Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu gì tại Đối thoại Shangri-La?
Mặc chiếc áo màu xanh ô liu đặc trưng của mình, ông Zelensky phát biểu vào ngày cuối cùng của diễn đàn Đối thoại Shangri-La, kêu gọi các quốc gia tham dự Hội nghị Hòa bình về Ukraine dự kiến tổ chức ngày 15-16/6 tới tại Thụy Sĩ.
“Chúng tôi cảm thấy rằng thế giới của chúng ta muốn đoàn kết và có thể hành động trong sự hài hoà… Ngoại giao có tác dụng khi nó thực sự hướng đến việc bảo vệ mạng sống của con người”, ông Zelensky phát biểu trong phiên họp toàn thể thứ 7 của Đối thoại Shangri-La.
Phiên họp toàn thể thứ 7 có tiêu đề “Tái định hình các giải pháp cho hòa bình toàn cầu và ổn định khu vực”. Cụm từ “hòa bình toàn cầu” được thêm vào sau khi giới chức Ukraine xác nhận tới Singapore dự diễn đàn.
Tổng thống Zelensky phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2024. Ảnh: Straits Times
Tổng thống Zelensky cho biết, 106 quốc gia đã đăng ký tham dự Hội nghị Hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ, nhưng ông thất vọng khi một số nhà lãnh đạo thế giới lại từ chối, nhấn mạnh hội nghị “không phải vì hỗ trợ vũ khí mà vì sự ủng hộ để kết thúc cuộc xung đột này vốn đã bước sang năm thứ ba”.
Ông Zelensky cũng khẳng định sự tham gia của các nước Đông Nam Á sẽ rất quan trọng, nêu rõ rằng hòa bình sẽ được thiết lập khi và chỉ khi thế giới cùng nhau hợp tác.
Straits Times dẫn nguồn tin cho biết, ông Zelensky hy vọng sẽ gặp phái đoàn Trung Quốc khi ở Singapore. “Ông ấy thường xuyên gặp gỡ các quan chức Mỹ và Âu, vì vậy ông ấy muốn tận dụng diễn đàn này để tiếp cận cộng đồng châu Á”, nguồn tin tiết lộ.
Hiện chưa rõ ông Zelensky có đạt được mong muốn của mình hay không nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã đề cập ngắn gọn về quan điểm của Bắc Kinh về cuộc khủng hoảng Ukraine tại phiên họp toàn thể ngày 2/6. Ông Đổng Quân cho biết, Trung Quốc đã thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với thái độ có trách nhiệm và chưa bao giờ cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột.
Video đang HOT
Được biết, ông Zelensky và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine đã có cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bên lề sự kiện. Theo đó, ông Austin đã cập nhật thông tin về hỗ trợ an ninh của Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lực của Ukraine và tái khẳng định cam kết của Washington trong việc duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với liên minh gồm hơn 50 quốc gia đang giúp Ukraine trong cuộc xung đột. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược giữa Mỹ và Ukraine.
Trước đó, sau khi tới Singapore hôm 1/6, ông Zelensky đã gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và quan chức các nước bên lề Đối thoại Shangri-La. Viết trên X, ông Zelensky cho biết đã có cuộc trao đổi với Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, phái đoàn của Quốc hội Mỹ và Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta.
Ba mặt trận then chốt của Nga trong xung đột ở Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine hiện được đặc trưng bởi ba mặt trận quan trọng nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt, với những bước tiến nhất định mà Nga đã đạt được dọc theo chiến tuyến vốn trước đây từng bị đóng băng trong nhiều tháng.
Binh sĩ Nga khai hoả pháo binh tấn công các lực lượng Nga. Ảnh: TASS
Nga đã mở một mặt trận mới trong cuộc xung đột ở Ukraine, phát động một cuộc tấn công bất ngờ ở khu vực phía Đông Bắc Kharkov sau khi tập trung phần lớn lực lượng của họ trong năm nay.
Cuộc tấn công bắt đầu vào đầu tháng 5 năm nay, chứng kiến hàng nghìn binh sĩ Nga vượt qua biên giới phía Bắc và buộc Ukraine phải điều quân từ các khu vực khác đến để cầm cự tại các vị trí phòng thủ.
Đây là một ví dụ về cách Nga khai thác những điểm yếu chính của Ukraine: không đủ nhân lực, thiếu pháo binh, lực lượng phòng không thưa thớt và công sự phòng thủ không đầy đủ.
Các lữ đoàn chiến đấu trên tiền tuyến của Ukraine đang bám trụ khi họ tuyệt vọng chờ đợi đạn dược từ các đồng minh và nguồn tân binh để bù đắp sự thiết hụt nhân lực vốn rất cần thiết.
CNN đã vạch ra ba mặt trận quan trọng nơi giao tranh hiện đang diễn ra ác liệt, với những bước tiến nhất định mà Nga đã đạt được dọc theo chiến tuyến vốn trước đây từng bị đóng băng trong nhiều tháng.
Ở phía Bắc, quân đội Nga đang gia tăng áp lực với Kharkov. Dọc theo mặt trận phía Nam, trận chiến đang diễn ra nhằm tái kiểm soát các ngôi làng mà Ukraine đã giành lại trong cuộc phản công năm ngoái. Trong khi đó, Ukraine đang chạy đua để khắc phục những điểm yếu hiện tại sau khi tự nhận thấy mình đang thất thế khi tuyên bố sẽ chiến đấu để bảo vệ "từng căn nhà, từng con phố".
Mặt trận Kharkov
Cuộc tấn công xuyên biên giới đã dẫn đến việc các lực lượng Nga nhanh chóng nắm quyền kiểm soát một số ngôi làng. Kể từ đó, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trong khu vực khi nỗ lực giành quyền kiểm soát những khu định cư quan trọng ở Vovchansk và Lypsti.
Lyptsi, nằm cách Kharkov khoảng 30 km về phía Bắc, đang bị Nga bắn phá dữ dội. Việc chiếm được khu vực này cho phép quân đội Nga bố trí pháo binh có tầm bắn tới thành phố Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.
Cuộc tấn công cũng cho phép Nga chuyển hướng các nguồn lực vốn đã mỏng manh của Ukraine ra khỏi các chiến tuyến khác và tạo ra một vùng đệm nhằm tránh các cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực biên giới Nga. Ví dụ, thành phố Belgorod gần đó của Nga ngày càng bị Ukraine tấn công trong những tháng gần đây.
Phía Đông - Avdiivka và Bakhmut
Trước cuộc tấn công ở Kharkov, Nga chủ yếu tập trung khả năng tấn công ở phía Đông, nơi họ đã tiến dần lên kể từ tháng 10/2023 khi cuộc phản công rất được mong đợi của Ukraine đã thất bại vào mùa hè năm ngoái. Kiểm soát trung tâm công nghiệp phía Đông Ukraine - được gọi là Donbas - vẫn là mục tiêu chính của Điện Kremlin.
Vào tháng 2 vừa qua, quân đội Nga đã đạt được thành công lớn trên mặt trận này khi giành quyền kiểm soát thị trấn Avdiivka. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng quyết định rút quân được đưa ra là để "đảm bảo mạng sống những người lính Ukraine" và phải đối mặt với sự bắn phá dữ dội, liên tục của Nga cũng như bất lợi về đạn pháo với tỷ lệ:10 chọi 1.
Kể từ đó, quân đội Nga đã tiến đều đặn về phía Tây theo hướng Pokrovsk, nơi đóng vai trò là trung tâm quân sự quan trọng của Ukraine.
Cách đó vài chục km về phía Bắc, thành phố Bakhmut ở phía đông đã bị các lực lượng Nga kiểm soát vào mùa xuân năm ngoái sau trận chiến kéo dài 9 tháng. Hiện quân đội Nga trên mặt trận này đang tiến về phía tây tới Chasiv Yar. Việc giành quyền kiểm soát vùng đất cao nơi thị trấn tọa lạc sẽ giúp các đơn vị của Nga áp sát thành phố chiến lược Kramatorsk hơn.
Cuộc chiến giành Robotyne
Xa hơn về phía Nam, các lực lượng Ukraine đang phải chịu áp lực ở phía Đông Nam Zaporizhzhia, một trong số ít khu vực mà họ đã đạt được thành công, mặc dù quy mô khiêm tốn, trong cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái.
Robotyne, một ngôi làng nhỏ hiện đã bị phá hủy nghiêm trọng, đổi "quyền kiểm soát" nhiều lần trong giao tranh. Nó lần đầu tiên bị lực lượng Nga chiếm giữ vào đầu tháng 3/2022 và Moskva một lần nữa tuyên bố kiểm soát Robotyne vào đầu tháng này, điều mà Ukraine phủ nhận.
Trận chiến giành Robotyne làm nổi bật tính linh hoạt trên chiến trường và là một minh họa rõ nét về cuộc chiến, được quyết định bằng những trận chiến tàn khốc nhằm kiểm soát những ngôi làng thường bị bỏ hoang.
Vì sao Mỹ 'bật đèn xanh' cho Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga? Tính cấp thiết của việc Mỹ thay đổi lập trường có liên quan đến việc Nga đang tiến quân vào Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm cách biên giới Nga chỉ 30 km. Mỹ đã bật đèn xanh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga. Ảnh: AFP/TTXVN...