Tổng thống Philippines hứa không “cãi cọ” với Mỹ sau khi ông Trump đắc cử
Sau khi kết quả cuộc bầu cử Mỹ được công bố hôm qua 9/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gửi lời chúc mừng “muôn năm” tới tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng thời khẳng định ông không muốn “cãi cọ” với Washington nữa.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)
“Tôi muốn chúc mừng ông Donald Trump. Muôn năm”, Reuters dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trong cuộc gặp mặt cộng đồng người Philippines ở Malaysia hôm 9/11.
“Tôi không muốn tranh cãi với Mỹ nữa vì ông Trump đã đắc cử”, ông Duterte nói thêm.
Tổng thống Philippines từng được ví là “Donald Trump của phương Đông” vì những phát ngôn mạnh mẽ của ông có phần giống với tỷ phú New York. Ông Duterte cũng nhiều lần khiến dư luận “dậy sóng” vì đã buông lời thóa mạ người đồng cáp Mỹ Barack Obama cũng như các nhà lãnh đạo khác.
Ngay sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ, Tổng thống Duterte đã gửi lời “chúc mừng nồng ấm” tới ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa và khẳng định: “Philippines mong chờ được hợp tác với chính quyền mới của nước Mỹ để nâng cao mối quan hệ song phương, vốn được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, lợi ích và cam kết chung đối với lý tưởng dân chủ cũng như quy tắc pháp quyền”.
Trước đó, ông Duterte đã khiến quan hệ song phương Mỹ – Philippines rơi vào trạng thái căng thẳng khi tuyên bố có thể cắt đứt mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ, dọa đuổi binh lính Mỹ đang đồn trú ở Philippines về nước hay dừng các cuộc tập trận chung. Đây được cho là phản ứng của nhà lãnh đạo Philippines sau khi bị chính quyền Tổng tống Obama lên án vì chiến dịch chống ma túy đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Thành Đạt
Theo Tổng hợp
Video đang HOT
Giải mã chiến thắng bất ngờ của tỷ phú Donald Trump
Việc ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đánh bại đối thủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã làm đảo ngược mọi dự đoán từ cách đây hơn một năm khi tỷ phú New York bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình. Theo đó, giới phân tích đã chỉ ra 5 yếu tố giúp làm nên chiến thắng đầy bất ngờ này trong mùa bầu cử năm nay.
Ông Donald Trump (Ảnh: Getty)
Có thể nói, ông Donald Trump là một chiến binh chuyên thực hiện những cú lội ngược dòng ngoạn mục. Ngay từ đầu, ít ai nghĩ rằng tỷ phú bất động sản New York sẽ ra tranh cử tổng thống, rốt cuộc ông đã quyết định tuyên bố tranh cử. Sau đó, chẳng mấy người cho rằng ông có thể ghi điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến, cuối cùng ông vẫn giành thêm điểm. Tiếp theo đó, nhiều ý kiến cho rằng ông không thể thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhưng ông đã chứng minh rằng họ đã lầm. Họ cũng nói ông không thể được bầu làm ứng viên của đảng Cộng hòa, song thực tế là ông đã được đề cử. Cuối cùng, cũng không ít người dự đoán ông không có "cửa" để cạnh tranh, chứ đừng nói đến chiến thắng trong cuộc đua khốc liệt vào Nhà Trắng. Và bây giờ, ông đã là tổng thống đắc cử của nước Mỹ.
Theo cây bút Anthony Zurcher của BBC, có 5 yếu tố đã góp phần vào chiến thắng đầy bất ngờ của ông Donald Trump.
Làn sóng da trắng ủng hộ Donald Trump
Chiến thắng của ông Trump trước đối thủ Clinton được đánh giá là một kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay (Ảnh: Reuters)
Kết quả kiểm phiếu sau cuộc tổng tuyển cử hôm nay cho thấy ông Trump đã giành chiến thắng ngoạn mục ở các bang tranh chấp khốc liệt, lần lượt là Ohio, Florida và North Carolina. Việc cử tri của các bang quan trọng này đứng về phía ông Trump khiến bức tường lửa "màu xanh" mà bà Hillary Clinton tốn biết bao công sức xây dựng bị sụp đổ trong phút chốc.
Thành trì cuối cùng của đảng Dân chủ, cũng là nơi bà Clinton đặt nhiều hy vọng, nằm ở các bang thuộc khu vực Trung Tây của nước Mỹ. Đây là những bang có truyền thống bầu cho ứng viên đảng Dân chủ từ hàng chục năm nay, một phần dựa vào sự ủng hộ của các tầng lớp cử tri da màu và người lao động da trắng. Tuy nhiên, những người lao động da trắng, đặc biệt là những người đàn ông và phụ nữ không qua giáo dục đại học, đã đồng loạt quay lưng với đảng Dân chủ. Những cử tri ở các vùng nông thôn, đặc biệt là những người cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi và bị tụt hậu so với các tầng lớp tinh hoa trong xã hội, muốn nói lên tiếng nói của họ thông qua những lá phiếu. Và họ đã chọn đảng Cộng hòa vì muốn ông Trump giúp họ thực hiện những nguyện vọng đó.
Mặc dù đảng Dân chủ vẫn giành được sự ủng hộ ở các bang như Virginia và Colorado, nhưng sự chia rẽ lại nằm ở bang Wisconsin, và khi Wisconsin ngả về phía đảng Cộng hòa, nó đã làm tiêu tan hy vọng trở thành tổng thống của bà Clinton.
Một Donald Trump "thẳng như ruột ngựa"
Ông Trump vẫn được biết đến với những phát ngôn không thể thẳng thắn hơn. Ông từng nói những lời xúc phạm thượng nghị sĩ John McCain, cũng là một cựu binh Mỹ. Ông cũng không ngần ngại gây chiến với kênh truyền hình Fox News và người dẫn chương trình của kênh này là Megyn Kelly. Ông khiến dư luận "dậy sóng" khi chế giễu một cựu hoa hậu gốc Tây Ban Nha vì cân nặng của cô này. Tỷ phú New York cũng chỉ đưa ra lời xin lỗi nửa vời khi đoạn video gây sốc ghi lại những lời ông thản nhiên khoe khoang chuyện sàm sỡ phụ nữ bị rò rỉ. Ông lần lượt vượt qua ba cuộc tranh luận tổng thống với đối thủ Clinton bằng những màn thể hiện mờ nhạt.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó dường như không ảnh hưởng gì đến sự ủng hộ của cử tri dành cho ông Trump. Dù ông bị mất điểm trong các cuộc thăm dò dư luận sau những sự vụ trên nhưng cuối cùng ông vẫn vươn lên giành chiến thắng. Có lẽ tính cách thẳng thắn, bộc trực cũng như sự lôi cuốn khác lạ của Donald Trump đã trở thành thỏi nam châm hút các cử tri về phía ông. Có lẽ chính những điều đó đã trở thành tấm khiên chắn, giúp ông vượt qua mọi bê bối trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.
Ông Trump và bà Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp lần hai tại Đại học Washington hôm 9/10 (Ảnh: Reuters)
Người ngoại đạo
Donald Trump không chỉ chống lại đảng Dân chủ, ông còn phải chống lại những thế lực ở ngay trong đảng của mình. Tại các cuộc bầu cử sơ bộ, ông Trump không ngần ngại đương đầu với tất cả đối thủ cùng đảng như Marco Rubio, Ted Cruz, Chris Christie hay Ben Carson. Và ông đã đánh bại tất cả. Ngay cả những đối thủ nặng ký như Jeb Bush hay Thống đốc bang Ohio John Kasich cũng phải lùi bước trước nhà tài phiệt này.
Ngay cả với những thành viên có vai vế trong đảng Cộng hòa như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, những người vốn không ưa gì ông Trump, vị tỷ phú này cũng không cần đến sự giúp đỡ của họ. Có thể ông đã giành chiến thắng vì thái độ ngang tàng, bất cần như vậy.
Thái độ không ngại đương đầu của ông Trump là minh chứng cho sự độc lập trong con người doanh nhân gạo cội này. Nhưng cũng chính thái độ đó đã khiến ông trở nên đặc biệt, đi ra khỏi lề lối thông thường của nền chính trị Mỹ và trở thành kẻ ngoại đạo. Do vậy, đối với bộ phận cử tri đang cảm thấy bất mãn với hệ thống chính trị hiện tại, ông Trump lại là hình mẫu mà họ muốn hướng tới.
Nhân tố Comey
Hai tuần trước khi cuộc tổng tuyển cử chính thức diễn ra, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey bất ngờ tuyên bố xem xét lại các thư điện tử mới bị rò rỉ liên quan đến bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân của bà Clinton khi bà còn làm ngoại trưởng Mỹ. Đúng vào thời điểm đó, khoảng cách giữa ông Trump và bà Clinton trong các cuộc thăm dò dư luận bắt đầu thu hẹp lại. Tuy nhiên, thời điểm ông Trump bám sát bà Clinton nhất là trong 8 ngày kể từ khi ông Comey bắt đầu thông báo mở lại cuộc điều tra cho đến khi ông tuyên bố FBI sẽ ngừng điều tra cựu ngoại trưởng.
Tranh thủ thời điểm hiếm có này, ông Trump đã củng cố chiến dịch tranh cử của mình, lôi kéo những nhân vật thủ cựu lâu năm về phe mình và đập tan hy vọng về một cái kết "có hậu" cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Tỷ phú New York đã tận dụng cơ hội này để ghi thêm điểm cho mình vào thời điểm cuộc bầu cử đang bước vào giai đoạn nước rút.
Tin vào bản năng
Ông Donald Trump đã xây dựng một chiến dịch tranh cử được cho là kỳ lạ nhất từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, nhưng rốt cục, ông đã cho tất cả thấy rằng ông mới là người thành thạo về vận động tranh cử hơn bất kỳ chuyên gia nào khác.
Ông Trump đã rút hầu bao mạnh tay để in mũ, có khẩu hiệu tranh cử của ông, hơn là đổ tiền cho các cuộc thăm dò dư luận. Ông đến vận động tranh cử ở các bang như Wisconsin và Michigan, nơi mọi người thường nói ông không có khả năng giành chiến thắng. Ông tổ chức các cuộc vận động tranh cử hoành tráng, thay vì đến từng nhà gõ cửa để kêu gọi người dân đi bầu.
Tất cả những chiến lược lạ lùng trên của ông Trump từng bị giới chuyên gia chế nhạo. Tuy nhiên, cuối cùng thì các quyết định của ông đã mang lại kết quả. Và ông đã trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng trong kỳ bầu cử năm nay.
Thành Đạt
Theo BBC
Chiến thắng của Donald Trump có thể làm đảo lộn trật tự thế giới Chiến thắng của ông Donald Trump có thể làm đảo lộn trật tự quốc tế tồn tại trong nhiều năm qua, đồng thời khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về vị thế tương lai của Mỹ trên trường quốc tế. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, cử tri Mỹ lựa...