Tổng thống Trump “nắn gân” Trung Quốc về Triều Tiên trước ngày gặp ông Tập
Vài ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố để ngỏ khả năng sử dụng các biện pháp thương mại để hối thúc Bắc Kinh hợp tác với Washington trong việc kiềm chế Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)
“Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc hoặc sẽ quyết định giúp đỡ chúng tôi (Mỹ) trong vấn đề Triều Tiên, hoặc họ không làm gì cả. Nếu họ đồng ý thì việc đó sẽ tốt cho họ, còn nếu họ không đồng ý thì sẽ không có ai được hưởng lợi ở đây”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump nói trong bài phỏng vấn được đăng trên Financial Times hôm 2/4.
Khi được hỏi biện pháp nào mà Mỹ sẽ chọn để hối thúc Trung Quốc hợp tác trong việc giải quyết “bài toán” Triều Tiên, ông Trump nói: “Thương mại. Tất cả đều là thương mại”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump được hỏi về việc liệu ông có cân nhắc một phương án “mặc cả lớn” với Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh sẽ đồng ý gây sức ép với Bình Nhưỡng với điều kiện Mỹ phải rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, hay không. Ông chủ Nhà Trắng cho biết: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng tôi vẫn sẽ giải quyết. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói”.
Video đang HOT
Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra trước thềm cuộc gặp cấp cao của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 6-7/4 tới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Largo của gia đình ông Trump ở bang Florida. Bình luận về sự kiện tiếp xúc đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Trump nhận định đây sẽ là một cuộc gặp “rất khó khăn”.
Thành Đạt
Theo Dantri
Vì sao ông Tập không nên uống bia cùng ông Trump?
Các chuyên gia về giao tiếp đã đưa ra một số gợi ý giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tránh những tình huống khó xử trong cuộc gặp đầu tiên giữa họ vào tuần tới, khi ông chủ Nhà Trắng được xem là nhà lãnh đạo khó đoán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới, thay vì bia, trà sẽ là lựa chọn đồ uống tốt nhất để hai nhà lãnh đạo có thể xích lại gần nhau và thúc đẩy quan hệ ngoại giao song phương.
Trước đó, trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Anh David Cameron vào năm 2015, ông Tập đã nhanh chóng che lấp khoảng cách văn hóa giữa hai nước bằng cách uống bia cùng nhà lãnh đạo Anh. Tuy nhiên, trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là nên dùng trà thay cho bia. Điều này xuất phát từ thực tế rằng ông Trump là người kiêng bia rượu từ sau khi anh trai ông qua đời ở tuổi 43 cách đây 36 năm vì chứng nghiện rượu.
Theo Leow Chee Seng - giáo sư chuyên nghiên cứu về hành vi và giao tiếp phi ngôn từ thuộc Viện Hành vi Con người ở Malaysia, việc gặp gỡ những người không cùng chung một nền văn hóa có thể dẫn đến những rắc rối về ngoại giao đối với các nhà lãnh đạo thế giới.
Giáo sư Leow cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình nên tặng trà làm quà cho Tổng thống Trump và hai nhà lãnh đạo cũng nên hạn chế các hoạt động giao tiếp chung để tránh các tình huống sai sót, nhất là trong bối cảnh mọi "nhất cử nhất động" của hai nguyên thủ trong cuộc gặp này đều được giới quan sát theo dõi kỹ lưỡng.
"Việc quan sát cách hành xử của ông Tập và ông Trump trong các cuộc gặp của họ còn thú vị hơn nhiều so với các thỏa thuận chính trị", Giáo sư truyền thông Qiao Mu thuộc Đại học Đối ngoại Bắc Kinh nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình uống bia cùng cựu Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc gặp năm 2015 (Ảnh: EPA)
Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình vốn được biết đến là một nhà lãnh đạo cứng rắn với những dấu ấn của ông trong chiến dịch chống tham nhũng và cải tổ lực lượng vũ trang quy mô lớn. Trong khi đó, ông Donald Trump cũng nổi tiếng là một tổng thống mạnh mẽ và không quá đặt nặng các nghi lễ ngoại giao trong các cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo thế giới trước đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng nhận được cái bắt tay nồng ấm và thân mật của Tổng thống Trump trong chuyến thăm của ông tới Mỹ hồi tháng 2. Tuy nhiên cũng trong cuộc gặp với ông chủ Nhà Trắng , giới truyền thông cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như bị "ngó lơ" và ông Trump thậm chí còn "quên" bắt tay nhà lãnh đạo châu Âu.
Theo Giáo sư Leow, Chủ tịch Tập Cận Bình cần "tinh ý" quan sát Tổng thống Trump để tránh mắc phải các tình huống bất thường - điều có thể khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc trở nên khó xử trong trường hợp ông chủ Nhà Trắng không đưa ra một động thái bắt tay phù hợp. Giáo sư Leow cho rằng cúi chào có thể là phương án tối ưu để giải quyết tình huống này.
Ngoài ra, ông Tập cũng nên mỉm cười với những người xung quanh, chứ không chỉ cười riêng với ông Trump sau mỗi cuộc nói chuyện giữa hai người. Bên cạnh đó, ông Tập cũng nên giữ một khoảng cách nhỏ khi đi cạnh ông Trump để thể hiện sự độc lập của mình, Giáo sư Leow nói thêm.
Nhà Trắng ngày 30/3 xác nhận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai ngày 6-7/4. Tổng thống Trump sẽ tiếp ông Tập tại khu nghỉ dưỡng của gia đình ở Mar-a-Laga, bang Florida. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết, chương trình nghị sự sẽ bao gồm các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương mà hai bên cùng quan tâm, song không đưa ra chi tiết. Trong khi đó, bình luận về thông tin này, ông Trump cho biết đây sẽ là cuộc gặp vô cùng khó khăn.
Thành Đạt
Theo SCMP
Trung Quốc có đang bị "mắc kẹt" bởi Bắc Triều Tiên? Triều Tiên là con bài có giá trị nhất trong tay Trung Quốc hiện nay khi đàm phán với Hoa Kỳ. Do đó điều Trung Nam Hải quan tâm là làm sao tối đa hóa lợi ích. Giáo sư Hemant Adlakha chuyên nghiên cứu về Trung Quốc từ Đại học Jawaharlal Nehru, ngày 25/3 có bài viết đáng chú ý trên The Diplomat...