Tổng thống Putin tuyên bố quét sạch phiến quân ở Idlib
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc quét sạch các phần tử cực đoan ra khỏi tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân tại Syria, là ưu tiên hàng đầu trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Từ phải qua trái: Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Iran Rouhani (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin hôm nay 7/9 đã tới Tehran (Iran) và có cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani để bàn về tình hình tại Idlib – tỉnh phía tây bắc Syria và là thành trì cuối cùng của lực lượng phiến quân tại Syria.
“Những nhóm cực đoan còn lại tại Syria đang tập trung ở vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib. Các phần tử khủng bố đang ra sức để phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn. Ngoài ra, chúng còn tiến hành và chuẩn bị nhiều hành động khiêu khích khác nhau, bao gồm cả sử dụng vũ khí hóa học”, Tổng thống Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow có bằng chứng “không thể chối cãi” rằng các nhóm khủng bố ẩn náu tại Idlib đang tìm cách gây ra các vụ tấn công giả bằng vũ khí hóa học.
“Ưu tiên chung hàng đầu của chúng tôi là xóa bỏ hoàn toàn các phần tử khủng bố tại Syria”, ông Putin nói.
Theo Tổng thống Putin, các lực lượng Nga gần đây đã góp phần giải phóng khu vực phía tây nam Syria. Ông Putin cũng xác nhận tỉnh Idlib sẽ trở thành mục tiêu lớn tiếp theo trong các chiến dịch của Nga tại Syria.
“Sự hiện diện của các phiến quân đã gây ra mối đe dọa trực tiếp cho dân thường trong toàn khu vực”, ông Putin nhấn mạnh.
Video đang HOT
Tổng thống Nga hy vọng rằng các phiến quân sẽ đưa ra lựa chọn “khôn ngoan” khi hạ vũ khí và rút lui khỏi Idlib. Ông Putin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tiến trình hòa bình tại Syria.
3 nhà lãnh đạo Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ họp tại Tehran ngày 7/9 (Ảnh: Reuters)
Trước hội nghị 3 bên tại Tehran, cả 3 nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã có các cuộc gặp tương tự tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 4 và tại Sochi (Nga) vào tháng 11 năm ngoái. Cả 3 nhà lãnh đạo đều tham gia vào tiến trình hòa đàm Astana nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài nhiều năm tại Syria.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng các quyết định được đưa ra tại hai hội nghị thượng đỉnh trước đây của các quốc gia bảo trợ cho tiến trình Astana đều được triển khai thành công, và đã đạt được những tiến triển quan trọng trong việc bảo đảm quá trình bình thường hóa lâu dài ở Syria”, Tổng thống Putin hôm nay cho biết.
Trước Tổng thống Putin, các quan chức Nga từng nhiều lần cảnh báo rằng các phần tử khủng bố đang âm mưu gây ra các vụ tấn công giả bằng vũ khí hóa học tại Syria, từ đó tạo cớ để các nước phương Tây can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại hội nghị 3 bên, Tổng thống Iran Rouhani khẳng định cần tránh gây thương vong cho dân thường trong các chiến dịch chống khủng bố tại Syria. Ông Rouhani cũng hối thúc Israel rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tại Syria và chỉ trích sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia này.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định Ankara sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho tới khi nào Syria đạt được sự thống nhất, đồng thời cho biết sẽ không dung thứ cho bất kỳ mối đe dọa nào từ Syria nhằm vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cũng cảnh báo chiến dịch quân sự tại Syria có thể dẫn tới thảm họa nhân đạo và Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp nhận thêm người tị nạn từ Syria.
Trong những ngày gần đây, các lực lượng Nga và Syria đã nối lại các cuộc không kích tại Idlib. Lực lượng chính phủ Syria khẳng định sẵn sàng mở chiến dịch quy mô lớn nhằm giải phóng thành trì cuối cùng khỏi tay phiến quân.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
Phiến quân Syria chỉ có 2 lựa chọn: Đầu hàng hoặc bị tiêu diệt
Lực lượng phiến quân tại Idlib (Syria) đã trở thành một cái gai cần phải nhổ và quân đội Syria, dưới sự hỗ trợ của người Nga, hoàn toàn đủ khả năng quét sạch các tay súng khủng bố mà vẫn giữ được an toàn cho dân thường.
"Cái gai cần phải nhổ"
Theo RT, hiện tại khu vực tỉnh Idlib đang nằm dưới sự kiểm soát của nhiều nhóm phiến quân hiếu chiến, trong đó đáng chú ý là tổ chức khủng bố Tahrir al-Sham (trước có tên gọi là Al Nusra Font, là một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Syria). Tổ chức này đe dọa tới sự an toàn của không chỉ người dân địa phương và các khu vực khác của Syria mà còn cả binh sĩ Nga đang đồn trú tại Căn cứ Không quân Khmeimim.
Với quân đội Syria, chiến thắng tại Idlib đã trong tầm tay. Ảnh: Global Look Press.
Trước đó, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố Idlib là "một ổ khủng bố" đang phá hoại mọi nỗ lực ngoại giao và hòa giải chính trị. Do đó, các lực lượng phiến quân tại đây đang là một "mối lo ngại đặc biệt" với cả Nga, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Idlib là một cái gai cần phải nhổ càng sớm càng tốt. Nếu không làm được việc này, thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria sẽ là điều không tưởng" - Đại tá về hưu Mikhail Khodarenok, người từng làm việc tại ban chỉ huy chiến dịch chính, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, nói với cơ quan thông tấn RT.
Theo Đại tá Khodarenok, trận đánh Idlib sẽ là dấu chấm hết cho tình trạng xung đột, chiến tranh đã kéo dài 7 năm nay tại Syria. Điều này có nghĩa là các nhóm vũ trang hiện đang bám rễ tại tỉnh Idlib sẽ chỉ có hai lựa chọn: "đầu hàng" hoặc là "bị tiêu diệt".
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi từ chối tham gia vào việc quyết định số phận của phiến quân, các nhóm này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc &'buông vũ khí, đầu hàng quân đội Syria' hoặc &'bị nghiền nát trên chiến trường'" - vị Đại tá về hưu nhận định rằng thất bại được dự đoán trước của phiến quân tại tỉnh Idlib "chỉ còn là vấn đề thời gian".
Quét sạch khủng bố, không làm hại dân thường
Theo RT, Idlib là một tỉnh có diện tích lớn và mật độ dân số đông. Chỉ tính riêng thủ phủ cùng tên Idlib đã có tới 3 triệu người dân. Trong khi đó, tổng số phiến quân, tính thêm cả các thành viên gia đình, chỉ có khoảng 50.000-60.000 người. Việc này sẽ khiến cho hoạt động giải cứu dân thường, xác định, chia tách và tiêu diệt các tay súng khủng bố sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Khodarenok, quân đội Syria sẽ vẫn có thể tránh thương vong lớn về dân thường nhờ kinh nghiệm dồi dào trong hình thức tác chiến đô thị.
"Thông thường, mọi trận đánh ở Syria đều diễn ra tại các khu vực đô thị hay các khu vực xung quanh. Gần như không có cuộc đụng độ nào diễn ra tại các vùng sa mạc vốn chiếm phần lớn lãnh thổ Syria", ông Khodarenok giải thích, đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội Syria và lực lượng vũ trang Nga "chắc chắn sẽ làm mọi việc cần thiết để dân thường được an toàn, do đó sẽ không có chuyện sử dụng vũ lực quá mức trong chiến dịch giải phóng Idlib.
Được biết, một trong những chiến thuật mà Damascus và Moscow có thể sử dụng là tạo ra một hành lang nhân đạo để dân thường có thể thoát ra khỏi khu vực chiến đấu chính. Đây cũng là chiến thuật được quân đội Syria sử dụng rất thành công tại Aleppo, Deir-ez-Zor và nhiều khu vực đông dân cư khác từng do phiến quân kiểm soát.
Bên cạnh đó, quân đội Syria cũng có thể sử dụng các nhóm tấn công thiện chiến, từng qua "thử lửa" trong nhiều trận đánh chủ chốt khác nhau. Trong trường hợp của Idlib, Damascus sẽ sử dụng bộ binh cơ giới, xe tăng, phương tiện chiến đấu bọc thép và các lính kỹ thuật như chuyên gia gỡ mìn.
Ngoài ra, nếu cần thiết, bộ binh có thể nhờ tới sự trợ giúp của pháo kích và không quân. Cụ thể, quân đội Syria và Không quân Nga sẽ sử dụng các loại đạn dẫn đường chính xác như bom và tên lửa dẫn đường để tránh thiệt hại ngoài ý muốn.
Theo Danviet
Tổng thống Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay với Nga để ngăn "thảm sát" ở Idlib Tổng thống Tayyip Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với Nga để ngăn một "cuộc thảm sát kinh hoàng" ở Idlib cũng như viễn cảnh hàng triệu người tị nạn đổ xô sang khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. RT cho hay, trước thông tin quân đội Syria đang chuẩn bị cho tấn công quy mô lớn vào tỉnh...