Tổng thống Trump nói sẽ bị chỉ trích nếu không tiêu diệt tướng Soleimani của Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14-1-2020 cho biết, ông tin mình sẽ bị Đảng Dân chủ chỉ trích nếu kế hoạch tiêu diệt Chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Al-Quds thuộc Quân đoànVệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qassem Soleimani, không được thực hiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
“Lẽ ra, ông Qassem Soleimani đã bị tiêu diệt cách đây 20 năm. Nếu tôi không làm thế, chúng ta sẽ mất 3, 4, 5 đại sứ quán hoặc căn cứ, mất thêm hàng nghìn người. Và Đảng Dân chủ sẽ kêu ca nếu tôi không thực hiện kế hoạch tiêu diệt vị tướng Iran này”, ông Trump phát biểu tại buổi gặp mặt các cử tri ủng hộ tại bang Wisconsin hôm 14-1 trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020.
“Chúng tôi đã tiêu diệt Soleimani và phe Dân chủ nói rằng, mọi chuyện thật tồi tệ. Nhưng nếu chúng tôi không làm thế, họ cũng sẽ nói, mọi chuyện thật khủng khiếp”, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết.
Tình hình chiến sự ở Trung Đông rơi vào tình trạng căng thẳng leo thang sau khi Mỹ tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái vào khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad vào rạng sáng 3-1 khiến tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng.
Để đáp trả, ráng sáng 8-1, Tehran đã phóng hàng chục tên lửa vào 2 căn cứ đồn trú của quân đội Mỹ tại Iraq là Ain al-Assad và sân bay Irbil.
Video đang HOT
Cùng ngày, một chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Ukraine International Airlines đã bốc cháy và rơi sau vài phút rời sân bay ở Tehran khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng, phần lớn hành khách trên máy bay là người Iran.
Đến sáng 11-1, Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Iran tuyên bố thừa nhận chiếc máy bay Ukraine đã bị phía Iran bắn nhầm. Sau đó, các cuộc biểu tình chống chính quyền đã nổ ra tại một số thành phố của Iran, bao gồm cả Tehran.
Theo anninhthudo.vn
Khủng hoảng Mỹ - Iran còn lâu mới đến hồi kết
Chiến lược nguy hiểm, các lệnh trừng phạt mới của Tổng thống Trump và một thỏa thuận hạt nhân đang đứng trước nguy cơ "chết yểu" đồng nghĩa với việc xung đột Mỹ - Iran còn lâu mới kết thúc.
Khủng hoảng Iran - Mỹ bùng nổ sau khi Tổng thống Trump quyết định tấn công sát hại tướng Soleimani. Ảnh: AP
Những tuần đầu tiên của thập kỷ mới này bắt đầu với việc Mỹ công khai nhắm mục tiêu và sát hại một lãnh đạo quân sự nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. Và mọi việc kết thúc với cái giá bi thảm - Iran thừa nhận bắn nhầm một máy bay chở khách của Ukraine, giết chết tất cả 176 người trên khoang - tại thời điểm Tehran bắn tên lửa trả đũa các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq.
Giờ thì sao? Thân nhân các hành khách và phi hành đoàn sẽ được bù đắp cho sự mất mát không thể chịu đựng này như thế nào? Và liệu các lãnh đạo Mỹ và Iran, lần đầu tiên trong cuộc đối đầu quân sự trực tiếp và công khai kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran, sẽ vạch ra lộ trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng này ra sao?
Hệ quả nhãn tiền
Trong một tuyên bố đầy hối tiếc trên truyền hình nhà nước Iran hôm 11-1, chỉ huy của đơn vị chịu trách nhiệm vụ việc này nói: "Tôi ước mình đã chết", khi ông thừa nhận, những gì mà đơn vị không quân của mình đã nhầm một tên lửa hành trình với một máy bay thương mại. Ukraine đang yêu cầu điều tra và bồi thường đầy đủ cho các nạn nhân - chủ yếu là người Iran, người Canada và người Ukraine.
Nhiều quốc gia đã mạnh mẽ chỉ trích Iran. Ngay ở trong nước, biểu tình đã bùng nổ yêu cầu Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei từ chức. Trong khi đó, theo thăm dò mới nhất của USA Today, kể từ khi khủng hoảng với Iran bùng nổ, người Mỹ không cảm thấy an toàn hơn dù vị tướng hàng đầu của Iran - mà Tổng thống Trump nói là mối đe dọa khủng bố đáng sợ - đã bị giết. Cuộc thăm dò cho thấy, 55% người Mỹ nói rằng việc giết Soleimani khiến Mỹ không an toàn, trong khi 57% phản đối cảnh báo của ông Trump không kích vào các địa điểm văn hóa của Iran và 53% ủng hộ Quốc hội hạn chế khả năng Tổng thống Trump trong việc ra lệnh tấn công quân sự. Ở những nơi khác, chủ nghĩa chống Mỹ tăng cao trên khắp thế giới kể từ khi ông Trump nhậm chức, theo nghiên cứu mới của Pew được công bố.
Còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải
Thật sự, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về bằng chứng của "các cuộc tấn công nguy hiểm sắp xảy ra" chống lại người Mỹ, vốn là nguyên nhân khiến Mỹ tuyên bố quyết định giết tướng Soleimani của Iran. Tuy nhiên, nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phàn nàn rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phớt lờ vấn đề này trong cuộc họp với Quốc hội. "Đó là cuộc họp ngắn nhất mà tôi từng thấy - ít nhất là về một vấn đề quân sự - trong 9 năm làm việc của tôi", một thượng nghị sĩ nói với CNN.
Quốc hội cũng muốn biết liệu tướng Soleimani có kế hoạch nhắm vào 4 đại sứ quán Mỹ trước khi ông bị giết hay không, như cách mà ông Trump nói với Fox News để biện minh cho quyết định của mình. Quốc hội cũng sẽ tìm cách tìm hiểu xem mục tiêu của Lầu Năm Góc có mở rộng hơn không. Cùng ngày Mỹ giết chết tướng Soleimani ở Baghdad, họ thất bại trong chiến dịch giết quan chức quân sự cấp cao khác của Iran ở Yemen. Các đồng minh Châu Âu và NATO của Mỹ phản đối các cuộc tấn công mới nhất của ông chủ Nhà Trắng vào Iran, cũng như việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Đáng chú ý là Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo đã có chuyến công du đến Moscow hôm 11-1 để bàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện tại. Vấn đề đáng chú ý là bà ấy đã không đến Washington. Rõ ràng, căng thẳng giữa Mỹ-Iran giảm bớt sau khi Tổng thống Trump cho biết ông không tìm kiếm đòn trả đũa bằng biện pháp quân sự mà thay vào đó là thắt chặt lệnh trừng phạt. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi việc đã qua.
Thòng lọng trừng phạt
Chiến lược nguy hiểm, các lệnh trừng phạt mới của Tổng thống Trump và một thỏa thuận hạt nhân đang đứng trước nguy cơ "chết yểu" đồng nghĩa với việc xung đột Mỹ - Iran còn lâu mới kết thúc.
Thực tế là ông Trump đã công bố một loạt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran, vốn "sẽ tồn tại cho đến khi Iran thay đổi hành vi". Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục kêu gọi Châu Âu, Nga và phần còn lại của thế giới rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử, được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đồng thời kêu gọi họ cùng bắt tay với Mỹ để thực hiện một thỏa thuận mới. "Tất cả chúng ta phải cùng nhau hướng tới việc thực hiện một thỏa thuận mới với Iran, khiến thế giới trở thành một nơi an toàn và hòa bình hơn", ông Trump nói.
Vậy điều gì xảy ra khi Tổng thống Trump đang nỗ lực nhân đôi chính sách "áp lực tối đa" của mình đối với Iran và tiếp tục thi hành các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt? Tehran đã gọi các lệnh trừng phạt này là "khủng bố kinh tế" và "chiến tranh kinh tế" kể từ khi ông Trump rút khỏi JCPOA. Giới chuyên gia nhận định, Iran có thể sẽ phản ứng với các lệnh trừng phạt bằng cách tấn công hệ thống vận chuyển ở Vùng Vịnh và các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Các cuộc tấn công xảy ra trong năm 2019 nhưng Iran phủ nhận mọi liên quan. Các nguồn tin này cho rằng, các vụ tấn công khó có thể chấm dứt nếu các chính sách của chính quyền ông Trump vẫn giữ nguyên.
Cuộc đối đầu quân sự trực tiếp bất ngờ giữa Mỹ và Iran có thể đã kết thúc, nhưng các nhà lãnh đạo quốc gia Hồi giáo đang thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị lâu dài của họ. Trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tuần qua, Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei khẳng định: "Hành động quân sự theo cách này, điều đó là không đủ. Vấn đề là sự hiện diện của nước Mỹ... sẽ phải chấm dứt". Đáng chú ý, vị Tổng thống ôn hòa hơn Hassan Rouhani, người được bầu vào năm 2013 cùng lời hứa đàm phán với Mỹ và cải thiện mối quan hệ của Iran với thế giới, đã ủng hộ thông điệp của ông Khamenei. Trong tuyên bố của mình, ông Trump cũng đưa ra những nhận xét dường như cho thấy việc đang tìm cách giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực.
KHẢ ANH
Theo cadn.com.vn
Tổng thống Trump: sẵn sàng hòa giải Chiều 9/1, ông Majid Takht-Ravanchi - đại diện thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc cho biết quân đội nước này sẽ không thực hiện bước đi quân sự nếu Mỹ không có hành động khiêu khích. Đại diện thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht-Ravanchi. (Ảnh: TASS). Theo ông Majid Takht-Ravanchi, nước này đã đáp trả Mỹ vì...