Tổng thống Nauru yêu cầu Trung Quốc xin lỗi
Tổng thống Nauru Baron Waqa mới đây tuyên bố sẽ yêu cầu Trung Quốc xin lỗi chính thức về vụ lùm xùm liên quan đến hành vi của đại diện nước này tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF).
Tuần này, Nauru chủ trì PIF với sự tham gia của 18 lãnh đạo các quốc gia ở Thái Bình Dương cùng với Mỹ và Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo vào ngày 5-9 (giờ địa phương), Tổng thống Waqa đã chỉ trích trưởng đoàn Trung Quốc Du Qiwen “tỏ thái độ xấc xược và có hành vi bắt nạt” khi đòi phát biểu trong lúc thủ tướng Tuvalu chuẩn bị phát biểu hôm 4-9.
“Ông ta tỏ ra rất xấc xược, gây ồn ào khiến cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo bị gián đoạn trong vài phút dù ông ta chỉ là một quan chức. Có lẽ bởi ông ta đến từ một nước lớn” – Tổng thống Waqa bức xúc nói.
Khi được hỏi về việc liệu có yêu cầu Trung Quốc xin lỗi chính thức về hành vi của đại diện nước họ hay không, ông Waqa tuyên bố sẽ “làm căng” hơn thế.
“Chúng tôi sẽ làm căng hơn thế. Tôi khẳng định với các bạn chúng tôi không chỉ yêu cầuTrung Quốc xin lỗi… Chúng tôi sẽ nêu vấn đề lên Liên Hiệp Quốc (LHQ)… Không những thế, tôi sẽ đề cập vấn đề này khi tham dự hội nghị LHQ cũng như tất cả hội nghị quốc tế khác… Chúng tôi không quan tâm họ là nước lớn, họ là đối tác của chúng tôi, họ không nên hành xử thiếu tôn trọng với chúng tôi” – Reuters ngày 6-9 dẫn lời ông Waqa cho biết.
Ảnh chụp Tổng thống Nauru Baron Waqa phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 20-9-2017. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Tổng thống Waqa giải thích rằng ông không cho phép đại diện Trung Quốc phát biểu vì muốn thực hiện nghi thức ngoại giao để các thủ tướng và bộ trưởng phát biểu trước khi đến lượt quan chức ngoại giao.
“Tôi phải hành động cứng rắn vì không ai có quyền đến đây và quyết định mọi việc thay chúng tôi…Họ (Trung Quốc) không phải là bạn của chúng tôi. Họ chỉ sử dụng chúng tôi để đạt được mục đích riêng của họ” – ông Waqa nhấn mạnh.
Nauru và Tuvalu là 2 trong số 6 quốc gia ở Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đây được xem nguồn cơn căng thẳng chính với Trung Quốc, quốc gia vốn xem Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ.
Thời báo Hoàn cầu (TrungQuốc) khẳng định vụ việc nói trên liên quan đến việc Nauru công nhận Đài Loan, đồng thời cảnh báo Đài Loan “đừng nghĩ rằng vẫn còn cơ hội cho &’chính sách’ của họ chỉ vì hành động của Nauru”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chính Nauru, một trong những đất nước nhỏ nhất thế giới với diện tích chỉ 21 km2 và dân số 11.000-12.000 người, mới phải xin lỗi.
Căng thẳng giữa Nauru và Trung Quốc nổ ra ngay từ trước khi hội nghị bắt đầu, khi giới chức hải quan Nauru không chịu đóng dấu hộ chiếu ngoại giao cho đoàn Trung Quốc.
PIF dự kiến kết thúc trong ngày 6-9 và Tuvalu sẽ là chủ nhà của hội nghị năm 2019. Tổng thống Waqa đã đề nghị xem xét thay đổi quy định cho phép các nước tham dự hội nghị với tư cách “đối tác đối thoại” (như Trung Quốc) phát biểu.
Cao Lực (Theo Reuters, Guardian)
Theo nld.com.vn
Tổng thống Nauru chỉ trích đại diện Trung Quốc
Tổng thống Nauru Baron Waqa hôm 4-9 lên án đại diện Trung Quốc vì đòi phát biểu trước tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF).
Theo Reuters, tại một cuộc họp báo tối 4-9 (giờ địa phương), ông Waqa chỉ trích đại diện Trung Quốc "tỏ thái độ xấc xược và có hành vi bắt nạt" khi đòi phát biểu trong lúc thủ tướng Tuvalu chuẩn bị phát biểu.
"Ông ta tỏ ra rất xấc xược, gây ồn ào khiến cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo bị gián đoạn trong vài phút dù ông ta chỉ là một quan chức. Có lẽ bởi ông ta đến từ một nước lớn" - nhà lãnh đạo Nauru tức giận nói.
Một đoạn video do tạp chí Islands Business đăng tải lên Facebook cho thấy đại diện của Trung Quốc yêu cầu được phát biểu tại cuộc họp.
Tổng thống Nauru Baron Waqa. Ảnh: EPA
Về vấn đề trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết tại thủ đô Bắc Kinh rằng Nauru, nước chủ nhà tổ chức diễn đàn, đã vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và các quy tắc của diễn đàn cũng như "diễn một trò hề khó coi".
Bà Hoa cho biết thêm ban đầu, Nauru từ chối đóng dấu thị thực vào hộ chiếu ngoại giao của các đại diện Trung Quốc, thay vào đó buộc họ phải dùng thị thực cá nhân. Nhưng sau đó, lãnh đạo nước chủ nhà đã cho phép họ dùng hộ chiếu ngoại giao do bị gây áp lực.
Phái đoàn Trung Quốc tham dự PIF năm nay do Đại sứ Trung Quốc tại Fiji Du Qiwen dẫn đầu. Sau khi từ chối cho đại diện Trung Quốc phát biểu trước, ông Waqa giải thích các bộ trưởng được ưu tiên phát biểu thay vì các nhà ngoại giao.
Nauru không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và là một trong số ít quốc gia ở Thái Bình Dương công nhận Đài Loan.
Hồi năm 2017, một phái đoàn Trung Quốc cũng nổi giận tại lễ khai mạc một hội nghị về xung đột kim cương ở Úc vì phái đoàn Đài Loan được mời tới sự kiện.
Phạm Nghĩa (Theo Reuters)
Theo nld.com.vn
"Nghĩa địa" rác phóng xạ Mỹ rò rỉ Nhiều binh sĩ từng xông pha giữa Thái Bình Dương để giải quyết hậu quả của các vụ thử hạt nhân đang phải vật lộn với nhiều vấn đề sức khỏe Mực nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu đang nhăm nhe nhận chìm hầm rác thải hạt nhân do quân đội Mỹ xây dựng trên cụm đảo...