Tổng thống Peru ủng hộ điều tra những trường hợp thiệt mạng do biểu tình
Tổng thống Peru Dina Boluarte ngày 29/12 cho biết sẽ cung cấp mọi nguồn lực cần thiết cho các công tố viên để họ có thể điều tra về hơn 20 trường hợp thiệt mạng trong các cuộc biểu tình gần đây ở nước này.
Cảnh sát gác tại Quảng trường San Martin ở Lima, Peru, ngày 14/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu của chính phủ, 22 người đã thiệt mạng do đụng độ trong các cuộc biểu tình và 6 người đã thiệt mạng vì tai nạn giao thông liên quan việc người biểu tình chặn đường phố.
Phát biểu tại họp báo, Tổng thống Boluarte nêu rõ: “Chúng tôi sẽ cung cấp mọi nguồn lực có thể để văn phòng công tố điều tra vụ việc”. Bà cho biết thêm cảnh sát và quân đội đã được triển khai để bảo vệ tính mạng người dân tại Peru.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội nghiêm trọng sau khi Tổng thống tiền nhiệm Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh của Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao cũng như các nghị sĩ quốc hội Peru coi đây là hành động “đảo chính”. Quốc hội Peru đã bỏ phiếu phế truất ông Castillo và Phó Tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.
Chính phủ lâm thời của bà Boluarte đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối leo thang từ cuối tuần qua. Những người biểu tình đụng độ cảnh sát, kêu gọi đình công toàn quốc, triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, đòi Tổng thống Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới.
Ngày 29/12, phòng kháng cáo của Tòa án Tối cao Peru đã giữ nguyên quyết định của tòa tạm giam ông Castillo 18 tháng, đến tháng 6/2024. Theo công tố viên Alcides Diaz, ông Castillo bị cáo buộc âm mưu nổi loạn và có thể lĩnh án tù tới 10 năm nếu bị kết tội.
Quốc hội Peru kêu gọi Tổng thống Pedro Castillo từ chức
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 8/4, Quốc hội Peru đã thông qua một đề xuất không mang tính bắt buộc về việc kêu gọi Tổng thống Pedro Castillo tự nguyện từ chức trong bối cảnh tình hình xã hội quốc gia Nam Mỹ này đang diễn biến căng thẳng với sự bùng nổ của các cuộc biểu tình phản đối tình trạng giá cả tiêu dùng tăng cao.
Tổng thống Peru Pedro Castillo rời khỏi tòa nhà Quốc hội ở Lima, sau khi vượt qua phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm của cơ quan lập pháp, ngày 28/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau cuộc thảo luận kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, hội nghị toàn thể cơ quan lập pháp Peru đã chấp thuận đề xuất của nghị sĩ đối lập Rosselli Amuruz với 61 phiếu ủng hộ, 43 phiếu chống và 1 phiếu trắng.
Nghị quyết này được thông qua chỉ 10 ngày sau khi phe đối lập đã thất bại trong kế hoạch phế truất Tổng thống Castillo thông qua một phiên tòa chính trị khi chỉ nhận được 55 phiếu ủng hộ trên tổng số 87 phiếu cần thiết để đạt được mục tiêu.
Đầu tuần qua, các cuộc biểu tình đã liên tiếp nổ ra ở Lima, Ica và một số khu vực khác để phản đối việc giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Đây cũng là làn sóng biểu tình xã hội đầu tiên mà ông Castillo phải đối mặt kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 8/2021. Đề đối phó với tình hình căng thẳng trên, Tổng thống Castillo đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật ở Lima và khu vực cảng Callao, cũng như tình trạng khẩn cấp trên Mạng lưới đường bộ quốc gia, theo đó quân đội Peru sẽ được triển khai để giải tán những cuộc biểu tình.
Trong tuần qua, Chính phủ Peru đã ban hành quy định miễn thuế tiêu dùng đối với dầu diesel cũng như các loại xăng RON 84 và RON 90 nhằm giảm thiểu tác động của việc giá nhiên liệu tăng cao.
Peru dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại thủ đô Lima Ngày 5/4, Tổng thống Peru Pedro Castillo thông báo dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại thủ đô Lima, vốn được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo động. Cảnh sát được triển khai để giải tán đám đông biểu tình tại Lima, Peru ngày 4/4/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Phát biểu cùng Chủ tịch Quốc hội Peru Maria...