Tổng thống Nga Putin xác định mục tiêu quân sự năm 2023 và đánh giá xung đột ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm có cuộc họp với các quan chức quốc phòng cấp cao để xác định những mục tiêu quân sự cho năm 2023 và đánh giá chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp ở Moskva ngày 6/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin AFP, dẫn thông báo của Điện Kremlin hôm 20/12 cho biết ông Putin sẽ có cuộc họp mở rộng với Ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 21/12 để tổng kết các nhiệm vụ của Lực lượng Vũ trang Nga trong năm 2022 và xác định nhiệm vụ cho năm tiếp theo.
Cùng ngày, trong một tin nhắn video gửi tới các cơ quan an ninh của Nga, người đứng đầu Điện Kremlin thừa nhận rằng tình hình ở Ukraine là “cực kỳ phức tạp”.
Theo tờ Financial Times, thừa nhận này nằm trong nỗ lực nhằm chuẩn bị cho người dân Nga đối mặt với một cuộc chiến trường kỳ khi mà cuộc xung đột ở Ukraine đã gần đến mốc 10 tháng, nhưng những khó khăn mà Nga phải đối mặt ở 4 vùng thuộc Ukraine mà nước này đã sáp nhập là không nhỏ.
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, với lý do Kiev không sẵn sàng thực hiện Thoả thuận Hoà bình Minsk.
Video đang HOT
Ngày 5/10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật hoàn tất quá trình chính thức sáp nhập bốn vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) vào lãnh thổ Nga.
Trước đó vào ngày 3/10/2012, Duma Quốc gia ( Hạ viện Nga) cũng đã thông qua luật về sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine nêu trên và hôm sau, Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) phê duyệt luật này.
Những động thái này được tiến hành sau các cuộc trưng cầu ý dân tại bốn vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine được tổ chức hồi tháng 9/2022. Nga cho biết đa số cư dân ở bốn vùng này đã ủng hộ việc sáp nhập.
Về phần mình, Kiev gọi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đó là “giả mạo” và cam kết tiếp tục đối phó với Moskva để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.
Thực tế chiến trường cho thấy được hỗ trợ bởi nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến của phương Tây, Ukraine đã tiến hành phản công và lấy lại được một phần lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập trước đó. Trong số đó có thành phố Kherson, thủ phủ khu vực duy nhất mà Nga đã chiếm được trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine vốn được mở màn vào ngày 24/2/2022.
Trong một tin nhắn video phát đi hôm 20/12, ông Putin còn nói với các cơ quan an ninh của Nga rằng “những người sống ở đó, những công dân Nga, trông cậy vào sự bảo vệ của các bạn. Và nhiệm vụ của các bạn là đảm bảo an ninh, quyền và tự do của họ”.
Theo Financial Times, bình luận của ông Putin đánh dấu lần thứ hai trong tháng này người đứng đầu Điện Kremlin thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine – mà ban đầu ông nghĩ sẽ kết thúc trong vòng chưa đầy một tuần – sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài.
Trước đó, trong cuộc họp thường niên với Hội đồng Nhân quyền Nga vào hôm 7/12, ông Putin thừa nhận cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể biến thành một “tiến trình lâu dài”.
Anh sẽ viện trợ cho Ukraine hàng trăm nghìn quả đạn pháo vào năm 2023
Theo tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Rishi Sunak hôm 18/12, Vương quốc Anh sẽ cung cấp cho Ukraine hàng trăm nghìn quả đạn pháo vào năm 2023.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang ở thăm Kiev, ngày 19/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn TASS đưa tin giới chức Anh đã ký hợp đồng trị giá 304 triệu USD để đảm bảo cung cấp liên tục các loại đạn pháo cho Ukraine vào năm tới. Trong năm 2022, chính quyền Anh đã gửi hơn 100.000 quả đạn pháo cho Kiev.
"Chúng tôi cũng đã cung cấp hơn 100.000 đạn pháo kể từ tháng 2, việc chuyển giao liên quan trực tiếp đến các hoạt động giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ của Ukraine", tuyên bố nhấn mạnh.
Thông báo trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Riga của Lực lượng Viễn chinh Chung (JEF) được tổ chức vào ngày 19/12. Tại đây, Thủ tướng Anh sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo duy trì mức viện trợ cho Ukraine vào năm 2023. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh này theo hình thức trực tuyến. Các nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine.
JEF được thành lập vào năm 2014, bao gồm Đan Mạch, Iceland, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Estonia. Liên minh này thường tổ chức các cuộc tập trận chung định kỳ.
Hồi tháng 11, Thủ tướng Anh đã đến thăm Ukraine, và cam kết viện trợ thêm cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Ông Sunak nhấn mạnh Anh và các đồng minh châu Âu đã sát cánh cùng nhau trong phản ứng đối với cuộc xung đột ở Ukraine và nước này vẫn kiên định với tham vọng hòa bình ở châu Âu.
"Nhưng để đạt được hòa bình, chúng ta phải ngăn chặn hành vi khiêu khích và việc triển khai quân của chúng ta trên khắp khu vực là rất quan trọng để đảm bảo có thể đối phó với những mối đe dọa nghiêm trọng nhất", ông Sunak nói.
Anh là nước hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Quốc gia này cũng đã đào tạo hàng nghìn binh sĩ Ukraine, cung cấp hàng trăm quả rocket, hàng loạt hệ thống phòng không, phương tiện bọc thép và nhiều thiết bị quân sự khác cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng vào cuối tháng 2.
Tổng thống Ukraine tuyên bố bắt đầu cuộc 'tái chinh phục' Crimea Trong cuộc phỏng vấn ngày 18/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với đài truyền hình Pháp TF1 rằng người dân Ukraine đã sẵn sàng về mặt tâm lý để giành lại bán đảo Crimea từ Nga bằng vũ lực. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Quốc tế về An ninh Lương thực ở Kiev...