Tổng thống Putin: Ukraine đang gây ‘tội ác diệt chủng’
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25.2 cho biết quyết định của Kiev về việc cắt nguồn cung cấp khí đốt cho miền đông Ukraine, nơi có nhiều khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai, như là “tội diệt chủng”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin – Ảnh: Reuters
“Tổ chức vì An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) đã báo cáo về thảm họa nhân đạo và sự đói khát ở đó đã chưa đủ hay sao mà còn cắt nguồn cung cấp khí đốt! Mọi người gọi đây là gì? Đây có vẻ là tội diệt chủng”, AFP dẫn lời Tổng thống Putin nói trên truyền hình.
Thủ lĩnh phe ly khai được cho là thân Nga ở miền đông Ukraine hồi tuần rồi cho biết Kiev đã đột ngột ngừng cung cấp khí đốt và đề nghị Nga cung cấp khí đốt cho miền đông Ukraine.
Naftogaz, công ty khí đốt quốc gia của Ukraine, xác nhận Kiev ngừng cung cấp khí đốt cho miền đông Ukraine bởi vì đường ống bị hư hại do giao tranh giữa phe ly khai và lực lượng chính phủ Ukraine kéo dài từ tháng 4.2014 đến nay khiến trên 5.000 người thiệt mạng.
“Tôi không biết liệu rằng đường ống dẫn khí đốt có bị hư hại hay không. Nhưng những gì tôi biết là khoảng 4 triệu người đang sống ở đó”, ông Putin nói.
Video đang HOT
Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom hồi tuần rồi bắt đầu cung cấp khí đốt trực tiếp cho một số khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói Kiev phải trả tiền cho khí đốt mà Nga cung cấp cho miền đông Ukraine, nhưng Naftogaz lại khẳng định sẽ không trả số tiền này.
Vào ngày 24.2, Gazprom cảnh báo sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine trong vòng hai ngày tới vì Kiev không trả tiền đúng hạn. Naftogaz thì cáo buộc Gazprom đã không cung cấp đủ khí đốt cho Ukraine theo đúng hợp đồng trước đó.
Tổng thống Putin nói Ukraine chỉ có đủ khí đốt đáp ứng nhu cầu nước này trong vòng 3-4 ngày tới, đồng thời cảnh báo Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Moscow không nhận được tiền trả trước.
Nga đã từng ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine 3 lần (năm 2006, 2009 và 2014) sau khi Moscow tố cáo Kiev không trả tiền trước. Phương Tây tố cáo Moscow sử dụng năng lượng làm vũ khí địa chính trị để giữ Ukraine chịu sự ảnh hưởng của Nga.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow viện trợ tài chính, binh lính, vũ khí cho phe ly khai ở miền đông Ukraine để chống lại quân chính phủ Ukraine. Kiev còn cáo buộc lính và xe tăng Nga đã đi vào lãnh thổ của Ukraine để hỗ trợ phe ly khai. Nhưng Nga luôn bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời cáo buộc Kiev và phương Tây đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Nga đòi Ukraine thanh toán phí khí đốt của phe ly khai
Nga tuyên bố Kiev phải trả tiền cho lượng khí đốt Moscow cung cấp đến khu vực phe ly khai kiểm soát ở đông Ukraine, làm gia tăng nguy cơ tranh chấp khí đốt vào giữa mùa đông.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong một cuộc phỏng vấn tháng 12/2014. Ảnh:AFP
"Theo nghĩa vụ hợp đồng hiện tại, Kiev phải thanh toán phí khí đốt của Nga", Reuters dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, viết trên trang Facebook.
Nga chỉ cung cấp khí đốt cho Ukraine khi được thanh toán trước.Ông Medvedev cho biết khoản tiền Kiev đã trả cho Moscow chỉ đủ trang trải cho nguồn cung ở mức hiện tại thêm 3 hoặc 4 ngày nữa, khi công ty Gazprom của Nga hôm 19/2 bắt đầu bơm trực tiếp khí đốt cho khu vực do phiến quân kiểm soát.
Công ty khí đốt nhà nước Ukraine Naftogaz trước đó cảnh báo rằng doanh nghiệp này sẽ không trả tiền cho nguồn cung năng lượng từ Nga đến khu vực của phe ly khai.
Ông Medvedev cho biết trong một tuyên bố trên trang web, nhắc đến một cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin, rằng "như thường lệ, chúng tôi sẽ phải ra một quyết định khó khăn" nếu Kiev không chịu trả tiền.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga nói rằng Moscow "sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt", và nhấn mạnh việc bơm khí đốt đến đông Ukraine nhằm mục đích nhân đạo.
Naftogaz xác nhận cắt nguồn cung năng lượng cho miền đông Ukraine vì đường ống dẫn bị hư hỏng do giao tranh, nhưng sau đó nói rằng công ty này sẽ nối lại việc cung cấp vào thời gian sau.
Hai phe tại Ukraine đang trong thời gian thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng, có hiệu lực từ ngày 15/2. Tổng thống Ukraine hôm 18/2 kêu gọi Liên Hợp Quốc triển khai nhân viên gìn giữ hòa bình đến nước này, sau khi Kiev phải rút quân tại một thị trấn chiến lược ở miền đông. Nga chỉ trích động thái này, cho rằng quyết định của Kiev có thể phá vỡ lệnh ngừng bắn.
Phương Vũ
Theo VNE
"Chiến tranh Lạnh" mới về năng lượng của châu Âu Mỹ và Nga một lần nữa lại vướng vào một cuộc xung đột nghiêm trọng và châu Âu là trung tâm chính của mâu thuẫn này. Tuy nhiên, "Chiến tranh Lạnh" tái diễn không phải là bởi những tranh giành về quyền lực, mà nó liên quan tới nguồn nhiệt năng và điện năng phục vụ nhu cầu của người dân châu Âu....