Tổng thống Obama có thể đóng cửa nhà tù Guantanamo?
Chính quyền Obama vừa tuyên bố sẽ trả tự do cho một nghi phạm nữa tại nhà tù vịnh Guantanamo, Cuba, bất chấp lời kêu gọi ngưng việc chuyển tù nhân vĩnh viễn của đảng Cộng hoà vì lo ngại an ninh quốc gia, The Guardian dẫn nguồn thông tin từ lầu Năm Góc cho biết.
Nghi phạm Muhammad al-Zahrani là người mới nhất được chuyển ra khỏi nhà tù khét tiếngGuantanamo của Mỹ – Ảnh: AFP
Muhammad al-Zahrani, người đã ngồi tù 12 năm, được thông báo trao trả về Ả Rập Saudi cho chương trình phục hồi chức năng của nước này vào ngày 22.11. Zahrani là người thứ bảy được chuyển đi khỏi nhà tù tai tiếng Guantanamo trong vòng hai tuần trở lại đây, và là người thứ 13 được chuyển đi trong năm 2014.
6 nghi phạm khác đã được chuyển ra khỏi nhà tù Guantanamo trong vòng 3 tuần qua. 3 trong 6 nghi phạm được chuyển đến Georgia, 2 người đến Slovakia và người còn lại được chuyển đến Kuwait. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vẫn còn 142 nghi phạm đang ở nhà tù này.
“Hành động của chính quyền Obama đang làm là nguy hiểm, nếu không muốn nói là quá liều lĩnh”, ông Buck McKeon, nguyên Chủ tịch Ủy ban Vũ trang của Hạ viện nói về việc này.
“Đã rất nhiều lần họ đặt vấn đề đảng phái chính trị lên trên an ninh quốc gia, nhưng đây là lúc phải chấm dứt và làm việc đúng đắn nhất cho nước Mỹ. Chừng nào chúng ta còn chưa thể đảm bảo bọn khủng bố sẽ ngưng các hành động của mình, thì chúng phải ở sau song sắt”, ông nói thêm.
Những nhà hoạt động xã hội về nhân quyền Mỹ biểu tình đòi đóng cửa nhà tù Guantanamo gần Nhà Trắng vào tháng 1.2013 – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Tân thượng nghị sĩ Kelly Ayotte đã kiến nghị chấm dứt việc chuyển giao tù nhân ở Guantanamo, sau khi một bài báo trên Fox New đưa tin một cựu tù nhân ở nhà tù này đang tham gia chiến đấu tại Irag và Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã trả lời trong cuộc điều trần gần đây rằng các nghi phạm Guantanamo đã “quay lại với cuộc chiến”, kể cả gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, nhiều người Mỹ, đặc biệt là những nhà hoạt động xã hội và trung tâm nhân quyền ủng hộ hành động của ông Obama.Trung tâm Nhân quyền nói sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố thuyên chuyển Zahrani: “Tổng thống Mỹ nên tận dụng đà này và đừng chần chừ việc thuyên chuyển các nghi phạm còn lại, những người vẫn chưa được xét xử là có tội ở đây”.
Trong khi đó, các đợt chuyển tù nhân của ông Obama vẫn diễn ra một cách kiên định như một sự thách thức dành cho đảng Cộng hoà vốn phản đối hành động này, tương tự như việc ông đơn phương công bố chính sách nhập cư mới của mình vào hôm thứ Sáu 21.11.
Nhà tù Guantanamo bị xem là “điểm đen nhân quyền” của nước Mỹ – Ảnh: Reuters
Nhà tù Guantanamo được lập ra dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và chuyên giam giữ những phần tử mà Mỹ liệt vào danh sách khủng bố hoặc có liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và Taliban sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001.
Tuy nhiên, nhà tù này bị dư luận thế giới lên án là một “điểm đen nhân quyền” vì đã giam giữ các nghi can khủng bố trong nhiều năm mà không đưa ra xét xử.
Cộng đồng quốc tế, từ LHQ, các đồng minh của Mỹ trong Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Ân xá thế giới, Tổ chức Quan sát nhân quyền, lãnh đạo nhiều nước – đặc biệt là từ các nước Arab quê hương của phần đông nghi phạm… đã nhiều lần kêu gọi Mỹ phải xét xử hoặc phải trả tự do tất cả nghi phạm.
Người biểu tình trước cửa đại sứ quán Mỹ tại Sanaa đòi trả tự do cho nghi phạm Yemenisvào tháng 4.2013 – Ảnh: Reuters
Guantanamo cũng gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ. Truyền thông Mỹ từng lên án và gọi nó “tệ hơn một nỗi xấu hổ” của nước này. Tổng thống Obama đã gọi nhà tù này là “một chương đau buồn của lịch sử Mỹ” trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008 của mình và tuyên bố sẽ đóng cửa nó trong thời gian 1 năm.
Song, thực tế cho thấy Washington vẫn chưa đóng cửa được nhà tù Guantanamo trong suốt những năm qua. Nguyên nhân phần lớn do sự cản trở đến từ Quốc hội và luật pháp. Một trong những khó khăn lớn còn là việc tìm kiếm các quốc gia chấp nhận chuyển giao nghi phạm và lệnh cấm của Quốc hội Mỹ về việc giam giữ, xét xử các nghi phạm trên đất Mỹ
Huỳnh Mai – Thu Thảo
Theo Thanhnien
Mỹ muốn Anh xây dựng nhà tù Guantanamo thứ 2
Chính phủ Anh từng thảo luận một đề nghị của Mỹ nhằm cho phép sử dụng đảo một hòn đảo của Anh ở Ấn Độ Dương để xây dựng một nhà tù giống Guantanamo nhằm phục vụ việc giam giữ tới 500 nghi phạm khủng bố.
Đảo Diego Garcia, lãnh thổ của Anh ở Ấn Độ Dương.
Tờ Telegraph của Anh đưa tin, chính phủ của Thủ tướng Tony Blair đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng xây dựng nhà tù bí mật trên đảo Diego Garcia - tương tự nhà tù khét tiếng của Mỹ ở Vịnh Guantanamo - với lý do kế hoạch này không thực tế. Tuy nhiên, các tài liệu cho thấy Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) có thể vẫn sử dụng hòn đảo để đưa các nghi phạm khủng bố tới các nhà tù "điểm đen" bí mật khắp thế giới.
Các thông tin mới về tham vọng của Mỹ nhằm sử dụng Diego Garcia trong các hoạt động chống khủng bố của nước này được tiết lộ trong bối cảnh Anh đối mặt với những nghi vấn mới về sự ủng hộ cho các chương trình gây tranh cãi của CIA sau sự kiện 11/9.
Bộ ngoại giao Anh giờ đây đang chịu sức ép ngày càng gia tăng nhằm công khai về việc liệu London có làm ngơ trước việc sử dụng đảo Diego Garcia cho các chuyến bay tình báo và thậm chí thẩm vấn các nghi phạm khủng bố trên đảo hay không.
Các tiết lộ về những địa điểm được đề xuất cho các nhà tù bí mật sẽ gia tăng áp lực lên chính phủ Mỹ và Anh, giữa lúc thượng viện Mỹ chuẩn bị một báo cáo về các chương trình tình báo và tra tấn thời chính quyền Bush, được gọi là "cuộc chiến chống khủng bố".
Báo cáo được cho là sẽ cung cấp bằng chứng cho thấy Anh "đồng lõa" trong các chương trình tình báo của Mỹ, và một nhà tù bí mật đã được thiết lập trên đảo Diego Garcia với sự vận hành đầy đủ của chính phủ Anh.
Đặc biệt, báo cáo nhiều khả năng cũng cho thấy đảo Diego Garcia là một địa điểm then chốt trong chương trình tình báo của Mỹ.
Anh từ lâu đã bị cáo buộc thông đồng trong các chương trình chống khủng bố của Mỹ.
Các bộ trưởng trong chính phủ Anh đã liên tục chịu sức ép nhằm công khai sự thật đằng sau sự tham gia của Anh trong các sáng kiến chống khủng bố của Mỹ, và đã bị cáo buộc là lừa dối quốc hội liên quan tới các hoạt động tình báo.
Hồi tháng trước, chính phủ Anh khẳng định rằng các tài liệu liên quan tới sự tham gia của Anh trong các hoạt động tình báo đã bị hư hỏng hoàn toàn do các vụ rì rỉ nước, trong đó có các thông tin liên quan tới các chuyến bay cất cánh và hạ cánh xuống đảo Diego Garcia.
Sau các thông tin nói rằng các tài liệu bị hư hỏng tới nỗi không thể đọc được, các nhóm nhân quyền đã cáo buộc đó là một hành động "che giấu" sự thật.
An Bình
Theo Dantri/Telegraph, RT