Tổng thống Nigeria cảnh báo sẽ can thiệp quân sự vào Mali
Việc can thiệp quân sự sẽ là một lựa chọn nếu các nỗ lực đàm phán thất bại.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan cho biết quân đội châu Phi chắc chắn sẽ can thiệp vào khu vực miền Bắc Mali vốn đang bị phiến quân hồi giáo chiếm đóng, nếu các cuộc đàm phán với các phiến quân tại đây không thể tìm ra một giải pháp.
Tổng thống Senegal Macky Sall (trái) đón người đồng cấp Nigeria ông Goodluck Jonathan tại Dakar hôm 22/8 (Ảnh: AFP)
Phát biểu khi đang ở thăm Senegal, Tổng thống Jonathan nhấn mạnh: giải pháp ngoại giao hay đàm phán sẽ là giải pháp đầu tiên, can thiệp quân sự chỉ là giải pháp đặc biệt.
Theo ông Jonathan, trước mắt, Cộng đồng các quốc gia Tây Phi cần ổn định tình hình tại Mali. Thông qua đàm phán, cộng đồng các quốc gia Tây Phi có thể giải quyết được khủng hoảng tại nước này.
Ông cũng nhấn mạnh, sẽ không cần thiết phải can thiệp vào tình hình Mali song nếu đàm phán không hiệu quả, can thiệp quân sự sẽ là một lựa chọn. Tuy nhiên, trong trường hợp phải sử dụng biện pháp quân sự, tổ chức này cũng sẽ cần nhận được sự cho phép của Liên Hợp Quốc mới hành động.
Trước đó, dưới sức ép của Cộng đồng các quốc gia Tây Phi, tối 20/8, Mali đã công bố chính phủ đoàn kết dân tộc. Mali lâm vào cuộc khủng hoảng kể từ khi một số binh sĩ do Đại úy Amadou Sanogo cầm đầu lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure hồi tháng 3 vừa rồi.
Sau cuộc đảo chính, lực lượng ly khai và các nhóm Hồi giáo tăng cường hoạt động và kiểm soát 2/3 vùng sa mạc phía Bắc nước này./.
Theo VOV
Cảnh báo về tình trạng sử dụng lính trẻ em tại Mali
Trong buổi họp báo ngày 17/8 tại Geneva, Thụy Sĩ, phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cảnh báo tình trạng sử dụng trẻ em vào các mục đích quân sự tại Mali
Các tay súng Hồi giáo Mali phá hủy một ngôi đền cổ tại Timbuktu ngày 1/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
UNICEF đồng thời yêu cầu các bên trong cuộc xung đột, những người có trách nhiệm và các thành viên trong cộng đồng tại Mali bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị ép buộc cầm súng.Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, UNESCO đã nhận được những thông tin từ các nguồn tin cậy cho biết các nhóm vũ trang tại Bắc Mali đang tuyển dụng và sử dụng ngày càng nhiều trẻ em vào các mục đích quân sự.
Số trẻ em đang bị lạm dụng vào các mục đích này ước tính lên tới hàng trăm em và đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của UNESCO, tháng Bảy vừa qua, đã có ít nhất 175 thiếu niên nam từ 12 tới 18 tuổi được tuyển dụng vào các nhóm vũ trang tại phía Bắc Mali.
UNICEF cho rằng việc trẻ em tham gia tích cực vào các cuộc chiến như một chiến binh hay với vai trò hậu cần đều có thể bị tác động xấu tới sức khỏe và tâm lý về lâu dài.
Cơ quan bảo vệ quyền trẻ em này khẳng định việc tuyển dụng trẻ em dưới 18 tuổi vào các mục đích quân sự là vi phạm luật pháp quốc tế và bị coi là tội ác chiến tranh.
Trong trường hợp trẻ em bị tuyển dụng dưới 15 tuổi, sẽ được coi là tội ác chống lại loài người.
Cuộc xung đột vũ trang cùng với nạn hạn hán hoành hành tại Bắc Mali đã khiến hàng chục nghìn gia đình phải rời bỏ nhà cửa. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em luôn ở mức báo động và các trường học liên tục phải đóng cửa trong năm.
Tính tới giữa tháng 8/2012, UNICEF mới nhận được 28% trong số 58 triệu USD kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em tại Mali trong năm 2012./.
Theo TTXVN
Tổng thống Mali yêu cầu lập CP đoàn kết dân tộc Ngày 12/8, Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traore đã tái bổ nhiệm ông Cheick Modibo Dierra giữ chức Thủ tướng, đồng thời yêu cầu ông Dierra phải thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới trong vòng 72 giờ tới. Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traore. (Nguồn: AFP/TTXVN). Trước đó, sáng 12/8, Hội đồng Hồi giáo tối cao Mali...