Tổng thống Obama: ‘Chúng ta sắp tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo’
Người dân Mỹ cảm giác bất an chưa từng thấy từ sau vụ 11-9-2001.
Bốn ngày sau vụ xả súng ở bang California (14 người chết) và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo lên tiếng ủng hộ vụ xả súng, Tổng thống Obama đã phát biểu trước toàn dân từ Phòng Bầu dục vào lúc 20 giờ ngày 6-12 (giờ địa phương).
Bài phát biểu có tầm quan trọng đặc biệt vì đây là lần thứ ba ông phát biểu từ Phòng Bầu dục (hai lần trước là lúc xảy ra thủy triều đen trên vịnh Mexico và Mỹ kết thúc chiến dịch quân sự ở Iraq).
Bài diễn văn của ông thể hiện các mục đích như sau:
Nắm lại quyền kiểm soát: Tổng thống Obama muốn chứng minh quyết tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo với thái độ kiên quyết hiếm thấy trước nay. Trước nay chỉ có các ứng viên tranh cử tổng thống năm 2016 là những người mạnh mẽ hô hào tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo.
Bài phát biểu của ông Obama nhằm nắm lại quyền kiểm soát về ngôn từ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Lý do: Theo thăm dò của đài truyền hình CBC cuối tháng 11, chỉ 23% người Mỹ được hỏi đánh giá ông Obama có kế hoạch chống Nhà nước Hồi giáo rõ ràng.
Tình hình Mỹ đã bất an: Vụ xả súng ở bang California hôm 2-12 xảy ra hơn hai tuần sau vụ khủng bố ở Pháp, do đó dẫn đến tâm trạng bất an chưa từng thấy từ sau sự kiện nước Mỹ bị khủng bố ngày 11-9-2001.
Ông Obama thừa nhận: “Đe dọa khủng bố trong những năm qua đã bước vào giai đoạn mới. Bọn khủng bố chuyển sang các hành vi bạo lực ít phức tạp hơn như xả súng giết người hàng loạt”.
Ông muốn làm rõ điều gì thúc đẩy hung thủ Syed Farook sống hòa nhập tốt với xã hội, chí thú với công ăn việc làm lại cùng với người vợ trẻ (hung thủ Tashfeen Malik) đi theo con đường cực đoan và xả súng ở bang California.
Video đang HOT
Tổng thống Obama phát biểu trước toàn dân từ Phòng Bầu dục tối 6-12 (giờ địa phương). Ảnh: REUTERS
Săn lùng bọn khủng bố: Vụ xả súng ở bang California là vụ tấn công đầu tiên ở Mỹ có yếu tố Nhà nước Hồi giáo và gây chết nhiều người sau sự kiện ngày 11-9-2001, do đó dư luận rất bất an.
Ông Obama muốn khẳng định Mỹ sẵn sàng tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, quân đội Mỹ tiếp tục săn lùng khủng bố trên khắp thế giới, đặc biệt ở Syria và Iraq. Ông mong muốn khắc phục thách thức chính hiện nay: Đó là chia sẻ thông tin tình báo nhanh hơn và thực chất hơn giữa các nước tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo để ngăn chặn âm mưu khủng bố.
Giải quyết khủng hoảng Syria bằng chính trị: Tổng thống Obama cảnh báo từ nay thông tin tình báo Mỹ không chú trọng nhận diện bọn giết người hàng loạt mà sẽ làm cho chúng hoạt động khó khăn hơn bằng cách kiểm soát súng chặt chẽ hơn.
Ông kêu gọi cần đạt đến mục tiêu chính trị cho xung đột Syria bằng cách thực hiện chương trình tám điểm đã thông qua ở hội nghị Vienna về thiết lập ngừng bắn và thời kỳ quá độ ở Syria.
Củng cố giám sát điện tử: Một số người cho rằng do khâu kiểm tra di dân không chặt chẽ nên Tashfeen Malik mới nhập cảnh theo hôn phu rồi cùng chồng gây ra vụ xả súng ở California. Do đó, ông Obama trấn an từ nay sẽ siết chặt các chế độ nhập cảnh vào Mỹ không visa, công dân đến từ Syria và Iraq bắt buộc phải xin visa.
Giám sát điện tử sẽ được củng cố vì bọn khủng bố ngày càng sử dụng công nghệ cao và mạng xã hội. Ông Obama đề nghị các cơ quan tình báo và các chủ trang web hợp tác chặt chẽ hơn để truy tìm dấu hiệu cực đoan.
Không đưa bộ binh sang Syria: Về quân sự, ông Obama lặp lại nước Mỹ sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến trên bộ lâu dài và tốn kém ở Syria và Iraq. Do đó, không có vấn đề điều động bộ binh hàng loạt sang Syria và Iraq. Ông nói đó là điều bọn Nhà nước Hồi giáo mong muốn và chúng sẽ viện cớ đó để tuyển thêm quân. Ông nhấn mạnh liên minh 65 nước ném bom Nhà nước Hồi giáo từ hơn một năm nay là đủ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo.
Ông kêu gọi người dân Mỹ gạt bỏ tư tưởng phân biệt đối xử, nghi kỵ, hằn thù đối với các tín đồ Hồi giáo bởi Nhà nước Hồi giáo không đại diện cho Hồi giáo. Ông kêu gọi cộng đồng Hồi giáo làm hết sức mình, lên án mọi hành vi bạo lực và rao giảng đạo Hồi với các quyền và nhân phẩm con người.
- Báo Libération (Pháp) bình luận mặc dù thừa nhận bọn Nhà nước Hồi giáo chuyển sang giai đoạn mới nhưng Tổng thống Obama không thông báo chiến lược mới hay hành động gì mới trong bài phát biểu. Đảng Cộng hòa ở Mỹ chỉ trích bài phát biểu thiếu các yếu tố chiến lược. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nhận xét: “Kẻ thù biết thích ứng thì chúng ta cũng phải làm như thế chứ. Vậy mà chuyện tôi nghe tối nay đã làm tôi thất vọng: Không có kế hoạch mới, chỉ là một mưu toan ít thuyết phục nhằm bảo vệ một chính sách sẽ dẫn đến thất bại”. – Báo al-Akhbar (Lebanon) đưa tin Mỹ đang cải tạo sân bay bỏ hoang từ năm 2010 ở Al-Hasakah (đông bắc Syria) thành căn cứ không quân. Tại đây có một trong những căn cứ quan trọng của lực lượng người Kurd. Các chuyên gia Mỹ đã đến sân bay nêu trên cách đây 50 ngày. Họ dự tính xây dựng đường băng dài 2.500 m, rộng 250 m dành cho máy bay tiêm kích. Đến nay Mỹ chưa được phép của Syria xây dựng ở đây. Ngày 6-12, trả lời báo Ý Corriere della Sera, Thủ tướng Ý Matteo Renzi tuyên bố Ý không có ý định tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu. Ông nhận xét chiến dịch không kích hiện nay chỉ làm cho tình hình khu vực thêm rối loạn. Phe đối lập hối thúc ông noi gương Pháp, Anh, Đức không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Ông Matteo Renzi nhắc lại kinh nghiệm tham chiến ở Libya năm 2011. Cuối cùng đến nay nội chiến tiếp tục kéo dài bốn năm qua ở Libya, vậy nên ông cho rằng Ý phải cần một chiến lược khác. ____________________________________ Nhà nước Hồi giáo là một căn bệnh ung thư không thể chữa trị ngay được… Đe dọa khủng bố là có thật nhưng chúng ta sẽ phải chiến thắng khủng bố. Chúng ta sẽ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo và mọi tổ chức khác đang tìm cách làm hại chúng ta. Tổng thống BARACK OBAMA Trước một đất nước chưa bao giờ cảm thấy dễ tổn thương nhất đối với khủng bố kể từ vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ, Tổng thống Obama cần phải trấn an người dân. Báo LE TEMP (Bỉ)
HOÀNG DUY
Theo PLO
Vì sao Nga - phương Tây khó bắt tay?
Chính sách ngoại giao là đặt ra ưu tiên giữa các lợi ích quốc gia cạnh tranh nhau. Từ góc nhìn này, rõ ràng những gì các chính phủ phương Tây cần làm hiện nay là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhiệm vụ cấp thiết này khiến họ phải tính chuyện bắt tay với người Nga.
Theo nhà báo Jonathan Eyal của báo Straits Times, đó chính là những gì Tổng thống Pháp Francois Hollande theo đuổi. Ngay sau loạt vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11, ông kêu gọi thành lập một "liên minh lớn" chống khủng bố. Đây dường như cũng là điều Tổng thống Nga mong muốn. Trong những bài phát biểu gần đây, Putin kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu "giống liên minh chống Hitler" thời Thế chiến II, để chống lại "những kẻ, cũng như phát xít Đức, gieo rắc tai ương và thù hận".
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/11/2015. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Dù có lập trường tương tự về chống khủng bố quốc tế nhưng cách tiếp cận của Nga với vấn đề này rất khác biệt so với phương Tây. Lịch sử sự hợp tác Nga - phương Tây cũng là một trong những trở ngại lớn nhất.
Ít có khả năng Nga và phương Tây sẽ giảng hòa, cho dù thực tế hai bên có thể có những lợi ích chung ở Trung Đông.
Có thể nói, ở một mức độ nào đó, căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây - tăng vọt vào năm ngoái khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm từ Ukraina - đến nay đã được kiềm chế. Khi dự hội nghị G20 ở Brisbane (Australia) năm 2014, Putin đã bị lãnh đạo nhiều nước tẩy chay. Nhưng tại hội nghị G20 năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ, mọi người đều muốn nghe ông nói. Nhiều cuộc gặp đã diễn ra bên lề, bàn về các vấn đề thế giới và Putin thực sự đã thoát khỏi sự ghẻ lạnh.
Tuy nhiên, chỉ một tuần sau cuộc gặp giữa Putin và Obama, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nhanh chóng vì sự kiện chiến đấu cơ của Ankara bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Moscow ở biên giới Syria. Các cuộc đối thoại về một cách tiếp cận chung giữa Nga và phương Tây đối với cuộc chiến chống IS cũng thất bại.
Tổng thống Pháp Hollande hối hả đi lại giữa Washington và Moscow để thuyết phục thành lập một liên minh thống nhất chống IS đã phải thừa nhận rằng nỗ lực của ông không đạt kết quả.
Một trong những trở ngại là Nga và phương Tây có nghị trình khác biệt ở Trung Đông. Mỹ và các đồng minh châu Âu chi phối khu vực; hầu hết các chế độ trong khu vực hoặc theo phương Tây hoặc tìm kiếm tư vấn và giúp đỡ từ phương Tây. Do vậy, đánh bại IS và các nhóm khủng bố khác là một mục tiêu tức thì. Mục tiêu lâu dài hơn là trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực - như một nơi ổn định và tiếp tục cung cấp dầu khí cho cả thế giới.
Trong khi đó, mục tiêu của Nga là giành lại vị thế chủ thể khu vực ở Trung Đông mà Liên Xô để mất từ những năm 1970. Tất nhiên, Moscow rất muốn chứng kiến IS bị tiêu diệt, bởi tổ chức khủng bố này đã giết rất nhiều người Nga khi cài bom làm nổ tung máy bay chở 224 khách trên bầu trời Ai Cập đầu tháng 11. Nhưng với Moscow, tiêu diệt IS chỉ là một bước tiến tới sự hiện diện chiến lược rộng hơn ở Trung Đông. Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nhà lãnh đạo Ảrập duy nhất mà Nga coi là đồng minh, và ưu tiên đầu tiên của Moscow là bảo vệ ông này.
Những cuộc hội đàm kín nhằm giải quyết những khác biệt kể trên đang tiếp tục ở thủ đô Vienna của Áo. Và trong tuần này, Ảrập Xêút có thể sẽ triệu tập một hội nghị giữa các nhóm nổi dậy ở Syria để thu hẹp bất đồng giữa Nga và phương Tây.
Tuy nhiên, để hai bên đạt đồng thuận là không dễ dàng. Nhiều nước phương Tây lo ngại họ không chỉ phải chấp nhận để Syria trong tầm ảnh hưởng của Nga mà còn phải đồng ý xóa bỏ cấm vận đối với Moscow liên quan đến khủng hoảng Ukraina, và buộc phải để Ukraina tiếp tục bị chia rẽ.
Kiểu "thỏa thuận gói" này - ràng buộc một thỏa thuận về Syria với thỏa thuận về Ukraina - chính là những gì ông Putin mong muốn khi nhắc đến khoảng thời gian hợp tác Đông - Tây trong Thế chiến II; cuộc chiến kết thúc bằng một sự phân chia tầm ảnh hưởng mà ông Putin muốn khôi phục.
Trong trường hợp Nga vẫn hợp tác về Syria mà vẫn chấp nhận chịu cấm vận của châu Âu thì rất khó có thể thấy Moscow làm được gì ở Trung Đông. Cũng như phương Tây, Nga không muốn đưa quân đến thực địa để chống khủng bố. Họ chỉ oanh tạc IS từ trên cao, không khác gì cách phương Tây đang làm.
Rất có thể người Nga buộc phải "hy sinh" tương lai của ông Assad và thay thế ông bằng một chính phủ "thống nhất quốc gia". Nhưng họ khó mà đảm bảo chính phủ đó tồn tại, cũng không thể đảm bảo tất cả các phe nhóm ở Syria đồng ý buông vũ khí.
Chắc chắn, các chính phủ phương Tây sẽ tiếp tục tìm cách đạt được thỏa hiệp với Moscow, vì Nga có một vai trò không thể phủ nhận trong bất kỳ một giải pháp nào. Sự hợp tác với Nga cũng cần thiết để tránh va chạm tình cờ, chẳng hạn vụ Su-24, vốn có thể dẫn đến những hậu quả không ngờ. Nhưng để người Nga đồng ý hợp tác thì cái giá mà Moscow đặt ra không hề nhỏ.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Sai lầm khiến Mỹ càng đánh IS càng mạnh (kỳ 1) Mỹ đang hiểu sai bản chất của IS, đánh giá quá thấp sự nguy hiểm và khác biệt của tổ chức khủng bố này so với mạng lưới al Qaeda. Tổng thống Mỹ từng tuyên bố IS "đơn giản chỉ là một tổ chức khủng bố". Nhưng sự phát triển của IS theo nhiều chiều kích, bất chấp bị liên quân do Mỹ...