Tổng thống Putin nói phải ngăn ‘cách mạng màu’ ở Nga
“Chúng ta đã nhìn thấy những hậu quả bi thảm mà làn sóng cách mạng màu gây ra ở các nước, chúng ta cần phải làm mọi thứ để không xảy ra những điều tương tự ở Nga”, Reuters dẫn lời phát biểu của Putin trong cuộc gặp với Hội đồng cố vấn an ninh.
“Chúng ta đã nhìn thấy những hậu quả bi thảm mà làn sóng cách mạng màu gây ra ở các nước, chúng ta cần phải làm mọi thứ để không xảy ra những điều tương tự ở Nga”, Tổng thống Putin nói – Ảnh: AFP
Trong cuộc gặp gỡ Hội đồng ngày 20.11, Putin lo lắng Nga có nguy cơ đối mặt với một cuộc tổng nổi dậy như các nước trong cộng đồng Liên Xô trước đây, được biết như cuộc cách mạng màu. “Đó là bài học cũng như lời cảnh báo. Vì vậy, chúng ta cần phải làm mọi thứ để không xảy ra những điều tương tự ở Nga” – Putin tuyên bố.
Hơn nữa, ông lên tiếng về việc chống chủ nghĩa cực đoan , cảnh báo mối đe dọa từ người nhập cư bất hợp pháp, các cuộc chiêu quân qua internet và chỉ ra những lo ngại về sự can thiệp ở bên ngoài.
Hôm thứ Ba 18.11, sau cuộc họp kéo dài 4 giờ với nhóm ủng hộ nòng cốt ‘Mặt trận nhân dân’, ông lên án Mỹ đang cố khuất phục Nga và đổ lỗi cho phương Tây trong âm mưu lật đổ chính quyền Ukraine do Moscow hậu thuẫn.
Đồng thời, Putin cũng buộc tội Washington gây kích động các cuộc biểu tình chống lại ông vào mùa đông 2011.
Video đang HOT
Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối chính sách của tổng thống Putin – Ảnh: AFP
Putin lo lắng về các biến động chính trị xã hội khi các cuộc nổi dậy chống lại ông diễn ra trên nhiều thành phố lớn, trong đó có Moscow. Các nhà phê bình cho biết suốt từ đó đến giờ mới thấy Putin bóp nghẹt những ý kiến bất đồng và các đối thủ để thắt chặt quyền lực của mình đến vậy.
Tại thời điểm này, Moscow cho thấy sự quan ngại các cuộc biểu tình có thể lây lan gây bất ổn như cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập ở Trung Đông. Trong tình hình các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây sức ép rõ rệt cho nền kinh tế của Moscow.
Hồi tháng 9, chính quyền Putin đã đối mặt với một cuộc nổi dậy của người Hồi ở miền bắc Caucasus, thuộc Nga. Cách mạng màu hay còn gọi là cách mạng hoa là tên chỉ các phong trào chính trị ở các nước Trung và Đông Âu sau sự kiện Đông Âu và Liên Xô sụp đổ.
Huỳnh Mai
Theo Thanhnien
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn được thành lập
Sáng 12/11, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (VNASMA) được thành lập với nòng cốt là các cựu tướng lĩnh quân đội từng lăn lộn qua nhiều chiến trường.
Đây là tập hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giúp nạn nhân bị tai nạn hòa nhập cộng đồng, tái định cư khỏi vùng ô nhiễm.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát cùng nhiều cựu tướng lĩnh quân đội sẽ là thành phần nòng cốt của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Ảnh: Hoàng Phương.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch hội cho biết các nhiệm vụ chính của hội là tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn; các biện pháp phòng tránh tối đa hậu quả bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bởi bom mìn; tuyên truyền, thuyết phục các quốc gia, tổ chức quốc tế về nghĩa vụ, trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực. Mục tiêu là thành lập các chi hội trên toàn quốc để tiến hành chương trình khắc phục hậu quả bom mìn có hiệu quả sâu rộng, triệt để hơn.
Có mặt tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công cuộc này, từ việc mỗi năm dành hàng nghìn tỉ đồng đến phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Ông hy vọng sự ra đời của VNASMA là nhân tố giúp hoàn thành mục tiêu quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Vỏ đạn pháo bên trong một cơ sở thu mua phế liệu tại Quảng Trị. Ảnh:Hoàng Táo.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng, chiến tranh trôi qua gần 40 năm nhưng hàng ngày vẫn có người bị thương, tử vong vì bom mìn sót lại sau chiến tranh là điều không chấp nhận được. Với khả năng xử lý như hiện nay, phải mất 300 năm, Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bởi vậy, cố gắng của Đảng, Nhà nước cùng sự giúp đỡ của các tổ chức, quốc gia trên thế giới cũng chưa đủ, mà coi đây phải là sự nghiệp của toàn dân.
Mục tiêu tuyên truyền với quốc tế vô cùng quan trọng để họ thấy trách nhiệm của cả những quốc gia mang bom mìn tới Việt Nam và chế tạo ra bom mìn. "Không phải chúng ta đi xin hỗ trợ mà là yêu cầu họ phải có trách nhiệm cùng chúng ta khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh", ông nói.
Theo số liệu thống kê, số lượng đạn dược do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn. Trong đó, số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại ước tính 800.000 tấn.
Điều tra sơ bộ năm 2002 cho thấy có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm, tổng diện tích 6,6 triệu ha trên đất liền, chiếm trên 21% diện tích cả nước, chưa kể số bom mìn còn tồn sót trên các vùng biển. Tất cả các thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm, nặng nhất là khu vực miền Trung và một số tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng...Chỉ trong thời gian 25 năm sau chiến tranh, cả nước có 42.135 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại, trong đó có hơn 30.000 trẻ em vô tội.
Hoàng Phương
Theo VNE
Ông Hà Văn Thắm bị bắt vì không khắc phục hậu quả, có vi phạm mới "Quan điểm của Chính phủ là đối với các vi phạm thuộc về lĩnh vực kinh tế phải hết sức thận trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho những người vi phạm tự khắc phục và khi nào họ không tự khắc phục được thì mới có biện pháp ngăn chặn cần thiết", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định...