Tổng thống Putin và “duyên nợ” với 4 đời Tổng thống Mỹ
Kể từ lần đầu tiên nhậm chức tổng thống Nga vào thập niên 2000, ông Vladimir Putin đã tiến hành các cuộc gặp với những người đồng cấp Mỹ trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ song phương thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.
Tháng 11/1999
Ông Putin và ông Clinton gặp nhau đầu thập niên 2000 (Ảnh: AP)
Sau khi trở thành thủ tướng Nga vào năm 1999, ông Putin đã có cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Oslo, Na Uy. Cả hai đã thảo luận về sự hiện diện của quân đội Nga tại Chechnya. Hai nhà lãnh đạo sau đó cũng gặp nhau tại các sự kiện đa phương.
Tháng 6/2000
Ông Putin và ông Clinton bắt tay trước khi bắt đầu cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên thuộc Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) ở Nago, Nhật Bản hồi tháng 7/2000. (Ảnh: Getty)
Vào tháng 6/2000, ông Putin và ông Clinton tiếp tục gặp nhau sau khi ông Putin tuyên thệ trở thành tổng thống Nga còn ông Clinton đang ở năm cuối nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo chủ yếu thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia mà Mỹ muốn phát triển. Cả hai bên đều nhất trí tiêu hủy plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tháng 6/2001
Cựu Tổng thống Bush bắt tay người đồng cấp Nga tại Slovenia vào tháng 6/2001 trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. (Ảnh: AP)
Sau khi cựu Tổng thống George W. Bush tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2000, ông đã có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin tại Slovenia.
“Ông ấy là người luôn tính đến những lợi ích tốt nhất cho đất nước của ông ấy. Tôi trân trọng cuộc đối thoại thẳng thắn với ông ấy và đó là sự khởi đầu của một mối quan hệ mang tính xây dựng”, cựu Tổng thống Bush nói về ông Putin.
Tháng 11/2001
Hai tổng thống Bush và Putin phát biểu trong chuyến thăm tới trường trung học Crawford vào tháng 11/2001. (Ảnh: Getty)
Vào cuối năm 2001, cựu Tổng thống Bush đã mời Tổng thống Putin tới Crawford, bang Texas – nơi có trang trại của gia đình nhà lãnh đạo Mỹ. Sau cuộc gặp kéo dài 3 ngày, hai bên đã nhất trí cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của cả Nga và Mỹ.
Tháng 7/2007
Ông Bush và ông Putin bắt tay vào tháng 7/2007 tại nhà riêng của gia đình tổng thống Mỹ ở Maine. (Ảnh: AP)
Ông Putin và ông Bush có cơ hội gặp nhau nhiều lần khi tham dự các cuộc họp của G8. Tuy nhiên, mãi tới năm 2007, hai nhà lãnh đạo mới có thêm một cuộc gặp riêng ở Kennebunkport, bang Maine, Mỹ. Hai tổng thống khi đó đã đi câu cá cùng nhau và thảo luận về các hệ thống phòng thủ quân sự tại Ba Lan và Séc.
Tháng 7/2009
Video đang HOT
Cựu Tổng thống Obama gặp Tổng thống Putin tại dinh thự của ông Putin ở Moscow vào tháng 7/2009. (Ảnh: White House)
Tổng thống Putin có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống vừa nhậm chức của Mỹ Barack Obama vào tháng 7/2009 tại Moscow.
“Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để đưa quan hệ Nga – Mỹ lên nền tảng tốt hơn”, cựu Tổng thống Obama nói.
Năm 2010, Nga và Mỹ đã ký hiệp nước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
Tháng 6/2013
Ông Obama gặp ông Putin tại Bắc Ireland ngày 17/6/2013. (Ảnh: Evan Vucci)
Ông Putin và ông Obama gặp nhau thêm một lần nữa bên lề hội nghị G8 tại Bắc Ireland vào tháng 6/2013 sau khi ông Obama tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Ngoài thảo luận về cuộc xung đột tại Syria, hai nhà lãnh đạo cũng có cùng mối quan tâm tới vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Tuy nhiên căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu tăng lên sau khi ông Obama bất ngờ hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước đó với ông Putin do phản đối Nga cấp quyền tị nạn cho Edward Snowden – người đã rò rỉ hàng loạt tài liệu mật. Kể từ đó, mối quan hệ này liên tục đi xuống.
Tháng 6/2014
Hình ảnh Tổng thống Putin và Obama trên màn ảnh lớn tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy vào năm 2014. (Ảnh: Reuters)
Sau khi Nga bị loại khỏi G8 vào năm 2014 do sáp nhập Crimea vào lãnh thổ, cựu Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Putin có cuộc gặp ngắn nhân kỷ niệm 70 ngày quân đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy (D-Day) tại Pháp. Hai nhà lãnh đạo đã gặp trực tiếp trong bữa ăn trưa, sau đó tách khỏi đám đông và trò chuyện khoảng 15 phút về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Đây là một trong số ít các cuộc trao đổi không chính thức giữa ông Putin và ông Obama khi hai nhà lãnh đạo cùng tham gia các sự kiện chung của quốc tế.
Tháng 9/2015
Tổng thống Putin chụp ảnh cùng người đồng cấp Obama tại cuộc gặp song phương ở trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 28/9/2015 ở New York. (Ảnh: Getty)
Ông Obama và ông Putin gặp nhau một lần nữa vào tháng 9/2015 trong một sự kiện do cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tổ chức bên lề Hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Đây được xem là cuộc gặp căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Nga và Mỹ được cho là đã thảo luận về các hành động và can thiệp quân sự tại Syria và Ukraine. Tuy nhiên, cả hai đều không đạt được thỏa thuận nào liên quan tới hai cuộc xung đột này.
Tháng 9/2016
Ông Obama gặp ông Putin tại phiên khai mạc của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Lima, Peru. (Ảnh: AFP)
Trong cuộc gặp chính thức cuối cùng trước khi cựu Tổng thống Obama rời Nhà Trắng, ông Obama và ông Putin đã có cuộc trao đổi bên lề hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 9/2016.
Hai nhà lãnh đạo khi đó đã thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, tuy nhiên do khoảng cách về lòng tin giữa Nga và Mỹ nên rốt cuộc cả hai bên đều không đạt được thỏa thuận nào. Tổng thống Putin vẫn gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp Obama vì những năm tháng hợp tác cùng nhau.
Tháng 7/2017
Ông Trump và ông Putin gặp nhau lần đầu tiên bên lề thượng đỉnh G20 tại Đức (Ảnh: Getty)
Sau khi nhậm chức tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức vào tháng 7/2017,
Mặc dù quan hệ song phương vẫn còn nhiều căng thẳng, song ông Trump nói rằng cuộc đối thoại với người đồng cấp Nga diễn ra “rất tốt”. Ông Trump cũng ghé qua chỗ của ông Putin khi nhà lãnh đạo Nga được xếp ngồi cạnh Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania tại bữa tiệc tối của hội nghị G20.
Tháng 11/2017
Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ trò chuyện bên lề hội nghị APEC tại Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Putin có cuộc gặp lần hai bên lề hội nghị APEC ở Việt Nam vào tháng 11/2017.
Sau cuộc gặp này, ông Trump cho biết ông tin tưởng Tổng thống Putin khi nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow không can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ông Trump cũng duy trì mối quan hệ gần gũi với ông Putin bất chấp cảnh báo từ giới tình báo Mỹ.
Tháng 7/2018
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Helsinki, Phần Lan vào tháng 7/2018.
Trong cuộc họp báo, ông Trump đã bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, nghi ngờ lập luận của giới tình báo và chỉ trích cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Thành Đạt
Theo Datri
Phát ngôn ấn tượng của Tổng thống Putin khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời hàng loạt câu hỏi của nhà báo Mỹ liên quan tới các chủ đề nóng hiện nay sau khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump tại Phần Lan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Vladimir Putin ngày 16/7 đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn với nhà báo Chris Wallace của kênh Fox News tại Helsinki, Phần Lan sau khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc phỏng vấn, nhà lãnh đạo Nga đã giải đáp hàng loạt thắc mắc và nêu rõ lập trường của ông về các chủ đề "nóng" hiện nay liên quan tới Nga.
Phương Tây không thể cô lập Nga
Theo Tổng thống Putin, mọi nỗ lực của các nước phương Tây nhằm cô lập Nga đều thất bại và sẽ tiếp tục thất bại vì Nga là nước có lãnh thổ rất rộng lớn và vai trò của Moscow trên trường quốc tế là không thể phủ nhận.
"Tôi nghĩ chính các bạn sẽ nhận thấy rằng mọi nỗ lực (cô lập Nga) đều thất bại. Và chúng sẽ không bao giờ thành công được. Ý tôi là, hãy nhìn vào quy mô rộng lớn của nước Nga, tầm quan trọng của Nga nếu xét về an ninh quốc tế và cả nền kinh tế Nga hay sự đóng góp của Nga vào thị trường năng lượng toàn cầu. Nga lớn đến mức không thể bị trừng phạt hay cô lập được", Tổng thống Putin nói với nhà báo Mỹ.
"Tuy nhiên, nếu nói về những thứ đang gắn kết chúng ta (Nga - Mỹ), và cả những thứ cần đến nỗ lực chung của chúng ta, thì chúng tôi nghĩ việc tấn công lẫn nhau như vậy nên được chấm dứt", ông Putin nói thêm.
Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow và Washington tốt hơn hết nên tìm kiếm những giải pháp để "giải quyết các vấn đề và thách thức chung, đồng thời cùng nhau vượt qua những mối lo ngại chung".
"Vì vậy tôi nghĩ đây mới là khởi đầu của một chặng đường. Chúng tôi đã có sự khởi đầu tốt đẹp", Tổng thống Putin nói về cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ.
Nga không xâm chiếm Crimea
Tổng thống Putin và nhà báo Wallace trong cuộc phỏng vấn (Ảnh: Fox)
Khi người dẫn chương trình Chris Wallace hỏi về "sự xâm chiếm" của Nga đối với Crimea, Tổng thống Putin ngay lập tức phản bác. Ông khẳng định việc Crimea sáp nhập vào Nga là kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý dân chủ.
"Tôi muốn đính chính lại chỗ này. Việc Crimea sáp nhập vào Nga không phải là sự xâm chiếm. Người dân ở Crimea muốn một cuộc trưng cầu dân ý và bỏ phiếu sáp nhập vào Nga. Nếu đây là xâm chiếm, thì làm sao có sự dân chủ như vậy?", ông Putin nói.
"Chúng tôi đã nghe nói về lập trường của Tổng thống Trump, rằng Crimea là một phần của Ukraine. Ông ấy cũng nói như vậy với tôi hôm nay. Nhưng tôi cũng nói với ông ấy tương tự những gì tôi nói vừa nói với ông. Và tôi nghĩ chúng ta nên dừng cuộc thảo luận về vấn đề này ở đây", ông Putin nói thêm.
Nga lo ngại sự mở rộng của NATO
Trả lời câu hỏi của nhà báo Wallace, Tổng thống Putin khẳng định nếu NATO quyết định trao tư cách thành viên cho Ukraine và Georgia, phản ứng của Nga "sẽ rất tiêu cực".
"Đối với chúng tôi, đó là mối đe dọa trực tiếp và trước mắt với an ninh quốc gia... việc chuyển cơ sở hạ tầng của NATO về gần biên giới của chúng tôi sẽ là một mối đe dọa và phản ứng của chúng tôi sẽ rất tiêu cực", ông Putin cảnh báo.
"Chúng tôi cảm thấy quan ngại khi NATO mở rộng cơ sở của khối này, số lượng binh sĩ tăng lên ở những khu vực mà họ lẽ ra không được đến. Điều này đi ngược lại với các thỏa thuận giữa Nga và NATO. Đây là nhân tố gây bất ổn, nhưng hôm nay chúng tôi chưa đề cập chuyện này với Tổng thống Trump", tổng thống Nga cho biết.
Theo Tổng thống Putin, "Nga sẽ đáp trả những gì đang diễn ra xung quanh chúng tôi". Ông Putin nói rằng số lượng binh sĩ của NATO ở các khu vực sát nách Nga đã tăng thêm 10.000 người.
Nga cần bằng chứng vụ nghi vấn đầu độc
Tổng thống Putin và Tổng thống Trump gặp nhau tại Phần Lan (Ảnh: Reuters)
Khi phỏng vấn Tổng thống Putin, nhà báo Wallace đã đề nghị ông đưa ra bình luận về cuộc điều tra của Anh gần đây liên quan tới các vụ nghi vấn đầu độc tại Amesbury và Salisbury. Theo ông Wallace, các nạn nhân trong vụ Amesbury được cho là đã tiếp xúc với một chai có chứa chất độc từng được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Anh.
"Chúng tôi gần đây nhận được thông tin nói rằng có thêm 2 người nữa bị trúng chất độc thần kinh có tên gọi Novichok. Tôi chưa bao giờ nghe tên của những người này. Họ là ai vậy?", ông Putin hỏi lại người phỏng vấn.
"Cái chai đó là gì vậy? Công thức hóa học là gì? Liệu có nguyên nhân nào khác dẫn đến cái chết của họ không? Hay có lý do nội bộ nào đó tại Anh và không ai muốn xem xét vấn đề này. Bây giờ chúng tôi mới chỉ thấy những cáo buộc vô căn cứ. Tại sao phải làm cách này? Tại sao mối quan hệ của chúng tôi (Nga-Anh) lại bị xấu đi bởi những trò vờ vịt như thế này. Chúng tôi vẫn muốn xây dựng mối quan hệ với Anh", ông Putin nói.
"Chúng tôi muốn có ít nhất một vài tài liệu, bằng chứng về chuyện đó. Nhưng không ai đưa cho chúng tôi. Chuyện này xảy ra cũng tương tự các cáo buộc nói chúng tôi can thiệp vào tiến trình bầu cử ở Mỹ", tổng thống Nga nhấn mạnh.
Nga không quan tâm chuyện nội bộ tại Mỹ
Trong cuộc phỏng vấn, nhà báo Wallace đã đưa cho Tổng thống Putin tập văn bản dày 29 trang, bao gồm các cáo buộc do công tố viên đặc biệt Robert Mueller của Mỹ đưa ra nhằm vào 12 nhân viên tình báo quân sự của Nga - những người bị nghi tấn công mạng để can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ông Wallace đã hỏi Tổng thống Putin rằng tại sao ông Mueller công bố bản cáo buộc này chỉ 3 ngày trước thượng đỉnh Nga - Mỹ.
"Tôi cũng không quan tâm lắm. Đây là trò chơi chính trị nội bộ của Mỹ. Đừng đặt mối quan hệ Nga - Mỹ vào cuộc đấu chính trị nội bộ này. Chuyện này không có gì đáng tự hào đối với nền dân chủ Mỹ, vì việc sử dụng các cơ quan hành pháp vào một cuộc đấu đá chính trị là không thể chấp nhận được", ông Putin nói.
Tổng thống Putin cũng đề cập tới hiệp ước năm 1999 về hợp tác hành pháp giữa Mỹ và Nga. Theo đó, công tố viên Mueller có thể sắp xếp để gặp 12 người bị nghi vấn ở Nga.
"Tại sao công tố viên đặc biệt Mueller không gửi cho chúng tôi một đề nghị chính thức trong khuôn khổ thỏa thuận này. Không ai gửi cho chúng tôi một bức thư hay đề nghị nào cả. Tôi vẫn thắc mắc về chuyện đó", ông Putin đặt câu hỏi cho nhà báo Mỹ.
Thành Đạt
Theo Dantri
Người đẹp tóc đỏ bị Mỹ cáo buộc là điệp viên Nga Người phụ nữ gốc Siberia có thể đã tìm cách liên kết tổ chức vận động hành lang lớn nhất ở Mỹ để tiếp cận ông Trump. Cô Maria Butina (29 tuổi) vừa bị bắt với cáo buộc âm mưu gây ảnh hưởng lên chính trường Mỹ bằng cách xây dựng quan hệ với các nhóm chính trị như Hiệp hội súng trường...