Tổng thống Trump có thể “vượt mặt” Quốc hội ra lệnh tấn công Syria?
Việc Tổng thống Donald Trump đưa ra những cảnh báo cứng rắn sau khi cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng, nhiều người hoài nghi liệu nhà lãnh đạo Mỹ có thể phát lệnh tấn công Syria mà không cần thông qua Quốc hội như cách ông từng làm cách đây 1 năm hay không.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các hôm 9/4, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ sớm đưa ra quyết định quan trọng trong vòng từ 24-48 giờ tới về phản ứng của Mỹ đối với Syria sau vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, Syria khiến ít nhất 70 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo chính quyền Syria, Nga và Iran sẽ phải “trả giá đắt” sau vụ tấn công hóa học tại Douma, song không nói rõ cụ thể đó là “giá” nào.
Giới chuyên gia vẫn đang để ngỏ một trong những biện pháp mà Tổng thống Trump có thể triển khai đối với Syria vào lúc này là tấn công quân sự. Vào tháng 4 năm ngoái, ông Trump cũng từng ra lệnh cho hai tàu khu trục USS Porter và USS Ross của Mỹ ở Địa Trung Hải phóng tổng cộng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat của Syria sau khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến ít nhất 80 người thiệt mạng.
Trong cuộc tấn công bằng tên lửa, vốn không được công bố trước, cách đây một năm nhằm vào Syria, Tổng thống Trump được cho là từng bỏ qua vai trò của Quốc hội và động thái này của ông chủ Nhà Trắng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các thành viên trong cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Theo Huffington Post, nếu Tổng thống Trump thực sự muốn triển khai biện pháp quân sự với Syria, ông có thể tiến hành mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội theo yêu cầu của Hiến pháp.
Vai trò của Quốc hội
Theo Hiến pháp Mỹ, thẩm quyền của Quốc hội là thông qua bất kỳ hành động quân sự nào của nước này. Tuy nhiên vấn đề ở đây là các nghị sĩ Mỹ phần lớn bỏ qua thẩm quyền này kể từ năm 2001 khi họ phê chuẩn Luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự (AUMF), cho phép cựu Tổng thống George W. Bush tấn công bất kỳ lực lượng nào có dính líu tới tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Luật này ra đời sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và cho phép Mỹ can thiệp quân sự tại Afghanistan.
Video đang HOT
AUMF là luật không có thời hạn. Trong nhiều năm, cựu Tổng thống Barack Obama đã tìm cách kéo dài thời hạn của AUMF với lập luận rằng điều đó sẽ cho phép ông có các hành động quân sự nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – tổ chức khủng bố được xem là một nhánh của al-Qaeda.
Như vậy, xét trong bối cảnh hiện tại, Tổng thống Trump cũng có thể phát lệnh ném bom Syria nếu ông chứng minh được rằng các mục tiêu của IS hoặc al-Qaeda đang hiện diện tại quốc gia này.
Tàu Hải quân Mỹ bắn tên lửa hành trình Tomahawk từ Địa Trung Hải vào căn cứ ở Syria (Ảnh: US Navy)
Thực chất, Quốc hội có thể phát lệnh chiến tranh, nhưng trên thực tế, cơ quan này có rất ít thẩm quyền trong việc ngăn Tổng thống Trump tự mình ra quyết định tấn công Syria nếu nhà lãnh đạo Mỹ quyết tâm muốn làm việc này. Lý do là vì Tổng thống Trump có quyền hạn của một tổng tư lệnh quân đội, và điều này sẽ cho phép ông ra quyết định tấn công Syria nếu ông cho rằng đó là cách để bảo vệ Mỹ khỏi những mối đe dọa hiện hữu.
Quốc hội có thể thông qua một đạo luật, trong đó cấm Tổng thống Trump sử dụng vũ lực đối với Syria hoặc dừng cấp ngân sách cho các hoạt động của quân đội Mỹ nếu hoạt động đó liên quan tới vấn đề Syria. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về pháp lý và an ninh, chính quyền Tổng thống Trump vẫn có quyền hành động quân sự trong vòng ít nhất 60 ngày nếu cho rằng an ninh của nước Mỹ đang bị đe dọa.
“Hiến pháp Mỹ trao quyền hạn rất lớn cho Tổng thống Mỹ để Tổng thống có thể tự ra quyết định hành động. Xét theo cả quy định của Hiến pháp cũng như trên thực tế, đã có rất nhiều tổng thống tiền nhiệm quyết định hành động quân sự sau khi họ xác định rằng an ninh quốc gia của Mỹ đang gặp nguy hiểm”, Roger Zakheim, cựu trợ lý Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết.
Mâu thuẫn từ giới lập pháp
Viễn cảnh Tổng thống Trump có thể đơn phương hành động quân sự đang vấp phải sự phản đối từ một số nhà lập pháp ở cả hai đảng. Họ cho rằng đã đến lúc cần loại bỏ luật AUMF năm 2001 và thay thế bằng luật mới với những giới hạn cụ thể hơn về quy mô, thời hạn và kinh phí của hành động quân sự. Các nghị sĩ này cho rằng luật AUMF cũ đang cho phép các Tổng thống “tự do” trong việc đưa nước Mỹ vào các cuộc chiến tranh triền miên.
Nhiều nghị sĩ đã hối thúc lãnh đạo các đảng trong nhiều năm qua để thông qua luật AUMF mới, nhưng chưa có bất kỳ tiến triển nào. Hầu hết các thành viên của Quốc hội chỉ đơn giản là không muốn tiến hành một cuộc bỏ phiếu khó khăn về thẩm quyền phát động chiến tranh.
“Mỹ chắc chắn phải phản ứng với việc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên nếu phản ứng đó bao gồm sử dụng vũ lực quân sự, tổng thống Mỹ nên xin phép Quốc hội trước trước khi sử dụng vũ lực”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Lee cho biết.
“Nếu Tổng thống Trump xem xét hành động quân sự tại Syria, ông ấy cần xin ý kiến Quốc hội trước. Quốc hội, chứ không phải Nhà Trắng, chịu trách nhiệm thảo luận và cho phép tiến hành chiến tranh. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cần cho phép chúng ta tham gia cuộc tranh luận trước khi cuộc xung đột này tiếp tục leo thang cao hơn”, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Barbara Lee viết trên mạng xã hội Twitter.
“Trước khi Tổng thống Trump thậm chí nghĩ đến việc đưa Mỹ vào con đường hành động quân sự đơn phương, người dân Mỹ cần có câu trả lời. Chính quyền này đang hy vọng kết thúc điều gì? Có phải chúng ta đang chuyển từ chống IS sang chống (tổng thống) Assad”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jim McGovern đặt câu hỏi.
Thành Đạt
Theo Dantri
Nghi tấn công hóa học tàn bạo ở Đông Ghouta, Mỹ bắt Nga chịu trách nhiệm
Ít nhất 150 người đã chết trong vụ nghi là tấn công hóa học hôm 7.4 ở Douma, thị trấn cuối cùng của phiến quân ở Đông Ghouta, Syria.
Douma là thị trấn cuối cùng của phiến quân ở Đông Ghouta. Ảnh: Getty Images
Tình nguyện viên cứu hộ của tổ chức Mũ bảo hiểm trắng đăng trên Twitter những bức ảnh cho thấy hàng chục thi thể trong một tầng hầm, nói rằng số người chết có thể tăng lên.
Hiện chưa có báo cáo xác minh độc lập, trong khi chính phủ Syria gọi các cáo buộc tấn công hóa học là "bịa đặt".
Theo BBC, Bộ Ngoại giao Mỹ nói đang theo dõi sát vụ việc, và Nga - nước ủng hộ chính phủ Syria - sẽ phải chịu trách nhiệm nếu phát hiện vũ khí hóa học chết người được sử dụng.
"Lịch sử của chế độ Syria cho thấy họ từng sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng về việc nhằm mục tiêu tàn bạo vào vô số người Syria vô tội" - Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc.
Trung tâm truyền thông Ghouta của phe đối lập cho hay, hơn 1.000 người bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công hóa học. Hôm 7.4, một quả bom thùng được thả xuống từ trực thăng có chứa khí độc thần kinh sarin.
Hãng thông tấn SANA khẳng định, quân đội Syria "không cần sử dụng bất cứ vũ khí hóa học nào như truyền thông của những kẻ khủng bố tung tin".
NGỌC VÂN
Theo Laodong
Điều gì khiến Mỹ "quay ngoắt 180 độ", tiếp tục điều quân tới Syria? Phát ngôn trái ngược của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến hoạt động điều quân tại Syria đã khiến chính giới Mỹ và đồng minh "chao đảo". Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức chính phủ Mỹ ngày 4/4 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý kéo dài sự hiện diện của quân đội tại...