài với số tiền 3-5 USD.
Ông Hưng cho hay, mong muốn chính của ông là trong Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam phải nói rõ hơn những trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và của các cơ quan liên quan ở cả nước ngoài, khi người Việt Nam ra nước ngoài cũng phải có sự bảo hộ, hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết.
Theo ĐB, khi làm các thủ tục ở cửa khẩu xuất nhập cảnh, chúng ta cần phải có những sự hỗ trợ, khoa học công nghệ cũng như các thủ tục để công dân xuất nhập cảnh được thuận lợi nhất, văn minh, lịch sử, đặc biệt có được cái nhanh, thuận tiện.
Hiện nay, ở các nước trên thế giớ cũng phải huy động nguồn lực xã hội hoá để cho vấn đề quảng bá, xúc tiến, giới thiệu đất nước văn hoá con người đối với nước ngoài.
"Nguồn lực của Việt Nam mình rất ít. Một năm Nhà nước chỉ dành được khoản tiền khoảng 2 triệu USD để cho chương trình, cho quỹ xúc tiến du lịch quốc gia", ĐB Hưng nói và cho hay, một số nước đã triển khai là đóng 1 khoản phí, việc quan trọng nhất để giúp cho vấn đề bảo hộ, đảm bảo quyền lợi của công dân khi ở nước ngoài.
ĐB Đoàn Hà Nội nhấn mạnh, hiện nay công dân Việt Nam khi ra nước ngoài có rất nhiều trường hợp vì lý do này lý do khác, hoặc bị ảnh hưởng và không nằm trong phạm vi bảo hiểm xã hội thì cơ quan ngoại giao và đại diện Việt Nam ở nước ngoài không có khả năng nguồn lực để hỗ trợ.
"Tôi cũng mong muốn ở cơ quan xuất nhập cảnh cần cải thiện tốt hơn những kỹ thuật cũng như sự ân cần và tinh thần thái độ phục vụ của các cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
Nhất là, cung cấp trang thiết bị hiện đại hơn để việc xuất nhập cảnh của công dân mình được thuận tiện hơn, không để công dân xếp hàng, chờ đợi máy móc nó chạy, mỗi người đứng ra 3-4 phút ở chỗ xuất nhập cảnh, có trường hợp thế. Rất phiền toái", ông Hưng nêu lý do đề xuất "phí chia tay".
Ông cũng mong muốn, khi công dân xuất nhập cảnh, cán bộ chiến sĩ cũng nên có ân cần, một nụ cười.
"Nhiều khi công dân xuất cảnh rất căng thẳng vì lý do kỹ thuật, lý do an ninh cho nên không được thuận tiện lắm", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, khoản "phí chia tay" là một khoản "không nhiều, rất không nhiều".
"Một bữa ăn sáng thôi, chúng ta gọi là đóng góp chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam được tốt hơn và để giữ gìn môi trường du lịch, văn hóa của Việt Nam thuận lợi hơn", ông Hưng giải thích.
ĐB cũng nói thêm, "đó là mong muốn của chúng tôi. Đề xuất và ý tưởng như thế, còn câu từ, cách thức như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu làm sao cho thuận tiện nhất. Việc này để hướng tới để công dân Việt Nam khi xuất nhập cảnh được thuận lợi khi ra nước ngoài".
H.Giang
Theo Thanhtra
Vì sao không đưa quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe" vào luật? Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có lý giải nhanh vì sao 2 lần biểu quyết nhưng các đại biểu Quốc hội không thông qua việc đưa quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe" vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí...