Tổng thư ký ASEAN: “Hành động của Trung Quốc trên biển Đông rất nguy hiểm”
“Những việc xảy ra trong thời gian qua, như Trung Quốc xây đảo nhân tạo thay đổi hiện trạng biển Đông, đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam có chủ quyền chính đáng theo quy định luật pháp quốc tế là việc làm rất nguy hiểm”, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói.
Ngày 15/9, bên lề buổi hội thảo quốc tế Hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với Liên bang Nga thực trạng và triển vọng, ông Lê Lương Minh – Tổng thư ký ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) trao đổi với phóng viên Dân trí về những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông hiện nay.
Ông Lê Lương Minh – Tổng thư ký ASEAN
Mới đây phóng viên BBC đã vạch trần “nhà máy tạo đảo” của Trung Quốc ở Trường Sa. Xin cho biết quan điểm của ông trước hành động trên của Trung Quốc?
Ứng xử của Trung Quốc và ASEAN trên biển Đông được quy định tại Tuyên bố Ứng xử của các các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết từ năm 2002. Theo tuyên bố này, các bên không sử dụng vũ lực hay bất cứ hoạt động nào làm thay đổi hiện trạng trên biển Đông.
Việc xây dựng đảo nhân tạo hay bất cứ hoạt động nào làm thay đổi hiện trạng trên biển Đông đều là những hành vi trái ngược với tinh thần quy định cụ thể Tuyên bố Ứng xử của ASEAN và Trung Quốc trên biển Đông. Điều đó cũng cho thấy giữa ASEAN và Trung Quốc sớm phải có một văn kiện mới về biển Đông. Văn kiện này không chỉ có khả năng ngăn chặn mà còn phải quản lý, xử lý hiệu quả tình hình.
Việc Trung Quốc vẫn thường xuyên vi phạm DOC, khiến biển Đông ngày càng phức tạp. Ông có quan ngại hành động đó của Trung Quốc khiến tình hình biển Đông ngày càng nguy hiểm hơn không?
“Việc xây dựng đảo nhân tạo hay bất cứ hoạt động nào làm thay đổi hiện trạng trên biển Đông đều là những hành vi trái ngược với tinh thần trong Tuyên bố Ứng xử của ASEAN và Trung Quốc trên biển Đông” – Ông Lê Lương Minh nói.
Video đang HOT
Rõ ràng tất cả những việc xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là Trung Quốc triển khai giàn khoan trong vùng biển Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền chính đáng theo quy định của luật pháp quốc tế, của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là một việc làm rất nguy hiểm.
ASEAN cũng đã có tuyên bố về việc đó và kêu gọi sớm ký kết quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Đây là yêu cầu rất cần thiết, vì nó không chỉ ngăn chặn mà còn quản lý, xử lý những vụ việc tương tự xảy ra ở biển Đông. Với việc Trung Quốc đã cam kết cùng ASEAN sớm tiến tới ký kết bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc vừa qua, tôi hi vọng điều đó sớm thành hiện thực.
Theo DOC thì các bên không sử dụng vũ lực hay bất cứ hoạt động nào làm thay đổi hiện trạng trên biển Đông. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngang ngược trên biển Đông như việc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam hay mới đây là xây đảo, Việt Nam có nên sử dụng pháp lý đưa họ lên Hội đồng trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc như Philippines đang làm hay không?
Trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cũng như trên cơ sở tinh thần 6 điểm về biển Đông của ASEAN thì các nước hoàn toàn có quyền sử dụng những biện pháp hòa bình để tiến tới giải pháp cho vấn đề biển Đông.
Nhiều người cho rằng việc chưa đạt được thỏa thuận trong Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) là do còn những quan điểm trái chiều, không chỉ giữa các nước ASEAN – Trung Quốc mà ngay cả giữa các nước ASEAN với nhau?
Tôi khẳng định tất cả các nước ASEAN cùng lập trường, cùng một quan điểm về vấn đề này. Điều đó được thể hiện qua nguyên tắc 6 điểm về biển Đông. Trong đó những nguyên tắc quan trọng nhất, cơ bản nhất là tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nguyên tắc về kiềm chế, nguyên tắc không sử dụng vũ lực, nguyên tắc giải quyết hòa bình về tranh chấp. Đặc biệt trong tuyên bố 6 điểm đó, ASEAN có đề ra yêu cầu cùng Trung Quốc sớm tiến tới có một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Còn trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông có hai vấn đề quan trọng. Một là việc giải quyết yêu cầu chủ quyền – việc này chỉ có thể giải quyết giữa các nước liên quan. Cần nhấn mạnh ở đây “liên quan” không nhất thiết giữa hai bên vì tranh chấp này liên quan đến Trung Quốc và cả bốn nước ASEAN. Do vậy, “liên quan” là tất cả các bên liên quan có thể là hai bên, ba bên thậm chí có thể là nhiều hơn tùy thuộc và việc tranh chấp cụ thể.
Khía cạnh thứ hai là vấn đề hòa bình, ổn định ở biển Đông liên quan đến an toàn hàng hải và an ninh biển. Việc này liên quan đến tất cả các nước vì ở đây có tuyến vận tải đường biển lớn nhất thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) sẽ được tổ chức từ ngày 26-28/8/2014 tại thành phố Đà Nẵng.
Tàu kiểm ngư Việt Nam thực thi pháp luật trên vùng biển Hoàng Sa. (Ảnh: Khánh Hiếu-Quang Vũ/TTXVN)
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dẫn đầu sẽ tham dự các Diễn đàn này.
Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác trong cấp cao Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.
Diễn đàn nhằm phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác biển và xây dựng lòng tin ở khu vực, nhất là trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức các Diễn đàn Biển ASEAN và Biển ASEAN mở rộng lần này nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của Việt Nam đối với lĩnh vực quan trọng và ưu tiên của ASEAN về hợp tác biển và bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Trên cơ sở đó, Diễn đàn sẽ là kênh đối thoại về các vấn đề liên quan đến hợp tác biển với trọng tâm là xây dựng lòng tin, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy đoàn kết ASEAN và tranh thủ các nước đối tác liên quan của ASEAN, tập trung vào các ưu tiên chung của ASEAN.
Tại các Diễn đàn AMF-5 và EAMF-3, các nước tham gia sẽ tập trung trao đổi về tình hình trên biển, hợp tác biển trong khu vực thời gian qua; kiểm điểm, đánh giá các sáng kiến đã và đang được thực hiện trong AMF và EAMF, cũng như định hướng tương lai cho AMF và EAMF.
Được biết, Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 4 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 2 diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 10/2013.
Tại các diễn đàn này, các đại biểu đã ủng hộ việc xem xét tăng cường hợp tác về nghiên cứu biển, ứng phó thiên tai, tăng cường kết nối an ninh trên biển ở khu vực, hợp tác về chống cướp biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn và quản lý các sự cố hoặc khả năng khủng hoảng trên biển.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh duy trì đối thoại xây dựng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Các đại biểu cũng đã đánh giá cao vai trò và đóng góp của AMF trong việc điều phối các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN.
Hiện nay có 11 cơ chế về hợp tác biển trong ASEAN với nhiều hoạt động hợp tác chuyên ngành cụ thể thông qua các kênh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, giao thông vận tải, ngư nghiệp và nghề cá, du lịch, môi trường...
Theo Vietnamplus
Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hoan nghênh Việt Nam đăng cai tổ chức và chủ trì Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng cuối tháng 8/2014. Ngày 10/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47 và các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác, tiếp tục diễn ra các hội...